Cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp của ÐTC

cho ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1/1/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Martino chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình mở cuộc họp báo để giới thiệu sứ điệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1 tháng Giêng năm 2007.

Tin Vatican (Vat. Apic 12/12/2006) - Lúc 11 giờ 30 phút trưa thứ Ba, ngày 12 tháng 12 năm 2006, Ðức Hồng Y Martino, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã chủ sự cuộc họp báo để giới thiệu Sứ Ðiệp Hoà Bình của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho ngày Quốc Tế Hoà Bình, mùng 1 tháng Giêng năm 2007. Chủ đề của sứ điệp là: Nhân Vị là Con Tim của Hoà Bình. Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng ÐTC đã ký vào Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 từ điện Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2006.

Theo ngôn ngữ giới thiệu của Ðức Hồng Y Martino, ÐTC đã đề nghị một "môi sinh mới của hoà bình".

Theo Ðức Hồng Y Martino, trong sứ điệp hoà bình của Ðức Thánh Cha, sự thật về con người được đặt vào trong tương quan với một quan niệm mới về "môi sinh của hoà bình".

Ngoài môi sinh thiên nhiên, còn có một môi sinh mà ta có thể gọi là "môi sinh nhân bản"; môi sinh này đôi khi đòi hỏi phải có "môi sinh xã hội". Và điều này kéo theo hệ luận là con người, nếu thật sự quan tâm đến hoà bình, thì phải luôn quan tâm đến những liên hệ hiện có giữa môi sinh thiên nhiên --- tức tôn trọng thiên nhiên --- và môi sinh nhân bản.

Theo Ðức Hồng Y Martino, thì Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong sứ điệp Hoà Bình năm 2007, đã xác định mối tương quan không thể xoá bỏ được giữa hai "loại" hoà bình: hoà bình với thiên nhiên (tôn trọng môi sinh tự nhiên) và hoà bình giữa con người (môi sinh nhân bản). Việc phá hủy môi sinh tự nhiên, việc sử dụng không đúng hoặc một cách ích kỷ những nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ làm phát sinh những đổ vỡ, những xung đột và những chiến tranh. Tất cả những tiêu cực này là hiệu quả của một quan niệm vô nhân đạo về phát triển. Thật vậy, một sự phát triển mà chỉ giới hạn vào khía cạnh kỹ thuật và kinh tế, và lơ là với khía cạnh luân lý và tôn giáo, thì sẽ không thể nào là một sự phát triển toàn diện cho con người, nhưng chỉ là một phát triển phiếm diện, và cuối cùng sẽ đưa đến việc khai triển khả năng hủy diệt con người.

Ðể giới thiệu cho giới báo chí Sứ Ðiệp Hoà Bình của Ðức Thánh Cha cho ngày Quốc Tế Hoà Bình, mùng 1 tháng Giêng năm 2007, Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, đã nói như sau:

"Tôi vui mừng được gặp gỡ quý vị, để giới thiệu sứ điệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho ngày Quốc Tế Hoà Bình năm 2007. Cho dịp cử hành này, ÐTC đã chọn và đề nghị lấy Nhân Vị làm chủ đề để suy tư; Nhân vị này được nhìn như là con tim bơm sức mạnh thực hiện mọi dự án đích thật về hoà bình. Trong khung cảnh của việc cử hành kỷ niệm 40 năm ban hành thông điệp "Phát triển các dân tộc" của Ðức Phaolô VI, và kỷ niệm 20 năm ban hành thông điệp "Mối Quan tâm xã hội" của Ðức Gioan Phaolô II, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cống hiến cho chúng ta một loạt những chỉ dẫn nhắm liên kết sự thật về con người với sự thật về hoà bình, chủ đề của sứ điệp hoà bình năm 2006. Chúng ta có thể quả quyết rằng Sứ Ðiệp Hoà Bình của năm 2007 cần được đọc và giải thích như là sự tiếp tục và bổ túc cho sứ điệp hoà bình năm 2006. Thật vậy, nơi số 1 của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI quả quyết rằng: " khi tôn trọng nhân vị, người ta cổ võ nền hoà bình; và khi xây dựng hoà bình, nguời ta thiết lập những tiền đề cho việc phát triển toàn diện đích thực con người". Nhân Vị và Hoà Bình luôn luôn liên hệ với nhau trong một trao đổi hỗ tương phong phú, kết thành tiền đề và nền tảng vững chắc nhất, để thể hiện cụ thể đường lối đúng đắn, trên bình diện văn hoá, xã hội và chính trị, để tiếp cận với những chủ đề phức tạp liên quan đến việc thực hiện hoà bình trong thời đại chúng ta."

