Những Suy Niệm của ÐTC Bênêđitô XVI

cho Các Thần Học Gia

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Suy Niệm của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Các Thần Học Gia.

(Radio Veritas Asia 18/10/2006) - Sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 10 năm 2006, lễ kính thánh Bruno, các thành viên của Ủy Ban Quốc Tế các Thần Học Gia đã được đồng tế với Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong nhà nguyện riêng "Redemptoris Mater" (Mẹ của Ðấng Cứu Thế) tại Dinh Tông Tòa, nội thành Vatican. Sau phúc âm, Ðức Thánh Cha đã giảng, nhưng ngài không gọi đây là bài giảng, hay diễn văn cho các thần học gia, mà gọi là suy niệm. ÐTC muốn chia sẻ niềm xác tín sâu xa của ngài, chia sẻ kinh nghiệm sống, hơn là trình bày những lý luận có tính cách lý thuyết. ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Tôi đã không soạn một bài giảng đúng nghĩa, nhưng chỉ muốn chia sẻ vài điểm để chúng ta suy niệm. Sứ mạng của thánh Bruno, vị thánh của ngày hôm nay, được xuất hiện rõ ràng --- và chúng ta có thể nói rằng sứ mạng đó được giải thích trong lời nguyện của thánh lễ kính thánh Bruno hôm nay; lời nguyện này nhắc chúng ta rằng sứ mạng của thánh Bruno là thinh lặng và chiêm niệm.

Nhưng thinh lặng và chiêm niệm có hướng đến một mục tiêu: trong cảnh sống "phân tâm" (bị chia trí) hằng ngày, thinh lặng và chiêm niệm giúp duy trì sự kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa. Mục tiêu đó là: ước chi trong tâm hồn chúng ta luôn có sự kết hiệp với Thiên Chúa và ước chi sự kết hiệp này biến đổi trọn cả con người chúng ta.

Thing lặng và chiêm niệm - đặc điểm của thánh Bruno - giúp ta có thể gặp trong cảnh sống "phân tâm" hằng ngày sự kết hiệp sâu xa, liên lỉ với Thiên Chúa. Thinh Lặng và chiêm niệm: ơn gọi hay đẹp của nhà thần hoc là nói. Ðây là sứ mạng của nhà thần học: trong thời đại nhiều lời của chúng ta đây, và không phải chỉ trong thời chúng ta mà thôi, còn trong nhiều thời khác nữa, trong nạn "lạm phát" lời nói, (sứ mạng của nhà thần học) là làm cho những lời thiết yếu được hiện hữu. Làm cho Lời được hiện diện trong những lời nói con người; đây là Lời đến từ Thiên Chúa và Lời đây là Thiên Chúa.

Là thành phần của thế giới này với tất cả những lời nói của con người, làm sao chúng ta có thể làm cho Lời Thiên Chúa được hiện diện trong những lời nói con người, nếu không nhờ qua một tiến trình thanh luyện tư duy chúng ta? Tiến trình thanh luyện tư duy này phải là và nhất là tiến trình thanh luyện những lời chúng ta nói. Làm sao chúng ta có thể mở thế giới, và trước hết là chính bản thân chúng ta, để đón nhận Lời Thiên Chúa, nếu không bước vào trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, mà từ đó Lời của ngài đến với chúng ta. Ðể thanh luyện những lời nói của chúng ta, và do đó thanh luyện những lời nói của thế gian, chúng ta cần đến sự thinh lặng - chiêm niệm, một sự thinh lặng làm cho chúng ta bước vào trong sự thinh lặng của Thiên Chúa và như thế đạt đến điểm mà từ đó phát xuất Lời Thiên Chúa, Lời cứu rỗi.

Thánh Tomas Aquinô, cùng với truyền thống lâu dài, nói rằng trong thần học Thiên Chúa không phải là đối tượng mà chúng ta nói đến. Ðây là quan niệm thông thường. Thật sự, Thiên Chúa không phải là đối tượng; Thiên Chúa là chủ thể của thần học. Ðấng nói trong thần học, chủ thể nói với chúng ta, phải là chính Thiên Chúa. Lời nói và tư tưởng của chúng ta chỉ nên phục vụ cho điều duy nhất này là làm sao để Thiên Chúa được lắng nghe, làm sao để Lời Nói của Thiên Chúa, làm sao để Lời Chúa gặp được một chỗ trong thế giới. Và như thế, một lần nữa, chúng ta được mời gọi đi trên con đường từ bỏ những lời của riêng mình; chúng ta được mời gọi đi trên con đường thanh luyện, ngõ hầu những lời của chúng ta trở thành chỉ như là phương tiện nhờ đó Thiên Chúa có thể nói, và như thế Thiên Chúa thật sự không phải là đối tượng, mà là chủ thể của thần học.

