Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

trước Nhà Nguyện "Nhà của Ðức Mẹ Maria"

tại Ephêsô, Thổ Nhỉ Kỳ, ngày thứ Tư 29/11/2006

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trước Nhà Nguyện "Nhà của Ðức Mẹ Maria" (Meryem Ana Evi) tại Ephêsô, Thổ Nhỉ Kỳ, vào ngày thứ Tư 29 tháng 11 năm 2006.

Thứ Tư, ngày 29 tháng 11 năm 2006. Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI rời thủ đô Ankara, đi thăm địa điểm thứ hai của chuyến viếng thăm là Ephêsô, được lưu truyền đây là nơi cư ngụ của Ðức Mẹ và Thánh Gioan Tông Ðồ. Tại Ephêsô, ÐTC dâng thánh lễ cho cộng đoàn công giáo tại Nhà Nguyện, được gọi là "Nhà Của Ðức Mẹ Maria". Tiếng địa phương gọi là "Meryem Ana Evi ". Ðây là Thánh Lễ đầu tiên của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ. Sau đây là bản dịch tiếng Việt toàn văn bài giảng của Ðức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến,

Trong Thánh Lễ nầy, chúng ta cùng ngợi khen Thiên Chúa vì Ngài đã thương ban cho Mẹ Maria tước vị Mẹ Thiên Chúa, một mầu nhiệm được công bố và tuyên xưng tại Ephêsô này trong Hội Nghị Công Ðồng Chung năm 431. Tại nơi này, và đối với cộng đoàn Kitô hữu tại đây, những đầy tớ Chúa, Ðức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II, hai người cha khả kính của các Kitô hữu và là hai vị đáng kính tiền nhiệm của tôi đã đến viếng thăm và hành hướng. Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viếng thăm Thánh Ðường này vào ngày 30 tháng 11 năm 1979, gần một năm, sau khi ngài đăng quang Giáo Hoàng. Một vị tiền nhiệm khác của tôi cũng đã đến đất nước này, không phải với cương vị là Giáo Hoàng, nhưng là Sứ Thần Tòa Thánh Ðại Diện của Ðức Thánh Cha, từ tháng Giêng năm 1935 đến tháng 12 năm 1944, đó là chân phước Giáo Hoàng Gioan 23, Angelo Roncalli. Ngài đã lưu lại biết bao kỷ niệm mà hiện nay vẫn làm dậy lên trong chúng ta lòng yêu mến và tôn kính. Ngài rất yêu thương và tôn trọng Thổ Nhỉ Kỳ. Giờ đây tôi muốn trích dẫn một đoạn trong tác phẩm của chính ngài, Nhật Ký của một Tâm Hồn: "Tôi yêu mến người Thổ Nhỉ Kỳ. Tôi rất quý trọng những bản chất tự nhiên của họ, nhờ vào những đặc điểm giá trị này mà họ đã có được một vị trí đặc biệt trong tiến trình phát triển của nền văn minh thế giới" (Trang 233-4). Và đồng thời ngài cũng đã để lại cho Giáo Hội Công Giáo và thế giới một di sản Kitô đầy tính lạc quan của ngài. Sự lạc quan này phát sinh từ một niềm tin vững chắc và sự kết hợp liên tục với Thiên Chúa. Với cùng một tinh thần, tôi hướng về đất nước này và đặc biệt hướng về một đàn chiên nhỏ bé của Chúa Kitô sống giữa đất nước này, để thân gởi lời động viên và bày tỏ lòng trìu mến đến tất cả giáo hội. Với lòng trìu mến này, tôi xin thân ái chào tất cả mọi người hiện diện tại đây, những tín đồ Izmir, Mersin, Iskenderum và Antakia, và tất cả những người khác đến từ khắp mọi miền của thế giới, và cả những người không thể đến tham dự thánh lễ hôm nay, nhưng vẫn hiệp nhất tinh thần với chúng ta. Tôi xin thân chào đặc biệt Ðức Tổng Giám Mục Ruggero Franceschini của Giáo Phận Izmir, Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Bernadini, cựu Tổng Giám Mục của Izmir, Ðức Cha Luigi Padovese, các linh mục và tu sĩ. Xin cám ơn tất cả mọi người đã đến tham dự, những chứng tá của quý vị và sự phục vụ Giáo Hội trong đất nước được chúc phúc này, nơi mà từ khởi đầu, cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã chứng nghiệm cùng với sự phát triển lớn mạnh của nó và cho đến hôm nay vẫn còn có vô số đoàn người hành hương đến với Thổ Nhỉ Kỳ.


