Giáo huấn của thánh tông đồ Phaolô

về tính cách trung tâm của Chúa Kitô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắc đến điểm đặc biệt giáo huấn của thánh tông đồ Phaolô về tính cách trung tâm của Chúa Kitô, và chào chúc các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi, từ ngày 4 đến 8 tháng 11 năm 2006.

Tin Vatican (Tin tổng hợp Vat và Apic 8/11/2006) - Lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Tư mùng 8 tháng 11 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đã tiếp kiến chung khoảng 20,000 tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn đức, ÐTC nhắc đến thánh Phaolô Tông Ðồ, và một cách đặc biệt nhắc đến giáo huấn của Thánh Phaolô về chỗ đứng trung tâm của Chúa Kitô.

ÐTC đã nói như sau: Anh chị em thân mến, trong bài huấn đức vừa qua, cách đây 15 ngày, tôi đã mô tả những đường nét chính của cuộc đời thánh tông đồ Phaolô. Chúng ta thấy được rằng cuộc gặp gỡ của thánh Phaolô với Chúa Kitô trên đường đi Damasco, đã thực hiện một cuộc cách mạng trong đời sống của ngài. Chúa Kitô trở thành lý do hiện hữu cho cuộc đời ngài, và là sức thúc đẩy sâu xa cho trọn cả công việc tông đồ của thánh Phaolô. Trong các thư của ngài, sau danh thánh Thiên Chúa được dùng hơn 500 lần, thì danh thánh được nhắc đến nhiều nhất là danh thánh Chúa Kitô (380 lần). Vậy điều quan trọng là chúng ta lưu ý đến tất cả những gì Chúa Giêsu Kitô có thể tác động trong đời sống của một con người và như thế cả trong đời sống chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô là chóp đỉnh của lịch sử cứu rỗi và do đó ngài là điểm phân biệt đích thật, cả trong cuộc đối thọai với các tôn giáo khác.

Nhìn vào thánh Phaolô, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi căn bản như sau: cuộc gặp gỡ giữa một con người với Chúa Kitô được diễn ra như thế nào? Mối tương quan phát sinh từ cuộc gặp gỡ này hệ tại ở điều gì? Câu trả lời của thánh tông đồ Phaolô có thể được hiểu trong hai giai đoạn.

Trước hết, thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu giá trị tuyệt đối căn bản và không thể thay thế được của đức tin. Ngài đã viết trong thư Roma như sau: "Chúng tôi giữ lập trường rằng con người được công chính hoá nhờ đức tin, không lệ thuộc vào những việc làm của Lề Luật Môi sen" (Rm 3,28). Và trong thư Galata, thánh Phaolô cũng quả quyết giống như vậy rằng: "Con người không được công chính hoá bằng những việc của Lề Luật Môisen, nhưng chỉ nhờ qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô; vì thế chúng tôi đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, để được công chính hoá bởi đức tin vào Chúa Kitô và không phải do những công việc của Lề Luật, bởi vì từ những công việc của Lề Luật không bao giờ có ai được công chính hoá" (2,16). "Ðược công chính hoá" có nghĩa là được trở nên những kẻ công chính, là được đón nhận bởi sự công bằng và nhân từ của Thiên Chúa, và bước vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, và do đó có thể thiết lập một tương quan đích thật hơn với tất cả mọi anh chị em chúng ta: và điều này dựa trên căn bản của sự tha thứ hoàn toàn những tội lỗi của chúng ta. Thánh Phaolô nói hết sức rõ rằng điều kiện sống như vừa nói trên không tùy thuộc vào những công việc tốt lành chúng ta thực hiện, nhưng tuỳ thuộc hiển nhiên vào ân sủng của Thiên Chúa: "Chúng ta được công chính hoá một cách nhưng không nhờ ân sủng Chúa ban, nhờ ơn cứu chuộc được Chúa Giêsu Kitô thực hiện". (Rm 3,24).

