Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhận định về

chuyến viếng thăm của ngài tại Thổ Nhỉ Kỳ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhận định về chuyến viếng thăm của ngài tại Thổ Nhỉ Kỳ.

(Radio Vertas Asia 7/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, mùng 6 tháng 12 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã dành trọn bài huấn đức chính của ngài để nói lên những cảm tưởng và nhận định về chuyến viếng thăm bốn ngày, từ ngày 28 tháng 11 đến mùng 1 tháng 12 năm 2006, tại Thổ Nhỉ Kỳ. Chúng tôi vừa nói "bài huấn đức chính", bởi vì sáng thứ Tư, mùng 6 tháng 12 năm 2006, cuộc tiếp kiến chung đã được chia ra làm hai, tại hai địa điểm, tức bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, dành cho các tín hữu đến từ khắp nơi Italia, và trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI trong nội thành Vatican. Bài huấn đức chính là bài diễn văn dành cho anh chị em tín hữu và khách hành hương hiện diện bên trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI. Ðức Thánh Cha đã nói lên cảm tưởng và nhận định về chuyến viếng thăm của ngài tại Thổ Nhỉ Kỳ, theo một lối trình bày đặc biệt là ba hình vòng tròn đồng tâm, nói lên ba chiều kích chính của chuyến viếng thăm. Trước hết là vòng tròn nhỏ nằm bên trong bao gồm những biến cố viếng thăm cộng đoàn công giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ --- (tính các mục vụ của người mục tử đi thăm đoàn chiên bé nhỏ của mình tại Thổ Nhỉ Kỳ, để củng cố những anh chị em công giáo trong đức tin), --- vòng tròn lớn nằm bên ngoài cùng bao gồm những biến cố liên quan đến những anh chị em ngoài vòng kitô giáo --- (tính cách đối thoại liên tôn với anh chị em hồi giáo, với những thành phần dân sự trong xã hội), --- và vòng tròn nằm ở giữa bao gồm những hoạt động liên quan đến anh chị em kitô, không công giáo, chẳng hạn như với anh chị em chính thống giáo --- (tính cách đối thoại đại kết của chuyến viếng thăm). Giờ đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài huấn đức của Ðức Thánh Cha vào sáng thứ Tư mùng 6 tháng 12 năm 2006.

 

Anh chị em thân mến,

Theo thói quen sau mỗi chuyến tông du, tôi muốn, trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, nhìn lại những giai đoạn khác nhau của cuộc hành hương mà tôi đã hoàn tất tại Thổ Nhỉ Kỳ, từ thứ Ba (28/11/2006) cho đến thứ Sáu (1/12/2006) tuần vừa qua. Như anh chị em đã biết, đây là chuyến viếng thăm không dễ dàng dưới nhiều khía cạnh, nhưng được Thiên Chúa đồng hành ngay từ đầu, và được hoàn tất trong an lành. Vì thế, như Tôi đã yêu cầu chuẩn bị và đồng hành với chuyến viếng thăm bằng lời cầu nguyện, thì giờ đây tôi mời gọi anh chị em hãy hiệp ý với Tôi để cảm tạ Chúa vì chuyến viếng thăm đã bắt đầu và kết thúc tốt đẹp. Tôi phó thác cho Chúa những hoa trái mà Tôi hy vọng có thể phát sinh từ chuyến viếng thăm này, trong những gì có liên hệ đến anh chị em chính thống giáo, cũng như đến công cuộc đối thọai với các tín đồ Hồi giáo. Trước hết, Tôi thấy có bổn phận nói lên lần nữa lời chân thành biết ơn đối với ngài Tổng Thống Cộng Hoà Thổ Nhỉ Kỳ, đối với Thủ Tướng và những Thẩm Quyền khác nữa, vì đã đón tiếp tôi cách thật tế nhị và đã bảo đảm cho có những điều cần thiết ngõ hầu tất cả mọi sự có thể diễn ra trong cách thức tốt nhất có thể. Kế đến tôi xin cám ơn quý giám mục của giáo hội công giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ, cùng với những cộng tác viên của các ngài, vì tất cả những gì họ đã làm. Tôi đặc biệt cám ơn Ðức Thượng Phụ Ðại Kết Bartolomeo I, vì đã tiếp tôi tại Toà giáo chủ của ngài; Tôi xin cám ơn Ðức Thượng Phụ Armêni, Ðức Mesrob II, cám ơn Ðức Chính Tổng Siro - Chính Thống, Ðức Mor Filuksinos và cám ơn những thẩm quyền tôn giáo khác nữa. Trong suốt chuyến viếng thăm, Tôi cảm thấy được nâng đỡ cách thiêng liêng bởi những vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, hai vị đầy tớ Chúa Phaolô VI và Gioan Phaolô II, cả hai đều đã viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ; và bởi chân phước Gioan XXIII, đấng đã làm đại diện Toà Thánh tại Thổ Nhỉ Kỳ đáng trọng từ năm 1935 cho đến năm 1944, vừa để lại đó sự tưởng niệm tràn đầy tình thương mến và tôn kính.

