ÐTC đến thủ đô Ankara và tiếp xúc với

chính quyền dân sự Thổ Nhỉ Kỳ

và giới lãnh đạo cao cấp Hồi Giáo

 

ÐTC tiếp kiến ngoại giao đoàn tại Thổ Nhỉ Kỳ

trong Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ankara.

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật ngày thứ nhất chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI: Thứ Ba 28 tháng 11 năm 2006, ÐTC đến thủ đô Ankara và tiếp xúc với chính quyền dân sự Thổ Nhỉ Kỳ và giới lãnh đạo cao cấp Hồi Giáo.

(Radio Veritas Asia 29/11/2006) - Trong bốn ngày viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ, từ thứ Ba 28 tháng 11 cho đến thứ Sáu mùng 1 tháng 12 năm 2006, ÐTC viếng thăm tại ba địa điểm: thủ đô Ankara, thành phố Ephêsô, và thành phố Istanbul mà ngày xưa được gọi là Costantinopoli, nơi có Toà Thượng Phụ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, hiện do Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I lãnh đạo.


Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ tặng ÐTC một bức tranh và ÐTC tặng lại ngài thủ tướng một Huy Hiệu của Triều Giáo Hoàng của ngài.


Sáng thứ Ba, 28 tháng 11 năm 2006, trước khi máy bay cất cánh rời Phi Trường Quốc Tế Fiumicinô ở Roma, khi mọi người đã lên máy bay, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI mở cuộc họp báo trên máy bay nêu bật vài đặc tính của chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ; ÐTC nhấn mạnh đây không phải là chuyến viếng thăm chính trị, nhưng mục vụ; và mục đích nhắm đến là đối thoaị, tình huynh đệ và sự dấn thân chung cho công cuộc hoà bình. ÐTC giải thích thêm như sau: "Tất cả chúng ta đều cảm thấy cùng một trách nhiệm trong giây phút khó khăn này của lịch sử và chúng ta cộng tác với nhau." ÐTC ước mong chuyến viếng thăm khơi dậy cuộc đối thoại không những giữa kitô giáo và hồi giáo, nhưng còn giữa những người kitô với nhau, tức là giữa công giáo và chính thống giáo Costantinopoli. ÐTC gọi những cuộc gặp gỡ sắp tới trong chuyến viếng thăm là cuộc gặp gỡ của tình bằng hữu. Ngài nhấn mạnh rằng Thổ Nhỉ Kỳ đã luôn luôn là chiếc cầu giữa các nền văn hoá và là nơi gặp gỡ và đối thoaị. Về tương quan giữa Thổ Nhỉ Kỳ và Âu Châu, ÐTC đã nhấn mạnh đến khả thể của một tương quan làm phong phú lẫn nhau. Ngài giải thích như sau: "Chúng ta, những người âu châu, chúng ta cần suy nghĩ lại về "trí suy theo đời thường" của chúng ta, và Thổ Nhỉ Kỳ, --- dựa vào lịch sử và những nguồn gốc của mình, --- cần phải suy nghĩ với chúng ta về việc làm thế nào để thiết lập lại, trong tương lai, tương quan giữa tính cách đời thường và truyền thống, giữa một trí suy cởi mở, bao dung và tự do, và những giá trị mà sự tự do có thể chọn lấy." Ðức Thánh Cha kêu gọi hãy có sự phân biệt giữa "tâm thức duy đời thường", tức tâm thức trần tục hoá, và thái độ lành mạnh tôn trọng tính cách độc lập của đời thường.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, ÐTC đã nhận định về trách vụ khó khăn của những nhà báo như sau:

"Các bạn nhà báo thân mến, tôi thân ái chào các bạn và tôi muốn nói lên lòng biêt ơn chân thành của tôi đối với công việc các bạn đang làm. Tôi biêt rõ công việc này khó khăn. Các bạn thường phải làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn và trong thời gian thu ngắn các bạn phải thông tin về những sự việc phức tạp và khó, phải tổng hợp và làm cho dễ hiểu điểm chính yếu của những gì vừa xảy ra hoặc vừa được nói. Tất cả những biến cố đến với nhân loại chỉ nhờ qua trung gian của các bạn; như thế các bạn làm công việc phục vụ có tầm quan trọng lớn lao; vì thế tôi xin cám ơn các bạn. Chúng ta biết rằng mục đích của chuyến viếng thăm này là đối thoaị, tình huynh đệ, sự dấn thân để thông cảm giữa các nền văn hóa, sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá và các tôn giáo, để thực hiện hoà giải. Tất cả chúng ta cùng cảm nghiệm một trách nhiệm giống nhau trong giây phút khó khăn này của lịch sử và chúng ta cộng tác với nhau. Công việc của các bạn có tầm quan trọng lớn lao. Vì thế tôi xin lặp lại lần nữa hai tiếng Cám ơn."