Các linh mục đồng tế đến hôm tay ÐTC sau thánh lễ tại Nhà Nguyện của Ðền Thánh "Nhà của Ðức Mẹ Maria" tại Ephesô.


Mẹ Thiên Chúa - Mẹ của Giáo Hội

Chúng ta đã nghe bài đọc Phúc Âm trích từ Tin Mừng thánh Gioan. Bài đọc này kêu mời chúng ta cùng suy niệm giây phút cứu độ, khi Mẹ Maria, qua sự hiệp nhất với Con Mẹ, Chúa Giêsu trong sự hiến tế của Ngài, đã chấp thuận trở nên Mẹ chung của tất cả nhân loại, và đặc biệt đối với các môn đệ Chúa Giêsu. Người được đặc ân làm chứng nhân của biến cố này là Tác Giả của Tin Mừng thứ tư, Thánh Gioan. Ngài là môn đệ duy nhất đã lưu lại tại đồi Golgotha với Mẹ Chúa Giêsu và với những người phụ nữ khác. Tước vị làm Mẹ của Ðức Maria khởi sự với lời "Xin Vâng" tại Nazareth và hoàn tất dưới chân Thánh Giá. Mặc dầu điều thánh Anselm xác định đó là "từ giây phút Mẹ Maria đáp trả bằng hai tiếng "Xin Vâng", Mẹ đã cưu mang tất cả chúng ta trong cung lòng Mẹ", nhưng thực ra ơn gọi làm Mẹ và sứ mệnh của Người Nữ Ðồng Trinh này đối với tất cả ai tin vào Chúa Kitô thật sự bắt đầu khi Chúa Giêsu nói với Mẹ: "Thưa Bà, này là con Bà" (Jn 19:26). Từ thập giá nhìn xuống Mẹ của mình, và người môn đệ yêu mến bên cạnh Mẹ, Chúa Kitô trong giây phút hấp hối ý thức những hoa quả đầu tiên của Ðại Gia Ðình mà Ngài đã đến để tạo thành trên thế gian. Ðây là khởi đầu của Giáo Hội và của một nhân loại mới. Chính vì thế, Ngài đã gọi Maria là "Bà", không là "Mẹ". Danh từ "Bà" này được Ngài dùng để trao gởi môn đệ mình cho Maira: "Ðây là Mẹ con" (Jn 19:27). Con Thiên Chúa từ đó đã hoàn thành sứ mệnh mình: Sinh ra bởi Người Nữ Ðồng Trinh để cùng chia sẻ tình trạng như con người, ngoại trừ tội lỗi. Trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã để lại trên thế gian này một bí tích hiệp nhất nên một cho toàn nhân loại (x. Lumen Gentium, 1): gia đình "được làm nên một nhờ vào sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Thánh Cyprian, DeOrat. Dom., 23: PL 4,536). Từ trong tâm của Ba Ngôi phát sinh một mối quan hệ mới giữa Mẹ Maria và các môn đệ. Do đó "Thiên Chức làm Mẹ Thiên Chúa và Vai Trò làm Mẹ Giáo Hội của Ðức Maria là bất khả phân ly.

