Phỏng Vấn Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I

về chuyến viếng thăm của ÐTC Bênêđitô XVI

tại Thổ Nhỉ Kỳ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng Vấn Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ.

(Radio Vertas Asia 3/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài tường thuật về chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ vào ngày cuối cùng, chúng tôi đã nhắc đến việc ký giả Salvatore Mazza của nhật báo "Tương Lai" đã phỏng vấn Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I về chuyến viếng thăm đang kết thúc. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi trọn vẹn bài phỏng vấn này.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I ôm hôn bình an trong Nghi Lễ Phụng Vụ Thánh tại Ðền Thờ Thánh Georges của Toà Giáo Chủ Costantinopoli trong ngày lễ Kính Thánh Andrê Tông Ðồ, 30/11/2006, Bổn Mạng Giáo Hội Chính Thống Giáo Constantinople.


Hỏi 1: Thưa Ðức Thượng Phụ, ngài có thể nói cho chúng con biết về những ngày viếng thăm của Ðức Bênêđitô XVI tại Toà Giáo Chủ Costantinô, đã diễn ra như thế nào không?

Ðáp 1: Truớc hết , tôi có thể xác định rằng tôi thật sự biết ơn Ðức Thánh Cha vì cuộc viếng thăm này, vào đúng ngày Lễ Kính Thánh Anrê Tông Ðồ. Ðây là một bước tiến thật sự có nhiều ý nghĩa trong những tương quan giữa hai bên, một bước tiến được hoàn tất trong khung cảnh của một chuyến đi thăm đã góp phần --- mà tôi cho là thật sự quan trọng --- vào công cuộc đối thọai liên tôn.

Hỏi 2: Thưa Ðức Thượng Phụ, từ chiều thứ Năm 30 tháng 11 cho đến thứ Sáu mùng 1 tháng 12 (năm 2006), ngài và Ðức Bênêđitô XVI đã có những giây phút gặp riêng trao đổi với nhau, không có truyền hình, không có các ký giả báo chí. Ðức Thượng Phụ có thể cho biết đã trao đổi với nhau những gì hay không?

Ðáp 2: Ðức Thánh Cha đã chứng tỏ thiện cảm của ngài đối với Toà Giáo Chủ Chính Thống cũng như đối với những vấn đề của Toà Giáo Chủ chúng tôi; chúng tôi hết lòng cám ơn Ðức Thánh Cha về điều này. Ðây đã là dịp để hiểu biết nhau tốt đẹp hơn, cả với những vị hồng y tháp tùng ÐTC. Tôi nghĩ là chúng tôi cũng nối kết được tình thân với các vị hồng y này. Và điều này xem ra là điều thật quan trọng. Quả thật, người ta có thể nói rằng điều mà chúng tôi đã sống qua là một ngày lịch sử, dưới nhiều khía cạnh. Lịch sử đối với công cuộc đối thọai đại kết và, như chúng ta đã nhìn thấy được vào chiều thứ Năm (30/11/2006) khi theo dõi những gì Ðức Thánh Cha đã làm, lịch sử đối với công cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hoá, cũng như giữa các nền văn hoá và các tôn giáo. Và dĩ nhiên, do bởi những điều trên, nên đây cũng là điều có tầm quan trọng lịch sử cho đất nước chúng tôi.

Hỏi 3: Thưa Ðức Thượng Phụ, những bài diễn văn hồi sáng thứ Năm 30 tháng 11 (năm 2006), và bản Tuyên Ngôn chung mà Ngài và Ðức Bênêđitô XVI đã đặt bút ký, đều có tiếng vang "lớn" và chắc chắn là điều ràng buộc. Vậy xin được hỏi: Ngài và Ðức Bênêđitô XVI có nói đến những sáng kiến cho tương lai hay không?

Ðáp 3: Về điểm này, tôi có thể nói là tôi đã nói với Ðức Thánh Cha về một điều mà chúng ta có thể thực hiện trong tương lai. Tôi có đề nghị với Ðức Thánh Cha một việc mà giờ đây tôi không thể nói ra trước, xét vì chúng tôi phải chờ câu trả lời chính thức cho điều này; tuy nhiên, tôi có thể nói rằng Ðức Thánh Cha đã tỏ ra hết sức quan tâm và đã tiếp nhận những điều nói trên một cách thuận lợi. Chúng tôi hy vọng có thể thực hiện được điều này, bởi vì chúng ta đang tiến theo viễn tượng của tiến bộ đại kết mà cả hai bên đều nhất quyết theo đuổi, như chúng tôi đã xác định và đã viết ra trong Tuyên Ngôn chung.

Hỏi 4: Thưa Ðức Thượng Phụ, tại sao lại phải có thái độ nhất quyết như vậy?

Ðáp 4: Sự hiệp nhất là một trách nhiệm thật quý giá, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm khó đảm trách, nếu nó không được những anh em mình cùng chia sẻ. Lịch sử của ngàn năm vừa qua là một "nhắc nhớ" đầy đau thương về thực tế này. Chúng tôi xác tín sâu xa rằng cuộc viếng thăm của Ðức Bênêđitô XVI, có một giá trị không thể nào lường được trong tiến trình hoà giải này, và càng có giá trị nhất là trong giây phút khó khăn như thế này và trong những hoàn cảnh tế nhị nhất. Chắc chắn, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, cuộc viếng thăm cho chúng tôi dịp để thực hiện một bước tiến hữu ích trong tiến trình hoà giải giữa những giáo hội chúng ta. Và có lẽ, cũng với ơn trợ giúp của Chúa, cuộc viếng thăm này sẽ cung cấp cho chúng ta dịp thuận lợi để vượt qua vài rào cản của sự thiếu thông cảm giữa những tín hữu của các tôn giáo khác nhau, nhất là giữa những người kitô và những anh chị em hồi giáo.

Hỏi 5: Thưa Ðức Thượng Phụ, ngài trước hết đã nhắc qua tầm quan trọng của tất cả những gì đang xảy ra, cả cho đất nước Thổ Nhỉ Kỳ nữa. Tại sao vậy, thưa Ðức Thượng Phụ?

Ðáp 5: Nằm ở ngã ba đường giữa Âu Châu và Á Châu, thành phố Istanbul và Giáo Hội Công Giáo tại đây có một vai trò thật là duy nhất, để cổ võ một cuộc đối chứng giữa các nền văn minh hiện đại. Cách nào đó, Istanbul là nơi tốt để thiết lập một Trung Tâm thường xuyên cho công cuộc đối thọai giữa các Ðức Tin khác nhau cũng như giữa các nền văn hoá khác nhau.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page