Mẹ Terêsa Calcutta
hết lòng gắn bó với Việt Nam
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Mẹ Terêsa Calcutta hết lòng gắn bó với Việt Nam.
(Kỷ niệm 3 năm phong chân phước Mẹ Têrêsa, ngày 19/10/2003-19/10/2006).
Sàigòn
(19/10/2006) -- Mẹ Á Thánh Teresa Calcutta sinh ngày 26.08.1910, tại
Skopje nước Albanie. Tên thánh Rửa tội và tên gọi là Agnes
Gonxha Bojaxhiu.
Nhân dịp kỷ niệm 3 năm Mẹ Teresa Calcutta được phong chân phước - ngày 19.10.2003 - chúng tôi muốn được chia sẻ một vài nét về Mẹ trong những lần Mẹ đến Việt Nam mà chúng tôi được gặp gỡ.
- Vào tháng 6 năm 1973, Mẹ Teresa và Cha Andrew gửi 7 thầy Thừa Sai Bác Ái từ Ấn Ðộ đến Việt Nam. Ðức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình đã mua 2 căn nhà tại đường Cống Quỳnh cho các thầy ở và làm việc. Các thầy rước các người vô gia cư về chăm sóc, nhưng chỉ được vài năm thì biến cố 1975 các thầy đã phải tản cư sang Hongkong và Campuchia.
Ðức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình rất yêu thích linh đạo của Mẹ Teresa. Trong hoàn cảnh mới giao thời của năm 1975, khó khăn nhiều mặt, nhất là khan hiếm về thuốc men mà bệnh tật lại nhiều và người vùng quê tỉnh lẻ không dễ dàng nhập các bệnh viện tại Sài Gòn để điều trị.
Mặt trận Cộng sản miền Bắc tiếp nhận các bệnh viện Sài Gòn và hầu hết các bệnh viện trong miền Nam - đội ngũ y bác sĩ tản cư chạy loạn... phải mất mấy năm sau mới có thể ổn định.
Trước nhu cầu của những bệnh nhân nghèo, Ðức Tổng Bình đã mời gọi một số bác sĩ y tá người công giáo họp thành một nhóm để có thể tiếp cận chữa bệnh miễn phí và chia sẻ thuốc men cần kíp cho bệnh nhân nghèo, hoặc rước Mình Thánh Chúa cho họ. Sau này nhóm còn lại vài bác sĩ, một số y tá và các thành viên thường xuyên lui tới bệnh viện; tất cả những người này độc thân nên có nhiều thì giờ tham gia sinh hoạt. Nhóm này mỗi tháng1 lần lên gặp Ðức Tổng để được người chia sẻ Lời Chúa và huấn đức, cũng như trình cho ngài biết những sinh hoạt hoặc những khó khăn.
Từ năm 1991 tới ngày 20.12.1995, Mẹ đã đến Việt Nam 5 lần:
(1) Lần thứ nhất là đầu tháng 9 năm 1991, Mẹ Teresa đến Hà nội gặp Chính phủ Việt Nam.
(2) Lần thứ hai, ngày 05.11.1993 Mẹ đi từ Calcutta đến thành phố Sàigòn. Cùng đi với Mẹ là Soeur Nirmala - nay là Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa - và có cô bác sĩ tên Jannet, cô cũng là thành viên của Tu hội đời của Mẹ. Chỉ có ông lãnh sứ quán Ấn Ðộ và cô Thanh Nga ra phi trường đón Mẹ bởi vì vợ của ông lãnh sứ quán từ Calcutta gọi điện và báo về cho ông rằng: "Mẹ đến Việt Nam", (cô ấy là người công giáo, là thư ký của ông). Theo lời của cô thư ký nói lại với chúng tôi, vừa lên xe ông lãnh sứ quán, Mẹ đã đưa cho ông ấy tên và địa chỉ của Chị Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh - vì có thư của tôi gửi cho Mẹ và thư của Ðức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu tôi và một số chị em cho Mẹ - Vì thế tôi và một vài chị em lên gặp Mẹ tại khách sạn Ðộc lập. Sau đó Mẹ nói tôi gọi điện qua Toà Giám Mục để xin hẹn được gặp chào Ðức Tổng Phaolô - Ðức Tổng đang nghỉ dưỡng bệnh tại Bãi Dâu Vũng Tàu - Ngài hẹn gặp Mẹ vào 2 giờ chiều ngày thứ Bảy mồng 6.11.1993. Mẹ đã ở lại Sài Gòn một tuần lễ và mỗi ngày Mẹ đến chia sẻ với chị em chúng tôi tại 428 Huỳnh Văn Bánh, F. 14, Phú Nhuận, giáo xứ Tân Hoà.
