ÐTC dâng thánh lễ tại Istanbul

và lên đường trở về Roma

 

ÐTC chủ tế thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần ở Istanbul

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật ngày cuối cùng chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ: thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006: Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI dâng thánh lễ tại Istanbul và lên đường trở về Roma.

(Radio Veritas Asia 2/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Ðang khi quý vị và các bạn theo dõi chương trình phát thanh nầy, thì Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã kết thúc chuyến viếng thăm 4 ngày tại Thổ Nhỉ Kỳ, và đã về đến Roma bằng yên. Hãng tin quốc tế AFP đã nhận định vắn tắt về chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI như là một chuyến viếng thăm quan trọng, qua đó ÐTC thành công mở ra được sự đối thọai với những tín đồ hồi giáo cũng như đối thọai với anh chị em chính thống giáo.


Trước khi cử hành thánh lễ cuối cùng của chuyến viếng thăm, tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần, ở Istanbul, vào sáng thứ Sáu, mùng 1 tháng 12 năm 2006, ÐTC đã thả bốn con chim bồ câu, tượng trưng cho hoà bình.


Ông thống đốc của vùng Istanbul đã hướng dẫn phái đoàn dân sự ra phi trường tiễn đưa Ðức Thánh Cha, và đã đích thân cám ơn ÐTC về những tuyên bố về Hồi Giáo làm cho các tín đồ Hồi giáo mãn nguyện và lọai bỏ được những "giải thích quá xấu" đè nặng trên đó. Ðáp lời Ông Thống đốc, ÐTC nói rằng ngài ra đi, nhưng một phần con tim của ngài còn ở lại Istanbul, một thành phố đầy vẽ huy hoàng. Istanbul là thành phố mang đặc tính thật sự âu châu, là chiếc cầu giữa Tây Phương và Á Châu, để làm cho các cơ cấu và các tổ chức xích lại gần nhau. ÐTC cũng bày tỏ niềm tri ân sâu xa của ngài đối với thành phố Istanbul và nhận định cách chung về chuyến viếng thăm của ngài như sau: "Ðây là một chuyến thăm diễn ra trong an bình nhờ vào sự cộng tác của dân chúng và tôi hy vọng chuyến viếng thăm vẫn luôn là dấu chỉ cho tình bằng hữu giữa các dân tộc và giữa các tôn giáo". Phản ứng trước tin tức cho rằng vào năm 2010, thành phố Istanbul sẽ được mang danh hiệu là "thành phố âu châu về văn hoá", ÐTC vui mừng phát biểu rằng: "Ðúng vậy, thành phố Istanbul rất xứng đáng với danh hiệu này!" Rồi ÐTC vui miệng tiếp: thành phố quê hương của ngài (bên Ðức) đã có lần yêu cầu được mang danh hiệu này mà không được! Ðáp lời Ông thống đốc Istanbul, Ông Muammar Guler, mời Ðức Thánh Cha trở lại thăm Istanbul một lần nữa, ÐTC đã trả lời như sau: "Tôi đã cao niên rồi, và không biết Chúa cho tôi sống thêm được bao lâu nữa. Chúng ta hãy phó thác mọi sự cho Chúa!" Trong những trao đổi cuối cùng nơi phòng khách của Phi Trường Istanbul, Ông Thống Ðốc của Vùng Istanbul, Ông Thị Trưởng của thành phố Istanbul, và Ông Tư Lệnh Quân Ðội trong vùng, một lần nữa, đã nồng nhiệt cám ơn Ðức Thánh Cha và nhận định rằng những lời tuyên bố của ÐTC và những cuộc gặp gỡ, đã soi sáng nhiều tâm trí giúp họ hiểu rõ hơn về tư tưởng của ÐTC.

Ðể diễn tả tâm tình tôn quý của mình đối với Ðức Thánh Cha, Ông Thống Ðốc vùng Istanbul đã đưa ÐTC đến tận chân thang máy bay.

Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng trước khi cử hành thánh lễ cuối cùng của chuyến viếng thăm, tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần, ở Istanbul, vào sáng thứ Sáu, mùng 1 tháng 12 năm 2006, ÐTC đã thả bốn con chim bồ câu, tượng trưng cho hoà bình. Trước đó, trước khi bước vào bên trong Nhà Thờ Chính Toà, Ngài đã khai mạc việc đặt bức Tượng Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963), vị rất được nhân dân Thổ Nhỉ Kỳ tôn trọng và yêu mến, và đã là Khâm Sứ Toà Thánh tại Thổ Nhỉ Kỳ từ năm 1935 đến năm 1944. Trong bài giảng thánh lễ, ÐTC nhắc lại rằng Giáo Hội Công Giáo không muốn áp đặt điều gì trên bất cứ ai, nhưng giáo hội muốn được sinh hoạt tự do, để mạc khải Chúa Kitô cho anh chị em xung quanh. Ngỏ lời với cộng đoàn công giáo tại Istanbul, ÐTC nói về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới và kêu gọi những người kitô hãy chú ý đến những ai đang đói khát sự công bằng và hoà bình, và hãy hoạt động cho sự hiệp nhất giữa những người kitô. ÐTC đã nói như sau: "Sứ mạng của Giáo Hội không hệ tại ở việc bảo vệ những quyền hành, cũng không phải là để có những của cải giàu sang. Sứ mạng của Giáo Hội là trao ban Chúa Kitô, là trao ban sự sống của Chúa Kitô, điều thiện hảo quý giá nhất của con người." Chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và các bạn nguyên văn của bài giảng nầy, trong chương trình phát thanh tuần tới.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I dâng thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần ở Istanbul.


Trên chuyến bay về lại Roma, khi còn trong không phận của Thổ Nhỉ Kỳ, ÐTC đã gởi điện văn chào từ giã ngài Tổng Thống Thổ Nhỉ Kỳ, với những lời cầu chúc nồng nhiệt cho quốc gia và toàn dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ, nhất là cho các bạn trẻ. ÐTC đã bộc lộ trong điện văn như sau: "Tôi hết lòng cám ơn ngài Tổng Thống, vì cuộc tiếp đón đã dành cho tôi và vì những hỗ trợ mà tôi đã được hưởng trong chuyến viếng thăm. Nhìn lại những giai đoạn đầy xúc động của cuộc hành trình, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp cho quốc gia và toàn dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ, nhất là cho những người trẻ, tương lai của đất nước." Sau đó, trong điện văn gởi cho Tổng Thống Italia, Ông Georgio Napolitano, ÐTC đã tổng kết về chuyến viếng thăm của ngài với những lời như sau: Trong chuyến viếng thăm tại Thổ Nhỉ Kỳ, từ ngày 28 tháng 11 đến ngày mùng 1 tháng 12 (năm 2006), tôi đã có thể gặp những đại diện khác nhau của dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ và nói lên lòng mộ mến đối với những cộng đoàn kitô phong phú lịch sử và đầy sức sống thiêng liêng. ÐTC cũng nói lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì kinh nghiệm hiệp thông giáo hội được cảm nhận qua chuyến viếng thăm tại Thổ Nhỉ Kỳ. Như thuờng lệ, ÐTC cũng gởi điện văn chào quý vị quốc trưởng, khi bay ngang qua không phận Hy Lạp và Albani.

Phóng viên Salvatore Mazza, làm việc cho Nhật báo "Tương Lai" của Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã phỏng vấn Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, và được Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giáo Costantinopoli cho biết nhận định rất tích cực về chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðức Giáo Chủ đã gọi chuyến viếng thăm này là một chuyến viếng thăm lịch sử, và có một giá trị không thể lường trước được đối với tiến trình hoà giải.

Ðức Thượng Phụ Bartolomêo I đã nói như sau:

"Trước hết, tôi cần xác định rằng tôi thật sự hết lòng biết ơn Ðức Thánh Cha vì cuộc thăm viếng ngài đã dành cho chúng tôi trong ngày lễ Kính Thánh Anrê tông đồ. Ðây là một bước tiến thật sự có ý nghĩa trong những tương quan giữa hai bên, một bước tiến được hoàn thành trong khung cảnh của một chuyến viếng thăm đã đóng góp phần quan trọng cho công cuộc đối thọai liên tôn."

Chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và các bạn toàn văn bài phỏng vấn này, cũng như những chi tiết khác nữa liên quan đến chuyến viếng thăm trong những chương trình phát thanh sau. Mong quý vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page