Những giải thích của ÐTC Bênêđitô XVI
về Mầu Nhiệm Giáng Sinh
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những giải thích của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Mầu Nhiệm Giáng Sinh.
(Radio Veritas Asia - 28/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Sáng Thứ Tư, ngày 27 tháng 12 năm 2006, đùng ngày lễ kính Thánh Gioan Tông Ðồ, Ðức Thánh Cha có buổi tiếp kiến chung và đã dành trọn bài huấn đức của ngài để nói về ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị theo dõi bài huấn đức này. Ðức Thánh Cha mở đầu bài huấn đức như sau:
Anh chị em thân mến,
Cuộc gặp gỡ hôm nay diễn ra trong bầu khí giáng sinh thấm đượm niềm vui sâu xa vì Ðấng cứu thế giáng trần. Cách đây vài ngày, chúng ta đã cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh mà trong những ngày này dư âm còn kép dài trong phụng vụ. Ðây là mầu nhiệm ánh sáng mà con người thuộc mọi thời đại có thể sống lại trong đức tin. Vang lên trong tâm hồn chúng ta những lời của thánh sử Gioan, mà vào đúng ngày hôm nay chúng ta mừng lễ; ---- (buổi tiếp kiến diễn ra sáng thứ Tư 27 tháng 12 năm 2006, đúng ngày lễ kính thánh Gioan Tông Ðồ) --- đó là những lời sau đây: "Ngôi Lời đã làm Người và sống giữa chúng ta" (Gn 1, 14). Vậy, trong Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta; Ngài đến vì chúng ta, để ở lại với chúng ta. Một câu hỏi được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo, như sau: Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy? Tại sao Thiên Chúa đã làm người?
Giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên có bài ca của các thiên sứ nơi hang đá Bêlêm: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương" (Lc 2,14). Bài ca của đêm giáng sinh, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa, đã từ lâu trở nên thành phần của Phụng Vụ, cũng như ba bài ca khác nữa của tân ước, liên quan đến Giáng Sinh và tuổi Thơ của Chúa Giêsu: đó là các bài ca sau đây: bài ca Chúc Tụng Thiên Chúa của ông Zaccaria, bài ca Magnificat, Ngợi Khen Thiên Chúa của Mẹ Maria, và bài ca Nunc Dimittis của tiên tri Simêon. Ba bài ca này được đưa vào trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối. Nhưng bài ca Vinh Danh Thiên Chúa thì có chỗ đứng riêng biệt của nó trong Thánh Lễ. Tiếp theo những lời của các thiên sứ, và khởi sự từ thế kỷ thứ II, người ta thêm vào những lời chúc tụng như sau: "Chúng con ca ngơi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm ta Chúa vì vinh quang cao cả Chúa"; rồi một thời gian sau, người ta thêm những lời khẩn cầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa là đấng xoá tội trần gian..." cho đến việc lập thành bài ca chúc tụng được cất hát đầu tiên trong Thánh Lễ Giáng Sinh rồi sau đó trong Thánh Lễ của tất cả mọi Lễ Trọng trong Phụng Vụ. Ðược đưa vào trong phần đầu lễ, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa nhấn mạnh đến sự liên tục hiện có giữa Giáng Sinh và cái chết của Chúa Kitô, giữa Giáng Sinh và Phục Sinh, hai khía cạnh không thể nào tách rời của mầu nhiệm cứu rỗi duy nhất.
Phúc âm tường thuật rằng có vô số các thiên sứ hát lên như sau: "Vinh Danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương. Các thiên sứ loan báo cho các mục đồng rằng Giáng Sinh của Chúa là Vinh Quang cho Thiên Chúa trên trời cao thẳm; và là bình an dưới thế cho con người vì được Thiên Chúa yêu thương. Và cũng thật là hợp lúc, khi người ta đặt trên hang đá những lời này của các thiên sứ, để giải thích cho mầu nhiệm giáng sinh, được thực hiện hoàn tất trong hang đá. Từ "Vinh Quang" (Doxa) nói lên sự huy hoàng của Thiên Chúa, Ðấng khơi đậy lời chúc tụng đầy biết ơn của các tạo vật. Sau này, thánh Phaolô tông đồ sẽ nói rằng: chính sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa chiếu toả trên dung mạo của Chúa Kitô" (2 Co 4,6). "Hoà Bình" tổng hợp sự sung mãn các hồng ân thiên sai, tức là ơn cứu rỗi được đồng hoá với chính con người Chúa Kitô, như thánh tông đồ Phaolô đã ghi nhận như sau: "Người là Hoà Bình của chúng ta" (Eph 2,14). Cuối cùng lời kinh Vinh Danh nhắc đến con người như là những kẻ "thiện chí". Từ "Thiện Chí", trong ngôn ngữ thông thường, làm cho ta nghĩ đến "thiện chí" của con người, nhưng ở đây thì lại nghiêng về việc nói đến "ý định tốt lành của Thiên Chúa đối với con người" và "thiện ý" này không bao giờ có giới hạn.
Vậy đây là sứ điệp của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa đã biểu lộ ý muốn tốt lành (thiện ý) của Ngài đối với tất cả mọi người qua việc Chúa Giêsu giáng trần.
Chúng ta trở lại với câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa làm người? Thánh Irênêô đã viết như sau: Ngôi Lời đã trở thành kẻ phân phát Vinh Quang của Thiên Chúa Cha để làm ích cho con người... Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động --- và sự sống con người hệ tại trong việc "nhìn thấy" Thiên Chúa" (ad Her. IV, 20,5.7). Vậy vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ trong ơn cứu rỗi con người, mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi trao ban Con Một, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Con Một này thì không phải chết, nhưng được sống đời đời.". Như thế, tình yêu là lý do cuối cùng của việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Về điểm này, suy tư của Thần học gia H.U. von Balthasar quả thật hùng hồn. Ngài đã viết như sau: "Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, mà chóp đỉnh của tình yêu đó không được thể hiện trong việc giữ lại cho mình những gì thuộc về mình, mà trong việc từ bỏ những điều đó" (trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà chúng ta chiêm ngắm trong hang đá là Thiên Chúa Tình Yêu.
Về điểm này, lời loan báo của các thiên sứ còn vang lên cho chúng ta như là một lời mời gọi: "hãy" chúc tụng Vinh Quang Thiên Chúa trên trời cao, và "hãy" (xây dựng) hoà bình trên mặt đất cho con người được Thiên Chúa yêu thương. Cách duy nhất để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng hoà bình trong thế giới hệ tại trong việc tiếp đón cách khiêm tốn và đầy tin tưởng hồng ân Giáng Sinh: hồng ân tình yêu. Bài ca của các thiên sứ lúc đó trở thành lời cầu nguyện mà chúng ta cần thường lặp đi lặp lại, chớ không phải chỉ trong mùa giáng sinh này thôi. Ðây là bài ca chúc tụng Thiên Chúa trên trời cao và là lời khẩn cầu sốt sắng xin Thiên Chúa ban hoà bình trên thế giới, một lời khẩn cầu được diễn dịch ra trong sự dấn thân cụ thể để xây dựng hoà bình bằng chính đời sống mình. Ðó là dấn thân mà Lễ Giáng Sinh trao phó cho chúng ta.
(Ðặng Thế Dũng)