(3)
Vào tháng 4 năm 1994, Mẹ sang Việt Nam lần thứ 3. Mẹ
được Bộ Thương binh Xã hội mời 8 nữ tu của Mẹ qua Việt
Nam làm việc: 4 nữ tu chăm sóc các em cô nhi tại 38 Tú
Xương, Q.3, Tp. Sàigòn; và 4 nữ tu chăm sóc các em khuyết
tật tại trung tâm Thụy An, Ba Vì, Hưng Hoá. Ðồng thời Mẹ
Teresa làm đơn gửi Chính phủ Trung ương Hà Nội xin mở nhà
dòng tại Việt Nam; Mẹ có đề cập tới 20 chị em chúng tôi
xin gia nhập Dòng và xin bảo lãnh 7 người chúng tôi qua Ấn
Ðộ để được huấn luyện.
Một buổi chiều đầu tháng 4 năm 1994, tôi chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa cho một Linh mục bà con đang nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngài là Cha Gioan Hồ Hán Thanh, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột - ngài bị sưng khớp đầu gối không thể đi lại và rất đau nhức - ngài phải nằm điều trị tại lầu 7 bệnh viện Chợ Rẫy. Ngài và một vị Ðảng viên cộng sản (40 năm tuổi Ðảng) đã về hưu cùng nằm chung một phòng.
Tôi và một chị khác đang chuẩn bị đi thì gặp Mẹ Teresa và Soeur Nirmala đi tắc-xi tới - Lần này Mẹ tới không báo trước - Khi tôi cho Mẹ biết là tôi rước Mình Thánh Chúa và đi thăm Cha Gioan Thanh bà con của tôi, Mẹ cũng muốn cùng hai chị em chúng tôi đi thăm Cha. Khi tới trước cửa phòng của Cha Thanh, tôi đã nói nhỏ với Mẹ và chỉ cho Mẹ biết giường nào là của Cha Gioan Thanh và giường nào là của ông Ðảng viên.
Mẹ bước vào phòng, đi thẳng tới giường ông Ðảng viên hỏi thăm ông và khi biết ông ấy bị đau tim, Mẹ Á Thánh Teresa đã đặt bàn tay lên ngực của ông và cầu nguyện vài phút. Sau đó Mẹ lấy một ảnh Ðức Mẹ Ban Ơn trong giỏ vải xách tay của Mẹ, Mẹ đã hôn ảnh trước khi đưa cho ông Ðảng viên và nói: "Xin Ðức Mẹ Maria chúc lành và ban cho ông mau bình phục". Tiếp đó Mẹ mới qua giường Cha Gioan Thanh, Mẹ cũng đặt tay trên 2 đầu gối của Cha cầu nguyện và Cha Thanh rước Mình Thánh Chúa. Vài ngày sau, tôi tới thăm cha Thanh, điều cảm động và hết sức ngạc nhiên là tôi nhìn thấy ông Ðảng viên đeo mẫu ảnh Ðức Mẹ Ban Ơn trên túi áo ông ấy mặc.
Mẹ chia sẻ với chúng tôi: "Thế giới này đã quá nhiều bom đạn, những thứ đó không thể đem lại hoà bình hạnh phúc - chỉ có tình yêu và lòng thương xót. Hãy bắt đầu bằng một nụ cười - hãy mỉm cười ít là 5 lần mỗi ngày với người mà bạn không muốn cười tí nào! Xin hãy làm điều đó vì hoà bình! Ngày nay trên thế giới có quá nhiều đau khổ, rất nhiều! Những đau khổ về vật chất như: đau khổ vì đói, đau khổ vì không nhà cửa, đau khổ vì bệnh tật... Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đau khổ lớn nhất là cô đơn! Bị bỏ rơi, không ai yêu thương là căn bệnh khủng khiếp nhất mà bất cứ ai đều cảm nhận được".
