Tóm lược tiểu sử Ðức cố Giám mục

Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến

Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh

 

Ðức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến

Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tóm lược tiểu sử Ðức cố Giám mục Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh.

DẪN

 

1. Thời Niên Thiếu

Ngược dòng thời gian

Cậu bé Giu-se Nguyễn Quang Tuyến cất tiếng khóc chào đời ngày 20.9.1945 tại giáo xứ Ðại Lãm - một giáo xứ miền quê thuộc giáo phận Bắc Ninh. Cậu được rửa tội ngày 27.9.1945 tại nhà thờ của giáo xứ.

Thân phụ ngài là cụ cố Giu-se Nguyễn Văn Tô - một nhà giáo từ năm 1954 đã dạy học trong các trường nhà chung. Cụ cố tạ thế ngày 27.3.1983 để lại niềm đau khôn tả và sự mất mát lớn lao cho gia đình.

Thân mẫu ngài là bà cố Anna Nguyễn Thị Ðể - một bà mẹ Công giáo đạo đức thánh thiện, hết lòng yêu thương chăm lo cho chồng con.

Hai cụ cố chính là những người thày đầu tiên và không thể thay thế trong việc giáo dục cậu Giu-se Tuyến về kiến thức, nhân bản và đức tin Công giáo.


Thánh lễ an táng cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.


Là người con thứ hai trong gia đình có 6 anh em: bốn trai, hai gái, ngay từ nhỏ Cậu Nguyễn Quang Tuyến luôn tỏ ra là một cậu bé chăm ngoan, chịu khó học tập và hằng ngày theo mẹ đến nhà thờ của giáo xứ, cậu có lòng yêu mến Mẹ Ma-ri-a cách đặc biệt.

Ngay khi học tiểu học, cậu đã tỏ ra là một học sinh thông minh, có chí hơn người, cậu luôn là học sinh dẫn đầu lớp. Nhưng không vì giỏi giang mà cậu kiêu căng tự đắc, trái lại cậu luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè cùng nhau tiến bộ.

Tháng 8.1957, Cậu nhập Tiểu Chủng Viện Gio-an Hà Nội. Tại đây trong ba năm trời, Cậu luôn là chủng sinh gương mẫu, say mê học tập, tu luyện.

Ðến năm 1960, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, Cậu chủng sinh Giu-se Tuyến phải tạm rời Tiểu Chủng viện Gio-an Hà Nội về quê hương Ðại Lãm, trong lòng cậu ngổn ngang tiếc nuối vì sự nghiệp học hành dang dở.

Trở về quê hương, cậu chủng sinh Nguyễn Quang Tuyến sống trong mái ấm yêu thương gia đình và tình làng nghĩa xóm. Nơi đây, Cậu tiếp tục học văn hóa và tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 1964, đồng thời vẫn luôn nuôi chí hướng dấn thân tu trì.

Quãng thời gian sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học là thời kì đầy thử thách gian khó đối với cậu chủng sinh Nguyễn Quang Tuyến. Nhưng gian khó không thể cản bước Cậu trên đường dấn thân cho lí tưởng tu trì.

Trong hoàn cảnh xã hội hết sức khó khăn, Cậu phải vừa lao động một nắng hai sương trên đồng ruộng như bao người dân quê khác, vừa tiếp tục thầm lặng học Thần học do Ðức Giám mục giáo phận lúc đó là Ðức cha Phao-lô Phạm Ðình Tụng hướng dẫn dìu dắt.

 

2. Cuộc Ðời Linh Mục

Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Sau bao năm bền tâm vững chí học tập, tu luyện trong gian khó, thày Giu-se Nguyễn Quang Tuyến đã được Chúa thương chọn gọi lên hàng Tư tế.

Ngày 16.9.1974, Ðức Giám mục giáo phận Phao-lô Phạm Ðình Tụng đã long trọng đặt tay truyền chức linh mục cho thày Giu-se cùng 8 thày khác. Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, cha Giu-se mới công khai làm việc mục vụ.

Do hoàn cảnh thiếu vắng nhân sự, trong gần 15 năm thi hành tác vụ linh mục (1974-1989), Ngài đã làm cha xứ coi sóc nhiều giáo hạt, có lúc gần như cả giáo phận. Và Ngài luôn ưu tiên cho việc đào luyện các chú tu sinh.

Dầu cho hàng núi công việc mục vụ đè nặng trên vai, thế nhưng cha Giu-se vẫn luôn vui tươi, gần gũi thân thiện với mọi giáo dân. Mọi người đều cảm nhận nơi cha một trái tim đầy yêu thương tha thiết.

 

3. Cuộc Ðời Giám Mục

Thiên Chúa luôn làm những việc thật kì diệu vượt quá tầm mong ước của con người. Có ai ngờ một cậu bé phải bỏ dở học Tiểu chủng viện năm xưa lại có ngày làm chủ chăn một giáo phận! Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Phó giáo phận Bắc Ninh và được chính thức tấn phong ngày 25.1.1989.


Thánh lễ an táng cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.


Từ đây, ngài cùng chung vai với Ðức Giám mục Phao-lô Phạm Ðình Tụng dẫn dắt, chăm lo cho đoàn chiên giáo phận.

Ngày 23.4.1994, Ðức Giám mục Phao-lô Phạm Ðình Tụng được bổ nhiệm về coi sóc Tổng giáo phận Hà Nội. Vì thế, Ðức cha Giu-se được giao quyền kế vị và đến ngày 8.8.1994 Ngài chính thức trở thành Giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh lãnh đạo toàn thể đoàn chiên giáo phận. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài được lấy từ Tin Mừng thánh Gio-an: "Xin cho mọi người nên một" (Ga 17,20).

Trong bối cảnh quá thiếu vắng linh mục, Ðức cha Giu-se một mặt tìm cách gửi chủng sinh đi đào tạo, mặt khác Ngài chú trọng đào tạo và xây dựng Ban hành giáo toàn giáo phận. Chính những người giáo dân này đã là những cánh tay đắc lực giúp Ðức cha cai quản giáo phận trong những thời kì gian khó; họ thực sự là những nòng cốt trong việc tổ chức gìn giữ và sống niềm tin Công giáo sống động tại các giáo xứ.

Việc đào tạo chủng sinh, ngay năm đầu tiên trên cương vị Giám mục chính tòa, Ðức cha Giu-se đã gửi 9 chủng sinh đi học tập tu luyện tại Ðại chủng viện Hà Nội. Rồi từ đó, cứ hai năm một lần, Ngài đều đặn gửi chủng sinh sang Ðại chủng viện.

Trong đời Giám mục của mình, Ngài đã gửi tất cả 60 chủng sinh đi học tại Ðại chủng viện Hà Nội, chưa kể một số chủng sinh đi đào tạo tại các nơi khác trong và ngoài nước.

Những hạt mầm chủng sinh giờ đây đã trở thành các linh mục của Chúa; họ thật sự là những cộng tác viên đắc lực và là đại diện của Giám mục cai quản các giáo xứ. Trong đời Giám mục, Ngài đã truyền chức cho gần ba chục linh mục.

Ngoài ra Ðức cha Giu-se còn củng cố và xây dựng các hội đoàn giáo dân Công giáo khắp giáo phận: Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo lí viên, Ca đoàn, Giới trẻ, Hội Mân côi, Hội Gia trưởng, Huynh đoàn Dòng ba Ða-minh.

Sinh hoạt của tất cả các đoàn thể này đã tạo nên một bầu khí sống đạo nhiệt thành, an vui và hiệp nhất trong các giáo xứ.

Hàng năm, Ðức cha đều lần lượt tổ chức các khóa huấn luyện dành cho các hội đoàn về học tập tại Tòa giám mục. Và Ngài luôn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ và ban huấn dụ cho họ. Ðiều này đã làm cho mối quan hệ giữa vị Chủ chăn và các hội đoàn thật gần gũi, thân mật như những cành nho kết hợp với thân nho.

Vị chủ chăn không chỉ ở yên trong tòa Giám mục, mà Ngài thường xuyên đi đến thăm viếng đoàn chiên của Ngài qua các cuộc kinh lý khắp các giáo xứ trong giáo phận. Các xứ họ dù xa hay gần, nông thôn hay thành thị, đồng bằng hay miền núi đều in dấu chân của Vị mục tử nhân hiền.

Nhiều giáo xứ đã hàng chục năm không có chủ chăn nên đã òa khóc vì cảm động và sung sướng khi Vị mục tử nhân hiền đến với họ, vì họ biết rằng Ngài đến sẽ mang bình an, niềm vui và tình thương đến cho họ.