Với những lời trên, Thánh Phaolô nói lên nội dung căn bản của sự trở lại của ngài; ngài nói đến chiều hướng mới của đời sống ngài, kết quả của cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô phục sinh. Thánh Phaolô, trước khi ăn năn trở lại, không phải là con người sống xa cách Thiên Chúa và Lề Luật. Ngược lại, thánh nhân là kẻ tuân giữ Lề Luật, với sự trung thành cho đến mức độ cuồng tín. Trong ánh sáng của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thánh Phaolô đã hiểu rằng, với việc tuân giữ Lề Luật, ngài chỉ là kẻ cố gắng xây dựng chính mìønh, xây dựng chính sự công chính riêng và rằng với sự công chính này, ngài chỉ sống cho chính mình. Ngài đã hiểu rằng một định hướng mới cho đời sống ngài là điều hết sức cần thiết. Và định hướng mới này, chúng ta gặp thấy nó được mô tả nơi những lời của chính thánh nhân như sau: "Sự sống mà tôi sống trong thân xác, tôi sống nó trong đức tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương tôi và đã hy sinh chính mình cho tôi". (Gal 2,20). Do đó, thánh Phaolô không còn sống cho chính mình nữa, cho sự công chính riêng của mình nữa. Ngài sống nhờ Chúa và với Chúa: bằng việc cho đi chính mình, và không còn đi tìm và thiết lập bản mình nữa. Ðó là sự công chính mới, là định hướng mới được Chúa ban cho chúng ta, được Ðức Tin trao ban cho chúng ta. Trước thập giá của Chúa Kitô, sự thể hiện cuối cùng của việc ngài cho đi chính mình, không còn ai có thể khoe khoang chính mình, khoe khoang sự công chính do chính mình làm ra, và có lợi cho mình hưởng...

Suy nghĩ tiếp về điều ngài muốn nói bởi ý tưởng về sự công chính hoá không do việc làm nhưng do bởi đức tin, chúng ta khám phá khía cạnh thứ hai xác định căn cước kitô được thánh Phaolô mô tả trong chính đời sống mình. Ðây là căn cước kitô gồm có hai yếu tố như sau: không đi tìm chính mình từ nơi mình, nhưng lãnh nhận chính mình từ Chúa Kitô và cho đi chính mình cùng với Chúa Kitô, và như thế đích thân tham dự vào vận mệnh của Chúa Kitô, cho đến mức độ thấm nhập vào trong Chúa và chia sẻ cái chết và sự sống của Chúa. Ðây là điều mà Thánh Phaolô viết ra trong thư Roma như sau: "Chúng ta đã được rửa tội trong cái chết của Chúa... chúng ta được an táng cùng với Chúa... chúng ta được hoàn toàn kết hiệp với Chúa... Như vậy, anh chị em hãy xem mình như đã chết cho tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô Giêsu" (Roma 6, 3.4.5.11)

Và ÐTC nhấn mạnh đây là sự hoà nhập lẫn nhau, một đặc điểm của giáo huấn của thánh Phaolô: người kitô sống trong Chúa và Chúa Kitô sống trong người đó. Ðây là sự kết hiệp huyền bí; nhưng sự kết hiệp này không làm tan mất sự phân biệt giữa Chúa và con người chúng ta. Mẫu gương đời sống của thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết rằng đức tin cần phải được thể hiện trong đời sống hằng ngày, một cuộc sống được ghi dấu bởi các đặc điểm: khiêm tốn tôn thờ và chúc tụng Thiên Chúa, liên lỉ cảm tạ lòng nhân từ Chúa, và tinh thần vui tươi tin tưởng vào tình yêu Chúa, một tình yêu được mạc khải cho thế giới trong Chúa Giêsu Kitô, Con Một Ngài.

Ðặc biệt trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư (mùng 8 tháng 11 năm 2006), sau khi tóm bài huấn đức bằng tiếng Anh, ÐTC đã chào các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia và thuộc về nhiều tôn giáo khác nhau. Các bạn trẻ này đã họp nhau tại Assisi, từ ngày 4 đến 8 tháng 11 năm 2006, để kỷ niệm 20 năm cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn để cầu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới, do sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II. ÐTC Bênêđitô XVI đã nói như sau: "Tôi cám ơn những vị lãnh đạo tôn giáo đã góp phần giúp cho các bạn trẻ tham dự vào biến cố này, và cám ơn Hội Ðồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn đã đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ. Các bạn trẻ thân mến, thế giới chúng ta đang khẩn thiết cần đến Hoà Bình! Cuộc gặp gỡ tại Assisi nhấn mạnh đến sức mạnh của lời cầu nguyện trong việc xây dựng hoà bình. Lời cầu nguyện đích thật có sức biến đổi các con tim, mở rộng tâm trí chúng ta cho đối thoại, thông cảm và hoà giải, và triệt hạ những bức tường ngăn cách do bởi bạo lực, thù hận và trả thù. Chúc chúng con trở về cộng đoàn tôn giáo của chúng con như những "nhân chứng cho tinh thần Assisi", như những sứ giả của hoà bình, một hoà bình như là hồng ân của Thiên Chúa, và như là những dấu chỉ sống động mang hy vọng đến cho thế giới chúng ta đang sống."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page