Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
trả lời 2 câu hỏi của
chị Nguyễn Thị Cát Dung, phóng viên Reuters
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trả lời 2 câu hỏi của chị Nguyễn Thị Cát Dung, phóng viên Reuters.
Câu hỏi 1: Hôm qua, 13.11.2006 (tức ngày 14/11/2006 giờ VN), Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (Countries of Particular Concern). Ngài nghĩ như thế nào? Việc nầy có đúng không?
Trả lời 1: Tôi không rõ mục đích nào Mỹ đưa Việt Nam vào hay ra khỏi danh sách đó. Vì quyền lợi kinh tế, quyền lợi chính trị của Việt Nam hay của Mỹ, hay của đảng nầy, giới kia? Do đó, tôi xin miễn có ý kiến. Mấy năm trước, có những nghị sĩ, dân biểu, nhà ngoại giao Mỹ đến gặp tôi và hỏi rằng người Mỹ có thể làm gì giúp người Việt Nam sống tự do hơn. Mấy năm gần đây, thì các vị đó nói rằng hãy tạo điều kiện cho Việt Nam vào WTO (World Trade Organization), người Việt Nam sẽ được tự do hơn. Có đúng vậy không? Hãy chờ xem!
Câu hỏi 2: Quyền con người ở Việt Nam đã khá hơn trước hay còn nhiều vấn đề khó khăn? Nếu còn những tồn tại, làm sao giải quyết?
Trả lời 2: Mấy năm trước, tôi có trao đổi với những ai tìm hiểu vấn đề đó mấy ý như sau:
(1) Nhà Nước Việt Nam cho người dân Việt Nam không phải những cái quyền, song là những cái phép tự do với những hạn chế và được kiểm soát chặt chẽ. Một thí dụ điển hình: Nhà Nước Việt Nam cách đây mấy năm có cho phép Hội đồng Giám Mục Việt Nam ấn hành một Nội San được giới hạn là 50 trang và 100 bản. Có ý kiến cho rằng giới hạn đó là một thứ dây thòng lọng. Thực tế thì ấn hành cho 26 giáo phận với số lượng nhiều lần số cho phép. Ðến nay chưa thấy dây thòng lọng đó hoạt động.
(2) Tự do mà người dân Việt Nam cần thì to bằng cái bàn. Những phép tự do mà Nhà Nước Việt Nam cho, ở Thành phố HCM thì bằng cái dĩa, ở nơi khác thì bằng cái tách, cái ly... Nay thì những phép tự do có to hơn và rộng hơn...
(3) Kinh nghiệm giải phóng dân da đen trong lịch sử Nước Mỹ để lại bài học nầy: được tự do mà không được học hành, không được giáo dục, thì người ta không thể sống tự do xứng với phẩm giá con người. Do thiếu học hành, họ chỉ biết ăn mày, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp... Khi có quyền thế thì chỉ biết ăn gian, ăn hiếp, ăn hối lộ... Khi có tiền thì chỉ biết tiêu xài, ăn chơi...
Tóm lại, không có học, không được giáo dục nên người tốt, thì chỉ biết ăn, ăn nhiều món, nhưng món nào cũng độc hại, do đó được gọi là những tiêu cực, những tệ nạn xã hội.
(4) Gần đây, có một vị từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với tôi rằng Mỹ đang giúp Việt Nam nâng cao trình độ giáo dục cấp Ðại học... Tôi có nói rằng mọi người cần một nền giáo dục toàn diện để nên người và làm người tốt và hữu ích cho xã hội. Một nền giáo dục toàn diện gồm ít nhất có 4 chữ H: Head, Health, Hand, và Heart (trí dục, thể dục, kỹ dục, và đức dục). Mỹ có góp phần vào công cuộc giáo dục toàn diện đó trên đất nước Việt Nam không? Hãy chờ xem. Giáo Hội Công giáo Việt Nam rất mong muốn góp phần lành mạnh hoá một nền giáo dục bệnh hoạn, nhưng đến nay vẫn còn là ước mơ. Và ước mơ đó, không biết ngày nào mới thành hiện thực!
(5) Con người phải là mục đích tối hậu cho sự phát triển. Phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị phải nhằm phục vụ cho sự phát triển toàn diện con người. Thiếu học hành, con người dễ bị biến thành phương tiện sản xuất, thành phương tiện phát triển kinh tế, thành công cụ phục vụ cho ý đồ chính trị. Tình trạng đó tạo ra bất công xã hội, tha hoá con người, và xoá đi phẩm giá con người.
(6) Ðể giải quyết những vấn đề trong cuộc sống xã hội, Giáo Hội Công giáo có chủ trương đối thoại thẳng thắn và hợp tác lành mạnh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy có lúc có kết quả, có lúc xem như là đối thoại giữa người điếc, do đó cần phải có nhiều khiêm tốn và kiên nhẫn.
15.11.2006
+ Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục