Cái chết của ông Piergiorgio Welby

đã dẫn đến nhiều tranh luận trong giới luật gia

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Cái chết của ông Piergiorgio Welby, người Italia, đã dẫn đến nhiều tranh luận trong giới luật gia.

Tin Italia (Vat 22/12/2006) - Ông Piergiorgio Welby, người Italia, 61 tuổi, đã 10 năm nay nằm trên giường bệnh, vì triệu chứng cơ thể mất năng lực dinh dưỡng (muscular dystrophy), đã qua đời vào tối ngày 20 tháng 12 năm 2006, sau khi bác sĩ của ông đã chấm dứt sử dụng các dụng cụ trợ giúp hô hấp cho ông. Cái chết của ông Piergiorgio Welby đã dẫn đến nhiều tranh luận trong giới luật gia Italia cũng như trong giới thần học luân lý của giáo hội Công Giáo.

Từ năm 1977, ông Piergiorgio Welby, vì mắc phải triệu chứng cơ thể thiếu năng lực dinh dưỡng, nên phải dựa vào các máy trợ giúp hô hấp để sống. Vào tháng 9 năm 2006, ông viết thư gửi tổng thống Italia xin cho ông được phép chết một cách yên lành. Ông cũng đã viết thư gửi Tòa Án Rôma xin được phép chấm dứt điều trị. Tòa án đã từ chối đơn xin của ông và không phê chuẩn cho ông được ngưng trị liệu. Các viên chức cao cấp của Bộ Y Tế Italia cũng tuyên bố rằng các trị liệu cho ông Piergiorgio Welby là chính đáng và cần thiết. Nhưng bác sĩ của ông Piergiorgio Welby, là Dr Mario Riccio, đã cho ngưng các dụng cụ trợ giúp hô hấp, lấy lý do rằng, đây không phải là trường hợp "làm cho chết êm dịu" nhưng là bệnh nhân từ chối trị liệu. Ðược biết Luật pháp Italia cho phép bệnh nhân có quyền từ chối các trị liệu không chính đáng hay vô lối không cần thiết. Sự việc này đã gây nên nhiều tranh luận tại Italia và trên thế giới.

Ðức Tổng Giám Mục Elio Sgreccia, Viện Trưởng Khoa Sự Sống thuộc Trường Ðại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Roma đã phát biểu về vấn đề này như sau: Sự việc của ông Piergiorgio Welby từ lâu này đã là một đề tài gây nhiều tranh luận, vì đây cũng là một vấn đề có tính chính trị. Xét theo phương diện luân lý, những công việc trị liệu cho ông Piergiorgio Welby từ bấy lâu nay không thể gọi là những trị liệu không chính đáng hay vô lối, điều này một lần nữa cần phải nhấn mạnh rõ. Những phương pháp để trị liệu cho ông Piergiorgio Welby từ lâu nay là do các học giả y khoa thuộc hiệp hội hợp tác nghiên cứu và điều trị quyết định sau khi đã thảo luận chung. Hơn nữa, những phương pháp sử dụng để điều trị cho ông Piergiorgio Welby là những công việc rất bình thường đối với mọi bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân mắc phải những triệu chứng này đều chấp nhận và hy vọng để được điều trị theo như những phương pháp như thế. Nhưng đối với trường hợp của ông Piergiorgio Welby, thì ông đã từ chối để được tiếp tục điều trị. Hiến pháp của Italia cho phép bệnh nhân được quyền từ chối trị liệu, tuy vậy, luật pháp hiện hành vẫn còn thiếu những điều luật chi tiết để áp dụng trong từng hoàn cảnh thực tế. Xét theo phương diện luân lý, từ chối để được điều trị là một điều không đúng, nhưng khi bệnh nhân nhất quyết từ chối thì lại không thể miễn cưỡng ép buộc bệnh nhân được. Ðương nhiên cũng cần phải điều tra lại kỷ càng hành động của vị bác sĩ đã rút các dụng cụ trợ giúp hô hấp khỏi ông Piergiorgio Welby, vì chúng ta không biết rõ được khi bệnh nhân yêu cầu rút các dụng cụ trợ giúp hô hấp có phải là do chính ông đã không chịu nỗi với những trị liệu này không, nếu như thế thì xét trên phương diện luân lý có thể chấp nhận được. Nhưng nếu bệnh nhân chỉ vì những lý do chính trị mà quyết định ngưng các trị liệu, với mục đích muốn hợp pháp hóa sự việc này như một cách thức "làm cho chết êm dịu", nếu như vậy thì sự việc này được đặt chung với các hoạt động của những nhóm chính trị đang đòi hỏi để hợp pháp hóa sự việc làm cho chết êm dịu, và yêu cầu của bệnh nhân này chỉ như là một mục đích muốn làm có lợi cho những chủ trương của đảng phái của ông.

Ðương nhiên, khi cứu xét sự việc này, thì cũng cần phải cứu xét lại hai vấn đề: là những điều trị cho ông Piergiorgio Welby có phải là những điều trị không chính đáng hay vô lối không cần thiết không; và có phải thực sự là do chính ông đã từ chối để được tiếp tục trị liêu không. Những sự việc này cần phải làm rõ ràng không những xét trên phương diện luân lý mà còn trên phương diện luật pháp nữa. Bởi vì trên phương diện luân lý, cần phải biết rõ trong những trường hợp nào thì bệnh nhân có thể hợp lý để từ chối được điều trị, và trong những trường hợp nào thì bác sĩ có thể chấp nhận những từ chối trị liệu của các bệnh nhân. Pháp luật cũng cần phải làm rõ ràng là một khi bệnh nhân từ chối để được điều trị thì phải xứ lý như thế nào.

 

(Joseph Trương)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page