Trong viễn tượng này, tôi nhớ lại lời hết sức hay của Thư I Phêrô, nơi chương 1 câu 22. Tiếng latinh viết như thế này: "Castificantes animas nostras in obedientia veritatis". Sự vâng phục sự thật làm cho tâm hồn chúng ta được "khiết tịnh", và như thế hướng dẫn chúng ta nói lời ngay chính và hành động ngay chính. Nói cách khác, nói để được người ta vỗ tay khen, nói tùy theo hướng những gì con người muốn nghe, nói quỵ lụy theo sự "độc tài" của dư luận chung, (nói như vậy) được xem như là một thứ "mại dâm" lời nói và tâm hồn. Sự "khiết tịnh" mà thánh tông đồ Phêrô nhắc đến là việc không để mình tùy thuộc vào những tiêu chỉ vừa nói, là không tìm tiếng khen, nhưng tìm vâng phục sự thật. Và tôi nghĩ đây là nhân đức căn bản của thần học gia; vâng lời sự thật là điều luật khó giữ, nhưng làm cho chúng ta trở thành những cộng tác viên của sự thật, trở thành môi miệng của sự thật, bởi vì chúng ta không nói chiều theo dòng sông ngôn từ của thời nay, nhưng thật sự như những con người đã được thanh luyện và được "khiết tịnh hóa" bởi sự vâng phục sự thật; ngõ hầu sự thật được nói nơi chúng ta. Và như vậy, chúng ta thật sự trở nên những kẻ "mang" sự thật đi khắp nơi.

Ðiều này làm cho tôi nghĩ đến thánh Ignaxiô Antiochia và đến câu nói hay của ngài như sau: "Ai hiểu những lời của Thiên Chúa, thì hiểu sự thinh lặng của Ngài, bởi vì Thiên Chúa được nhìn biết trong sự thinh lặng của Ngài." Việc phân tích những lời của Chúa Giêsu có thể đạt đến mức nào đó thôi, nhưng vẫn còn ở trong vòng tư tưởng của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đạt đến sự thinh lặng của Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, Ðấng mà từ đó phát xuất những lời nói, thì chúng ta mới có thể thật sự bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của những lời Chúa. Những lời Chúa Giêsu nói đều đã được phát sinh từ trong sự thinh lặng trên Núi, -- như Kinh Thánh kể lại cho chúng ta, -- trong sự kết hiệp của Chúa với Thiên Chúa Cha. Từ sự thinh lặng của hiệp thông với Thiên Chúa Cha, từ việc được "thấm nhập" (nhận chìm) trong Thiên Chúa Cha, thì những lời nói mới phát sinh; và chỉ khi chúng ta đạt đến đích điểm này, và khởi sự từ đích điểm này, chúng ta mới thật sự đạt đến chiều sâu đích thật của Lời Thiên Chúa, và chúng ta mới có khả năng trở thành những "thông ngôn" đích thật của Lời Chúa. Chúa mời gọi chúng ta, khi mở miệng nói, hãy cùng với Ngài lên Núi, và trong thinh lặng lúc đó Ngài mời gọi chúng ta hãy học lại một lần nữa ý nghĩa thật của những lời nói.

Sau những suy nghĩ trên, chúng ta giờ đây trở lại với hai bài đọc của thánh lễ hôm nay. Ông Gióp đã kêu lên Chúa, đã chiến đấu với Thiên Chúa trước những bất công hiển nhiên mà Thiên Chúa làm cho ông. Giờ đây, đến lúc Ông đối diện với sự cao cả của Thiên Chúa. Và Ông hiểu rằng trước sự cao cả thật sự của Thiên Chúa, tất cả ngôn từ của chúng ta đều là sự nghèo nàn, và không thể diễn tả sự cao cả của Thiên Chúa, cả bằng cách xa xa; vì thế Ông đã nói như sau: "Tôi đã nói hai lần rồi, tôi sẽ không nói nữa." Sự thinh lặng trước sự cao cả của Thiên Chúa, bởi vì những lời nói của chúng ta trở thành quá nhỏ bé. Ðiều này làm cho tôi nghĩ đến những tuần lễ cuối đời của thánh Tomas Aquinô. Trong những tuần lễ cuối đời này, thánh nhân không viết gì nữa, không nói gì nữa. Các bạn hữu hỏi ngài: Thưa thầy, tại sao thầy không nói nữa, tại sao thầy không viết gì nữa? Và thánh Tomas Aquino trả lời: Trước tất cả những gì tôi thấy được bây giờ, thì tất cả mọi lời tôi nói xem ra như cọng rơm . Nhà chuyên môn về tư tưởng của Thánh Tomas, Cha Jean Pierre Torrel, nhắc chúng ta đừng hiểu sai những lời trên của thánh Tomas. Cọng rơm cũng có giá trị của nó. Cọng rơm đã mang hạt lúa, và đây là giá trị của cọng rơm. Nó mang hạt lúa. Cọng rơm lời nói vẫn có giá trị, như là thân mang hạt lúa. Tôi có thể nói rằng đây là việc "tương đối hóa" công việc của chúng ta, nhưng vừa đồng thời cũng giá trị hóa công việc chúng ta. Ðó là một dấu báo hiệu, ngõ hầu cách thức làm việc, cọng rơm chúng ta đây, được thật sự mang hạt giống Lời Chúa.

Bài phúc âm kết thúc bằng những lời sau đây: "Ai nghe anh em là nghe Ta." Ðó là những cảnh báo chúng ta biết là chừng nào! Ðó là những lời làm cho chúng ta xét mình biết là chừng nào! Có phải thật vậy không? Chúng ta hãy tự vấn : Có phải ai nghe tôi nói, là thật sự nghe Chúa nói hay không? Chúng ta hãy cầu nguyện và hãy làm việc, ngõ hầu mỗi ngày một đúng hơn rằng ai lắng nghe chúng ta là lắng nghe Chúa Kitô. Amen!

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trên đây là những Suy Niệm của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Các Thần Học Gia, trong thánh lễ kính thánh Bruno, Sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 10 năm 2006, trong nhà nguyện riêng "Redemptoris Mater" (Mẹ của Ðấng Cứu Thế) tại Dinh Tông Tòa, nội thành Vatican. Xin Kính chào và xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page