Phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp

thăm giáo phận Ðà Nẵng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp thăm giáo phận Ðà Nẵng (1-2/12/2006).

Ðà Nẵng, Việt Nam (2/12/2006) - Giáo phận Ðà Nẵng, thuộc Giáo tỉnh Huế, nằm trong địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Ðà Nẵng, diện tích tổng cộng là 11,900 cây số vuông. Hiện nay giáo phận có 62,300 giáo dân trên tổng số dân là 2.3 triệu, chia làm 42 giáo xứ, với 77 linh mục triều và dòng, 30 đại chủng sinh, hơn 300 nữ tu các dòng. So với các giáo phận khác tại Việt Nam, Giáo phận Ðà Nẵng nhỏ bé và non trẻ - được thành lập năm 1963, vừa tròn 43 tuổi. Thế nhưng, vùng đất này lại là cái nôi của công cuộc truyền giáo ở Ðàng Trong. Cộng đoàn Công giáo đầu tiên ở Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam được khai sinh từ năm 1615, và Công đồng Giáo phận đầu tiên của Ðàng Trong cũng được tổ chức ở Hội An vào năm 1671.

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Giáo Hội Việt Nam, phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Pháp đã đến Giáo phận Ðà Nẵng, sau Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hoá, từ 8 giờ sáng thứ Sáu 1/12 đến 14 giờ thứ Bảy 2/12/2006. Phái đòan gồm có Ðức Hồng Y Jean Pierre Ricard, Tổng Giám Mục Giáo phận Bordeaux, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp, Ðức Cha Bernard Nicolas Aubertin, Tổng giám Mục Giáo phận Tours và Ðức Ông Stanislas Lalane, Thường trực Hội Ðồng Giám Mục Pháp. Tháp tùng Phái đoàn, có Ðức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng và Cha Phêrô Phan Xuân Thanh, thư ký Giáo Tỉnh Miền Trung của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Phái đoàn đã tới phi trường quốc tế Ðà nẵng lúc 7 giờ 50 ngày 01/12/2006. Ra đón phái đoàn tại phi trường, có Ðức Giám Mục Ðà Nẵng Giuse Châu Ngọc Tri, 2 cha nguyên và đương kim Tổng Ðại Diện Giáo phận, một số đông các linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân. Các bạn trẻ trong quốc phục truyền thống Việt Nam với cờ hoa rực rỡ, đã làm cho phi trường Ðà Nẵng hôm nay trở thành lễ hội. Máy bay từ Hà Nội đến đúng giờ, và các Vị khách quý tươi cười bỡ ngỡ nhìn nơi ngực mỗi người mang một phù hiệu chào đón có in logo của Hội Ðồng Giám Mục Pháp. Họ đã bị vây quanh bởi những con người vốn xa lạ nhưng trong phút chốc đã trở nên thân thiện, dù ít nhiều bị hạn chế vì ngôn ngữ bất đồng. Phái đoàn được bố trí cư ngụ trong một khách sạn ngay trước Nhà thờ Chính Toà.

Phái đoàn đã đến chào thăm xã giao và đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Ðà nẵng tiếp đón trân trọng và nồng nhiệt. Vào lúc 10 giờ, đoàn đã có cuộc gặp gỡ với Ðức Giám mục, linh mục đòan, các dòng tu nam nữ và đại diện giáo dân các giáo xứ tại văn phòng Giáo xứ Chính tòa Ðà Nẵng. Tại cuộc trao đổi này, Ðức Giám Mục Giuse giới thiệu đôi nét về hiện tình Giáo phận Ðà Nẵng. Ðức Hồng Y trưởng đoàn cho biết mục tiêu chuyến viếng thăm là để nối kết hai Giáo Hội, tìm hiểu tận nơi đời sống Giáo Hội Việt Nam. Ngài chuyển tới cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Ðà Nẵng lời chào thăm của các Giám mục cũng như cộng đồng Dân Chúa tại Pháp. Ðức Hồng y đã trình bày về hiện tình giáo hội Pháp trong nỗ lực tái truyền giáo với những vấn đề Giáo hội này đang gặp phải như việc dạy giáo lý giới trẻ, cổ vũ ơn thiên triệu... Kết thúc cuộc trao đổi này là bữa cơm thân mật với các Ðức Cha, linh mục đoàn và đại diện các dòng tu và giáo dân tại hội trường nhà thờ Chính tòa.

