Những Suy Tư của ÐTC Bênêđitô XVI

vào lúc sắp kết thúc Mùa Vọng 2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Suy Tư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI vào lúc sắp kết thúc Mùa Vọng 2006.

(Radio Veritas Asia 21/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Thứ Tư, ngày 20 tháng 12 năm 2006, là thứ Tư cuối cùng của Mùa Vọng năm 2006. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã dành trọn bài huấn đức của ngài trong Buổi Tiếp Kiến Chung, để chia sẻ những suy tư của ngài vào lúc sắp kết thúc Mùa Vọng. Kính mời quý vị và các bạn theo dõi những suy tư này:

 

Anh chị em thân mến,


Cây Noel trước Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma đã được bật đèn sáng rực trong một nghi thức đơn sơ vào chiều thứ Tư, ngày 20 tháng 12 năm 2006, với sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục Gioavanni Lajolo - chủ tịch quản trị thành phố Vatican, và một vài viên chức chính quyền địa phương ở Rôma. Cây Noel này cao 100 feet (khoảng 35 mét), nặng 9 tấn, và được biếu tặng Tòa Thánh bởi những người dân Âu Châu ở miền Calabria. Cây Noel này đã được di chuyển tới Vatican bằng Xe Tải và Trực Thăng, và đã được dựng lên tại Quảng Trường trước Ðền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Tư, ngày 13 tháng 12 năm 2006.


"Chúa gần bên: anh chị em hãy đến, và chúng ta cùng nhau thờ lạy Ngài!" Với lời này, Phụng Vụ mời gọi chúng ta, trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, hãy tiến lại gần bên hang đá Bêlem, nơi đã được thực hiện biến cố phi thường thay đổi dòng lịch sử: đó là biến cố Ðấng Cứu Thế giáng sinh. Trong đêm giáng sinh, chúng ta sẽ dừng lại, một lần nữa, với tâm hồn đầy khâm phục trước máng cỏ để chiêm ngắm "Ngôi Lời Thiên Chúa làm Người". Những tâm tình vui mừng và biết ơn, như mọi năm, lại xuất hiện trong chúng ta, khi lắng nghe những bài ca Giáng Sinh bằng biết bao ngôn ngữ hát mừng biến cố lạ lùng ngọai thường. Ðấng Tạo Dựng vũ trụ đã đến vì tình thương để cư ngụ giữa loài người. Trong thư gởi giáo đoàn Philiphê, Thánh Phaolô quả quyết rằng Chúa Kitô "dù là Thiên Chúa, nhưng không giữ lấy thân phận ngang hàng Thiên Chúa; mà ngược lại đã cởi bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ và trở nên giống với con người chúng ta" (2,6). Thánh Phaolô còn viết thêm rằng Người xuất hiện trong dung mạo con người, trong sự khiêm tốn tự hạ. Trong Lễ Giáng Sinh thánh, chúng ta sẽ sống lại biến cố thực hiện mầu nhiệm cao cả này, mầu nhiệm của ân sủng và của lòng nhân từ.

Thánh Phaolô còn nói thêm như sau: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai đến Con Một Ngài, sinh ra dưới lề luật, để chuộc lại những ai sống dưới lề luật, ngõ hầu chúng ta được Thiên Chúa Cha nhận làm con cái Ngài." (Gal 4,4-5). Thật vậy, từ bao thế kỷ, Dân được Thiên Chúa Tuyển chọn chờ đợi Ðấng Thiên Sai, nhưng họ tưởng nghĩ Ðấng Thiên Sai đó như là Ðấng quyền năng và là kẻ chiến thắng, đủ sức giải phóng dân chúng thoát khỏi cảnh áp bức của ngoại bang. Nhưng ngược lại, Ðấng Cứu Thế giáng sinh trong thinh lặng và trong sự nghèo cùng tột độ. Người đến như là ánh sáng để chiếu soi mọi người --- tác giả phúc âm theo thánh Gioan đã ghi nhận như vậy --- "nhưng những người thân không nhìn nhận Người" (Gn 1.9.11). Tuy nhiên Tông Ðồ Gioan nói thêm: "những ai chấp nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên những con cái của Thiên Chúa" (Gn 1, 12). Ánh sáng được hứa trước, nay chiếu toả trong tâm hồn của những ai kiên trì trong thái dộ chờ đợi tỉnh thức và bằng việc làm.

