Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

trong thánh lễ vào sáng thứ Sáu 1/12/2006

tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Thánh Thần ở Istanbul

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong thánh lễ thứ hai và cũng là thánh lễ cuối cùng của chuyến viếng thăm bốn ngày tại Thổ Nhỉ Kỳ, được cử hành vào sáng thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, tại Istanbul.

(Radio Veritas Asia 6/12/2006) - Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI cử hành thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần, ở Istanbul, tức Costantinopoli ngày xưa, vào sáng thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, trước khi lên đường trở về lại Roma, với sự hiện hiện của hai vị Thượng Phụ Giáo Chủ, -- Ðức Giáo Chủ Bartolomeo I, giáo chủ chính thống giáo Costantinopoli, và Ðức Giáo Chủ Mesrob II của giáo hội Armêni, và cả những đại diện của những tôn giáo khác. Vì thế, bài giảng của Ðức Thánh Cha có ba đặc tính: tính cách tổng kết về chuyến viếng thăm trong vòng 4 ngày qua, tại Thổ Nhỉ Kỳ, tính cách đối thọai đại kết cổ võ sự hiệp nhất kitô, và tính cách đối thọai liên tôn giữa các tôn giáo khác nhau. Chính trong viễn tượng nầy mà Ðức ThánhCha Bênêđitô XVI đã quả quyết vào cuối bài giảng của ngài như sau: "Giáo Hội không áp đặt bất cứ điều gì trên bất cứ ai, nhưng chỉ đơn thuần yêu cầu được sống trong tự do để biểu lộ Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng trên thập giá." Ðây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài giảng của ÐTC như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Vào cuối chuyến viếng thăm mục vụ tại Thổ Nhỉ Kỳ, Tôi vui mừng được gặp cộng đồng công giáo tại Istanbul và được cử hành thánh thể với cộng đoàn để cảm tạ Chúa vì tất cả mọi hồng ân.


Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI cử hành thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần, ở Istanbul, tức Costantinopoli ngày xưa, vào sáng thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, với sự hiện hiện của hai vị Thượng Phụ Giáo Chủ, -- Ðức Giáo Chủ Bartolomeo I, giáo chủ chính thống giáo Costantinopoli, và Ðức Giáo Chủ Mesrob II của giáo hội Armêni, và cả những đại diện của những tôn giáo khác.


Trước hết Tôi xin chào Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Costantinopoli, Ngài Thánh Ðức Bartolomêô I, và chào Ðức Thượng Phụ Armêni, Ngài Thánh Ðức Mesrob II, chào quý chư huynh đáng kính, những vị đã muốn kết hiệp với chúng tôi cho buổi cử hành này. Tôi xin nói lên lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với quý Ngài, vì cử chỉ huynh đệ này mang đến vinh hạnh cho cộng đoàn công giáo.

(Ðặng Thế Dũng xin thêm một chi tiết giải thích: trong lời chào nhau, ÐTC và các Ðức Thượng Phụ giáo chủ, cùng dùng một từ là "Santità, His Holiness" để chào nhau, không còn phân biệt nữa. Từ Santità, Holiness, được chúng ta dùng để dịch "Ðức Thánh Cha". Nhưng không thể dùng cùng một từ "Ðức Thánh Cha" để gọi Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giáo Costantinopoli. Vì thế, chữ ÐTC này xin tạm dịch bằng một từ khác nơi đây, -- nhưng có cùng một từ gốc -- "Thánh" -- "Ngài Thánh Ðức". Chúng ta đọc tiếp bài giảng như sau:)

Thưa chư huynh thân mến và là những người con của Giáo Hội Công Giáo, quý giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân, những tín hữu thuộc về các cộng đoàn khác nhau tại thành phố Istanbul này và những anh chị em tín hữu thuộc về những nghi lễ khác nhau của Giáo Hội, Tôi vui mừng chào thăm tất cả, vừa lặp lại cho quý anh chị em những lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho cộng đoàn Galata như sau: "Nguyện chúc anh chị em được ân sủng và bình an đến từ Thiên Chúa, Cha chúng ta và là Cha của Chúa Giêsu Kitô" (Gal 1,3).

Tôi xin chào quý Thẩm Quyền dân sự hiện diện nơi đây, vì đã đón tiếp tôi với hết lòng tế nhị; một cách đặc biệt, tôi xin chào tất cả những vị đã góp phần giúp cho chuyến viếng thăm này có thể thực hiện được. Cuối cùng tôi xin chào những đại diện của những cộng đoàn giáo hội khác và chào những vị đại diện của các tôn giáo khác đã muốn có mặt giữa chúng tôi. Làm sao không nghĩ đến những biến cố khác nhau đã nhào nắn lịch sử chung của tất cả chúng ta, tại chính nơi đây? Ðồng thời, tôi cảm thấy bổn phận đặc biệt nhớ đến biết bao chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Kitô; các ngài đang thôi thúc chúng ta làm việc chung với nhau cho sự hiệp nhất của tất cả mọi môn đệ Chúa trong sự thật và trong tình bác ái !

