Bài phỏng vấn -- Một nữ giáo dân

trở thành 'mẹ' và 'thầy' của tù nhân

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài phỏng vấn -- Một nữ giáo dân trở thành 'mẹ' và 'thầy' của tù nhân.

Yogyakarta, Indonesia (UCAN - IJ01597.1423 Ngày 15-12-2006) -- Một nữ giáo dân "đã về hưu" dạy tiếng Anh bán thời gian cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ trong thừa tác vụ cho nhà tù.

Aloysia Sri Hartini, 64 tuổi, bắt đầu tham gia thừa tác vụ nhà tù năm 2004, theo lời mời của các nữ tu dòng Ða Minh học tiếng Anh với bà. Các nữ tu này tư vấn tinh thần cho các tù nhân tại nhà tù Wirogunan ở Yogyakarta, cách Jakarta 420 kilômét về phía đông nam.

Bà Hartini là quả phụ có ba người con và một người cháu, thuộc Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Baciro.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Ðại học Gadjah Mada ở Yogyakarta, bà dạy tiếng Anh tại một trường hướng nghiệp cho đến khi về hưu năm 2002. Bà tiếp tục dạy học bán thời gian tại một trường đại học khác và cho tám cộng đoàn tu sĩ trong đó có các tu sĩ dòng Ða Minh và Phanxicô.

Trong khi đó, bà là thành viên của nhiều tổ chức trong đó có Hội Phụ nữ Công giáo Cộng hòa Indonesia và là điều phối viên của nhóm trợ giúp các gia đình Công giáo thuộc hạt đại diện tông tòa Yogyakarta. Hạt đại diện này thuộc tổng giáo phận Semarang.

Gần đây UCA News đã phỏng vấn bà Hartini về lý do và làm thế nào bà bắt đầu công việc "mới" này sau khi về hưu. Sau đây là cuộc phỏng vấn:

UCA NEWS: Bà tham gia thừa tác vụ nhà tù khi nào?

Aloysia Sri Hartini: Cách đây hai năm, bắt đầu khi tôi dạy tiếng Anh cho các nữ tu dòng Ða Minh. Nhiều nữ tu đã tham gia thừa tác vụ nhà tù trước đó, và một chị đã hỏi tôi có muốn tham gia cùng họ không. Nữ tu đó nói với tôi: "Cô là một người mẹ và là một giáo viên. Tù nhân thực sự cần người như cô". Lúc đầu tôi không chắc lắm, bởi thừa tác vụ nhà tù thực sự mới đối với tôi, nhưng sau đó tôi đã tham gia".

UCA NEWS: Qua kinh nghiệm làm việc với các tù nhân, theo bà họ cần mẫu người nào?

Aloysia Sri Hartini: Ngoài mẫu người có đức tính của người mẹ, các tù nhân còn cần những mẫu người có đức tính của người cha, người bạn, linh mục và những người mẫu mực. Họ cần những người sẵn sàng lắng nghe họ, nghe những lời họ phàn nàn và hiểu hoàn cảnh của họ. Tù nhân vào tù vì những tội phạm khác nhau. Một số người bị đi tù do cố ý phạm tội, trong khi một số người bị người khác lôi kéo phạm tội. Một số tù nhân phạm tội do chán nản thất vọng. Ðó là lý do các thành viên trong nhóm trợ giúp tù nhân xuất thân từ các tầng lớp khác nhau. Bất kỳ người nào muốn làm công tác này đều được hoan nghênh.

UCA NEWS: Làm thừa tác vụ nhà tù có cần phải có kỹ năng đặc biệt không?

Aloysia Sri Hartini: Về cơ bản không cần một kỹ năng đặc biệt nào. Bất kỳ ai cũng có thể làm công tác này. Nhưng người ta cần được trang bị lòng đạo đức và kiến thức liên quan đến thực tế. Dưới sự giám sát của cha Bernhard Kieser dòng Tên, đứng đầu nhóm chúng tôi, chúng tôi tĩnh tâm một năm hai lần. Trong các cuộc tĩnh tâm, chúng tôi được thông báo về các vấn đề thực tiễn như quy định của nhà tù, những việc nên làm và không nên làm, và tư vấn như thế nào. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng tôi có được từ các cuộc tĩnh tâm là củng cố đời sống đạo đức của chúng tôi, bởi vì chính bầu khí đạo đức này là điều chúng tôi cần chia sẻ với tù nhân.