Mẹ Thiên Chúa - Mẹ của Hiệp Nhất

Bài đọc 1 nói lên điều có thể được gọi là "Tin Mừng" của vị môn đồ cho dân ngoại: Tất cả mọi người nam nữ, bao gồm những người chưa tin vào Chúa Giêsu (cả người Do Thái và Dân Ngoại), đều được kêu gọi qua Chúa Kitô để đến tham dự một cách hoàn toàn vào Mầu nhiệm cứu rỗi. Ðoạn thánh thư này cũng diễn đạt một câu mà tôi đã chọn để làm phương châm cho hành trình làm tông đồ của bản thân tôi: "Ngài, Ðức Kitô là sự Bình An của chúng ta" (Eph 2:14). Linh ứng bởi Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu Kitô không những mang lại cho chúng ta bình an, mà Ngài chính là Bình An của chúng ta. Thánh Phaolô chứng minh câu này bằng cách nói về mầu nhiệm thánh giá: Bằng việc đổ máu mình, bằng việc hiến tế chính mình. Chúa Giêsu đã hủy diệt sự thù nghịch trên "thân mình" và đã tạo nên "trên chính mình Ngài một con người mới để thay thế cho cả hai" (Eph 2:14-16). Thánh Phaolô tông đồ giải thích, bằng một phương cách không thể đoán trước được, sự bình an của Ðấng Cứu Thế đã và đang phát sinh trong chính Ðấng Kitô và qua mầu nhiệm cứu chuộc. Từ trong nhà giam, qua những lá thư gởi đến những cộng đoàn Kitô hữu tại Ephêsô, Thánh Phaolô giải thích: "Nguyện chúc cho các thánh tại Ephêsô và các tín đồ trong Chúa Kitô được đầy tràn Ân Sủng và Bình An của Thiên Chúa, Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô" (Eph 1:2). Ân sủng là sức mạnh biến đổi được con người và thế gian. Bình an là hoa quả chính mùi của sự biến đổi này. Chúa Kitô là Ân Sủng; Chúa Kitô là Bình An. Thánh Phaolô biết rằng ngài được gởi đến để công bố một mầu nhiệm, một chương trình thần diệu mà trong thời gian viên mãn mới có thể được thực hiện và mạc khải trong Ðức Kitô; Ðó là, "Người ngoại trở nên những người thừa tự và phần tử của cùng một thân thể và thông phần vào lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô qua Tin Mừng" (Eph 3:6). Mầu nhiệm này được hoàn tất trong lịch sử cứu độ và trong giáo hội, đó là một đoàn người mới trong đó, những bức tường chia rẽ đã bị đập đổ xuống, Người Do Thái và ngoại bang trở nên một. Giống như chính Chúa Kitô, Giáo Hội không chỉ là khí cụ của hiệp nhất, nhưng cũng là một dấu chỉ đầy hiệu năng của sự hiệp nhất. Và Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ðức Kitô và của Giáo Hội, là Mẹ của mầu nhiệm hiệp nhất bất khả phân ly mà Ðức Kitô và Giáo Hội biểu thị và thiết lập trên thế giới và xuyên qua lịch sử nhân loại.