Trong lời giới thiệu trên, chúng ta thấy Ðức Hồng Y Martinô dùng hình ảnh "con tim bơm sức mạnh" thực hiện mọi dự án đích thật về hoà bình, nên chúng tôi xin dịch chủ đề của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 bằng cụm từ: "Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình", thay cho cách dịch " Nhân Vị, Trung Tâm của Hoà Bình". Từ "con tim" gợi ý cho chúng ta nhiều hơn là từ "trung tâm". Con Tim trong thân thể con người rất quan trọng để "bơm máu" đi khắp cơ thể. Cũng thế, nhân vị, phẩm giá của nhân vị, hay đúng hơn việc tôn trọng những quyền lợi của nhân vị, là rất quan trọng, như "con tim" bơm sức mạnh thực hiện các dự án hoà bình. Bàn bạc trong suốt sứ điệp Hoà Bình năm 2007, ÐTC nhiều lần nhắc đến việc tôn trọng nhân quyền, nhất là quyền sống và quyền tự do tôn giáo.

Sau lời nhập đề, Sứ Ðiệp Hoà Bình 2007 được chia ra làm 8 phần, mỗi phần có hai số.

1. Tương quan giữa nhân vị và hoà bình: hồng ân và trách vụ. (số 2 và 3)

2. Quyền sống và quyền tự do tôn giáo (số 4 - 5)

3. Bản tính của tất cả mọi nguời đều bằng nhau (số 6 - 7)

4. "Môi sinh của hoà bình" (số 8 - 9)

5. Những cái nhìn hạn hẹp về con người (số 10 - 11)

6. Những nhân quyền và những tổ chức quốc tế (số 12 - 13)

7. Công pháp quốc tế về nhân đạo và quyền nội bộ của các quốc gia (số 14 - 15)

8. Giáo Hội bảo về đặc tính siêu việt của nhân vị (số 16 - 17)

Tuy nhiên trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba ngày 12 tháng 12 năm 2006, để giới thiệu Sứ Ðiệp Hoà Bình cho giới báo chí, Ðức Hồng Y Renatô Martinô đã tóm lại 8 phần của Sứ Ðiệp lại trong ba phần chính.

Ðức Hồng Y đã nói như sau:

"Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha được trình bày theo một cơ cấu có ba phần; và trong mỗi phần này, chủ đề về nhân vị được từ từ giải bày trong tương quan với những khía cạnh khác nhau của công cuộc cổ võ cho hoà bình.

- Trong phần thứ I, được làm nỗi bật ý nghĩa và giá trị của mối liên lệ giữa nhân vị và hoà bình; ý nghĩa và giá trị này được hiểu và được trình bày qua những phạm trù có tính cách thần học và thiêng liêng; đó là phạm trù hồng ân và phạm trù trách vụ.

- Nơi phần thứ II của sứ điệp, sự thật về nhân vị được đặt vào trong tương quan với quan niệm mới và có tính cách đổi mới về "môi sinh của hoà bình".