Trong Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần này đây, tôi muốn cảm tạ Thiên Chúa, vì tất cả những gì Ngài đã hoàn thành trong lịch sử con người và khẩn xin Thiên Chúa đổ tràn xuống trên tất cả chúng ta những hồng ân của Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của sự Thánh Thiện. Như thánh Phaolô vừa nhắc lại cho chúng ta, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch thường hằng của Ðức Tin và của sự hiệp nhất chúng ta. Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta sự hiểu biết đúng thật về Chúa Giêsu và đặt trên môi miệng chúng ta những lời của Ðức Tin, ngõ hầu chúng ta có thể nhìn nhận Chúa. Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô sau biến cố tuyên xưng đức Tin tại Cesarêa như sau: "Phúc cho con, hỡi Simon, con ông Giona: bởi vì không phải xác thịt cũng không phải máu huyết đã mạc khải cho con biết điều đó, nhưng là Cha Thầy Ðấng ngự trên trời" (Mt 16,17). Phải, chúng ta được chúc phúc, khi Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta để lãnh nhận niềm vui Ðức Tin, và khi ngài làm cho chúng ta bước vào trong đại gia đình những người Kitô, tức Giáo Hội của Chúa, một Giáo Hội đa diện với những hồng ân khác nhau, những vai trò và những hoạt động khác nhau, vừa đồng thời cũng là một Giáo Hội duy nhất. "bởi vì luôn chỉ có một Thiên Chúa duy nhất đang họat động trong tất cả". Thánh Phaolô còn nói thêm như sau: "Mọi nguời đều lãnh nhận hồng ân để biểu lộ Chúa Thánh Thần, ngõ hầu tất cả mọi người được ơn ích. Biểu lộ Chúa Thánh Thần, sống theo Chúa Thánh Thần, không có nghĩa là chỉ sống cho riêng mình, nhưng có nghĩa là học hỏi cách làm cho mình được luôn giống như Chúa Giêsu Kitô, và như thế trở thành kẻ phục vụ anh chị em của mình, noi theo gương sống của Chúa. Thưa quý chư huynh, đây quả thật là một giáo huấn thật cụ thể cho mỗi người chúng ta, những Giám Mục, những kẻ được Chúa gọi hướng dẫn dân Chúa, vừa biến mình trở thành những kẻ phục vụ, noi theo gương của Chúa; giáo huấn này có giá trị cho tất cả mọi thừa tác viên của Chúa cũng như cho tất cả mọi tín hữu: khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta tất cả được nhập vào trong cái chết và sống lại của Chúa; "niềm khao khát của chúng ta được thỏa mãn bởi cùng một Chúa Thánh Thần", và sự sống của Chúa Kitô đã trở thành sự sống chúng ta, ngõ hầu chúng ta sống như Chúa Kitô, (ngõ hầu) chúng ta yêu thương anh chị em chúng ta như chính Chúa đã yêu thương chúng ta (x. Gn 13,34).

Cách đây 27 năm, trong chính nhà thờ chính toà này, vị tiền nhiệm của tôi, đầy tớ Chúa Gioan Phaolô II, đã cầu chúc bình minh của một ngàn năm mới có thể "xuất hiện trên một giáo hội đã gặp lại được sự hiệp nhất trọn vẹn của mình, để làm chứng tốt hơn, giữa những căng thẳng chua cay của thế giới, (làm chứng) cho tình thương siêu việt của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa." (trích Omelia tại nhà thờ Istanbul, số 5). Lời cầu chúc này chưa thực hiện được, nhưng ước muốn của vị giáo hoàng vẫn luôn như vậy, và thôi thúc tất cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô, những kẻ đang tiến tới với những sự chậm chạp của mình và với những sự khốn cùng của mình trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất, -- (thôi thúc chúng ta) hãy hành động không ngừng "trong viễn tượng của sự tốt lành cho tất cả", vừa đặt viễn tượng đại kết vào chỗ thứ nhất trong số những quan tâm của chúng ta cho Giáo hội. Lúc đó, chúng ta sẽ sống thật sự theo Thánh Thần của Chúa Giêsu, để phục vụ điều thiện hảo của tất cả mọi người.