Trong thời đại văn minh và phát triển ngày nay, cả thế giới ai cũng vội vã và hối hả, nhưng cũng có những người quỵ ngã trên đường và không còn đủ sức để đứng lên mà đi. Ðó là những người mà chúng ta phải quan tâm.
(4) Ðầu tháng 9 năm 1994, Mẹ lại qua thăm các con cái của Mẹ ở Hà Nội và Thành phố Sàigòn. Sau đó Mẹ Teresa gặp chính quyền về vấn đề bảo lãnh của chúng tôi, nhưng Mẹ vẫn chưa nhận được câu trả lời...! Lần này Mẹ ở lại Việt Nam 10 ngày.
(5) Ngày 20.12.1995, Mẹ và Soeur Nirmala lại sang Hà Nội. Lần này Mẹ sang để xin cho các soeurs được gia hạn - vì Chính phủ Việt Nam không cho phép các soeurs gia hạn tiếp - Mẹ đã xin gặp chính quyền để xin cho các soeurs tiếp tục làm việc. Nhưng ngày 22.12.1995, Mẹ Teresa nhận được lệnh: các soeurs phải rời Việt Nam vào ngày 23.12.1995. Mẹ Teresa rất buồn về điều ấy. Mẹ ôm tôi và nói: "Chúng ta hãy nhận thánh ý Chúa, tìm hiểu thánh ý Ngài muốn chúng ta làm gì". Ước ao của Mẹ Teresa là được mở nhà tại Việt Nam.
Sau
khi các soeurs rời Việt Nam, Mẹ Teresa thấy chưa được phép
mở nhà tại Việt Nam cũng như chưa bảo lãnh các chị em qua
Ấn Ðộ nên Mẹ đã viết thư cho Ðức cha Giám quản Tông
toà Ðịa phận Sài Gòn - Ðức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi - xin
ngài cho phép chúng tôi được thành lập Hội dòng mang tên
Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô; và sống theo hiến luật, linh
đạo của Dòng Mẹ Teresa - Ðức Giám quản Nicolas đã chấp
thuận. Mẹ Teresa nói với chúng tôi: "Khi nào Dòng Mẹ
được trở lại Việt Nam, nếu các con muốn sát nhập vào
Dòng Mẹ, Dòng luôn mở rộng đón các con.
Năm 1995, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô lúc đó có 30 chị em, nay đã hơn 120 chị em gồm 58 khấn; 23 tập sinh và trên 40 thỉnh sinh. Dòng đã và đang phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo qua việc: đón nhận những cụ già neo đơn bị bỏ rơi, các cô gái lầm lỡ, chăm sóc bệnh nhân AIDS. v.v...
* Ngày 23.12 1995 Mẹ bị sốt nặng, phải rời Hà Nội bay qua Singapor và Mẹ phải vào nằm trong bệnh viện. Còn các soeurs thì bay qua Hongkong.
Từ khi rời Việt Nam lần cuối sức khoẻ Mẹ cũng yếu nhiều, nên lần đó trở đi Mẹ không còn có dịp sang Việt Nam vì sức khoẻ không cho phép.
Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình giới thiệu chúng tôi cho Mẹ, để được huấn luyện trở thành nữ tu của Mẹ và trở về phục vụ người nghèo tại Việt Nam. Vì thế mà những lần sang Việt Nam Mẹ thường đến tham dự thánh lễ, Chầu Thánh Thể và chia sẻ cho chúng tôi.
Mẹ Teresa đã chia sẻ và để lại cho chúng tôi rất nhiều bài học. Trong những lần Mẹ ở Việt Nam chúng tôi được tiếp xúc, sinh hoạt với Mẹ, lúc ở trên xe, khi ăn cơm hoăc trong giờ chia sẻ...
Tôi xin kể vài sự việc nho nhỏ về Mẹ Á Thánh Teresa Calcutta:
Mẹ còn chia sẻ với chúng tôi: "Thiên Chúa nói trong thinh lặng của tâm hồn. Nếu bạn đối diện với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ nói với bạn". Ðể thực hành sự thinh lặng bên trong thực sự, cần theo các bước sau:
- Thinh lặng của mắt: bằng cách tìm kiếm vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa ở mọi nơi; và đóng lại trước những sai lỗi của người khác, trước những tội lỗi và tất cả những gì có thể gây rối loạn cho tâm hồn.