Buổi chiều ngày 1/12/2006, trời chuyển mưa, lúc 14 giờ, phái đòan đã đến thăm giáo xứ Hòa Khánh, cách thành phố Ðà Nẵng 8 km về phía tây. Giáo xứ này nằm trong khu công nghiệp Liên Chiểu, có các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các khu dân cư mới qui hoạch. Hòa Khánh tiêu biểu cho một giáo xứ vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa với những biến động về dân số, dẫn đến những khó khăn phức tạp trong mục vụ cho người di dân, anh chị em công nhân, giới sinh viên từ các nơi khác đổ về. Ðây cũng là vùng tâm bão số 6 đã đi qua, gây thiệt hại nặng nề. Cha Quản xứ và Cộng đoàn Dân Chúa đã thân ái tiếp đón Phái đoàn tại Thánh đường. Sau đó, đoàn đã đến thăm cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn và khu lưu học xá cho sinh viên nghèo. Cuối cùng, phái đoàn cũng đã đến tham dự lễ phát động Chương trình "Căn Nhà Ðồng Tâm" và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng căn nhà Ðồng Tâm số 1 cho một gia đình nạn nhân nghèo của cơn bão số 6 vừa qua. Chương trình này do Tòa Giám Mục Ðà Nẵng khởi xướng và các Giáo xứ thực hiện với nguồn kinh phí, được gọi là "Quỹ Ðồng Tâm", là tiền cứu trợ từ các cá nhân và cộng đoàn Công giáo xa gần mà Tòa Giám Mục Ðà Nẵng nhận được từ sau cơn bão số 6 vừa qua. "Quỹ Ðồng Tâm" ủng hộ mỗi căn nhà 10 triệu đồng, cộng với sự tài trợ của chính quyền, các tổ chức và cá nhân khác mà gia đình nhận được, cũng như chính sự đóng góp của gia đình và thân hữu. Yêu cầu của căn nhà là phải gia cố vững chắc hơn và có khả năng chịu đựng được gió bão tốt hơn trong tương lai.

Mục tiêu trước hết của chương trình "Căn Nhà Ðồng Tâm" là từ đầu Chủ nhật I Mùa Vọng (3/12/2006) cho đến áp Tết Ðinh Hợi, toàn Giáo phận sẽ hoàn thành 200 căn nhà đầu tiên cho những gia đình nạn nhân khó khăn nhất. Ðể chọn ra được 200 căn nhà này, cả là một nỗ lực và hy sinh rất lớn của Ban Bác Ái Xã Hội các xứ đạo cũng như các gia đình nạn nhân, vì hiện tại, trên địa bàn Giáo phận, còn đến trên 4 ngàn gia đình chưa có nơi cư trú. Trong tương lai, nếu diễn ra như dự tính và tiếp tục nhận được sự trợ giúp, chương trình sẽ nhân rộng lên cho nhiều đối tượng khác nhau, đang rất cần sự "đồng tâm" trợ giúp, để có được nơi ăn chốn ở tử tế hơn.

Chương trình này cũng là sự đáp ứng của Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Ðà Nẵng trước lời mời gọi của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ 2006 với chủ đề "Sống Ðạo Hôm Nay: Yêu Thương và Phục Vụ". Theo lời Ðức Cha Giuse, Giám mục Ðà Nẵng, để hỗ trợ tích cực cho "Quỹ Ðồng Tâm", sau khi hoàn thành 200 căn nhà này, vào đầu mùa chay 2007, Giáo phận sẽ tiếp tục phát động chương trình bác ái mục vụ "Mình Làm Nhà Mình", kêu gọi đăng ký đóng góp "những đồng xu nhỏ" của từng gia đình giáo dân và ân nhân cho từng căn nhà Ðồng Tâm mà Giáo phận sẽ thực hiện sau này.

Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp cùng phái đoàn đã đồng cảm với chương trình mang tính phát triển và lâu dài này của Giáo phận, nên đã thân hành đến địa điểm xây dựng căn nhà Ðồng Tâm số 1, làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng căn nhà này, cũng như chúc lành cho chương trình Căn Nhà Ðồng Tâm của Giáo phận đạt được hiệu quả mong muốn.

