Giáo huấn của Thánh Tông Ðồ Phaolô
Giáo Hội như là Nhiệm Thể của Chúa Kitô
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC Beneđitô XVI nhắc lại giáo huấn của Thánh Tông Ðồ Phaolô về Giáo Hội như là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 22 tháng 11 năm 2006, tại quảng trường thánh Phêrô, Roma.
Tin Vatican (Vat. và Apic 22/11/2006) - Lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Tư, ngày 22 tháng 11 năm 2006, ÐTC Beneđitô XVI đã tiếp kiến chung các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, và đã nhắc lại giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Ðồ về Giáo Hội. ÐTC đã nói như sau: "Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta kết thúc cuộc gặp gỡ với Thánh Phaolô tông đồ, qua bài suy niệm cuối cùng này về giáo huấn của thánh nhân. Thật vậy, chúng ta không thể nào tạm biệt ngài, mà không nhìn đến một trong những yếu tố quyết định của hoạt động ngài và là một trong những chủ đề quan trọng nhất của tư tưởng của ngài: đó là đề tài về Giáo Hội. Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của thánh Phaolô với Chúa Giêsu đã xảy ra qua chứng tá của cộng đoàn kitô tại Giêrusalem. Lúc đó đã là một cuộc tiếp xúc đầy sóng gió. Khi biết được có nhóm mới các tín hữu, Phaolô tức tốc trở thành kẻ kiêu hãnh bách hại cộng đoàn này. Chính thánh nhân đã ba lần nhắc đến sự việc này trong các thư của ngài (I Co 15,9; Gal 1,13; Fil 3,6), vừa nhắc đến thái độ của ngài như là kẻ lỗi phạm tệ hại nhất.
Lịch sử chứng minh cho chúng ta rằng con người thường đến gặp Chúa Giêsu qua trung gian của Giáo Hội! Theo một ý nghĩa nào đó, điều này đã xảy ra cho thánh Phaolô. Ngài đã tiếp xúc với giáo hội trước khi gặp Chúa Giêsu. Trong trường hợp của Phaolô, cuộc tiếp xúc với giáo hội trước tiên không phải là cuộc tiếp xúc thuận lợi, không tạo ra sự gắn bó, nhưng một sự khước từ mạnh mẽ. Trong truờng hợp đã xảy ra cho Phaolô, việc gắn bó với Giáo Hội là nhờ hành động can thiệp trực tiếp của Chúa Kitô, là Ðấng, khi mạc khải chính mình cho thánh Phaolô trên đường đi Damasco, đã đồng hoá mình với Giáo Hội, và đã làm cho Phaolô hiểu rằng bách hại giáo hội là bách hại chính Chúa. Thật vậy, Ðấng Phục Sinh đã nói với Phaolô, kẻ bách hại giáo hội, những lời như sau: Saolô, Saolô, tại sao con bách hại Ta? (Tđcv 9,4). Khi bách hại Giáo Hội, thánh Phaolô bách hại Chúa Kitô. Lúc Phaolô ăn năn trở lại với Chúa Kitô thì đồng thời ngài trở về lại với Giáo Hội. Do đó, chúng ta hiểu được tại sao Giáo Hội đã luôn luôn hiện diện trong dòng tư tưởng của thánh Phaolô, trong tâm hồn và trong hoạt động của ngài.
Tiếp đến ÐTC nhắc lại những họat động truyền giáo của thánh Phaolô và việc ngài thiết lập và chăm sóc cho những cộng đoàn giáo hội khắp vùng tiểu á. Và ÐTC cũng nhắc đến giáo huấn của Thánh Phaolô về Giáo Hội như là "nhiệm thể của Chúa Kitô", giáo huấn mà không một tác giả kitô nào vào thế kỷ thứ I của kitô giáo đã nhắc đến (x. I Co 12,27; Eph 4,12;5,30; Col 1,24). ÐTC nhận định rằng gốc rễ sâu xa nhất của việc xác định giáo lý này -- (Giáo Hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô), --- được gặp thấy trong bí tích về Thánh Thể Chúa Kitô: "Bởi vì chỉ có một Bánh, nên chúng ta, tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể " (I Co 10,17). Trong bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô trao ban cho chúng ta Thân Thể Ngài và làm cho chúng ta trở thành Nhiệm Thể Chúa. Trong ý nghĩa này, Thánh Phaolô nói với cộng đoàn Galata như sau: Tất cả anh em là một trong Chúa Kitô" (Gal 3,28). Như thế không những có việc Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô, mà còn có việc Giáo Hội như "được đồng hoá" với Chúa Kitô. Và đó là nét cao cả của Giáo Hội. Và cũng từ đó mà phát sinh bổn phận của chúng ta sống thật sự "đồng hoá" giống như Chúa Kitô. Cũng chính từ căn bản này mà Thánh Phaolô nói đến sự hiệp nhất của những ơn đoàn sủng trong giáo hội.
Trong phần chào chúc bằng cách thứ tiếng, ÐTC đã đặc biệt nói lên sự buồn phiền của ngài đối với vụ ám sát Bộ Trưởng bộ Kỹ Nghệ, Ông Pierre Gemayel, bên Liban, hôm ngày thứ Ba 21 tháng 11 năm 2006, ngày áp lễ Ðộc Lập của Liban. Tuy nhiên ÐTC kêu gọi dân chúng Liban đừng để mình chiều theo sự trả thù, nhưng ngược lại hãy củng cố sự hiệp nhất quốc gia, sự công bằng và sự hoà giải, và hãy cùng nhau xây dựng tương lai hoà bình cho đất nước. ÐTC cũng kêu gọi các quốc gia có liên hệ trong vùng hãy giúp tìm giải pháp toàn diện cho những hoàn cảnh bất công đang ghi dấu Liban từ nhiều năm qua.
(Ðặng Thế Dũng)