Ðại diện các trại phong miền bắc Việt Nam
kêu gọi Giáo hội địa phương hợp tác
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðại diện các trại phong miền bắc Việt Nam kêu gọi Giáo hội địa phương hợp tác.
Hà Nội, Việt Nam (UCAN - VT01678.1425 Ngày 29-12-2006) -- Các nhân viên và bệnh nhân từ các trại phong ở miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên đến thăm các nhân viên Giáo hội Công Giáo, và thúc giục họ tăng cường chăm sóc cho những bệnh nhân phong.
Hôm 21-12-2006, khoảng 30 viên chức, điều dưỡng và bệnh nhân phong hay bệnh Hansen, đã thăm Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội và ban giám đốc Ðại Chủng viện Thánh Giuse trong thủ đô.
Họ đến từ sáu trại phong ở miền bắc Việt Nam đến chúc mừng Giáng Sinh và tặng hoa, bộ bình uống trà và phích nước.
Sáu trại phong gồm Trại phong Ba Sao ở tỉnh Hà Nam, Chí Linh ở tỉnh Hải Dương, Phú Bình ở tỉnh Thái Nguyên, Qủa Cảm ở tỉnh Bắc Ninh, Quốc Oai ở tỉnh Hà Tây và Vân Môn ở tỉnh Thái Bình. Tất cả đều cách Hà Nội từ 50-120 kilômét.
Trước khi ăn trưa tại đại chủng viện, bác sĩ Bùi Huy Thiện, giám đốc trại phong Vân Môn, bày tỏ lòng biết ơn của phái đoàn đối với các nhân viên Giáo hội đã hết lòng phục vụ và mang đến niềm vui cho các bệnh nhân và con cái họ. Ông nói với các lãnh đạo Giáo hội: "Ban giám đốc và bà con bệnh nhân của các trại phong mong muốn các vị cử thêm chủng sinh đến phục vụ tại các trại phong nhiều hơn và lâu hơn trong những năm tới".
Một bệnh nhân phong sống ở Phú Bình cho biết các bệnh nhân ở đó muốn các chủng sinh thường xuyên đến thăm, nhất là trong những tháng hè. Ông thừa nhận họ đã nhận được nhiều hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các nữ tu, linh mục và chủng sinh.
Ông nói thêm: "Tất cả bệnh nhân muốn gặp các chủng sinh. Sự phục vụ của các thầy làm cho các cụ cảm thấy bớt cô đơn và bất hạnh, và trẻ em học hỏi những điều tốt đẹp".
Cha Lôrensô Chu Văn Minh, giám đốc đại chủng viện, nói với phái đoàn rằng nhân viên y tế và chủng sinh "nên làm việc chung với nhau để chữa lành các vết thương thể xác và tinh thần cho các bệnh nhân". Ngài cám ơn các vị khách về những việc họ làm cho các chủng sinh của ngài. Ngài giải thích, khi phục vụ bệnh nhân "các chủng sinh cũng có thể học được những điều giá trị cho đời sống linh mục của họ sau này".
Ðức cha Kiệt nói với UCA News rằng chuyến viếng thăm đầu tiên này cho thấy hai bên "hiểu nhau và muốn tích cực hợp tác cải thiện đời sống của bệnh nhân phong, về mặt vật chất và tinh thần".
Ngài cho biết, phái đoàn đã có thông tin phản hồi tích cực về các hoạt động mục vụ trong mùa hè của các chủng sinh tại các trại phong này tháng 7 năm 2006. Ngài cũng cám ơn các nhân viên trại phong về sự hợp tác của họ, mà nếu không có sự hợp tác của họ "chúng tôi chắc đã không làm được gì".
Theo vị lãnh đạo Giáo hội, với sự hỗ trợ của các nhân viên này các linh mục và chủng sinh có thể dễ dàng viếng thăm và phục vụ bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Ngài cho biết, năm tới (2007) Giáo hội địa phương sẽ cử 100 chủng sinh đến phục vụ tại các trại phong từ tháng 6-8/2007. Ngài lưu ý, trước đây có 50 chủng sinh làm việc tại các nơi này trong một tháng.
Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khiêm, chủng sinh năm thứ ba phục vụ tại Vân Môn năm 2005, cho UCA News biết thầy và các chủng sinh khác chăm sóc các bệnh nhân yếu ớt, và dạy hát, trò chơi, tiếng Anh và các môn học khác cho con cái của bệnh nhân đang phục hồi sức khỏe.
Theo thầy Khiêm, ban giám đốc chủng viện đã cải tiến phương pháp đào tạo bằng cách sai chủng sinh đến phục các giáo xứ và các trung tâm dành cho người kém may mắn, như là một phần trong các hoạt động mục vụ mùa hè. Các hoạt động đó tạo cơ hội "củng cố ơn gọi linh mục của chúng tôi và tiếp cận người nghèo, bệnh nhân phong và người khuyết tật".
Ðức cha Kiệt cho biết, trong mùa Giáng sinh người Công giáo ở các giáo xứ địa phương và chủng sinh đã viếng thăm các trung tâm của nhà nước dành cho trẻ em khuyết tật, người cao tuổi và trẻ mồ côi để tặng quà, tổ chức văn nghệ và kể chuyện Giáng sinh. Ngài mô tả việc làm này là cách đáp ứng cụ thể thư mục vụ "Yêu thương và Phục vụ", do các giám mục Việt Nam phát hành tại cuộc họp thường niên hồi tháng 9 năm 2006.
UCAN