Phụng vụ Mùa Vọng khuyến khích chúng ta sống thanh đạm và tỉnh thức, để không làm cho mình trở nên nặng nề vì những tội lỗi và vì những bận tâm thái quá về việc thế trần. Chình nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, mà chúng ta có thể nhìn nhận và tiếp đón ánh quang giáng sinh của Chúa Kitô. Thánh Massimo thành Torinô, giám mục sống thời cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ V, trong một trong số các bài giảng của ngài, đã nói như sau: "Thời gian cảnh báo cho chúng ta rằng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô đã gần bên. Thế gian cùng với những lo âu của nó, nói lên rằng có điều gì đó sắp xảy ra để canh tân thế gian; với thái dộ nôn nóng chờ đợi, thế gian ước mong ánh sáng của mặt trời chói sáng được chiếu toả trong bóng tối... Sự chờ đợi của tạo vật thuyết phục cả chúng ta đây hãy chờ đợi mặt trời mới, là Chúa Kitô, mọc lên (disc. 61a,1-3). Chính tạo vật hướng dẫn chúng ta đến việc khám phá và nhìn nhận Ðấng phải đến.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: nhân lọai của thời đại chúng ta đây có còn chờ Ðấng Cứu Thế hay không? Người ta có cảm tưởng rằng nhiều người nhìn Thiên Chúa như là Ðấng xa lạ với những quan tâm riêng của họ. Dường như họ không còn cần đến Thiên Chúa nữa! Họ sống dường như thể Ngài không hiện hữu, hoặc tệ hơn, dường như thể Ngài là trở ngại cần được cắt bỏ đi, để con người thực hiện chính mình. Và cả giữa những anh chị em tín hữu --- chúng ta biết chắc chắn điểm này --- có một số người bị thu hút bởi những ảo tưởng và bị lo ra bởi những giáo lý ngoại lai, đề nghị những con đường tắt tạm bợ để được hạnh phúc. Nhưng dù với những mâu thuẫn, những lo âu và những thảm kịch của mình, --- và cả nhờ qua những điều đó, --- mà nhân loại ngày nay đi tìm con đường canh tân, con đường cứu rỗi, đi tìm Ðấng Cứu Thế và chờ đợi, cho dù không ý thức đủ, Ðấng cứu thế ngự đến để canh tân thế giới và đời sống chúng ta, chờ đợi Chúa Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất của con người và của trọn cả con người.

Chắc rằng những tiên tri giả tiếp tục đề nghị "sự cứu rỗi" với "giá rẻ", một sự cứu rỗi cuối cùng dẫn đến những thất vọng. Lịch sử của 50 năm gần đây cho chúng ta thấy con người đang đi tìm "Ðấng Cứu Thế" với giá rẻ này, và cho chúng ta thấy rõ tất cả những thất vọng phát sinh từ đó. Bằng chứng tá đời sống, những người kitô chúng ta có trách vụ phổ biến sự thật của lễ Giáng Sinh mà Chúa Kitô mang đến cho từng người thiện chí nam nữ. Khi sinh ra trong sự nghèo cùng của hang dá, Chúa Giêsu đến cống hiến cho tất cả mọi người niềm vui và hoà bình có thể thoả mãn sự chờ đợi của tâm hồn con người.

Nhưng thử hỏi phải làm sao để chuẩn bị chúng ta biết mở rộng tâm hồn rước Chúa ngự đến? Thái độ thiêng liêng của việc chờ đợi trong tỉnh thức và cầu nguyện là đặc điểm căn bản của người kitô trong Mùa Vọng. Ðây là thái độ nổi bật của những nhân vật thời đó: của Ông Zaccaria và Bà Elisabeth, của các mục đồng, của các Ðạo Sĩ, của người dân đơn sơ và khiêm tốn. Nhất là thái độ chờ đợi của Mẹ Maria và thánh Giuse. Hơn mọi người khác, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đích thân cảm nghiệm những tâm tình lo lắng và run sợ đối với Con Trẻ sắp được sinh ra. Thật không khó để nghĩ ra hai vị đã trải qua những ngày cuối cùng như thế nào, trong khi chờ đợi được ôm con trẻ mới sinh vào lòng. Ước chi thái độ của hai đấng cũng là thái độ của chúng ta, thưa anh chị em thân mến! Về điểm này, chúng ta hãy lắng nghe lời khuyến khích của thánh Massimo, giám mục Torino, vị thánh mà chúng ta vừa nhắc đến trên đây. Ngài đã khuyến khích như sau: "Trong khi chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh của Chúa, chúng ta hãy mặc lại y phục tinh sạch, không tì ố. Tôi muốn nói đến y phục của linh hồn, chứ không nói về y phục của thân xác. Chúng ta hãy mặc lấy không phải những y phục bằng gấm lụa, nhưng bằng những việc lành thánh! Những y phục sang trọng có thể che phủ các phần thân thể, nhưng không làm đẹp lương tâm" (ibidem). Khi sinh ra giữa chúng ta, ước gì Chúa Giêsu Hài Ðồng không gặp thấy chúng ta đang lo ra hoặc thuần tuý lo làm đẹp nhà ở bằng những ánh đèn. Ðúng hơn, chúng ta hãy dọn trong tâm hồn và trong gia đình một chỗ xứng đáng, nơi Chúa Giêsu Hài Ðồng cảm thấy mình được đón tiếp với đức tin và tình thương!

Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria và thánh Giuse giúp chúng ta sống mầu nhiệm Giáng Sinh với sự khâm phục mới và với sự an bình. Với những tâm tình vừa nói, tôi muốn nói lên những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất cho tất cả anh chị em, đang hiện diện nơi đây, và cho những nguời thân của anh chị em, nhất là cho những ai gặp khó khăn hay đang đau khổ trong thể xác cũng như trong tinh thần, được hưởng một Lễ Giáng Sinh thánh thiện và hạnh phúc. Cầu chúc tất cả anh chị em Lễ Giáng Sinh an lành.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page