UCA NEWS: Một tư vấn viên cần chuẩn bị như thế nào khi viếng thăm nhà tù?

Aloysia Sri Hartini: Chúng ta phải biết cách đặt mình ở nơi thích hợp. Chúng ta viếng thăm tù nhân chỉ với tư cách người mẹ, người bố hay người bạn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ vui buồn với họ. Như thế mới có thể giảm bớt gánh nặng cho họ, an ủi họ và xua tan buồn đau và cô đơn của họ, mặc dù không nhiều. Chúng tôi phải tỏ ra ít thân thiện với tù nhân hơn, để tránh bị nghi ngờ có liên quan đến mạng lưới tội phạm. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi.

UCA NEWS: Bà tư vấn cho họ những gì?

Aloysia Sri Hartini: Chúng tôi viếng thăm tù nhân tại Trại Phục hồi Nhân phẩm Wirogunan mỗi thứ Bảy. Chúng tôi mời họ cầu nguyện, suy nghĩ, thảo luận hay suy niệm Lời Chúa và chuẩn bị một số chủ đề. Trong tháng Kinh Thánh là tháng 9 (theo quy định của Giáo hội Công giáo Indonesia), chúng tôi mời tù nhân suy niệm Lời Chúa dựa trên một số chủ đề do tổng giáo phận Semarang đề ra. Chúng tôi còn mời các tù nhân tham dự nghi thức hòa giải vào thứ Tư lễ Tro. Chúng tôi tổ chức lễ Giáng sinh và Phục sinh cho họ.

UCA NEWS: Sao bà muốn tham gia thừa tác vụ này?

Aloysia Sri Hartini: Tôi là một người đã về hưu. Tôi về hưu với tư cách là giáo viên Anh ngữ toàn thời gian tại trường hướng nghiệp Marsudi Luhur năm 2002. Vì thế tôi có thời gian rảnh rỗi, mặc dù tôi vẫn còn dạy tiếng Anh bán thời gian tại một trường đại học tư thục cũng như cho một số cộng đoàn tu sĩ nam nữ ở Yogyakarta. Tôi không muốn nhàn rỗi trong thời gian rảnh rỗi. Tôi muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho tôi hay cho người khác.

Lý do thứ hai đó là tôi thường đến nhà xứ và một số tu viện. Vì thế tôi đang ở trong một bầu khí hết sức đạo đức. Tôi nghĩ bầu khí đạo đức này sẽ lan tỏa nếu tôi chia sẻ với người khác. Các tù nhân cần một bầu khí đạo đức như thế, vì thế tôi nghĩ họ có thể có lợi qua sự hiện diện của tôi. Ðiều đó làm tôi thực sự hạnh phúc nếu sự có mặt của tôi có thể mang lại ý nghĩa cho họ.

UCA NEWS: Bà nghĩ là công việc của mình đã đạt được một số thành công?

Aloysia Sri Hartini: Chúng tôi không đề ra một mục tiêu nào khi làm công tác này. Chúng tôi không có ý định giúp cho họ tốt hơn. Chúng tôi chỉ muốn mình sẵn sàng trở thành công cụ giúp họ gặp gỡ Chúa. Chúng tôi cám ơn Chúa, nếu các tội phạm sau khi được tha, trở thành người tốt. Nhưng chúng tôi không thể làm gì nếu họ vẫn còn là tội phạm. Thực vậy, chúng tôi không có quyền quyết định cuộc đời của họ.

UCA NEWS: Bà có dự định tiếp tục làm thừa tác vụ này mãi không?

Aloysia Sri Hartini: Nhiều người xem tù nhân là người xấu, tàn bạo và kinh sợ. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tôi cảm thấy thoải mái bên họ. Tôi không sợ chút nào. Họ cũng là con người, như những người bên ngoài nhà tù. Một số tù nhân thậm chí rất hiền lành. Ðiều duy nhất đó là họ đã lâm vào cảnh rắc rối và phải đối đầu với pháp luật.

Thừa tác vụ nhà tù chưa bao giờ làm tôi phiền lòng. Mặt khác, tôi cảm thấy đức tin của mình mạnh mẽ hơn. Tôi thực sự thích công việc này. Tôi sẽ tiếp tục phục vụ tù nhân đến khi nào Chúa muốn tôi nghỉ làm.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page