ÐTC viếng thăm Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I

và mừng lễ thánh Anrê Tông Ðồ

với Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật ngày thứ ba chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Thổ Nhỉ Kỳ: Ðức Thánh Cha viếng thăm Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I và mừng lễ thánh Anrê Tông Ðồ với Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, thứ Năm, ngày 30 tháng 11 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 1/12/2006) - Thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006 là ngày viếng thăm thứ tư và cũng là ngày viếng thăm cuối cùng của ÐTC Beneđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ, ở thành phố Istanbul, tức Costantinopoli ngày xưa. ÐTC đã qua đêm tại "Nhà Roncalli" -- (tên họ của chân phước giáo hoàng Gioan 23). "Nhà Roncalli" nầy là Cơ Sở Ngoại Giao của Toà Thánh Vatican tại Istanbul.


ÐTC Bênêđitô XVI tham dự Phụng Vụ Thánh, do Ðức Bartolomeo I chủ sự, tại Ðền Thờ Thánh Georges của Toà Giáo Chủ Chính Thống Costantinopoli, mừng kính thánh Anrê Tông Ðồ, thánh bổn mạng và là vị thiết lập Giáo Hội tại Costantinopoli. 


Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đến Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần để cử hành thánh lễ theo nghi thức latinh, với sự hiện diện tham dự của Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, giáo chủ giáo hội chính thống Costantinopoli, Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ giáo hội Armêni Tông Truyền, Ðức Mesrob II, Ðức Tổng Giám Mục Filuksinos Yusuf Cetinet của giáo hội chính thống Syria, và những thành viên của giáo hội Tin Lành. Trong thánh lễ, ÐTC giảng bằng tiếng Pháp. Ðây là diễn từ cuối cùng của ÐTC trong chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ.

Ðược biết Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần đã được mở cho việc phụng tự vào năm 1846, và hiện còn lưu giữ thánh tích của các vị thánh nổi tiếng tại Costantinopoli; chẳng hạn như thánh giáo hoàng Linô, tử đạo vào thế kỷ thứ I. Năm 1884, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) đã trả về cho Nhà Thờ Chính Toà Chúa Thánh Thần, thánh tích của thánh Gioan Kim Khẩu, thánh quan thầy của phủ doản tông toà công giáo tại Costantinopoli. Trước thánh lễ, Ðức Cha Louis Pelatre, đại diện tông toà Istanbul, nói vài lời chào Ðức Thánh Cha đến thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn. Ðây là thánh lễ thứ hai của chuyến viếng thăm bốn ngày tại Thổ Nhỉ Kỳ.

Sau Thánh Lễ, ÐTC trở về "Nhà Roncalli" và chuẩn bị ra phi trường Istanbul, cách đó khoảng 20 cây số, vào lúc 12 giờ 15, để lên máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Thổ Nhỉ Kỳ về lại Roma. ÐTC không đọc bài diễn văn nào tại Phi Trường, mà chỉ bắt tay chào quý vị thẩm quyền đạo đời tại địa phương. Dự trù ÐTC sẽ về đến phi trường quốc tế Fiumicino Roma khoảng 14 giờ 45, kết thúc chuyến viếng thăm 4 ngày tại Thổ Nhỉ Kỳ. Chúng tôi sẽ kể những chi tiết của ngày viếng thăm hôm thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, trong chương trình phát thanh lần tới.

Giờ đây, chúng tôi xin tường thuật những biến cố của ngày viếng thăm hôm thứ Năm 30 tháng 11 năm 2006, ngày cao điểm của chuyến viếng thăm, ngày ÐTC Bênêđitô XVI tham dự lễ mừng kính Thánh Anrê Tông Ðồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli.

Ðức Thánh Cha Bênêđitô đã từ Ephêsô đến Istanbul, vào chiều ngày thứ Tư 29 tháng 11 năm 2006, áp lễ Thánh Anrê Tông Ðồ. Việc giữ gìn an ninh tại Istanbul thật là chu đáo, nhiều hơn cả tại thủ đô Ankara và tại Ephêsô, bởi vì, --- với khoảng 12 triệu dân, --- thành phố Istanbul là nơi có nhiều nhóm hồi giáo, và những nhóm chính trị cực tả, họat động, và có cả những nhóm ly khai người Kurds nữa. Chính quyền điạ phương phải sử dụng một lực luợng cảnh sát đông đến 12 ngàn người để gìn giữ an ninh và trật tự, dọc theo lộ trình ÐTC Bênêđitô XVI đi qua, và quanh những địa điểm được ÐTC đến viếng thăm. Trong số những địa điểm được ÐTC đến viếng thăm trong ngày thứ Năm 30 tháng 11 năm 2006, có hai địa điểm rất tế nhị, đó là Bảo Tàng Viện Sophia và Ðền Thờ Hồi Giáo Xanh. Gọi là "Ðền Thờ Hồi Giáo Xanh", là bởi vì mái nhà của Ðền Thờ Hồi Giáo nầy màu xanh. Và đây là Ðền Thờ Hồi Giáo đầu tiên được Ðức Bênêđitô XVI bước vào kính viếng, với tư cách là Giáo Hoàng. Như thế, Ðức Bênêđitô XVI là vị giáo hoàng thứ hai trong lịch sử bước vào trong Ðền Thờ Hồi Giáo. Vị đầu tiên là Ðức Gioan Phaolô II, đã bước vào bên trong Ðền Thờ Hồi Giáo tại Damas, bên Syri vào năm 2001. Và Bảo Tàng Viện Sophia là địa điểm viếng thăm rất nhạy cảm, là bởi vì, ngay từ đầu, vào thời của Hoàng Ðế Costantinô, thì đây là Vương Cung Thánh Ðường của giáo hội công giáo, được xây cất vào năm 360. Vào thời Hồi giáo chiếm cứ vùng nầy, Vương Cung Thánh Ðường Công Giáo này bị biến thành Ðền Thờ Hồi Giáo, vào năm 1453. Cuối cùng, đến năm 1935, bắt đầu thời hiện đại của Thổ Nhỉ Kỳ, Ðền Thờ công giáo này trở thành Bảo Tàng Viện cho đến hôm nay.

Khi Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI từ Ephêsô đến phi truờng Istanbul, vào chiều thứ Tư 29 tháng 11 năm 2006, thì Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đã đích thân ra phi trường chào đón ÐTC. Ngoài ra, còn có cả Ðức Thượng Phụ Giáo Hội Armêni Tông Truyền, Ðức Mesrob II, cũng có mặt tại Phi Trường Istanbul để chào Ðức Thánh Cha.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I ôm hôn nhau sau khi đã đọc và ấn ký bản Tuyên Ngôn Chung.


Trong giây phút gặp gỡ đầu tiên này, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói lên ước mong chuyến viếng thăm của ngài củng cố sự dấn thân chung để kiên trì đi trên con đường dẫn đến hoà giải và hoà bình giữa các Giáo Hội. Về phần mình, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết đáp lại tiến trình hoà giải.

Sau đó, trong giây phút cầu nguyện chung được tổ chức tại Ðền Thờ Thánh Georges của Toà Giáo Chủ Costantinopoli, ÐTC Bênêđitô XVI bộc lộ tâm tình ngài sẽ luôn lưu giữ mãi kỷ niệm cuộc gặp gỡ này với Ðức Giáo Chủ Bartolomeo I, một cuộc gặp gỡ đầy thiện chí và đầy ý nghĩa giáo hội. ÐTC bày tỏ khâm phục đối với quyết định can đảm của Ðức Phaolô VI và Ðức Giáo Chủ Athênagoras, vào năm 1965, đã cùng rút lại việc "dứt phép thông công lẫn nhau" của năm 1054. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói tiếp như sau: "Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II đã được đón tiếp thật nồng nhiệt trong Ðền Thờ này; các ngài đã được liên kết với hai vị giáo chủ, Ðức Athênagoras I và Ðức Dimitrios I, để củng cố con đường tiến đến sự thông cảm lẫn nhau và công cuộc mưu tìm sự hiệp nhất trọn vẹn." ÐTC cũng nhắc đến sự kiện mảnh đất Thổ Nhỉ Kỳ này đã được liên kết thật chặt chẽ với Ðức Tin kitô giáo, đã là nơi xưa kia có rất nhiều cộng đoàn giáo hội. Nhiều vị thánh tử đạo, nhiều thần học gia nổi tiếng, nhiều vị mục tử, nhiều đan sĩ, nhiều vị thánh nam nữ đã xuất thân từ những cộng đoàn giáo hội này qua các thế kỷ. Có Bảy Công Ðồng Chung đầu tiên của Giáo Hội, được cả hai phía công giáo và chính thống giáo nhìn nhận như là quan trọng cho đức tin và cho kỷ luật của giáo hội, đã diễn ra tại phần đất này của thế giới đông phương.

Ðáp lời Ðức Thánh Cha, Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I nhấn mạnh rằng: "Chúng ta cần phải lưu ý đến những giai đoạn của con đường đã đi qua, cũng như cần ý thức về những sai lầm đã phạm, trong khi chúng ta cố gắng tuân phục mệnh lệnh của Chúa cho các môn đệ của ngài hãy trở nên Một. Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I cũng nói lên tâm tình ghi ơn Ðức Bênêđitô XVI đã đến thăm. Sau đó, cả hai vị tham dự những giây phút cầu nguyện chung, được gọi là "Lời Chúc Tụng Hoà Bình". Thánh tích của hai vị thánh thần học gia nổi tiếng của giáo hội thời cổ, thánh Grêgôrio Nazianzê và thánh Gioan Kim Khẩu, đã được trưng bày để hai vị kính viếng. Hai vị thánh nổi tiếng này được tôn kính trong Giáo Hội công giáo Roma như là thánh Tiến Sĩ Giáo Hội. Các ngài đã là những vị tiền nhiệm của Ðức Bartolomêô I, trên toà Giáo chủ Costantinopoli này. Kết thúc nghi thức tiếp đón và những phút cầu nguyện chung tại Ðền Thờ Thánh Georges, thuộc Ðiện Phanar của Toà Giáo Chủ Costantinopoli, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I, còn dành thêm những giây phút trao đổi riêng với nhau nữa.

Kết thúc ngày thứ Tư 29 tháng 11 năm 2006, Ðức Thánh Cha và phái đoàn, rời Toà Giáo Chủ Chính Thống Giáo, để đến "Nhà Roncalli", cơ sở ngoại giao của Toà Thánh Vatican tại Istambul, để dùng cơm tối và nghĩ đêm, chuẩn bị cho ngày cao điểm viếng thăm, thứ Năm 30 tháng 11 năm 2006, ngày lễ kính thánh Anrê Tông Ðồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli.

Sáng thứ Năm 30 tháng 11 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI trở lại Ðền Thờ Thánh Georges của Toà Giáo Chủ Chính Thống Costantinopoli, để tham dự Phụng Vụ Thánh, do Ðức Bartolomeo I chủ sự, để mừng kính thánh Anrê Tông Ðồ, thánh bổn mạng và là vị thiết lập Giáo Hội tại Costantinopoli. Trong cử hành Phụng Vụ Thánh, hai vị Ðức Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I đã trao đổi cái "hôn bình an", và cùng nhau đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng hy lạp.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I vui mừng bắt tay nhau sau khi đã đọc và ấn ký bản Tuyên Ngôn Chung.


Chia sẻ trong Phụng Vụ Thánh, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã kêu gọi "người công giáo và anh chị em chính thống giáo hãy dấn thân góp phần canh tân ý thức của âu châu về những gốc rễ riêng, canh tân ý thức về những truyền thống và những giá trị kitô của mình. Trước sự hiện diện của Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I, ÐTC nhắc lại trách vụ phục vụ phổ quát của ngài, như là người kế vị thánh Phêrô, và đã yêu cầu những nhà chính trị trên thế giới hãy tôn trọng tự do tôn giáo. Một lần nữa, ÐTC xác nhận mục đích của sự hiện diện của ngài là để "canh tân sự dấn thân chung trên con đường thiết lập lại -- cùng với ơn Chúa -- sự hiệp thông hoàn toàn giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Costantinopoli. ÐTC đã nói như sau: "Tôi có thể bảo đảm với quý chư huynh rằng Giáo Hội Công giáo sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để vượt qua tất cả những trở ngại và để đi tìm, cùng với anh chị em chính thống giáo, những phương thế luôn hữu hiệu hơn cho sự cộng tác mục vụ, để nhắm đến mục tiêu hiệp thông trọn vẹn." Về phần mình, Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I nhìn nhận sự hiện diện của Ðức Thánh Cha như là để thể hiện tình huynh đệ đối với giáo hội chính thống giáo Costantinopoli. Ðức Giáo Chủ cũng nhìn nhận dấu hiệu hiển nhiên là hai bên đã rõ ràng ước muốn kiên trì trên con đường thiết lập lại sự hiệp thông trọn vẹn. Ðức Giáo Chủ nói tiếp như sau: "Chúng tôi công khai nói lên niềm đau buồn sâu xa vì chưa được hiệp nhất với nhau để cử hành các bí tích thánh".

Kết thúc Phụng Vụ Thánh, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Bartolomêô I, đã đọc và sau đó ấn ký bản Tuyên Ngôn Chung, và cùng ban phép lành, bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh, cho cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và các bạn Tuyên Ngôn Chung này trong chương trình phát thanh sau. Chiều ngày thứ Năm 30 tháng 11 năm 2006, ÐTC có hai cuộc viếng thăm đầy nhạy cảm, như chúng tôi đã nhắc trên đây. Ðó là Viếng Thăm Bảo Tàng Viện Sophia và Ðền Thờ Hồi Giáo Xanh. Chúng tôi cũng sẽ tường thuật tiếp trong chương trình phát thanh  lần tới.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page