Sinh Viên Công Giáo Huế Học Hỏi, Ðào Sâu

Và Trao Ðổi Về Chủ Ðề Lương Tâm

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Sinh Viên Công Giáo Huế Học Hỏi, Ðào Sâu Và Trao Ðổi Về Chủ Ðề Lương Tâm.

Huế, Việt Nam (17/12/2006) - Giữa tiết trời mùa Ðông nhiều mưa và rét lạnh của xứ Huế, trưa Chúa Nhật 17-12-2006, đã có trên 500 Sinh viên Công Giáo tìm về Tu Viện Dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng, 483 Chi Lăng Huế, nằm cách trung tâm Thành Phố chừng 4 km, để tham dự cuộc gặp gỡ Mùa Vọng và cùng giúp nhau chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh. Ðược biết Cộng Ðoàn Con Ðức Mẹ Ði Viếng đã nhiều lần đón tiếp sinh viên Huế, nhưng đặc biệt lần này, chính một nữ tu của dòng là chị Madalena Nguyễn thị Xuân Thuỷ vừa tốt nghiệp Khoa Tu Ðức tại Roma và Pháp sẽ thuyết trình về đề tài Lương tâm, một đề tài rất thiết thực và cập nhật với hoàn cảnh đổi mới của Quê Hương.

Chị Xuân Thủy mở đầu bài nói chuyện bằng một ghi nhận thực tế về lương tâm: "Dù có niềm tin hay không, mỗi người đều khám phá trong tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện và tránh xa điều ác."

Nữ tu thuyết trình viên cũng giúp cử tọa nhận ra được một thực tế khác nữa là lương tâm được đặt ra ở đây là lương tâm của con người, một thụ tạo tự do, nên nó vẫn luôn có thể bị biến chất do những ảnh hưởng xấu của môi trường sống và cám dỗ tội lỗi. Chính vì vậy mà cần phải đặt nặng công tác huấn luyện lương tâm bằng cầu nguyện, xét mình hằng ngày, bằng nỗ lực tìm hiểu học hỏi và tập sống theo những chuẩn mực đạo đức bền vững đặt nền tảng trên Thánh Ý Thiên Chúa được tỏ hiện qua Luật tự nhiên, qua các Giới Răn cũng như qua Thánh kinh, qua Giáo Huấn của Giáo Hội.

Tiếp sau phần trình bày ngắn gọn, nhưng sống động và súc tích của chị Xuân Thủy, các sinh viên chia thành nhiều nhóm nhỏ để thảo luận về một số câu hỏi cụ thể liên quan đến cuộc sống sinh viên như sau:

1- Hôm nay có chăng những dối trá được xem như "bình thường"? ví dụ cần phải "dối trá" để thi đậu, để có việc làm, để có lợi lộc, để lên cấp bậc... Bạn nghĩ sao?

2- Cuộc sống chúng ta luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa hoặc phải thỏa hiệp với sự dối trá, hoặc phải can đảm chọn theo sự sáng của chân lý? Bạn thường theo sự chọn lựa nào?

3- Ðể có được lương tâm ngay chính, bạn thấy mình cần phải làm gì?

4- Muốn thành thật với người, cần phải thành thật với chính mình. Tại sao? Ðâu là ý kiến của bạn?

Chị Lucia Lê thị Diệu Nga sinh viên năm 3 nhóm Sinh - Lý - Hóa cho rằng gian lận là đồi trụy văn hóa, chị nói: Ðể chống lại chúng ta cần phải tuân theo tiếng lương tâm và biết suy nghĩ để rồi cầu nguyện trước khi hành động.

Một bạn sinh viên ngoài Công Giáo đến từ khoa Sử, chuyên ngành Tôn Giáo của trường Ðại học Huế, đã phát biểu trong phiên hội thảo nhóm rằng hôm nay trong xã hội vẫn còn những chuyện như gian dối trong buôn bán, làm sai hóa đơn, báo cáo láo...Vì vậy, con người dễ quen với những phán đoán theo lương tâm chủ quan sai lầm, thậm chí là không thể nhận ra đâu là cách sống tự nó tốt hay xấu nữa...

Anh Phaolô Nguyễn Dũng đại diện nhóm Toán Tin thì cho rằng giữa cuộc sống còn nhiều ích kỷ, ganh đua theo xu hướng hưởng thụ hôm nay, chúng ta không nên buông mình chạy theo trào lưu, nhưng phải tập thói quen trở về với chính mình trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta từ đáy lương tâm.