Chúng ta hãy cùng cầu xin Bình An cho Giêrusalem và cho cả thế giới

Vị tông đồ cho dân ngoại nói rằng Ðức Kitô "đã làm cho cả hai chúng ta nên một" (Eph 2:14). Những lời này thích hợp nói về sự tương quan giữa người Do Thái và dân ngoại trong mầu nhiệm ơn cứu rỗi đời đời, nhưng cũng có thể mở rộng ra bằng sự tương đồng để nói về sự tương quan giữa các dân tộc và các nền văn minh trên thế giới. Ðức Kitô "đến để công bố bình an" (Eph 2:17). Không chỉ giữa người Do Thái và không Do Thái, nhưng giữa tất cả các nước, bởi vì tất cả đều phát nguồn từ cùng một Thiên Chúa, cùng một Ðấng tạo hóa và Chúa của vũ trụ. Ðược củng cố bởi lời Chúa, từ Ephêsô, một thành phố được chúc phúc bởi sự hiện diện của Ðức Maria Cực Thánh - Ðấng mà chúng ta biết là cũng được yêu mến và tôn kính bởi những người Hồi Giáo - Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện cầu đặc biệt cho Bình An giữa các dân tộc. Từ mép bờ của bán đảo Anatolian, một chiếc cầu thiên nhiên giữa các lục địa, chúng ta hãy cầu cho bình an và sự hỏa giải, và trên hết cho những ai đang sống tại miền đất được gọi là "Thánh Ðịa", nơi mà cả người Kitô, Do Thái và Hồi Giáo đều nhìn nhận như thế. Ðây là miền đất của Abraham, Isaac và Jacob, miền đất được hứa ban để trở nên quê hương của một dân tộc, dân tộc này sẽ trở thành ơn phúc lành cho mọi dân nước (x. Sáng thế 12:1-3). Bình an cho tất cả nhân loại! Nguyện cho lời tiên báo của tiên tri Isaia sớm được viên mãn: "Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Isaia 2:4). Tất cả chúng ta đều cần đến sự bình an toàn cầu này, và giáo hội được gọi không những để trở nên vị tiên tri rao giảng, mà còn hơn thế nữa, là dấu hiệu và khí cụ của sự bình an này. Ðứng trước sự cần thiết phải kiến tạo nền hòa bình cho thế giới này, sự khao khát cho sự hiệp nhất mỹ mãn và hòa thuận giữa các Kitô hữu càng trở nên mãnh liệt và thiết yếu hơn. Hiện diện trong thánh lễ hôm nay là những người công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau, và đây cũng là nguyên do khiến chúng ta vui mừng ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa. Những nghi lễ (khác biệt) này, khi mà tất cả cùng hội tụ trong sự hiệp nhất và trong một chứng nhân chung sẽ là một biểu thị của sự đa dạng tuyệt vời tô điểm cho vị Tân Nương của Ðức Kitô. Ðối với việc này, sự hiệp nhất của các vị chủ chăn, của Giám Mục Ðoàn, trong tình huynh đệ và trong việc chia sẻ những trọng trách mục vụ tông đồ phải trở nên một gương sáng.

Ngợi Ca Magnificat

Trong các bài đọc phụng vụ hôm nay chúng ta đã liên tục lập đi lập lại bài đáp ca, lời thánh vịnh Ngợi Ca của Ðức Nữ Ðồng Trinh của Nazareth khi ngài gặp người chị họ Elizabeth (c. Lc 1:39). Tâm hồn của chúng ta cũng được an ủi bởi những lời của tác giả thánh vịnh. "Tình yêu kiên vững và sự trung thành sẽ gặp nhau, sự công chính và bình an sẽ hôn nhau" (Tv 85:10). Anh chị em thân mến, trong chuyến viếng thăm này, tôi cùng với giáo hội hoàn vũ muốn bày tỏ lòng mến yêu của chính mình và sự gần gủi thiêng liêng đến với cộng đoàn Kitô hữu tại Thổ Nhỉ Kỳ, một cộng đoàn thiểu số đang phải đối diện mỗi ngày với biết bao thử thách và khó khăn. Với niềm tín thác vững chắc chúng ta hãy cùng hát với Mẹ Maria bài Ngợi Ca Magnificat để ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã đoái thương đến sự hèn mọn của tôi tớ Ngài (c. Lc 1;48). Chúng ta hãy vui mừng hát lên ngay khi chúng ta đang bị thử thách bởi những khó khăn và nguy hiểm như chúng ta đã học được từ sự làm chứng tốt đẹp của Linh Mục người Roma, Cha Andrea Santoro, người mà tôi rất vui để nhớ lại trong thánh lễ này. Mẹ Maria dạy chúng ta rằng, nguồn mạch của niềm vui và của sự trợ giúp duy nhất của chúng ta là Ðức Kitô, và Mẹ Maria cũng lập lại lời Chúa Kitô: "Ðừng sợ" (Mc 6;50), "Thầy ở giữa anh em" (Mt 28:20). Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, xin luôn cùng đồng hành với chúng con! Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời! cầu cho chúng con! Aziz Meryem Mesh'in Annesi bizim icin Dua et. Amen. (Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con. Amen).

 

(Anthony Quách Thế Bình, CSSp. chuyển dịch Việt ngữ)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page