Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI

vào Trưa Ngày 26 tháng 12 năm 2006

lễ Thánh Têphanô, vị Tử Ðạo Tiên Khởi

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Lời Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI vào Trưa Ngày 26 tháng 12 năm 2006, lễ Kính Thánh Têphanô, vị Tử Ðạo Tiên Khởi.

(Radio Veritas Asia 27/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Vào Trưa ngày 26 tháng 12 năm 2006, đúng ngày lễ kính Thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, Ðức Thánh Cha Bênêđito XVI đã xuất hiện nơi cửa sổ phòng làm việc của ngài, để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trước khi xướng kinh, ÐTC đã nói vài lời huấn đức về mẫu gương tử đạo của thánh Têphanô như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Liền sau lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta cử hành lễ thánh Têphanô, phó tế và là vị tử đạo tiên khởi. Thoạt tiên, việc đem lễ kính thánh Têphanô đến gần bên lễ giáng sinh của Ðấng cứu thế có thể làm ta ngạc nhiên, bởi vì nó làm nổi bật sự đối nghịch giữa một bên là hoà bình và niềm vui Bêlem và bên kia là thảm cảnh Têphanô, bị ném đá tại Giêrusalem, trong lần bách hại đầu tiên chống lại giáo hội đang phát triển. Thật ra, sự đối nghịch này được vượt qua, nếu chúng ta nhìn một cách sâu xa hơn mầu nhiệm giáng sinh. Hài Nhi Giêsu, nằm trong hang đá, là Con Một Thiên Chúa làm người. Người sẽ cứu rỗi nhân loại qua cái chết trên thập giá. Bây giờ, chúng ta nhìn thấy Người vấn trong tấm khăn nằm trong máng cỏ; sau khi chịu đóng đinh, Người sẽ được vấn trong tấm vải liệm và được đặt nằm trong mộ. Không phải là ngẫu nhiên khi nghệ thuật vẽ ảnh giáng sinh đôi khi đã vẽ Chúa Hài Ðồng mới sinh, nằm ngủ trong một quan tài nhỏ, để nói lên ý nghĩa rằng Ðấng cứu thế giáng sinh để chịu chết, giáng sinh để trao ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc tất cả mọi người. Thánh Têphanô là Ðấng đầu tiên đi theo con đường của Chúa Kitô bằng cuộc tử đạo; ngài đã chết, giống như Thầy mình, vừa tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ giết hại ngài (x. Tđcv 7,60).

Trong bốn thế kỷ đầu tiên của kitô giáo, tất cả các vị thánh được giáo hội tôn kính là những vị thánh tử đạo. Ðây là một đoàn đông vô số mà Phụng vụ gọi là "đoàn các vị tử đạo". Cái chết của các ngài đã không gây ra sợ hãi và đau buồn, nhưng sự hăng say thiêng liêng luôn khơi dậïy thêm con số những người kitô mới. Ðối với các tín hữu, ngày qua đời, và hơn thế nữa, ngày chịu tử đạo, không phải là kết cuộc của tất cả mọi sự, nhưng là một "chuyển tiếp" đi về sự sống đời đời, là ngày sinh ra một cách vĩnh viễn, mà bằng tiếng latinh gọi là "dies natalis". Như thế người ta hiểu mối giây liên kết giữa "ngày sinh" (dies natalis) của Chúa Kitô với "ngày sinh" (dies natalis) của Thánh Têphanô. Nếu Chúa Giêsu không giáng sinh trong trần gian này, thì con người có lẽ sẽ không thể sinh ra trên trời. Chính bởi vì Chúa Kitô đã giáng sinh, mà chúng ta có thể "tái sinh"! Mẹ Maria, Ðấng ôm vào lòng Ðấng cứu thế tại Bêlem, cũng đã trải qua cuộc tử đạo nội tâm. Tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa, Mẹ Maria, một lần nữa, được ôm Chúa trong đôi tay Mẹ, sau khi hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá. Mẹ đã biết được niềm vui Chúa Giáng Sinh và nỗi khổ đau do cái chết của Con Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ tất cả những ai bị bách hại và đau klhổ, trong nhiều cách thức khác nhau, để làm chứng và phục vụ Phúc Âm. Với sự gần gủi thiêng liêng đặc biệt, tôi cũng nghĩ đến những người công giáo đang cố gắng duy trì lòng trung thành với ngai toà của thánh Phêrô, mà không chiều theo những thoả hiệp, đôi khi với giá phải trả là những đau thương nặng nề. Toàn thể Giáo Hội khâm phục gương sống của những anh chị em công giáo nầy và cầu nguyện cho họ luôn có sức mạnh để kiên trì, vừa biết rằng những gian nan đau khổ đó là nguồn mạch của chiến thắng, cho dù trong giây phút đó xem ra như là một thất bại.

Một lần nữa xin kính chúc tất cả lễ Giáng Sinh an lành!

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page