- Thinh lặng của tai: bằng cách lắng nghe tiếng nói của Chúa, tiếng kêu than thống thiết của người nghèo, người túng quẫn; và đóng lại trước những lời nói thiếu bác ái, nói chuyện không tốt của người khác.
- Thinh lặng nơi lưỡi: bằng cách luôn ca ngợi Chúa và nói những lời mang lại sự sống của Người; kiềm chế hãm lại những sự tự vệ và tất cả những lời nói gây ra sự tối tăm, rối loạn, đau khổ và chết chóc.
- Thinh lặng trong trí: bằng cách mở ra trước sự thật và sự hiểu biết về Chúa trong sự cầu nguyện và chiêm niệm; và đóng lại trước những sự giả dối, điên cuồng, những ý nghĩ phá đổ, phán đoán bừa bãi, những hoài nghi sai lầm về người khác và những ý nghĩ cùng ước muốn trả thù.
- Thinh lặng trong trái tim: bằng cách yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực, và yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương họ; tránh tất cả những sự ích kỷ, hận thù, tham vọng, ghen ghét và tham lam".
Mẹ
còn đề cao giá trị của tình yêu: "Mỗi hành động của
tình yêu, cho dù nhỏ bé đến đâu, đều là một công việc
của hoà bình". Có thể chỉ là một nụ cười, một sự
viếng thăm ngắn ngủi, thắp một cây đèn dầu, viết giùm
một lá thư cho một người mù, xách giúp một thùng than,
tặng cho ai đó một đôi giày, hay đọc giùm một tờ báo...
những việc thật nhỏ - rất nhỏ mọn - nhưng trong thực tế
là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong hành
động.
"Tại Ðại chủng viện ơ Bangalore, một tu sĩ lần kia nói với tôi rằng: 'Thưa Mẹ Teresa, Mẹ đang làm hư những người nghèo bằng việc cứ cho họ mọi thứ cách nhưng không. Họ đang mất dần phẩm cách của họ'.
Khi mọi người thinh lặng, Mẹ điềm tĩnh nói: "Không ai làm hư con người bằng chính Thiên Chúa. Hãy xem tất cả những ân huệ tuyệt vời Chúa đã ban cho chúng ta cách nhưng không. Tất cả các bạn ở đây đều có thể nhìn thấy cả. Nếu Thiên Chúa bắt các bạn trả tiền mới được nhìn thấy cảnh vật chung quanh thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta đang tiếp tục thở và sống trong bầu khí oxy mà chúng ta không hề trả đồng nào. Và điều gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa nói: 'Nếu các con làm việc bốn tiếng thì các con sẽ được hưởng ánh mặt trời trong hai tiếng?' Nếu vậy thì có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ sống sót?"
Sau đó Mẹ cũng nói với họ rằng: "Ðã có rất nhiều hội dòng làm hư người giàu, thì cũng tốt thôi nếu có một Hội dòng nhân danh người nghèo để làm hư người nghèo". (Trích trong In The Heart of The World)
Những lời nói và việc làm của Mẹ không thể kể hết được ở đây. Nhưng tựu chung những hành động yêu thương và những bài nói chuyện của Mẹ đều phát xuất từ một linh đạo đặc biệt.
Theo linh đạo của Dòng Mẹ, sứ mạng của Hội Dòng là chầu Chúa Giêsu Thánh Thể và phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo trong đa dạng: nghiện ngập, ma tuý, chăm sóc người hấp hối, cô nhi, người vô gia cư, những người bị bỏ rơi không được ai biết tới,...
Sau Ðây Là Những Sự Kiện Chính Trong Tiểu Sử Của Mẹ Teresa:
1928 : Mẹ vào dòng Ðức Mẹ Loretto ở Ái Nhỉ Lan và vào nhà tập ở Darjeeling, Ấn Ðộ.
1929 - 1948 : Mẹ làm giáo viên dạy địa lý và lịch sử ở trường trung học St. Mary tại Calcutta trong nhiều năm, làm hiệu trưởng của trường.
1948 : Mẹ đựơc phép của Toà thánh để sống ngoài tu viện và phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo trên các đường phố của Calcutta.
1949 : Mẹ nhận quyền công dân Ấn Ðộ.
1950 : Dòng các soeurs Thừa Sai Bác Ái được Hội thánh Công giáo công nhận, thành lập tại Calcutta.