Theo cái nhìn mà công đồng Vaticanô II trình bày về giáo hội (x. Lumen gentium 14-16), tôi có thể nói rằng cả những chuyến đi thăm mục vụ của đức giáo hoàng, đều góp phần vào việc thực hiện sứ mạng của ngài, một sứ mạng được khai triển "theo những vòng tròn đồng tâm". Nơi vòng tròn nằm ở trong cùng, Ðấng kế vị thánh Phêrô củng cố trong Ðức Tin những người công giáo; nơi vòng tròn ở giữa, đấng kế vị thánh Phêrô gặp gở với những người kitô khác; nơi vòng tròn ngoài nhất, ngài ngỏ lời với những người không kitô và với toàn thể nhân lọai. Ngày thứ nhất của chuyến viếng thăm của tôi tại Thổ Nhỉ Kỳ đã diễn ra trong phạm vi của vòng tròn thứ ba, vòng tròn nằm bên ngoài cùng: Tôi đã gặp vị Thủ Tướng, ngài Tổng Thống Cộng Hoà Thổ Nhỉ Kỳ và ngài chủ tịch Bộ đặc trách các Tôn Giáo, vừa ngỏ lời với ngài chủ tịch này qua bài diễn văn thứ nhất; tôi đã đến bày tỏ lòng kính trọng nơi Lăng Mộ của "cha già dân tộc" Mustafa Kemal Ataturk; sau đó tôi đã có dịp nói chuyện với ngọai giao đoàn tại Toà Khâm Sứ Toà Thánh ở thủ đô Ankara. Những tiếp xúc quan trọng vừa kể kết thành phần quan trọng của chuyến viếng thăm, nhất là xét vì sự kiện Thổ Nhỉ Kỳ là một quốc gia có đa số lớn nhất hồi giáo, nhưng được điều hành bởi một Hiến Pháp xác định tính cách đời thường của Nhà Nước. Như vậy, đây là một quốc gia có nhiều nan đề (emblematique) xét vì thách thức to lớn đang được khai triển trên bình diện quốc tế: nghĩa là một bên cần khám phá lại thực tại Thiên Chúa và đặc tính nổi bật công khai của đức tin tôn giáo, và đàng khác cần bảo đảm rằng việc thể hiện đức tin phải được tự do, không mang lấy những lệch lạc của những kẻ quá khích, có khả năng nhất quyết từ bỏ mọi hình thức bạo lực. Tôi cũng đã có dịp thuận tiện để nói lên lần nữa những tâm tình mộ mến của tôi đối với những người hồi giáo và nền văn minh hồi giáo. Ðồng thời, tôi cũng đã có thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng mà những người kitô và anh chị em hồi giáo cần dấn thân chung với nhau để phục vụ con người, phục vụ sự sống, hoà bình, sự công bằng, vừa xác định lập trường rằng sự phân biệt giữa lãnh vực dân sự và lãnh vực tôn giáo, là sự phân biệt có giá trị, và rằng Nhà Nước phải bảo đảm cho công dân của mình cũng như cho những cộng đoàn tôn giáo sự tự do thật sự hữu hiệu để cử hành việc phụng thờ. Trong lãnh vực đối thọai liên tôn, sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép tôi hoàn thành, dường như là vào cuối chuyến viếng thăm, một cử chỉ mà từ đầu đã không được dự trù, và là cử chỉ khá có ý nghĩa: đó là chuyến viếng thăm Ðền Thờ Hồi Giáo Xanh tại Istanbul. Khi dừng lại vài phút mặc niệm trong nơi cầu nguyện này, tôi đã hướng về Thiên Chúa duy nhất trên trời dưới đất, Người Cha nhân lành của toàn thể nhân lọai. Ước gì tất cả các tín hữu nhìn nhận chính mình như là những tạo vật của Thiên Chúa và làm chứng cho tình huynh đệ đích thực!

Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm đã đưa tôi đến Ephêsô, và như thế tôi được đưa vào trong "vòng tròn" trong cùng của chuyến viếng thăm, được gặp gỡ trực tiếp với cộng đoàn công giáo. Thật vậy, gần Ephêsô, tại một địa điểm đẹp, được gọi là "Ðồi Chim Họa Mi", nhìn xuống biển Egêô, có Ðền Thánh của Nhà Ðức Maria. Ðây là một nhà nguyện nhỏ và cổ xưa, được xây lên quanh một căn nhà nhỏ, mà theo truyền thống hết sức xa xưa, thánh tông đồ Gioan đã muốn xây cất cho Ðức Nữ Ðồng Trinh, sau khi đã đưa Mẹ đến Ephêsô với mình. Chính Chúa Giêsu đã phó thác người này cho người kia, khi trước khi chết trên thập giá, đã nói với Mẹ Maria: Hỡi Bà, đây là con bà!, và nói với Gioan: "Ðây là Mẹ con!" (Gn 19,26-27). Những nghiên cứu của khoa khảo cổ đã chứng minh rằng từ thời rất xa xưa nơi đây đã là nơi dành cho việc tôn kính Mẹ Maria, nơi rất thân yêu đối với những người Hồi giáo; họ thường đến để tôn vinh Ðấng mà họ gọi là "Meryem Ana", có nghĩa là "Mẹ Maria". Tại nơi vườn phía trước Ðền Thánh, tôi đã cử hành Thánh Lễ cho một nhóm các tín hữu, đến từ thành phố Izmir gần đó, và từ những nơi khác nữa của Thổ Nhỉ Kỳ và cả từ nước ngoài nữa. Gần bên "Nhà của Mẹ Maria", chúng ta cảm thấy thật sự mình như trở về nhà mình; và trong bầu khí hoà bình, chúng tôi đã cầu nguyện cho nền hoà bình tại Thánh Ðịa và trên toàn thế giới... Tại đó, Tôi đã có dịp nhắc đến Cha Andrêa Santoro, linh mục người Roma, chứng nhân tại đất Thổ Nhỉ Kỳ cho Phúc Âm bằng chính máu của mình.

Vòng tròn nằm ở giữa hai vòng tròn kia, --- vòng tròn của những tương quan đại kết, --- đã chiếm lấy phần trung tâm của chuyến viếng thăm này, được diễn ra nhân dĩp lễ thánh Anrê tông đồ, ngày 30 tháng 11. Lễ mừng này đã cống hiến khung cảnh lý tưởng để củng cố những tương quan huynh đệ giữa vị giám mục Roma, người kế vị thánh Phêrô và Ðức Giáo Chủ Ðại kết của Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, một giáo hội mà truyền thống cho là đã được thiết lập bởi thánh tông đồ Anrê, anh của Simon Phêrô. Theo vết chân của Ðức Phaolô VI, Ðấng đã gặp Ðức Thượng Phụ Atenagora, và theo vết chân của Ðức Gioan Phaolô II, Ðấng đã được tiếp đón bởi Ðức Dimitrios I, người kế vị Ðức Atenagora, Tôi đã lặp lại, cùng với Ngài Thánh Ðức Battolomêô I cử chỉ có giá trị biểu tượng lớn lao, để xác định sự dấn thân hỗ tương tiếp tục đi trên con đường tiến đến sự thiết lập lại sự hiệp thông trọn vẹn giữa người công giáo và anh chị em chính thống giáo. Ðể ghi dấu ý định mạnh mẽ này, cùng với Ðức Thượng Phụ Ðại Kết, tôi dã đặt bút ký vào Bản Tuyên Ngôn Chung; đây là điều kết thành giai đoạn tiếp nữa trên con đường tiếp đến hiệp thông trọn vẹn. Và điều thật có ý nghĩa là việc Ký Chung vào Bản Tuyên Ngôn, đã diễn ra vào lúc kết thúc Phụng Vụ Thánh của Lễ Kính Thánh Anrê, mà Tôi đã tham dự; và Phụng Vụ Thánh này được kết thúc với hai Phép Lành, của Vị Giám Mục Roma và của Ðức Thượng Phụ Costantinopoli, cả hai đều là những người kế vị các Tông Ðồ, Tôi kế vị Thánh Phêrô và Ðức Bartolomeo I, kế vị Thánh Anrê Tông Ðồ. Bằng cách thức này, chúng tôi đã nói lên rằng: nơi nền tảng của mọi cố gắng đại kết, luôn có việc cầu nguyện và việc kiên trì khẩn xin Chúa Thánh Thần. Cũng trong chiều hướng này, tại Istanbul, tôi đã được vui mừng đến thăm Ngài Giáo Chủ của Giáo Hội Armêni Tông Ðồ, Ngài Thánh Ðức Mesrob II, và gặp gỡ với Ðức Tổng Giám Mục của Giáo Hội Siro - Chính Thống. Trong khung cảnh này, Tôi vui mừng nhắc đến cuộc trao đổi với Vị Ðại Giáo Trưởng của Do Thái Giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ.