- Trong phần thứ III của Sứ Ðiệp, sự thật về nhân vị được nhận định trong tương quan với thực tại phức tạp của việc tôn trọng những nhân quyền căn bản, tôn trọng quyền nhân đạo quốc tế và tôn trọng các trách nhiệm đi liền với hoạt động của các Tổ Chức Quốc Tế. Sứ Ðiệp Hoà Bình được kết thúc với lời mời gọi những người kitô hãy trở thành những kẻ họat động xây dựng hoà bình."

Như vậy, theo cái nhìn trình bày của Ðức Hồng Y Martinô, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, thì phần thứ I của Sứ Ðiệp bao gồm ba điểm, từ số 2 cho đến hết số 7, nói đến ba điểm như sau:

1. Nhân vị và hoà bình: Hồng ân và trách vụ;

2. Quyền sống và quyền tự do tôn giáo;

và 3. Bản tính bằng nhau của tất cả mọi người.

Ðức Hồng Y Renato Martino đã giải thích tiếp Sứ Ðiệp Hoà Bình của ÐTC cho ngày Quốc Tế Hoà Bình mùng 1 tháng giêng năm 2007, với những lời như sau:

"Phần thứ I của Sứ Ðiệp Hoà Bình kết thúc với hai số 6 và 7 nhắc lại một cách rõ ràng chủ đề về sự bình đẳng trong bản tính giữa tất cả mọi người, với hai xác định chính yếu như sau: xác định thứ nhất nhắc đến những bất bình đẳng xã hội hiện có trong thế giới chúng ta; những bất bình đẳng này xem ra càng ngày càng nổi bật hơn với vấn đề to lớn về sự nghèo cùng tột độ của hàng tỉ người nam nữ, không được hưởng những điều thiết yếu cho sự sống như: lương thực, nước uống, nhà ở và sức khoẻ, nhất là tại lục địa phi châu; xác định thứ hai liên quan đến sự bất bình đẳng giữa người nam và người nữ. Về điểm này, ÐTC quả quyết như sau trong Sứ Ðiệp Hoà Bình của ngài: "Tôi nghĩ đến những bóc lột lạm dụng người nữ như là những đồ vật và nghĩ đến bao hình thức thiếu sự tôn trọng đối với phẩm giá người nữ; tôi cũng nghĩ đến --- trong khung cảnh khác --- những quan niệm về nhân học luôn luôn có mặt trong vài nền văn hoá, dành cho người nữ một chỗ đứng hết sức tuỳ thuộc vào quyết định độc đoán của người nam, kéo theo những hậu qủa xúc phạm đến phẩm giá người nữ như là một nhân vị và xúc phạm đến việc thực thi những sự tự do căn bản. Những bất bình đẳng xã hội nói trên và những bất bình đẳng phái tính là những lý do đáng quan ngại gây bất ổn cho công cuộc xây dựng hoà bình."

