ÐTC mời gọi các thần học gia
đừng tuỳ thuộc vào sự độc tài của dư luận
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI mời gọi các thần học gia đừng tuỳ thuộc vào "sự độc tài của dư luận".
Tin Vatican (Vat., Apic 6/10/2006) - Sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 10 năm 2006, các thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, đã được đồng tế Thánh Lễ với Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI, trong Nhà Nguyện riêng của ngài - được gọi là Nhà Nguyện Redemptoris Mater - Mẹ của Ðấng Cứu Chuộc - tại Dinh Tông Toà trong Nội Thành Vatican.
Trong bài giảng, ÐTC đã nhắc đến Thánh Brunô, --- vì ngày mùng 6 tháng 10 là ngày lễ phụng vụ kính ngài --- như là mẫu gương cho các thần học gia công giáo. Mặc dù thánh Brunô là vị thánh của chiêm niệm, của sự thinh lặng, nhưng ngài có thể là mẫu gương cho các thần học gia, là những kẻ phải nói, phải sử dụng ngôn từ. Thử hỏi thánh Brunô có thể nêu gương như thế nào? ÐTC trả lời như sau: trong thời đại chúng ta, một thời đại bị lạm phát về các ngôn từ, một thời đại thích khoe khoang ồn ào, thì sứ mạng của thần học gia là làm sao để nói chỉ những lời thật thiết yếu mà thôi. Thần học gia cần làm cho Lời đến từ Thiên Chúa được hiện diện trong biết bao lời nói của con người. Nhưng thử hỏi làm sao làm cho Lời Thiên Chúa được hiện diện trong những lời nói của con người, nếu người nói không trải qua tiến trình thanh luyện cách suy tưởng của mình, thanh luyện những lời nói của mình. Và Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đi đến kết luận như sau: "Ðể thanh luyện những lời chúng ta nói và do đó để thanh luyện những ngôn từ của người đời, chúng ta cần có sự thinh lặng như sự thinh lặng của thánh Brunô, một sự thinh lặng chiêm niệm... Thiên Chúa không phải là đối tượng... Nhưng ngài là chủ thể của thần học. Do đó, những lời giải thích, những suy tư của các nhà thần học chỉ nên phục vụ cho điều duy nhất này mà thôi, là phục vụ sao cho Lời Chúa có thể được lắng nghe và có thể gặp được một chỗ đứng trong thế giới. Theo nghĩa này, nhà thần học phải từ bỏ những lời nói của riêng mình, sao cho lời nói được trở thành phương tiện qua đó Thiên Chúa có thể nói".
Ðến đây, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắc đến ý tưởng về sự "tuân phục vào sự thật". ÐTC nói rằng sự tuân phục vào sự thật làm cho tâm hồn chúng ta trở nên "thanh tịnh trinh khiết", và như thế hướng dẫn chúng ta có những lời nói và những hành động đúng. Nói cách khác, nói để được người ta vỗ tay khen, nói theo điều mà người ta muốn nghe, nói tuỳ theo sự độc tài của dư luận, việc "nói như thế" phải được chúng ta xem như là một thứ "dâm ô làm hư" lời nói và "làm dơ tâm hồn".
ÐTC quả quyết tiếp như sau: "Tôi nghĩ rằng nhân đức căn bản của thần học gia, là sự tuân phục vào sự thật, một kỷ luật khó giữ; nhưng sự tuân phục này làm cho chúng ta trở thành những cộng tác viên của sự thật, những "phát ngôn viên" của sự thật, trở thành như là "miệng lưỡi" của sự thật, ngõ hầu chúng ta không nói theo "dòng sông ngôn từ" của thế giới ngày nay."
Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng khẩu hiệu giám mục của Ðức Bênêđitô XVI, -- một thần học gia và là giáo sư đại học nổi tiếng, --- là "người cộng tác với sự thật".
(Ðặng Thế Dũng)