Ðược mời phát biểu trong buổi lễ, ông Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc huyện Liên Chiểu, đại diện giới chức địa phương, phát huy chương trình căn nhà Ðồng Tâm như một nỗ lực thể hiện tình tương thân tương ái với bà con đồng bào lâm nạn.

Ðỉnh cao của chuyến viếng thăm là buổi lễ đón tiếp chính thức của Giáo phận Ðà Nẵng trước Thánh lể đồng tế long trọng khai mạc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 1/12/2006 tại nhà thờ Chính tòa Ðà nẵng, với khoảng 1,500 người tham dự. Sau diễn văn chào mừng của Ðức Cha Giuse, Ðức Hồng Y Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp đã gởi lời chào thăm cộng đồng Dân Chúa giáo phận, ngài nói lên niềm vui được đến thăm Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Ðà Nẵng và chứng kiến tận mắt một Giáo hội giàu sức sống với sự nở rộ các ơn kêu gọi, sự tham gia tích cực của giáo dân trong các sinh hoạt của Hội Thánh. Trong bài giảng lễ, ngài kêu gọi mọi người kiên vững trong đức tin trước những trào lưu tục hóa và duy vật trong thế giới hiện nay. Ðặc biệt, vào cuối thánh lễ, là nghi thức thành hôn của một đôi bạn trẻ, do Cha Tổng Ðại Diện Giáo phận Ðà Nẵng chủ sự. Mọi người cùng chú tâm cầu nguyện và chúc mừng đôi bạn trẻ và hai gia đình, qua đó, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Giáo Hội khắp nơi dành cho đời sống hôn nhân và gia đình, trong bối cảnh thế giới hôm nay.

Sau Thánh lễ, vào lúc 18 giờ 30, phái đoàn đi viếng thăm giáo xứ và đô thị cổ Hội an, một di sản văn hóa của thế giới, cách Ðà Nẵng 30 km về phía nam. Trong thánh đường giáo xứ Hội An, cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, Cha sở Hội An, một giáo sư môn lịch sử giáo hội và cũng là chuyên gia về đồ gốm và điêu khắc Chàm, đã sơ luợc lại lịch sử truyền giáo tại Giáo phận Ðà Nẵng. Trong đó ngài nhắc nhớ đến những vị giáo sĩ đã có những đóng góp to lớn như Cha Ðắc Lộ, dòng Tên, người đã hòan thiện công trình sáng chế chữ quốc ngữ, và đặc biệt Ðức Cha Lambert de la Motte, người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, Vị Giám Quản Tông Tòa đầu tiên của Giáo phận Ðàng Trong, Ðấng Sáng Lập dòng Mến Thánh giá Việt Nam, là người triệu tập Công đồng Giáo phận đầu tiên tại Hội An vào năm 1671. Sau đó, dưới ánh đèn lồng lung linh, huyền ảo tiêu biểu của phố cổ về đêm, phái đoàn được giáo dân Hội An tháp tùng đông đảo, đã rảo qua các khu phố cổ nổi tiếng nhất, viếng thăm Chùa Cầu, mấy cửa hàng tơ lụa của giáo dân Hội An, và dùng cơm tối với các món đặc sản Hội An trong một nhà hàng ấm cúng và đậm nét phố cổ. Phái đoàn về lại Ðà Nẵng lúc 21giờ 30.

Hôm sau, 2/12/2006, vào lúc 5 giờ 15 sáng, Phái đoàn đã thức dậy sớm để dâng thánh lễ tại Nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Tỉnh Dòng Ðà Nẵng. Nhìn ngôi nhà nguyện rộng lớn xếp kín mít các nữ tu, tập sinh và đệ tử trong một màu áo trắng trinh nguyên, phụng vụ hoàn toàn bằng tiếng pháp, Ðức Hồng Y chủ tế đã không che giấu được sự cảm xúc trước sự phong phú về Ơn Gọi của Giáo Hội Việt Nam. Trong bài giảng, Ðức Cha Aubertin đã bày tỏ sự vui mừng và khích lệ cộng đoàn bằng hình ảnh và gương sống tận hiến của Ðức Maria, nhân ngày thứ Bảy đầu tháng. Phát biểu đáp từ trong cuộc tiếp đón sau Thánh lễ tại hội trường, Ðức Hồng Y Chủ tịch đã quay sang Ðức Cha Giuse của Giáo phận Ðà Nẵng cùng hiện diện và nói một cách chân thành: "Nhìn thấy khung cảnh này, quả thật tôi phát ghen với Ngài, vì trong Giáo phận Ngài có một dòng tu như thế...". Tỉnh dòng Phaolô Ðà Nẵng gồm 450 nữ tu có Nhà mẹ tại Ðà Nẵng, nhưng đang phục vụ trong 13 Giáo phận từ Bắc chí Nam. Sau bữa điểm tâm, phái đoàn được hướng dẫn viếng thăm nhà trẻ Ánh Dương, trường khuyết tật. Ðuợc biết, Ðức Tổng giám Mục Aubertin, thành viên của phái đòan, một thời đã từng là Giám mục Chartres, nơi có Nhà Mẹ của Hội Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