1952 : Thiết lập nhà đầu tiên tại Ấn Ðộ - nhà mang tên Nirmal Hriday - bổn mạng là Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
1953 : Di chuyển nhà Mẹ đến đường Lower Circular, Calcutta.
1965 : Dòng Thừa Sai Bác Ái trở thành dòng thuộc Quyền Giáo hoàng tại Roma. Nhà đầu tiên được mở ngoài Ấn Ðộ là ở Coconote, nước Venezuela.
1966 : Dòng nam dòng Thừa Sai Bác Ái được thành lập.
1969 : Hiệp hội Thiện nguyện quốc tế được thành lập. Mở các nhà tại Úc và bắt đầu lan tràn tại nhiều nước.
1973 : Các thầy Thừa Sai Bác Ái mở nhà đầu tiên ngoài Ấn Ðộ tại Việt Nam.
1976 : Mẹ lập ngành chiêm niệm các soeurs Thừa Sai Bác Ái gọi là " Sisters of the Word".
1979
: Mẹ Teresa lãnh giải thưởng Nobel Hoà bình.
1980 : Từ năm nay, nhiều nhà được mở cho các bệnh nhân cai nghiện, các cô gái lỡ lầm và những người phụ nữ bị hành hung trên khắp thế giới. Vận động chống lại việc phá thai bằng cách khuyến khích nhận con nuôi; xây dựng cô nhi viện và các trường học cho trẻ em nghèo.
1985 : Thiết lập trung tâm cho những bệnh nhân AIDS tại New York.
1986 : Thành lập Tu hội đời Thừa Sai Bác Ái.
1988 : Mẹ gởi các soeurs Thừa Sai Bác Ái đến làm việc tại Nga. - Mở một nhà cho bệnh nhân AIDS tại San Francisco ở Mỹ.
- Ngày 24.09. 1991: Mẹ đến Hà Nội, Việt Nam.
- Ngày 05.11.1993 : Mẹ đến thành phố Sàigòn.
- Ngày 01.04.1994 : Mẹ gởi 8 soeurs Thừa Sai Bác Ái đến làm việc tại Việt Nam: 4 soeurs làm việc tại trung tâm Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội; và 4 soeurs làm việc tại 38 Tú Xương, Q.3, TP Sàigòn.
Hiện nay, Dòng Mẹ Á Thánh Teresa Calcutta có 759 nhà tại 136 nước trên thế giới với gần 4,500 nữ tu.
- Ðầu tháng 4.2006 Dòng đã gởi 4 nữ tu sang Thượng Hải theo lời mời của Ðức Giám mục Thượng Hải.
- Ngày 06.06.2006, Soeur Nirmala (BT Tổng quyền- kế vị Mẹ Teresa) cùng Soeur Lysa (phó BT Tổng quyền) và Soeur Leon (Giám Tỉnh Hongkong) đã đến Việt Nam, có Soeur BT Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh ra đón tại Hà Nội. Và ngày 09.06.2006, Soeur Marie Francoise cùng với phái đoàn các Soeurs lên gặp Ban Tôn giáo Chính phủ. Ban Tôn giáo đã tiếp đón vui vẻ và sẵn sàng mời các Soeurs sang làm việc từ thiện tại Việt Nam.
Ban Tôn giáo Chính phủ và TP. Sàigòn đã cho phép Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô tại TP. Sàigòn - 428 Huỳnh Văn Bánh, F.14, Phú Nhuận - được tiếp đón các Soeurs trong tu viện của Dòng 01 tháng, nhưng các soeurs có chương trình nên chỉ ở 01 tuần lễ. Trong thời gian này các soeurs đi thăm tất cả các cộng đoàn của Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô. Soeur Nirmala nhận định: "Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều cởi mở so với cách đây 10 năm".
Dòng của Mẹ gồm 8 ngành:
1. Ngành hoạt động nữ.
2. Ngành chiêm niệm nữ.
3. Ngành hoạt động nam.
4. Ngành chiêm niệm nam.
5. Ngành các cha Thừa sai.
6. Tu hội đời Thừa sai.
7. Hiệp hội những người thiện nguyện.
8. Hiệp hội những bệnh nhân và những người đau khổ.
Sr. Marie Francoise Hà Thị Thanh Tịnh - MCC.
Tổng phụ trách Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô