Tổng Giáo Phận Sàigòn tổ chức

buổi cầu nguyện và thánh lễ cầu nguyện

cho các bệnh nhân HIV/AIDS

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tổng Giáo Phận Sàigòn tổ chức buổi cầu nguyện và thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân HIV/AIDS.

Cùng Năm Tay Và Tiến Bước.

Tin Saigòn, Việt Nam - (4/11/2006) - Chiều ngày 04 tháng 11 năm 2006, tại Nhà Thờ Mai Khôi, số 44 Tú Xương, Q.3, Tp. Sàigòn, Ban mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS của Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức buổi cầu nguyện và thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân, cho những anh chị em đang phục vụ và đặc biệt tháng các linh hồn cầu cho những anh chị em đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ.

Căn bệnh thế kỷ - AIDS - những năm gần đây đang là một thách đố của thế giới và đặc biệt tại những nước nghèo. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, hiện nay trên toàn cầu có 46 triệu người đang sống với HIV/AIDS, trong đó có 2.9 triệu trẻ em. Trung bình mỗi ngày có trên 12,000 người chết do bệnh AIDS.

Riêng ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế (Báo Tuổi Trẻ ngày 27-11-2004) có 86,817 người nhiễm HIV, 13,732 người AIDS, 7,915 người đã chết. Trung bình cứ 75 gia đình thì có một người nhiễm HIV. Ða số người nhiễm bệnh đều rất trẻ (62% ở độ tuổi 20-29). Tốc độ lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho mọi người, thiệt hại nặng nề cho dân tộc cũng như Giáo hội Việt Nam.

Một con số thống kê cách đây đã hai năm nhưng đủ làm nhức nhối tâm hồn của những người dân Việt. Giáo Hội Việt Nam cùng thao thức với những khắc khoải của thời đại, cùng chia sẻ những khó khăn của những người con đất Việt đang gặp phải và ban mục vụ chăm sóc người có AIDS của toà Tổng Giám Mục Sàigòn đã hịên diện và cảm thông cùng anh chị em bệnh nhân. Lần đầu tiên có một thánh lễ cầu nguyện cho những anh chị em mắc bệnh AIDS đã qua đời được tổ chức tại Tp. Sàigòn.

Trước 4g chiều trong khuôn viên nhà thờ tiếng nô đùa của những đứa trẻ làm không khí rộn rã hẳn lên, người lớn cứ để các em tự do cười nói, la hét. Nếu không biết người ta tưởng chúng là con của những người lớn đang ngồi xung quanh đó. Nhưng thực ra đó là những bé ở mái ấm Mai Hoà, những bé mồ côi, cha mẹ đã mất vì căn bệnh quái ác của thời đại. Khuôn viên mỗi lúc chật hẹp hơn, những anh chị em phục vụ đã mang những chồng ghế cuối cùng chứa trong kho để dành cho mọi người nhưng vẫn còn nhiều người phải đứng. Sự hiện diện của anh chị em bệnh nhân của hơn 28 nhóm như: Mai Hoà, Mai Tâm, Mai Anh, Xuân Vinh, Tiếng Vọng, Naza, Thảo Ðàn, Nụ Cười v.v... cũng như của các anh chị thiện nguyện viên và gia đình thân hữu của bệnh nhân cũng như của anh chị em đã qua đời đã làm khuôn viên tu viện Mai Khôi như nhỏ bé lại.

Bên cạnh bàn thờ là hai câu lời Chúa viết thật lớn bằng nét thư pháp mềm mại: "Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin tôi sẽ không chết đời đời", "Sự sống chỉ thay đổi mà không mất đi" như nhắn nhủ với mọi người rằng: Thân xác của tôi cũng như mọi người đều phải theo tiến trình sinh lão bệnh tử. Nhưng nhờ Ðức Kitô Phục Sinh, thân xác này sẽ được sống lại và biến đổi hoàn toàn để mặc lấy vinh quang.

Ðúng 16g15 phút, khi thành phố bắt đầu nhộn nhịp, xe cộ tấp nập trên đường, thì trong khuôn viên tu viện Mai Khôi cả cộng đoàn cùng cất lên hát bài nhập lễ: "Con hãy nhớ rằng: Ðức Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, Người đã Phục Sinh. Chúa là ơn cứu độ của ta, nguồn vinh quang muôn đời của ta...". Lời ca của mọi người thật hùng hồn sống động và từng lời hát như làm cho mỗi người xác tín hơn vào ơn gọi làm Kitô hữu của mình.

Trong lời mở đầu trước thánh lễ, cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp dòng Ðaminh hướng mọi người cầu nguyện cho anh chị em bệnh nhân, họ rất cần lời cầu nguyện, cần sự cảm thông nâng đỡ thể xác, tinh thần và sức mạnh tâm linh, đặc biệt là tưởng nhớ những anh chị em bêïnh nhân đã về cùng Chúa trước chúng ta.

Trong bài giảng, cha chủ tế ngỏ lời với cộng đoàn rằng, đây là lần đầu tiên tổ chức cầu nguyện cho những người đã mất vì căn bệnh thế kỷ. Hôm nay trước bàn thờ là 6 bộ hài cốt và một di ảnh, nhưng đây chỉ là hình ảnh tượng trưng cho hàng trăm người đã chết tức tưởi vì căn bệnh này. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời một bài hát đã viết: "người chết nối linh thiêng vào đời". Thường thì người ta cho rằng chết là hết, chết là bi thảm. Nhưng người Kitô hữu biết rằng sự sống thay đổi chứ không biến mất, là đi về với ông bà tổ tiên, là đi về Nhà Cha. Trong khi làm công tác thiện nguyện này, các nhóm đã gặp phải nhiều sự từ chối thẳng thừng: nếu có giúp họ chỉ giúp cho những người cùi, phong... còn AIDS (SIDA) thì không bao giờ. Trong bài giảng cha đã xoá cho mọi người không còn ấn tượng xấu về người mắc bệnh, họ là những người đáng thương, cần được sự nâng đỡ.

Trong các trung tâm, nhiều người ở giai đoạn cuối xin theo đạo. Các anh chị chăm sóc hỏi lại: Anh có biết đạo gì không mà xin theo? Anh chị em thiện nguyện nhận được câu trả lời: Không biết đạo gì nhưng chắc là đạo Chúa. Vì trong những lúc con người không còn nơi nào để trông cậy, để bám víu, các anh chị thiện nguyện viên đã hướng dẫn các bệnh nhân kêu cầu lên Chúa. Anh chị em bệnh nhân cảm nghiệm được rằng trong lúc đau khổ nhất của cuộc đời: gia đình bỏ rơi không màng đến, bạn bè thân hữu chẳng có ai, tương lai mù mịt, không còn nơi nương tựa thì các anh chị em tình nguyện vẫn sẵn lòng giúp đỡ, không nề hà, đôi khi chính mình có thể mắc phải căn bệnh này nếu lỡ tay vướng vào ống chích dính máu của bệnh nhân... họ đã xin được làm con của Chúa, và chính Ðức Kitô đã hò hẹn với họ. Một thách đố tương lai cho chúng ta là làm sao càng ít người rơi vào hoàn cảnh của các em càng tốt. Muốn được như vậy phải có nhóm giáo dục dự phòng, nhóm này gồm có các bác sĩ, tâm lý gia, các nhà giáo dục, xã hội học sẽ cung cấp cho giới trẻ các kỹ năng sống hướng dẫn cho các bậc cha mẹ biết cách làm cha làm mẹ. Dự tính đến năm 2007, nhóm dự phòng sẽ chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

Trong lúc đọc kinh Lạy Cha, mọi người được mời gọi nắm tay nhau và cùng đọc, tôi cảm nhận được sức nóng từ đôi tay thô ráp của chị bệnh nhân ngồi kế bên như là lời thầm thì xin tôi cầu nguyện. Tôi cũng nắm chặt tay của chị như là lời nhắn gửi xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện hàng ngày, trong chúng tôi thiết lập một lời giao ước vô hình. Và có lẽ những người dự lễ cũng có một cảm nghiệm ấy như chúng tôi. Cảm động hơn khi tôi nhìn thấy những bạn trẻ bị bệnh được cả cha lẫn mẹ đưa đi dự lễ, bạn đã yếu phải ngồi ghế tham dự thánh lễ và trong lúc đọc kinh Lạy Cha, hai bàn tay của bạn được cha mẹ nắm chắc, nâng lên cao... còn hình ảnh nào đẹp hơn?

Sau thánh lễ, bác sĩ Nguyễn Ðăng Phấn, đại diện ban tổ chức nói lên lời tri ân đến quý cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, G.B Phương Ðình Toại, cha Lê Quốc Thăng và quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ các Dòng, quý ân nhân và mọi người tham dự thánh lễ hôm nay, ban tổ chức rất vui mừng và ngạc nhiên vì sự hiện diện qúa sức tưởng tượng của cộng đoàn. Cho thấy còn rất nhiều tấm lòng nhân ái bao dung và sẵn sàng cộng tác để giúp đỡ những anh chị em đau bệnh. Người bệnh cảm thấy được nâng đỡ thật nhiều trong tinh thần và trong sự hiệp thông.

Sau thánh lễ, mỗi bệnh nhân được tặng một phần quà, dù chỉ ít ỏi với những tuýp kem đánh răng, những bánh xà bông, những gói mì tôm, những bịch bánh kẹo... nhưng ánh mắt của mọi người như rực sáng hơn, nụ cười như rạng rỡ hơn trên những khuôn mặt gầy gầy, hanh hao.

Mọi người ra về hoà với dòng người trên đường phố, nhưng tôi tin chắc rằng không một ai trong chiều hôm ấy lại cảm nghiệm hạnh phúc hơn những người bệnh.

 

Minh Nguyên

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page