Ðúng 8 giờ, phái đòan lên đường viếng thăm họ đạo bé nhỏ Phước Kiều nằm ven quốc lộ I, tức là đất Thanh Chiêm cũ, nay thuộc Giáo xứ Hội An. Chính tại nơi đây, thầy giảng Anrê Phú Yên, học trò ruột của Cha Ðắc Lộ, đã lãnh phúc tử đạo năm 1644 và được Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước trong Năm Thánh 2000. Cha quản xứ Antôn Nguyễn Trường Thăng trình bày cho phái đoàn đôi nét về lịch sử Phước Kiều. Ngoài niềm tự hào là vùng đất thấm máu tử đạo, Phước Kiều còn là cái nôi của chữ quốc ngữ. Ngài ước mong hàng Giáo Phẩm và mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội Việt Nam quan tâm góp sức, để xây dựng tại đây một trung tâm hành hương dâng kính Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội Việt Nam, mà thông thường, sẽ được Giáo hội hoàn vũ nâng lên bậc hiển thánh trong tương lai. Vị Thánh trẻ này tuy mang tên Phú Yên, là sinh quán của mình, nhưng Ngài đã sớm theo Cha Ðắc Lộ về Hội An, ngay sau khi được rửa tội, để được đào tạo nên thầy giảng. Thầy đã rao giảng Tin Mừng và anh hùng làm chứng cho Tin Mừng mình rao giảng bằng giòng máu thấm sâu trong lòng đất Hội An - Phước Kiều này, dưới sự chứng kiến "đau đớn và vui mừng"của Cha Ðắc Lộ.

Chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm giáo phận, đoàn đã đến Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, một trong những giáo xứ cổ kính nhất của Giáo phận Ðà nẵng. Phái đòan đã kính viếng và cầu nguyện tại đền Ðức Mẹ Trà Kiệu trên đồi Bửu Châu. Xuống núi, viếng Nhà Nguyện Thánh Thể, nơi chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày đêm. Tại "Vườn Nghĩa" bên cạnh nhà thờ Trà Kiệu, các vị đã kính viếng và thắp hương trước mộ Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiên khởi của giáo phận Ðà Nẵng, mộ các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris và mộ các linh mục xuất thân từ Trà Kiệu. Giáo xứ Trà Kiệu đã nồng nhiệt chiêu đãi phái đoàn bữa cơm trưa với các điệu múa Chămpa đầy màu sắc, đặc biệt chuyện tích diễn lại việc Huyền Trân Công Chúa giã từ người yêu đi làm vợ Vua Chiêm, để nước Ðại Việt có thêm hai châu Ô và Lý là sính lễ. Phái đòan đã rời Trà Kiệu lúc 12 giờ 15 để về lại phi trường Ðà Nẵng đáp máy bay đi Gia Lai Kontum.

Như thế, trong chuyến viếng thăm vỏn vẹn 30 giờ tại Ðà Nẵng, ngoài các nghi thức đón tiếp, chào thăm, phái đoàn đã tham quan, chia sẻ, chứng kiến tận mắt những nét đặc trưng về mục vụ và văn hóa địa phương. Chuyến viếng thăm này là cơ hội để giáo phận sống tinh thần hiệp thông trong Hội thánh phổ quát, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các giáo sĩ người Pháp nói riêng và các nhà truyền giáo nói chung, đặc biệt những vị đã để lại những dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử truyền giáo tại Việt nam, cách riêng tại Giáo phận Ðà Nẵng.

 

Ðỗ Minh An

Tường trình từ Ðà Nẵng

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page