Nhân Vật You của Năm 2006
và vai trò của Internet trong giới trẻ ngày nay
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Nhân Vật You của Năm 2006 và vai trò của Internet trong giới trẻ ngày nay.
Saigòn, Việt Nam (4/01/2007) - Trong giải túc cầu Hoàng gia Thái Lan năm 2006, đội tuyển Việt Nam lần nữa lại thất bại trước đội chủ nhà. Nhưng may thay, tờ Bangkok Post đã kịp tuyên dương Việt Nam từ đôi ba ngày trước, một bàn thắng vẻ vang về Công Nghệ Thông Tin của Việt Nam so với Thái Lan. (theo báo Tuổi Trẻ 29/12/2006)
Lý giải cho nhận định này, Bangkok Post nhắc đến chiến tích của Việt Nam qua việc Công ty Intel xây dựng tại đây, một nhà máy lắp ráp, kiểm định "chip" bán dẫn, cùng với số lượng 14 triệu công dân mạng, trong khi Thái lan chỉ có 8.42 triệu công dân mạng, bị cho là vì ảnh hưởng những tác động tiêu cực của cuộc đảo chánh quân sự và những rối loạn chính trị mới đây. Như thế, hiện tại Việt Nam có đến gần 18% dân số sử dụng internet, trong đó chiếm đến 80% giới trẻ, đồng thời con số ấy còn vẫn đang tiếp tục tăng lên không ngừng.
Năm qua (2006), trong nước cũng nhộn nhịp phát triển các trang blog, nhật ký mạng, mà đa phần các blogger thuộc giới trẻ. Chính hình thức mới này đã góp phần đáng kể vào đệ tứ quyền của công dân, trong khi mạng lưới thông tin báo chí, radio, truyền hình hoàn toàn do nhà nước sở hữu, độc quyền thao túng. Có những phản hồi từ các blog được báo giới quan tâm, song cũng có nhiều điều báo giới lờ đi, không đả động, vì va chạm những vấn đề nhạy cảm.
Một nhà giáo tích cực chống tha hóa, gian lận thi cử, bị trù dập, lập tức được quần chúng mở ngay một trang Web riêng, để rộng đường dư luận. Một số chuyện lôm côm khi tổ chức hội nghị APEC cũng được tung lên mạng, cho bàn dân thiên hạ biết tỏ hậu trường. Hay gần đây, một quan chức của Bộ GD ÐT phát ngôn bừa bãi, liền bị dư luận gay gắt chỉ trích, phải vội vàng xin lỗi...
Như thế, chẳng ai ngạc nhiên cho lắm, khi tờ báo Time chọn nhân vật trong năm 2006 là You, là chính Bạn, là công dân mạng, là những người đang dùng cái ảo để nói lên cái thực, là những người đang làm cuộc cách mạng lật đổ ngoạn mục cái thế độc quyền thông tin của báo giới, không chỉ bằng văn bản chữ nghĩa, mà còn bằng cả âm thanh, lẫn hình ảnh màu sắc chân thật.
Mộtt nghiên cứu với 10,000 người ở chín nước, do Accenture công bố vào mùa hè năm 2006, nói 56% người dưới 24 tuổi muốn tự tạo và chia sẻ nội dung của họ, và 44% trong nhóm này thích xem video trên mạng hơn là trên Tivi. Tại Anh quốc, cơ quan quản lý Ofcom cho biết hồi tháng Tám rằng trung bình, lớp người 15-24 tuổi xem Tivi ít hơn một tiếng so với người bình thường. Internet nay đóng vai trò lớn hơn, và lớp người này cũng ít nghe radio và đọc báo. (Theo BBC)
Trước xu thế ấy, BBC đã quyết định bỏ đi 2 buổi phát thanh, vào sáng Thứ Bẩy và Chúa Nhật trong năm 2007 này, để dồn sức đầu tư thêm vào trang web Việt ngữ của đài.
Tuy nhiên tại Việt Nam, giới phụ huynh thuộc thế hệ 4X, hay 5X hình như vẫn còn thờ ơ, bàng quan trước trào lưu công nghệ tân kỳ này, mà cứ nghĩ đó là chuyện viễn vông tầm phào! Họ dửng dưng làm lơ, như không cần biết đến nhu cầu, cũng như khuynh hướng chuộng cái mới lạ, hấp dẫn của giới trẻ, hoặc nhắm mắt, làm ngơ, bỏ mặc cho con cái đơn phương, tự bơi lấy trong thế giới "mạng" vàng thau lẫn lộn, nhiễu nhương bao giá trị ảo và thực này.
BomBo