"Phần thứ II của Sứ Ðiệp có thể được ta nhận diện từ số 8 cho đến hết số 11. Nội dung chính của phần thứ II nầy xoay quanh quan niệm có tính cách đổi mới về "môi sinh của Hoà Bình". Trong Sứ Ðiệp Hoà Bình của Ðức Bênêđitô XVI, quan niệm về "Môi Sinh của Hoà Bình" là một khai triển mới của quan niệm về "môi sinh nhân bản" được đề ra trong thông điệp "Năm Thứ 100" của Ðức Gioan Phaolô II. Thật vậy, Ðầy tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Không những trái đất này đã được Thiên Chúa trao ban cho con người; và con người phải sử dụng trái đất đúng theo ý định nguyên thủy tốt lành mà theo đó trái đất đã được trao ban cho con người. Nhưng Thiên Chúa còn trao con người cho con người; và do đó con người cần tôn trọng những cơ cấu tự nhiên và luân lý, mà họ đã tiếp nhận". Ðức Bênêđitô XVI dạy rằng nhân loại, --- nếu quan tâm đến hoà bình, --- cần luôn ghi nhớ những liên kết giữa môi sinh thiên nhiên, ---- tức sự tôn trọng đối với thiên nhiên ---- và môi sinh nhân bản mà trên đó xã hội được xây dựng. Một trong những đặc điểm hiển nhiên nhất của thời đại chúng ta là mỗi thái độ không tôn trọng môi sinh, đều mang đến những thiệt hại cho môi trường nhân bản và xã hội, và ngược lại. Hoà Bình được thể hiện mỗi ngày một hơn như là sự liên kết không thể bỏ qua được giữa hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người. Và cả hai (sự hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người) đều đòi hỏi hoà bình với Thiên Chúa. Bài Ca Tạo Vật của thánh Phanxicô, bài thơ và là lời cầu nguyện được gọi là "Bài ca anh Mặt Trời", là một thí dụ đáng khâm phục --- và cũng rất thời sự --- của hai môi sinh thiên nhiên và nhân bản của hoà bình." Như chúng ta sẽ nghe qua dưới đây, Ðức Thánh Cha Bênêđito XVI, khi nói về môi sinh của hoà bình, thì liên kết môi sinh này với vấn đề về năng lượng và về việc cung cấp năng lượng. Hiện đang có cuộc chạy đua đi tìm năng lượng. Nếu thiếu năng lượng, thì sự phát triển, --- hay không phát triển --- sẽ trở nên như thế nào? Sự đầu cơ năng lượng cũng gây thiệt hại cho hoà bình. Cuối cùng, ÐTC nhắc rằng con người không thể nào nhân danh Thiên Chúa, để gây chiến tranh. Và cũng không thể nhân danh con người, để gây ra chiến tranh. "Chiến tranh không thể nào được biện minh bởi những lý lẽ thần học, và cũng không thể nào được biện minh bởi những lý lẽ nhân học."

Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, về chủ đề: Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình. Trước đây, chúng tôi đã có dịp giải thích tại sao dùng từ "Con Tim" thay cho từ "Trọng Tâm". Từ "Con Tim" làm ta nhớ đến "con tim" của con người, với ý nghĩa đầy biểu tượng là "con tim" bơm máu nuôi sống toàn thân thể. "Con Tim" là cơ quan làm cho sống. Tim ngưng đập, thì thân thể con người bị chết. Nhân Vị, Con Tim của Hoà Bình. Việc tôn trọng phẩm giá con người, --- một phẩm giá nhất định và thường hằng của con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài, --- (việc tôn trọng này) là con tim của hoà bình, làm cho hoà bình được sống, được bền vững. Mất con tim, con người chết. Không tôn trọng nhân vị, hoà bình cũng tan.

Từ "nhân vị" được dùng ở đây, trong chủ đề của Sứ Ðiệp Hoà Bình, muốn bao gồm trong đó thêm hai yếu tố này nữa, là "phẩm giá" và "những nhân quyền". Vì thế mà chúng ta nhận thấy ÐTC Bênêđitô XVI, luôn luôn trong suốt sứ điệp Hoà Bình năm 2007, nhắc đến phẩm giá và những quyền lợi của con người. Con người có một bản tính bền vững, duy nhất giống như nhau, nên tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau, trên căn bản này.

Không thể nào "chối bỏ" , hay "tương đối hoá" bản tính con người. Bởi vì, nếu làm như thế, --- nghĩa là nếu loại bỏ hay tương đối hoá "bản tính con người"--- thì nhân quyền không có nền tảng vững chắc nữa. Chính vì thế mà ÐTC đã quả quyết trong Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2007 rằng: quan niệm "giảm yếu" về bản tính con người, làm giảm yếu sự bảo vệ nhân quyền, và làm giảm yếu hoà bình.

Phần thứ III của Sứ Ðiệp, nơi hai số 14 và 15, ÐTC kêu gọi tái xác nhận và áp dụng "công pháp quốc tế về nhân đạo" trong những cuộc xung đột, nhất là xung đột vũ trang, ít ra để làm nhẹ bớt những đau khổ cho dân chúng vô tội, nạn nhân của cuộc xung đột.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page