Bài Giảng Của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc

trong Thánh Lễ Giới Trẻ Giáo Phận Mỹ Tho

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng Của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Thánh Lễ Giới Trẻ Giáo Phận Mỹ Tho vào ngày Chúa Nhật 31 Quanh Năm B.

Các con thân mến, điều gì quan trọng nhất đối với các con? Thật là câu hỏi khó trả lời một cách đơn giản và trong chốc lát. Nhưng nếu các con hỏi các bạn không theo Ðạo Chúa như các con, thì các con sẽ có rấât nhiều câu trả lời khác nhau. Có người cho đó là tiền: có tiền mua tiên cũng được. Trong thế giới chúng ta đang sống, mọi người đều cần tiền. Ðồng tiền ảnh hưởng trên mọi sinh hoạt, chi phối mọi sinh hoạt, thậm chí còn là mục đích của mọi sinh hoạt. Ðiều quan trọng hơn cả là làm sao kiếm được nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Tiền bạc là thước đo sự thành công ở đời.

Có người cho đó là địa vị: làm thế nào để có chỗ đứng trong xã hội, được người khác kính trọng, phục tùng. Người khác cho đó là tình yêu: chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hạnh phúc. Ðối với đôi nam nữ đang yêu thì tình yêu là quan trọng nhất. Nhiều người cho đó là học vấn: đối với học sinh hay sinh viên, thi đỗ là quan trọng nhất. Ðối với phần đông những người trưởng thành, thì điều quan trọng là vợ con, là gia đình, là nghề nghiệp, là nơi ăn chốn ở.

Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Ðó là não trạng của ngày hôm nay, là cám dỗ của ngày hôm nay. Các con là những người có đạo, những người tin Chúa và theo Chúa, có lẽ trong số các con, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Người ta tương đối hoá mọi sự để được tự do trong mọi sự. Cám dỗ này rất nguy hiểm, chúng ta rất dễ sa chước cám dỗ, vì chúng ta không muốn bị ràng buộc và dễ hướng chiều về hưởng thụ.

Các con thân mến, nếu các con thực sự sự là những người có đạo, những người theo đạo Chúa, những môn đệ của Chúa Giêsu, thì các con hãy lắng nghe Lời của Chúa nói với Dân Người trong sách đệ nhị luật: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). (Ðnl 6, 4-5).

Ðúng, ở trần gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đói! Nhưng Thiên Chúa không phải là trần gian, mặc dù chúng ta tin có Thiên Chúa. Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi, chỉ có Thiên Chúa là tồn tại. Chính vì thế, chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Ðối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức của chúng ta.

Và Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất. Chính vì thế mà phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng: với tất cả tâm hồn mình, không còn ai, không còn gì ở trên Thiên Chúa. Hết dạ: theo kinh thánh, đó là nơi sâu thẳm nhất của con người: chúng ta yêu mến Thiên Chúa trong cõi thẳm sâu nhất của lòng ta, và yêu mến thực sự, thật tình. Hết sức: yêu mến nhiều lắm, không thể hơn được nữa; chúng ta vận dụng mọi khả năng, kể cả khả năng trí tuệ, khả năng nghệ thuật, khả năng lao động, khả năng tài chính...

Tình yêu tuyệt đối, tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa không chống lại con người, vì Thiên Chúa không chống lại con người, trái lại còn yêu thương và muốn cho con người được hạnh phúc. Tình yêu Thiên Chúa bao hàm tình yêu con người, thể hiện trong thực tế bằng tình yêu con người, được chứng minh bằng tình yêu con người. Do vậy, chính nhân loại, chính con người, đăïc biệt là những người phận nhỏ được hưởng nhờ tình yêu Chúa của những người có đạo. Chính dân tộc Việt nam được hưởng nhờ tình yêu Chúa của người công giáo Việt nam.

 

Mỹ Tho, ngày  4/11/2006

+ Phaolô Bùi Văn Ðọc

Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page