Chị Anna Nguyễn thị Hồng Ðiệp sinh viên năm 2 khoa Văn cho biết: không ai có thể chạy trốn được tiếng lương tâm. Hồng Ðiệp kể rằng có một lần chị đem tài liệu vào phòng thi và mặc dù không bị giám thị phát hiện, nhưng kể từ đó đến nay chị luôn cảm thấy xấu hổ và ray rứt lương tâm.

Phần đúc kết đã diễn ra khá sôi nổi. Theo nhận định chung, trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều gian tham và dối trá hiện nay, giữ được một lương tâm "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng, Ðó phải là một nỗ lực chiến đấu cam go và lâu dài. Ban chủ tọa cũng đã lưu ý sinh viên rằng chân lý không luôn là sự thật của đám đông hay của đa số và mỗi người cần phải huấn luyện cho mình một lương tâm ngay chính. Bởi vì, chính con người có trách nhiệm cải tạo xã hội đúng với những đòi hỏi của lương tâm, chứ không có quyền buông xuôi để lương tâm mình bị chết chìm trong tệ nạn xã hội.

"Cũng thật may mắn cho cho chúng ta - Linh mục đặc trách sinh viên Huế nói - Xã hội Việt Nam hôm nay đang nghiêm chỉnh đặt ra vấn đề giáo dục với dạy thật, học thật, thi thật và những bằng cấp thật."

Sau khi khảo sát 1,827 sinh viên của 12 trường Ðại học và Cao Ðẳng, Thanh tra của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo đã cho biết kết quả: có 89% sử dụng tài liệu trong phòng thi; 42% quay cóp, sao chép luận văn, đồ án; 36% xin điểm mua điểm; 21% thi hộ, thi kèm. Báo Tuổi trẻ ngày 12-11-2006 đã đăng tải lời phát biểu của Giáo sư Tiến Sĩ Trần Ngọc Ðường, phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội liên quan đến tệ nạn chạy điểm, chạy bằng cấp, chạy trường này như sau: "Nói không với tiêu cực chưa phải là giải pháp căn bản. Ðó không phải là mấu chốt để chấn hưng nền giáo dục của Việt Nam. Phải nhấn mạnh đến đạo đức nghề nghiệp của người thầy". Nghĩa là phải huấn luyện lương tâm của thầy cô giáo.

Trong giờ Tĩnh Nguyện cuối ngày trước Thánh Thể, Linh mục Alphonso Nguyễn hữu Long, giáo sư Ðại chủng viện Xuân Bích Huế, đã mời gọi các bạn sinh viên đi vào chiều sâu tâm hồn của mình để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa với quyết tâm sống đạo theo tinh thần Thư Mục Vụ 2006 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam..

Bầu khí tĩnh lặng của màn đêm đang buông xuống đưa mỗi người về lại với chính mình. Lời cầu nguyện tâm thành đan chen Lời Thánh Ca dìu dặt vang lên trong ánh nến lung linh như khơi dậy và làm sống mạnh lại lương tâm của người sinh viên công giáo: "Con phải làm gì? Con phải làm gì? Thì lạy Chúa xin Ngài phán đi!" khởi hứng từ đọan Tin Mừng Luca 3,10-18

Vâng. Lạy Chúa, con phải làm gì trong bối cảnh xã hội hôm nay? trong môi trường học đường mà chúng con đang sống, trước vô vàn cạm bẩy, cám dỗ và cùng với những vất vả, yếu đuối của bản thân con?

Phát biểu cảm tưởng cuối ngày trước lúc chia tay, nữ tu M. Pauline Thêrêsa Nguyễn thị Diệu Cảnh, bề trên dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng Huế, đã nói lên tâm tình tri ân chân thành về bầu khí trẻ trung mà cộng đoàn đã nhận được từ các bạn sinh viên qua lần gặp gỡ này. "Thật đáng vui mừng, chị nói -, vì Giáo Hội vẫn còn những người trẻ, những con tim rộng mở, những tâm hồn quảng đại bước theo Chúa Giêsu và đón nhận chân lý của Ngài." Tuy nhiên, Chị cũng nhắc nhở các anh chị sinh viên hãy nỗ lực lớn lên cách tòan diện về cả tri thức lẫn đạo đức, bởi vì như Rabelais - một triết gia Pháp - đã nói: "Khoa học không có lương tâm chỉ là phá hoại."

 

Ngọc Giao

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page