Họp nhau sáng hôm nay tại nơi cầu nguyện này, nơi đã được thánh hiến cho Chúa, làm sao chúng ta không nhắc đến một hình ảnh đẹp khác nữa mà thánh Phaolô dùng để nói về Giáo Hội, hình ảnh của việc xây nhà, trong đó những viên đá được gắn liền với nhau, khắng khít với nhau, để xây lên cùng một ngôi nhà, mà viên đá góc để tất cả tựa vào, là Chúa Kitô? Chính Chúa Kitô là nguồn mạch của sự sống mới mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, trong Chúa Thánh Thần. Bài phúc âm theo thánh Gioan đã công bố điều này như sau: "Dòng nước hằng sống sẽ vọt lên từ tâm hồn của kẻ tin". Dòng nước trào dâng này, dòng nước hằng sống mà Chúa Giêsu đã hứa cho người đàn bà Samari, các tiên tri Zaccaria và Ezêchiel, đã nhìn thấy dòng nước đó, phát xuất từ bên hông Ðền Thờ, để làm sinh động lại những dòng nước của Biển Chết: đó là hình ảnh tuyệt vời của lời hứa sự sống mà Thiên Chúa đã luôn thực hiện cho dân Ngài và là lời hứa mà Chúa Giêsu đến để làm cho nên trọn. Trong một thế giới mà con người gặp phải biết bao khó khăn để chia sẻ cho nhau những của cải vật chất, và là thế giới mà con người bắt đầu quan tâm -- và đây quả thực là quan tâm đúng -- về sự khô cạn nguồn nước, một nguồn nước rất cần cho sự sống của thể xác, (trong một thế giới như thế) giáo hội thấy mình có rất phong phú một điều thiện hảo cao cả hơn. Là nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo Hội đã lãnh nhận trách vụ rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất (x. Mt 28,19); điều này có nghĩa là thông truyền cho mọi người nam nữ thời đại chúng ta đây tin vui mừng, một tin vui không những soi sáng cho, mà còn thay đổi đời sống của họ, cho đến lúc vượt qua và chiến thắng chính sự chết. Tin Vui Mừng này không chỉ là một Lời Nói, mà là một Con Người, một Ngôi Vị, là chính Chúa Kitô phục sinh, Ðấng hằng sống! Với ân sủng của các bí tích, dòng nước phát sinh từ cạnh sườn Chúa, cạnh sườn đã được mở ra trên thập giá, (dòng nước này) trở thành một nguồn mạch tuôn trào "dòng nước hằng sống", một hồng ân mà không ai có thể chận lại, một hồng ân trao ban sự sống. Làm sao những người kitô có thể chỉ giữ lại chỉ cho riêng mình, điều mà họ vừa lãnh nhận? Làm sao họ có thể đoạt lấy kho tàng này và đem dấu đi nguồn mạch này? Sứ mạng của Giáo Hội không hệ tại ở việc bênh vực cho những quyền hành, cũng không phải để nhận lấy sự giàu sang. Sứ mạng của Giáo Hội là trao ban Chúa Kitô, là tham dự vào sự sống của Chúa Kitô, điều thiện hảo quý báu nhất cho con người, điều thiện hảo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua trung gian chính Con Một Ngài.

Thưa anh chị em, những cộng đoàn của anh chị em đi theo con đường khiêm tốn của sự đồng hành hằng ngày với những con người không cùng chia sẻ đức tin chúng ta, nhưng tuyên bố mình "có đức tin của Abraham và cùng với chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và nhân từ (hiến chế của Công Ðồng Vaticanô II về Giáo Hội -- Ánh sáng muôn dân, Lumen gentium, số 16). Anh chị em hãy biết rõ rằng Giáo Hội không muốn áp đặt bất cứ điều gì trên bất cứ ái, nhưng chỉ đơn thuần yêu cầu được sống tự do để biểu lộ Ðấng mà Giáo Hội không thể che giấu, là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng trên thập giá và đã trao ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta và trong tận cõi thâm sâu nhất của mỗi người chúng ta. Anh chị em hãy luôn mở rộng đón nhận Thánh Thần của Chúa Kitô và vì thế, anh chị em hãy chú ý đến những ai đang đói khát sự công bằng, hoà bình, phẩm giá, sự tôn trọng bản thân cũng như sự tôn trọng đối với những anh chị em lân cận. Anh chị em hãy sống với nhau đúng theo như lời dạy của Chúa: "Theo dấu nầy người ta biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau" (Gn 13,35).

Thưa anh chị em, trong giây phút này, chúng ta hãy phó thác ao ước của chúng ta muốn phụng sự Chúa, cho Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Tì của Chúa. Mẹ đã cầu nguyện trong Phòng Tiệc Ly cùng chung với cộng đoàn nguyên thủy, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống. Cùng với Mẹ, giờ đây chúng ta hãy cầu cùng Chúa Kitô như sau: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến trên toàn thể Giáo Hội; nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự trong mỗi người chúng con, thành phần của Giáo Hội và xin Chúa Thánh Thần làm cho mọi thành phần giáo hội trở thành những sứ giả của Tin Mừng Chúa. Amen.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page