Bài thuyết trình tại Ðại Học Regensburg
của ÐGH Bênêđictô XVI
được bình chọn là Diễn Văn Của Năm 2006
tại Ðức quốc
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài thuyết trình tại Ðại Học Regensburg của ÐGH Bênêđictô XVI được bình chọn là "Diễn Văn Của Năm 2006" tại Ðức quốc.
Ðức quốc - Tubingen, (18/12/2006) - Ðại học Tubingen tại miền Nam Ðức thuộc phân khoa Hùng Biện đã bình chọn bài thuyết trình của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI - dịp ngài trở về thăm cố hương - tại giảng đường đại học Regensburg vào ngày 12.9.2006 là "Diễn Văn Của Năm 2006" tại Ðức quốc. Ðại học Tubingen đã nêu lý do và đánh giá bài thuyết trình là "tác phẩm xuất chúng" (Meisterhaft Komponierte Rede) nói về mối quan hệ của đức tin và lý trí. Theo phân khoa này thì đó chính là câu trả lời đúng nhất được đặt trên nền tảng tôn giáo cho xã hội thời nay.
Tiếng vọng của bài thuyết giảng này đã trở thành bài học nổi danh cho toàn cầu và trong những tháng vừa qua hàng triệu độc giả đã tìm đọc bài thuyết trình của Ðức Giáo Hoàng trong những trang Internet.
Ðiều đáng tiếc đã xảy ra trong giới Hồi giáo, vì trước khi hiểu được cặn kẽ về nội dung, khối Hồi Giáo đã cuồng tín biểu tình gây bạo động và còn đưa đến án mạng cho những người tu sĩ nam nữ công giáo tại các nước Hồi Giáo. Thí dụ điển hình cho sự cuồng tín này, nhà chính trị lớn của Thổ, ông Ali Bardakoglu, vụ trưởng tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên truyền hình quốc gia tuyên truyền rằng ÐGH Bênêđictô XVI đã xúc phạm đến Hồi Giáo và phải xin lỗi. Ông ta cũng gián tiếp cho biết không muốn đón tiếp ÐGH vào dịp thăm viếng Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 (năm 2006). Ðiều trớ trêu sau này được báo chí Thổ tiết lộ cho biết là ông Ali Bardakoglu chưa đọc bài thuyết trình này, khi tuyên truyền vô căn cớ như thế trước công luận. Cho nên, cũng thật dễ hiểu khi khối đông Hồi giáo cực đoan không có phương tiện theo dõi thông tin, xuống đường biểu tình rầm rộ và điên cuồng ngay cả trước khi bài thuyết trình được dịch sang ngôn ngữ của họ.
Trong bài thuyết trình ngày 12.9.2006, Ðức Giáo Hoàng đã trích dẫn lời văn của hoàng đế Byzantiner là Manuel II Paleologus trong một cuộc tranh luận giữa vị hoàng đế này với một học giả Ba Tư vào thế kỷ XIV: "Hãy chỉ cho tôi thấy Mohamed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của ông ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin ông ta đã rao giảng".
Giới Hồi giáo tại Thổ vẫn mong đợi một lời xin lỗi của Ðức Giáo Hoàng, khi ngài thăm nước Thổ vào tháng 11.2006, nhưng ngài đã không phát biểu gì về vấn đề này, vì ngài đã nói một lần tại Rôma vào ngày 17.9.2006: "Tôi rất tiếc vì những phản ứng tại một vài quốc gia về một vài đoạn trong bài thuyết trình của tôi tại Ðại Học Regensburg, (vì những hiểu lầm) mà đã bị xem là xúc phạm đến tình cảm của những người Hồi Giáo". Tuy nhiên, những ngày tại Thổ, giới nhận định báo chí thay đổi ngay thái độ và khen ngợi về tính khiêm nhường, sự lắng nghe, tâm tình cầu nguyện của ÐGH Bênêđictô XVI trong đền thờ Hồi giáo. Thí dụ, với tựa đề lớn trên trang báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, tờ Hurriyet đã gọi ngài là "Vị Giáo Hoàng khả ái", hoặc có tờ báo dùng luôn tiếng Ý chào đón ngài: "Ben Venuto" (Nhiệt liệt chào mừng).
Bằng phương cách đối thoại chân thành, cộng với một chút tế nhị khôn khéo ÐGH Bênêđictô XVI đã chiếm lại được cảm tình của giới Hồi giáo ngay trong lò lửa của Hồi giáo. Bài thuyết trình tại Ðại Học Regensburg của ÐGH Bênêđictô XVI đã được chọn là "Diễn Văn Của Năm 2006" tại Ðức quốc cũng là một sự chứng minh rất chân thực - tuy đã rất trễ - cho sự nhận định đúng của ÐGH Bênêđictô XVI về tình hình tôn giáo thế giới ngày nay.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn, từ Ðức Quốc