Bài giảng của ÐTC Bênêđitô XVI

trong thánh lễ Kính Các Thánh Nam Nữ

hôm thứ Tư mùng 1 tháng 11 năm 2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong thánh lễ trọng Kính Các Thánh Nam Nữ hôm thứ Tư mùng 1 tháng 11 năm 2006 (phần I).

(Radio Veritas Asia 3/11/2006) - Quý vị và các bạn thân mến, lúc 10 giờ sáng thứ Tư, mùng 1 tháng 11 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ Trọng Thể Kính các Thánh Nam Nữ, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Trong số quý vị Hồng Y và Tổng Giám Mục tham dự Thánh Lễ --- nhưng không đồng tế --- người ta lưu ý có Ðức Hồng Y Tarcisio Bertônê, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh; Ðức Hồng Y Angêlô Sodanô, cựu quốc vụ khanh; Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Ðức Hồng Y Jose Saraiva Martins và Ðức Hồng Y Georges Cottier. Trong bài giảng sau Phúc Âm, ÐTC đã nêu rõ chủ đề chính rằng tất cả mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện, và rằng nguyên nhân duy nhất cho sự ưu buồn và bất hạnh trong đời sống con người là việc con người sống xa cách Thiên Chúa. Một lần nữa, ÐTC Bênêđitô XVI nhắc lại định nghĩa căn bản về sự thánh thiện như là việc sống theo Chúa Giêsu, là lắng nghe Ngài và theo Ngài mà không ngã lòng truớc những khó khăn.

Hôm nay mục thời sự kính mời quý vị và các bạn theo dõi Bài Giảng của ÐTC, như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Việc cử hành Thánh Thể của chúng ta đã được bắt đầu với lời khuyến khích: "Tất cảø chúng ta hãy vui lên trong Chúa". Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy chia sẻ niềm vui thiên quốc của các vị thánh, và hãy cảm nếm niềm vui này. Các thánh không phải là một giai cấp giới hạn những kẻ đã được tuyển chọn, nhưng là một đoàn người vô số, mà phụng vụ hôm nay khuyến khích chúng ta hướng nhìn về đó. Trong đoàn ngủ đông đảo các thánh, không những chỉ có những vị thánh đã được chính thức nhìn nhận, mà còn có những con người đã lãnh nhận bí tích rửa tội mọi thời đại và mọi quốc gia, và đã cố gắng hoàn thành thánh ý Chúa với tình thương và sự trung thành. Chúng ta không biết được dung mạo và tên tuổi của phần lớn các ngài, nhưng với đôi mắt đức tin, chúng ta nhìn thấy các ngài chiếu toả như những vì sao đầy vui tươi trong bầu trời của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng phẩm vị của mình như là "Mẹ của các thánh, và như là hình ảnh của thành thánh trên thiên quốc" (A. Manzoni); giáo hội biểu lộ vẻ đẹp của mình như là vị hôn thê tinh tuyền của Chúa Kitô, Ðấng là nguồn mạch và là kiểu mẫu cho mọi sự thánh thiện. Chắc hẳn Giáo Hội không thiếu những người con bướng bỉnh và cả phản loạn nữa; nhưng chính nơi các thánh mà giáo hội nhìn thấy được những nét đặc biệt của mình; và chính nơi các thánh mà giáo hội cảm nếm được niềm vui sâu xa nhất.

Nơi bài đọc thứ nhất, tác giả sách Khải Huyền mô tả các vị thánh như là một "đoàn người đông đảo vô số, mà không ai có thể đếm được, từ mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi dân nước và mọi tiếng nói" (KH 7,9). Ðoàn người này bao gồm các thánh của Giao ước cũ, kể từ người công chính Abêlê và từ tổ phụ trung thành Abraham, và những vị thánh của tân ước, những vị tử đạo đông đảo vào khởi đầu của kitô giáo và những chân phước, những vị hiển thánh của các thế kỷ tiếp theo, cho đến những chứng nhân của Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Sự thánh thiện làm cho tất cả các ngài có cùng chung một lòng một ý muốn nhập thể Phúc âm vào trong cuộc sống, dưới sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ðấng linh động mãi mãi cho dân Chúa.

Thử hỏi "có ích gì hay không lời chúc tụng của chúng ta dành cho các vị thánh, có ích gì hay không lời tôn vinh của chúng ta, có ích gì hay không việc chúng ta cử hành long trọng như thế này?" Thánh Bernarđô đã bắt đầu bài giảng nổi tiếng của ngài cho lễ các Thánh Nam Nữ, với câu hỏi vừa nêu trên. Ðây cũng là câu hỏi mà chúng ta có lẽ cũng đặt ra ngày hôm nay. Và thật là thời sự câu trả lời mà thánh Bernardô cống hiến cho chúng ta, như sau: "Những vị thánh của chúng ta không cần đến những danh dự chúng ta dành cho các ngài, và việc phụng tự chúng ta dành cho các ngài cũng không mang lại cho các ngài điều gì thêm. Phần tôi, tôi cần thú nhận rằng, khi tôi nghĩ đến các vị thánh, tôi cảm thấy bừng cháy lên những ước muốn to lớn" (Disc. 2; opera omnia Cisterc. 5, 364tt). Và đó là ý nghĩa của lễ mừng long trọng hôm nay: nhờ nhìn vào mẫu gương chói sáng của các thánh, chúng ta được thức tỉnh bởi ước muốn to lớn muốn được như các thánh: những con người hạnh phúc sống gần bên Thiên Chúa, trong ánh sáng của Người, trong đại gia đình của những bạn hữu của Thiên Chúa. Sống thánh thiện có nghĩa là: sống trong sự gần gủi với Thiên Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Và đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, ơn gọi đã được Công Ðồng Vaticanô II đề ra lại một cách cương quyết, và ngày hôm nay được đề nghị lại một cách long trọng cho chúng ta lưu ý.

Vậy làm sao chúng ta có thể trở nên thánh thiện, trở nên những người bạn của Thiên Chúa? Người ta có thể trả lời cho câu hỏi trước hết bằng cách nói tiêu cực như sau: để sống thánh thiện, không cần chu toàn những hành động và những công việc ngoại thường, và cũng không cần có những ơn đoàn sủng ngoại thường. Và kế đến là câu trả lời bằng cách nói tích cực như sau: cần lắng nghe Chúa Giêsu trước và sau đó sống theo Người mà không ngã lòng trước những khó khăn. Chúa cảnh báo chúng ta như sau: "Nếu ai muốn phục vụ Ta, thì hãy theo Ta; Ta sống ở đâu, thì kẻ phục vụ Ta, cũng sẽ ở đó. Và ai phục vụ Ta, thì Cha Ta sẽ tôn vinh người đó." (Gn 12,26). Ai tin tưởng vào Chúa và yêu mến Chúa chân thành, thì chấp nhận chết cho chính mình, giống như hạt giống rơi xuống đất. Kẻ đó biết rõ ai tìm cách giữ lại mạng sống mình thì sẽ mất nó; và ai cho đi, ai liều mất mạng sống mình, thì gặp lại nó (x. Gn 12, 24-25). Kinh nghiệm của Giáo Hội chứng minh rằng mọi hình thức của sự thánh thiện, dù theo những lối đi khác nhau, nhưng đều phải đi qua con đường thập giá, con đường của từ bỏ chính mình.

Những tiểu sử của các vị thánh trình bày cho chúng ta thấy những con người nam nữ, tuân phục những chương trình của Thiên Chúa, đã đối diện đôi khi với những thử thách và đau khổ không thể tả được, đã gặp phải những bách hại và cuộc tử đạo. Các ngài đã kiên trì trong dấn thân, đã trải qua cuộc thử thách to lớn - như ta đọc thấy trong sách Khải Huyền - và đã rửa áo mình nên trắng tinh trong máu của Con Chiên" (câu 14). Tên các ngài được viết vào trong bộ sách Sự Sống (x. Kh 20,12); nơi cư ngụ vĩnh viễn của các ngài là Thiên Ðàng. Mẫu gương của các thánh khuyến khích chúng ta sống theo cùng con đường, khuyến khích chúng ta đến cảm nghiệm niềm vui của kẻ tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì nguyên do duy nhất và đích thật của sự buồn phiền và không hạnh phúc đối với con người, là sống xa cách Thiên Chúa.

Sự thánh thiện đòi phải cố gắng liên lỉ, nhưng là điều có thể được cho tất cả mọi người, bởi vì sự thánh thiện, hơn là việc của con người, mà trước hết là hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng ba lần thánh (x. Is 6,3). Trong bài đọc thứ hai thánh tông đồ Gioan đã nhận định như sau: "Anh em hãy xem Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết là chừng nào, ngõ hầu chúng ta được gọi là "con cái của Thiên Chúa", và chúng ta thật sự là như thế!" (I Gn 3,1). Vậy, chính Thiên Chúa là Ðấng đã yêu thương chúng ta trước và đã làm cho chúng ta trở thành những con cái của ngài trong Chúa Giêsu. Trong đời sống chúng ta, tất cả là hồng ân của tình Chúa thương ta: thử hỏi làm sao chúng ta có thể sống lãnh đạm trước mầu nhiệm cao cả như thế? Làm sao không đáp trả tình thương của Cha trên trời bằng một đời sống của những người con đầy lòng biết ơn? Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa Cha đã trao ban trọn cả chính mình cho chúng ta và kêu gọi chúng ta sống trong tương quan cá nhân và sâu xa với Ngài. Như thế, chúng ta càng bắt chước Chúa Giêsu và sống hiệp nhất với Người, thì chúng ta càng bước vào trong mầu nhiệm sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta khám phá mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, và điều này thôi thúc chúng ta, đến phiên mình, yêu thương anh chị em. Yêu thương luôn đòi buộc một hành động từ bỏ chính mình, đòi buộc để cho mình bị thiệt mất đi, và như thế làm cho chúng ta được hạnh phúc.

Như thế chúng ta đến với bài Phúc âm của ngày lễ hôm nay, đến với lời công bố Các Mối Phúc Thật mà chúng ta vừa nghe vang lên trong Ðền Thờ này. Chúa Giêsu phán: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mtr 5, 3-10). Quả thật, chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo. Thật vậy, chính Chúa là Ðấng nghèo khó thật trong tinh thần, là Ðấng đau khổ, là Ðấng dịu hiền, là Ðấng đói khát sự công chính, là Ðấng nhân từ, là Ðấng trong sạch trong tâm hồn, là Ðấng họat động cho hoà bình, là Ðấng bị bách hại vì lẽ công chính. Các mối phúc thật chỉ cho chúng ta thấy dung mạo tinh thần của Chúa Giêsu và như thế diễn tả mầu nhiệm Chúa Giêsu, mầu nhiệm chết và sống lại, mầu nhiệm thương khó và vui mừng của Phục Sinh. Mầu nhiệm này, mầu nhiệm của hạnh phúc thật, mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu và như thế tiến bước về Hạnh Phúc Thật. Trong mức độ chúng ta chấp nhận lời đề nghị của Chúa và theo Chúa - mỗi người trong hoàn cảnh riêng - thì chúng ta có thể tham dự vào Mối Phúc Thật của Chúa. Với Chúa, điều không thể được trở thành có thể, và cả việc con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x. Mt 10,25); với sự trợ giúp của Chúa, -- và chỉ với sự trợ giúp của Chúa, -- chúng ta mới được ơn trở nên trọn lành như Cha chúng ta trên trời là Ðấng trọn lành (x. Mt 5,48).

Anh chị em thân mến,

Giờ đây chúng ta hãy bước vào trung tâm của việc cử hành Thánh Thể, là sự khích lệ và là của ăn nuôi sống sự thánh thiện. Trong giây phút sắp đến, Chúa Kitô sẽ đến hiện diện cách cao cả hơn; Ngài chính là Cây Nho thật, mà các tín hữu trên trần gian và các thánh trên trời, giống như những cành nho, được kết hiệp với. Sự hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trong thế gian với giáo hội chiến thắng trong vinh quang, sẽ trở nên khắng khít hơn. Trong kinh Tiền Tụng, chúng ta sẽ công bố rằng các thánh là những người bạn và là mẫu gương sống cho chúng ta. Chúng ta hãy khẩn cầu các thánh giúp chúng ta noi gương các ngài và chúng ta hãy dấn thân đáp lại một cách quảng đại, như các ngài đã nêu gương, lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta hãy khẩn xin Mẹ Maria một cách đặc biệt, Mẹ là Mẹ của Chúa và là tấm gương mọi sự thánh thiện. Nguyện xin Mẹ, Ðấng trọn vẹn thánh thiện, làm cho chúng ta trở thành những môn đệ trung thành của con Mẹ, Chúa Giêsu Kitô! Amen.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page