Ý nghĩa chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ

của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ý nghĩa chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI.

Vatican (Vat 27/11/2006) - Cùng đi theo những dấu chân của các vị tiền nhiệm là Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã chọn quốc gia hồi giáo Thổ Nhỉ Kỳ làm một trong những nước mà ngài sẽ thực hiện những chuyến viếng thăm mục vụ trong những năm khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Thổ Nhỉ Kỳ nằm trong những vùng đất nối dài được gọi là "Ðất Thánh của Giáo Hội". Tại chính nơi này mà các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, các cộng đoàn Anitokia và Ephêsô, đã được biết đến như tên gọi lịch sử trong các thánh thư. Hơn nữa, đây cũng chính là những điểm khởi phát để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc vùng Viễn Ðông và dân tộc Slav. Hai tác giả của Tân Ước, Thánh Phaolô thành Tarsus và Thánh Luca thành Antiokia, là những nhân chứng của giáo hội đã để lại những nét đặc sắc sâu đậm và rõ ràng, tiêu biểu cho những sinh hoạt của các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi tại đây.

Chuyến viếng thăm mục vụ của một vị Giám Mục Rôma (Ðức Beneđitô XVI) tại Thổ Nhỉ Kỳ gợi lại những mốc điểm đầy ý nghĩa trong lịch sử chứng nhân đức tin của thế kỷ thứ 7 về sự thành hình của Ephrem và Syria (năm 306) và của thế kỷ thứ 8 về cái chết của Thánh John Chrysostom (năm 407).

Cả hai mốc điểm này là những tia sáng chiếu dọi "những ánh sáng từ miền Ðông" (light from the East) mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Thư "Orientale Lumen" vào năm 1994, đã bày tỏ ước muốn rằng giáo hội hoàn vũ sẽ luôn gìn giữ những kho tàng phong phú các chứng nhân, sự khôn ngoan và linh đạo của các Kitô hữu đông phương, để tìm về với các kitô hữu tiên khởi của thiên niên kỷ thứ nhất, vào thời kỳ mà giáo hội sống trong một cộng đoàn hiệp nhất.

Trong một thời đại đa dạng và phức tạp của chúng ta, sự dồi dào và phong phú của đủ loại truyền thống tôn giáo, trong quá khứ cũng như hiện tại, được tìm thấy trên miền đất của Thổ Nhỉ Kỳ này, với những dấu chứng của những sự kiện được nói đến rất nhiều trong phụng vụ cũng như trong các sinh hoạt tinh thần, một đức tin hiệp nhất trong Ðức Kitô Chúa chúng ta, sẽ là những điểm thích hợp để nối kết chúng ta lại với nhau nên một mối hiệp nhất. Ðức Thánh Cha muốn nói đến một đường lối đối thoại "văn hóa đại kết".

Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ chính là một phần trong lịch sử được nhắc đến ở trên, và phải được hiểu trong ánh sáng của lịch sử đó. Ðây là một chuyến viếng thăm mục vụ, một chuyến viếng thăm đại kết với các giáo hội kitô và là một chuyến viếng thăm đối thoại với thế giới hồi giáo.

1. Một chuyến viếng thăm mục vụ.

Giáo Hội Công Giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ, tuy được biết đến với nhiều giáo hội địa phương theo các nghi lễ khác nhau (Giáo Hội Công Giáo Latinh, Giáo Hội Công Giáo Armenian, Giáo Hội Công Giáo Syrian, Giáo Hội Chaldean), nhưng chỉ là một cộng đoàn thiểu số trong một quốc gia hồi giáo thuộc phái Sunny. Giống như Thánh Phêrô Tông Ðồ, người đã từ Rôma viết thư (1Phêrô) gởi cộng đoàn thời đó sống trên miền đất thuộc Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay, thì vị kế nhiệm của Thánh Phêrô, Ðức Beneđitô XVI, ngày hôm nay cũng muốn nói với cùng với một cộng đoàn đó, không phải bằng thư từ, nhưng bằng chính sự hiện diện viếng thăm của ngài. Thánh Phêrô đã nhắc nhở các tín hữu kitô "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1Phêrô 3,15). Trong thời đại chúng ta, thời đại của sự leo thang và lan rộng các hiện tượng tôn giáo cố chấp cực đoan, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI, qua việc rao giảng lời Chúa và cử hành Bí Tích, đã đến để thêm sức mạnh cho niềm tin và hy vọng của cộng đoàn Công Giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ trong Ðức Kitô.

Ðức Thánh Cha sẽ cử hành hai Thánh Lễ Misa với các tín hữu Kitô tại Thổ Nhỉ Kỳ. Thánh lễ thứ nhất sẽ được cử hành vào ngày thứ Tư, 29 tháng 11 năm 2006, tại Trung Tâm Hành Hương Meryen Aria Evi (Trung Tâm Hành Hương Nhà của Ðức Mẹ Maria) ở Ephêsô. Theo truyền thống, Ðức Mẹ Maria và Thánh Gioan Tông Ðồ Thánh Sử cũng đã từng sống tại đây. Chính tại Thành Phố Ephesô này, vào năm 431 đã có Công Ðồng Chung của Giáo Hội và tuyên bố Tín Ðiều Ðức Trinh Nữ Maria là Theotokos Mẹ Thiên Chúa. Trung tâm này đã lôi cuốn được rất nhiều khách hành hương, cả các tín hữu kitô và cả các tín đồ hồi giáo, là những người nhìn nhận đức trinh nữ Maria Mẹ của Ðức Giêsu, người trinh nữ đã được Thiên Chúa tuyển chọn là một con người vẹn tuyền nhất trong tất cả mọi người.

Thánh lễ thứ hai sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 12 năm 2006 trong Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Thánh Thần tại Istanbul (Istanbul trước kia được gọi là thành Constantinople). Các đại diện của các giáo hội Công Giáo địa phương thuộc nhiều nghi lễ khác nhau tại Thổ Nhỉ Kỳ sẽ đến tham dự thánh lễ này. Thánh lễ sẽ được cử hành theo nghi lễ Latinh, với sự góp phần một vài nét đặc sắc thuộc các nghi lễ của riêng các giáo hội Công Giáo nghi lễ đông phương.

2. Một chuyến viếng thăm đại kết với các giáo hội Kitô.

Trong những ngày mở đầu triều đại giáo hoàng kế vị ngai tòa thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI, đã tỏ lộ tinh thần đại kết trong trách vụ giáo hoàng của ngài. Như ngài đã phát biểu vào ngày 20 tháng 4 năm 2005, trong bài giảng thánh lễ ở Nhà Nguyện Sistine, ngay sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng. Vị đương nhiệm ngai tòa thánh phêrô  - Ðức Beneđitô XVI - tự cảm thấy có trách nhiệm cần phải chuẩn bị đầy đủ với hết mọi cách trong khả năng chức vụ của ngài để tiến hành một công cuộc đại kết. Tiếp bước theo các vị tiền nhiệm, ngài tự khích lệ mình, mạnh dạn tạo cơ hội để thăng tiến những quan hệ tốt đẹp với các đại diện của các giáo hội khác trong các cộng đoàn giáo hội Kitô.

Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Thổ Nhỉ Kỳ được xem như là để thực hiện mục đích này, và điều này sẽ được thấy rõ trong dịp gặp gỡ, cầu nguyện và đối thoại với Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Giáo, Ðức Bartolomêô I, vào ngày 29 tháng 11 năm 2006, tại Nhà Thờ Chính Tòa của Ðức Thượng Phụ. Cuối buổi cầu nguyện, sẽ có một nghi thức tôn kính xương thánh của Thánh Gregory nhà thần học, và Thánh John Chrysostom. Trung tâm điểm của cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Giáo là vào sáng ngày 30 tháng 11 năm 2006, ngày lễ kính Thánh Andrê Tông Ðồ. Ðức Thánh Cha sẽ tham dự Giờ Kinh Phụng Vụ đọc kinh Nhật Tụng, sau nghi thức mở "màn" và đọc lời nguyện trước các bức tượng đúc kỷ niệm 3 vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đã đến viếng thăm Ðức Thượng Phụ. Nghi thức này sẽ được kết thúc bằng một bài đọc kinh thánh và việc ký kết một tuyên ngôn chung giữa Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI và Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Bartolomêô I.

Chuyến viếng thăm đại kết của Ðức Thánh Cha cũng đáng được chú ý đến nữa là cuộc viếng thăm Ðức Thượng Phụ Mesrob II tại Tòa Thượng Phụ giáo hội Armenian vào buổi chiều ngày 30 tháng 11 năm 2006.

