Buổi Cầu nguyện đại kết

và Thánh lễ Chúa Nhật 19/11/2006

cho các thành viên hội nghị APEC

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tổng thống W. Bush tham dự buổi Cầu nguyện đại kết Công giáo - Tin lành tại Nhà Thờ Giáo Xứ Cửa Bắc, Hà Nội; và bà Tổng thống Philippine cùng phái đoàn tham dự Thánh lễ tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.


Tổng thống W. Bush tham dự buổi Cầu nguyện đại kết Công giáo - Tin lành tại Nhà Thờ Giáo Xứ Cửa Bắc, Hà Nội (Nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội, được xây dựng từ năm 1927).


Tin Hà Nội, Việt Nam (19/11/2006) - Trước khi Tổng Thống George W. Bush lên đường đi Việt Nam để tham dự Hội Nghị thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương gọi tắt là APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation), chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo (CPC - Countries of Particular Concern).

Chiều ngày 13/11/2006 (tức sáng ngày 14/11/2006 giờ VN), Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "những quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) về tôn giáo. Phát biểu khi công bố quyết định trên, ông John Hanford, Ðại sứ về tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách CPC trong năm nay". Danh sách CPC về tôn giáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hàng năm kể từ năm 1999, chiếu theo các điều khoản quy định trong Ðạo luật về tự do tôn giáo của Mỹ. Tuy vậy, nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế khác vẫn còn đặc biệt quan tâm về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Một trong những điểm quan trọng đối với đời sống riêng của Tổng Thống Bush là đức tin của ông và đức tin này cũng hướng dân ông có những dự án xã hội muốn dựa vào các tổ chức tôn giáo, như đã thấy trong những năm đầu trong thời tổng thống của Ông. Do vậy mà Tổng thống Hoa Kỳ cũng bị áp lực nặng nề để thúc đẩy chính quyền Hà Nội nới rộng tự do tôn giáo cho dân chúng Việt Nam hơn.

Trong thời gian Hội Nghị thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương gọi tắt là APEC được tổ chức tại Việt Nam, ngoại trừ những đề tài về kinh tế được chính thức bàn thảo trong đại hội, Việt Nam cũng tổ chức nhiều sinh hoạt về văn hóa và tôn giáo để cho các nhà lãnh đạo thế giới được dịp nhìn thấy tình hình Việt Nam hiện nay. Ðặc biệt là biến cố Tổng thống W. Bush tham dự buổi Cầu nguyện đại kết Công giáo - Tin lành tại Nhà Thờ Giáo Xứ Cửa Bắc, Hà Nội; bà Tổng thống Philippine cùng phái đoàn tham dự Thánh lễ tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng được dịp xem các biểu diễn về văn hóa Việt Nam, như Múa Rối nước, các điệu vũ của người dân tộc thiểu số... Việt Nam cũng đã huấn luyện cho 21 cô gái Việt Nam chuẩn bị để giúp các nhà lãnh đạo thế giới mặc những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong dịp trình bày Văn Hóa Việt Nam.

Sáng ngày Chúa Nhật, 19 tháng 11 năm 2006, ông bà Tổng thống Mỹ đã đến tham dự một buổi cầu nguyện đại kết tại Nhà Thờ giáo xứ Cửa Bắc, Hà Nội. Ðây là lần đầu tiên Giáo hội Công giáo và Tin lành tại thủ đô Hà Nội có một buổi cầu nguyện chung với nhau. Và sự hiện diện của ông bà Tổng thống cùng các quan chức cao cấp của chính phủ Hoa kỳ thật có ý nghĩa. Cùng tham dự giờ cầu nguyện, có Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, cha Tổng đại diện, một số linh mục, một số mục sư và khoảng 500 tín hữu Công giáo và Tin lành. Chủ đề của buổi cầu nguyện là "Giới luật yêu thương". Những bài thánh ca được chọn từ kho tàng thánh ca của Công giáo và Tin lành xen giữa những đoạn Lời Chúa được đọc lên bởi các linh mục và mục sư làm cho buổi cầu nguyện diễn ra thật sốt sáng. Mọi người được lắng nghe lại lệnh truyền của Thầy chí thánh Giêsu "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Những lời của Chúa mời gọi mọi người cần phải biết luôn yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau và cùng nhau làm chứng cho Chúa. Giờ cầu nguyện kết thúc bằng "kinh hòa bình" của Thánh Phanxicô như muốn nhắn nhủ tất cả mọi người phải cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình.


Sau thánh lễ, bà Tổng thống Arroyo và phái đoàn đã chụp hình lưu niệm với các linh mục và những người phục vụ.