Ðức Thánh Cha đã đến Phi Trường Quốc Tế Thủ Ðô Ankara, lúc 13 giờ cùng ngày 28 tháng 11 năm 2006, và đã được Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhỉ Kỳ tiếp đón ngắn gọn, vì ông sắp lên đường đi họp NATO, tại Riga bên Lettoni. Từ Phi Trường, ÐTC đi viếng Lăng Mộ của vị anh hùng dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ, ngài Mustafa Kemal Ataturk, người cha của Thổ Nhỉ Kỳ thời hiện đại. Lăng Tẩm này rất được khách đến viếng thăm, và là biểu tượng cho đặc tính "đời thường" của một Thổ Nhỉ Kỳ Hồi Giáo.


ÐTC đến viếng Lăng Mộ của vị Anh Hùng Dân Tộc Ataturk và sau đó ÐTC vào Bảo Tàng Viện cạnh bên Lăng Mộ, để viết vào sổ vàng câu nói thời danh của vị Anh Hùng Dân Tộc Thổ Nhỉ Kỳ: "Hoà Bình trong quê hương, Hoà Bình trên thế giới" (trong hình: ÐTC đang viết vào sổ lưu nệm).


Cách chung, có thể nói rằng trọn cả buổi chiều của ngày hôm thứ Ba 28 tháng 11 năm 2006, được dành để ÐTC gặp gỡ với các Thẩm Quyền Tối Cao Dân Sự và Tôn Giáo tại thủ đô Ankara. Thẩm quyền dân sự tối cao là Tổng Thống Ahmet Necdet Sezer và Phó Thủ Tướng Yagub Egyyubov của Thổ Nhỉ Kỳ; và Thẩm quyền tối cao tôn giáo, là ngài Ali Bardakoglu, chủ tịch của Ban Tôn Giáo và là vị Giáo Sĩ lãnh đạo Hồi Giáo tại thủ đô Ankara.

Khi máy bay của ÐTC đáp xuống phi trường quốc tế Ankara, Ðức Sứ Thần Toà Thánh tại Thổ Nhỉ Kỳ đã lên tận máy bay để chào Ðức Thánh Cha. Thủ Tướng của Thổ Nhỉ Kỳ và các viên chức chính phủ, và Ðức Cha Ruggero Franceschini, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Thổ Nhỉ Kỳ, đứng chờ và chào ÐTC nơi thang máy bay. Sau đó, ÐTC cùng với Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Tarcisio Bertone, tiến vào phòng khách tại Phi Trường để có cuộc tiếp xúc riêng với Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ trong vòng khoảng 25 phút. Riêng ba vị Hồng Y khác cùng tháp tùng ÐTC, -- Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về văn hoá và về đối thoaị liên tôn, Ðức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về hiệp nhât Kitô, và Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, cựu chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình và Hội Ðồng Toà Thánh Ðồng Tâm, -- thì chờ bên ngoài.

Bằng tiêng Ý, ÐTC đã giải thích với Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ là ngài đến thăm Thổ Nhỉ Kỳ để đào sâu tình bằng hữu giữa Toà Thánh và dân tộc Thổ Nhỉ Kỳ và cổ võ sự gặp gỡ các nền văn hoá. ÐTC cũng nhấn mạnh đến bổn phận chung của hai bên là phục vụ cho hoà bình. Ðáp lời ÐTC, Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ nói lên niềm vui được tiếp đón ÐTC và phái đoàn, đồng thời cũng tỏ ra hối tiếc vì phải lên đường ngay để tham dự cuộc họp của Nato tại Riga bên Lettoni.

Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan nhận định rằng chuyến viếng thăm của ÐTC trong lúc này thật là có ý nghĩa, bởi vì, --- theo lời của Thủ Tướng, --- đúng vào lúc vừa diễn ra cuộc họp của Liên Minh Các Nền Văn Minh, một cuộc họp đã được loan báo bằng tuyên ngôn chung tại Istanbul, với Ông Tổng Thư Ký Kofi Annan, của Liên Hiệp Quốc, và Thủ Tuớng Tây Ban Nha, ông Zapatero. Kết thúc cuộc gặp gỡ, Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ đã tặng ÐTC một bức tranh và ÐTC đã tặng lại ngài thủ tướng một Huy Hiệu của Triều Giáo Hoàng của ngài.