Trước khi lên đường trở về Roma, chuyến viếng thăm của tôi được kết thúc với việc bước vào trong vòng tròn nhỏ nhất nằm ở bên trong, nghĩa là với việc gặp gỡ cộng đoàn công giáo hiện diện với đủ mọi nghi thức kết thành nó, bên trong Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần thuộc Nghi Thức Latinh tại Istanbul. Cũng đến tham dự Thánh Lễ do tôi dâng, Ðức Thượng Phụ Ðại Kết, Ðức Thượng Phụ Giáo Hội Armêni Tông Ðồ, Ðức Chủ Vị Giáo Hội Siro - Chính Thống và những đại diện của các Giáo Hội Tin Lành. Nói chung, tất cả mọi người kitô đã có sự hiệp ý với nhau trong lời cầu nguyện, trong sự khác biệt các truyền thống, các nghi thức và ngôn ngữ. Ðược củng cố bởi Lời của Chúa Kitô, Ðấng hứa ban cho các tín hữu "những dòng nước hằng sống" (Gn 7,38) và bởi hình ảnh về những chi thể của cùng một thân thể duy nhất (x. 1Co 12,12-13), chúng tôi đã sống kinh nghiệm của một Lễ Hiện Xuống mới.

Anh chị em thân mến, tôi đã trở về đây, tại Vatican này, với tâm hồn tràn đầy biết ơn đối với Thiên Chúa và với những tâm tình chân thành mến thương và tôn trọng đối với những người dân của đất nuớc Thổ Nhỉ Kỳ thân mến, mà tôi có cảm tưởng tôi đã được những người dân này tiếp nhận và thông cảm. Tình thân và thiện cảm mà những người dân dành cho tôi, mặc cho những khó khăn không thể tránh được, mà chuyến viếng thăm của tôi mang đến cho sinh họat bình thường của cảnh sống hằng ngày, (tình thân và thiện cảm đó) còn sống động trong tôi như một kỷ niệm sống động và thôi thúc tôi cầu nguyện. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng và Nhân Từ trợ giúp cho dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ, cho các nhà cầm quyền và cho những vị đại diện của những tôn giáo khác nhau, biết cùng nhau xây dựng một tương lai hoà bình, sao cho Thổ Nhỉ Kỳ có thể trở thành chiếc cầu của tình bạn và của sự cộng tác huynh đệ giữa Ðông và Tây Phương. Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện, ngõ hầu, nhờ lời khẩn cầu cũa Mẹ Chí Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho chuyến viếng thăm này được trổ sinh nhiều hoa trái; Xin ngài linh động sứ mạng của giáo hội trên toàn thế giới, giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập để rao giảng cho tất cả mọi dân tộc Phúc Âm của sự Thật, hoà bình và tình yêu thương.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page