Buổi cầu nguyện hôm Chúa Nhật 19/11/2006 mở ra một cơ hội thật tốt để tín hữu Công giáo và Tin lành xích lại gần nhau hơn. Hy vọng sẽ có nhiều buổi cầu nguyện như thế này trong tương lai.

Sau khi tham dự giờ cầu nguyện đại kết giữa Giáo hội Công giáo và Tổng hội Tin lành tại Nhà thờ giáo xứ Cửa Bắc, Hà Nội, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát biểu: "Laura và tôi, chúng tôi vừa có những giây phút trò chuyện với Chúa. Ðó là những giây phút thật tuyệt vời. Trong các quyền tự do của con người, không có quyền nào cao hơn quyền được tự do thờ phượng theo cách mà mình mong muốn. Chúng tôi xin cám ơn những người đã đứng ra tổ chức buổi cầu nguyện này. Một xã hội toàn diện là một xã hội đón nhận các quyền tự do căn bản, và không có tự do căn bản nào nền tảng hơn - đó là tự do thờ phượng thích hợp với bạn. Và Laura cùng tôi hãnh diện thờ phượng với những người có niềm tin tại Hà Nội đây. Và một lần nữa, chúng tôi cám ơn các Giáo Hội cho chúng tôi cơ hội đến đây. Hy vọng của tôi là tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới đều có thể diễn tả tự do tôn giáo. Và đó là cách biểu lộ niềm tin riêng của chúng ta, đồng thời thúc đẩy xã hội cảm thấy thoải mái và tin tưởng nói với đồng bào của mình rằng nếu bạn cảm thấy thích cầu nguyện với Thượng Ðế bạn được quyền làm như thế trong bất cứ cách thức nào thích hợp với bạn. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành, và cám ơn."

Cùng với giờ diễn ra buổi cầu nguyện đại kết tại Nhà Thờ Giáo Xứ Cửa Bắc, thì tại nhà nguyện Fatima ở Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, cha Giám đốc Ðại Chủng Viện Giuse Hà Nội và cha đặc trách người nước ngoài đã dâng thánh lễ cho phái đoàn của Tổng thống Philippine. Bà Arroyo, Tổng thống Philippine cùng với con gái và đoàn tùy tùng đã tham dự thánh lễ một cách sốt sáng. Sau thánh lễ, bà Tổng thống và phái đoàn đã chụp hình lưu niệm với các linh mục và những người phục vụ.

Ðược biết, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương gọi tắt là APEC đã bế mạc hôm ngày 19/11/2006. Tại buổi bế mạc, 21 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC đã xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. 21 bộ áo dài truyền thống cho các vị lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã được nhà tạo mẫu Minh Hạnh thiết kế. Ða số các nhà lãnh đạo chọn màu áo màu xanh dương.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, các nhà lãnh đạo đã chụp ảnh kỷ niệm ở bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc gia, kết thúc nghi lễ cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14. Nghi lễ chụp ảnh trong trang phục truyền thống của nền kinh tế chủ nhà lâu nay được coi là nghi lễ chính thức của hội nghị thượng đỉnh APEC.


Các nhà lãnh đạo thế giới mặc những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong dịp trình bày Văn Hóa Việt Nam.


Chuẩn bị trong vòng 8 tháng với gần 100 mẫu thiết kế ban đầu, nhà tạo mẫu Minh Hạnh - Viện trưởng Viện Thời trang Fadin - đã hoàn tất 21 bộ áo dài truyền thống cho 21 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Với ý tưởng chiếc áo dài của người quân tử điểm những bông sen tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết, bộ sưu tập này được xem là kỳ công từ đường kim mũi chỉ, đến từng hoạ tiết, màu sắc... Nhà tạo mẫu Minh Hạnh cho biết:

"Chính phủ đề xuất Bộ Công nghiệp đứng ra chủ trì việc thiết kế trang phục cao cấp này và Bộ Công nghiệp giao lại cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sau đó đến Viện Thời Trang Fadin. Tôi đã làm thử 30-40 mẫu, trong đó có họa tiết logo APEC, hoa sen... để trình duyệt. Cuối cùng, mẫu thiết kế trên chất liệu tơ tằm cao cấp Việt Nam với họa tiết hoa sen được thông qua. Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao và tinh khiết, là biểu tượng cho nét văn hoá Việt qua cách tiếp cận của các nước. Chất liệu tơ tằm cao cấp Việt Nam được xem là hàng sang bậc nhất, vốn được khách nước ngoài ưa chuộng. Ðặc biệt, trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) vừa qua, bộ áo bà ba có họa tiết rồng bay đã chinh phục các quan khách. Do đó, tuỳ theo cấu trúc dệt để làm 21 bộ và không có thêm chiếc áo nào khác. Tất cả tuân theo một kiểu nhưng có 5 màu".

 

(Joseph Trương)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page