Trong cuộc gặp gỡ này sẽ có nghi thức cầu nguyện và mở "màn" tấm bia được ghi khắc bằng tiếng Armenian và tiếng Thổ Nhỉ Kỳ kỷ niệm chuyến viếng thăm của Ðức Phaolô VI, Ðức Gioan Phaolô II và lần này của Ðức Beneđitô XVI, nói lên ý nghĩa quan hệ thân thiết giữa hai giáo hội: Giáo Hội Armenian và Giáo Hội Công Giáo.

Trong cùng một tinh thần hiệp nhất với Ðức Kitô, vào cuối buổi chiều cùng ngày (30/11/2006), Ðức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các vị đại diện các Giáo Hội tại Istanbul, Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Syrian và nhiều vị lãnh đạo của các cộng đoàn giáo hội Tin Lành.

3. Một chuyến viếng thăm đối thoại liên tôn.

Ðây là ý nghĩa chính. Lần đầu tiên Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI viếng thăm một quốc gia hồi giáo. Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Thổ Nhỉ Kỳ lần này là để tìm kiếm, cổ võ sự đối thoại liên tôn giáo. Ðiểm đáng chú ý của chuyến viếng thăm  là vào chiều ngày Thứ Ba, 28/11/2006, sau khi tới Phi Trường Ankara, Ðức Thánh Cha sẽ đi thẳng tới Lăng của Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938), vị cha già của dân tộc và là tổng thống đầu tiên của nước cộng hoà Thổ Nhỉ Kỳ hiện đại, để đặt vòng hoa và tưởng niệm.

Sau cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo chính phủ, Ðức Beneđitô XVI sẽ đọc một bài diễn văn trước tổng thống Ahmet Necdet Sezer của Thổ Nhỉ Kỳ về những vấn đề tôn giáo, và những vấn đề liên quan tới sự đối thoại và chung sống giữa những người Hồi Giáo và Kitô hữu.

Ðể chứng tỏ lòng quí mến của ngài đối với các tín đồ Hồi giáo, Ðức Thánh Cha sẽ thực hiện một cuộc thăm viếng vào chiều Thứ Năm, 30/11/2006 tại một đền thờ Hồi Giáo, Ðền Thờ Xanh (Blue Mosque), rộng nhất tại Istanbul.

Tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn cũng sẽ được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sau đó vào lúc viếng thăm Ðại Giáo Trưởng Do Thái tại Thổ Nhỉ Kỳ.

Ðược biết, Ðức Gioan XXIII, trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã là Sứ Thần Tòa Thánh tại Thổ Nhỉ Kỳ trong vòng 10 năm. Ngài là người chủ trương cần phải có một sự đối thoại giữa các tôn giáo. Công Ðồng Vatican II, qua tuyên ngôn "Nostra Aetate" (Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo), minh định rằng tất cả các dân tộc làm thành một cộng đoàn duy nhất. Giáo Hội công nhận những giá trị luân lý và tôn giáo của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo Hội quí trọng các tôn giáo ngoài Kitô giáo và ao ước thiết lập những tiếp xúc huynh đệ.

Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI, trong diễn văn đọc trước các đại sứ và đại diện của các quốc gia Hồi Giáo tại Italia, vào ngày 25 tháng 9 năm 2006, đã nói lên tinh thần đối thoại của ngài và tình huynh đệ giữa Giáo Hội Công Giáo với thế giới Hồi Giáo.

Chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ của Ðức Beneđitô XVI là để tiếp nối con đường đối thoại với các tôn giáo mà Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện, ngài muốn nói lên cách mạnh mẽ rằng Giáo Hội Công Giáo chủ trương đối thoại với các tôn giáo trên thế giới. Ðức Thánh Cha quyết định chọn Thổ Nhỉ Kỳ là Quốc gia Hồi Giáo đầu tiên mà ngài sẽ viếng thăm, vì Thổ Nhỉ Kỳ như là một chiếc cầu nối giữa Âu Châu và Á Châu, giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo, là miền đất của những truyền thống đa tôn giáo. Từ Thổ Nhỉ Kỳ giống như đứng ở ban-công (balcony) nhìn bao quát toàn cõi Trung Ðông, nơi Giáo Hội Công Giáo chọn làm điểm xuất phát để thực hiện những công cuộc đối thoại với các tôn giáo trên thế giới.

 

(Joseph Trương chuyển dịch

theo bài viết của Piero Marini)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page