Theo nguồn tin của hãng tin công giáo Thụy Sĩ, Apic, trích lời tuyên bố của Linh Mục Lombardi, giám đốc phòng báo chì Toà Thánh, --- thì trong cuộc tiếp xúc riêng với Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ tại Phi Trường, ÐTC đã nói lên lập trường rằng Toà Thánh "nhận định cách tích cực con đường đối thoaị, xích lại gần và hội nhập Thổ Nhỉ Kỳ vào trong Liên Hiệp Âu Châu,... dựa trên căn bản những giá trị và những nguyên tắc chung". Linh Mục Lombardi giải thích thêm rằng: "Tòa Thánh không có quyền và cũng không có trách vụ chính trị để can thiệp vào điểm cụ thể về việc Thổ Nhỉ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Ðây không phải là vai trò của Toà Thánh. Tuy nhiên, Toà Thánh nhận định một cách tích cực và khuyến khích con đường đối thoaị, xích lại gần, và hội nhập Thổ Nhỉ Kỷ vào Âu Châu, dựa trên căn bản những giá trị và những nguyên tắc chung... Theo nghĩa này, Ðức Giáo Hoàng đã nói lên lời thẩm định của ngài liên quan đến sáng kiến tổ chức Liên Minh Các Nền Văn Minh, mà Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ đã cổ võ."


ÐTC viếng thăm Tổng Thống Ahmet Necdet Sezer của Thổ Nhỉ Kỳ.


Như thế, các quan sát viên cho rằng Toà Thánh Vatican không còn giữ thái độ trung lập về việc gia nhập của Thổ Nhỉ Kỳ vào Liên Hiệp Âu Châu nữa. Và Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ, sau cuộc hội kiến riêng với Ðức Thánh Cha, đã tuyên bố rằng ÐTC ủng hộ việc Thổ Nhỉ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng vào năm 2004, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, -- mà nay là Ðức Bênêđitô XVI, -- đã có lập trường chống lại việc Thổ Nhỉ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Hôm ngày 26 tháng 11 năm 2006, tức 2 ngày trước khi ÐTC lên đường đi thăm Thổ Nhỉ Kỳ, Ðức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoaị trưởng Tòa Thánh, đã tuyên bố với Nhật Báo "Tương Lai", cơ quan ngôn luận của Hội Ðồng Giám Mục Italia, rằng trước đây Toà Thánh đã không nói lên lập trường chính thức của mình về vấn đề gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Thổ Nhỉ Kỳ (-- nên không thể nói là Toà Thánh đã thay đổi lập trường!) --- nhưng Toà Thánh cho rằng trong trường hợp được gia nhập, thì quốc gia đó phải đáp ứng tất cả mọi tiêu chuẩn chính trị, đã được đồng ý trong cuộc họp Thượng Ðỉnh tại Copenhague vào tháng 12 năm 2002; Cách riêng, trong những gì liên quan đến sự tự do tôn giáo, thì quốc gia đó cần phải đáp ứng những đề nghị trong bản quyết định về những nguyên tắc, những ưu tiên và những điều kiện đã được ghi ra trong bản tuyên định gia nhập của Thổ Nhỉ Kỳ, ngày 23 tháng Giêng năm 2006.

Sau cuộc tiếp xúc với Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ tại Phi Trường, ÐTC lên xe đến viếng Lăng Mộ của vị Anh Hùng Dân Tộc Ataturk, nằm cách đó 45 cây số. Vào phía bên trong Lăng, ÐTC đã đặt vòng hoa màu đỏ và màu trắng nơi Ngôi Mộ của Ngài Mustafa Kemal Ataturk, vị sáng lập nền cộng hoà Thổ Nhỉ Kỷ hiện đại, vào năm 1923, và đã tuyên bố một Quốc Gia Thổ Nhỉ Kỳ theo đời thường, qua hiến pháp năm 1937. Ngài Ataturk qua đời năm 1938. Sau đó, ÐTC vào Bảo Tàng Viện cạnh bên Lăng Mộ, để viết vào sổ vàng câu nói thời danh của vị Anh Hùng Dân Tộc Thổ Nhỉ Kỳ: "Hoà Bình trong quê hương, Hoà Bình trên thế giới".

Rời Lăng Ataturk, ÐTC đi thẳng đến dinh Tổng Thống để chào Tổng Thống Thổ Nhỉ Kỳ, và những vị Thẩm quyền cao cấp khác, như Phó Thủ Tướng Thổ Nhỉ Kỳ và Ngài Chủ Tịch của Bộ Ðặc Trách Các Tôn Giáo. Chúng tôi sẽ kể tiếp về những biến cố này trong chương trình phát thanh lần tới.

Chương trình viêng thăm của ÐTC ngày thứ Tư 29 tháng 11 năm 2006, gồm có hai biến cố chính: dâng Thánh Lễ cho cộng đoàn công giáo tại Ephêsô vào ban sáng, và ban chiều, ÐTC đến Istanbul để gặp riêng Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I. Chúng tôi cũng sẽ tường thuật những chi tiết của ngày viếng thăm này trong chương trình phát thanh lần tới. Mong quý vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page