Mỗi dịp đi kinh lý chính là dịp Ðức cha Giu-se ban các bí tích, tháo gỡ nhưng ngăn trở. Qua đó, Vị mục tử làm ấm nóng lại những tâm hồn nguội lạnh, làm tươi mát những tâm hồn khô khan, hàn gắn yêu thương những đổ vỡ hận thù, mang lại an bình cho những tâm hồn đau khổ buồn sầu.

Bao khó khăn đến từ nhiều phía vẫn không ngăn nổi vị mục tử đến với đoàn chiên của mình. Ðến nơi đâu, Vị mục tử đều để lại tin yêu và nhớ nhung trong lòng đoàn chiên ở đó. Giáo dân xứ họ nào cũng muốn níu kéo Vị chủ chăn ở lại với mình.


Thánh lễ an táng cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.


Công việc mục vụ cho đoàn chiên đông đảo và rộng khắp giáo phận luôn đè nặng trên đôi vai Ngài, khiến cho đầu óc Ngài luôn phải suy tư tính toán. Vì thế, để cho đầu óc bớt căng thẳng và kiếm tìm một chút thảnh thơi, Ngài thỉnh thoảng cũng cần những chuyến tham quan du lịch những danh lam thắng cảnh của đất nước.

Ngoài việc xây dựng các đoàn thể nhân sự, Ðức cha cũng đã cho khởi công trùng tu và xây dựng nhiều nhà thờ, nhiều cơ sở vật chất trong giáo phận.

Ngài đã đến tận nơi dâng Thánh lễ đặt móng cũng như Thánh lễ khánh thành nhà thờ tại nhiều xứ họ. Những ngôi nhà thờ với tháp chuông vươn cao như những biểu tượng thật đẹp về khát vọng niềm tin của con người luôn hướng tới Trời cao.

Bên cạnh những chuyến đi viếng thăm mục vụ chính thức, ngài còn có nhiều chuyến thăm viếng từ thiện bác ái tới các cô nhi viện, trại phong, những gia đình hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi các Ðấng bậc đau ốm.

Ðặc biệt là chuyến thăm viếng người cha, người thày và cũng là vị đồng nhiệm một thời với Ngài: Ðức Hồng y Phao-lô Phạm Ðình Tụng khi đang ốm nặng trên giường bệnh. Những tưởng cha sẽ ra đi trước con, vậy mà, có ngờ đâu...

17 năm trên cương vị Giám mục, gánh nặng của công việc mục vụ đã gần như vắt kiệt sức lực của Ðức cha Giu-se. Mặc dù Ngài mắc căn bệnh hiểm nghèo đã hơn hai năm trời, nhưng Ngài vẫn âm thầm chịu đựng những đau đớn của thể xác với một tinh thần vui lòng đón nhận trong niềm tin tưởng rằng: đó là lời mời gọi vác thập giá cùng Chúa Ki-tô, và chính Chúa Giê-su cũng đang cùng chung chia những đau đớn với ngài.

Niềm tin và tình yêu luôn làm nên những điều kì diệu: khi Chúa và Ðức cha cùng chung chia một niềm đau thì niềm đau ấy vơi đi rất nhiều và hi vọng rất nhiều. Trong huyền nhiệm của tin yêu, tất cả đau khổ lại hóa thành những niềm đau êm ái, ngọt ngào. Ðó chính là lí do để Ðức cha có thể vui lòng can đảm chịu đựng những đau đớn của bệnh tật.

Bệnh tật của Ðức cha Giu-se ngày một nặng dần. Giáo phận cùng với Quí Cha và giáo dân Bắc Ninh hải ngoại đã thu xếp để Ngài hai lần đi Hoa Kỳ chữa bệnh. Các y bác sĩ tại Hoa Kỳ đã hết lòng tận tình chăm sóc và chữa trị bệnh cho Ðức cha.

Nhưng vì căn bệnh hiểm nghèo, Ðức cha đã không qua nổi nhiều ca phẫu thuật nối tiếp nhau. Cuối cùng, Ngài đã an nghỉ trong Chúa lúc 5g58 ngày chủ nhật, 24.09.2006 tại bệnh viện Providence Portland Medical Center, bang Oregon, Hoa Kỳ, hưởng thọ 61 tuổi.

Và trong niềm tín thác vào Chúa Ki-tô phục sinh, hàng triệu tín hữu Công giáo trong và ngoài nước đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài, mong cho Ngài sớm về hưởng phúc cùng Cha trên trời.

Vị chủ chăn ra đi, cả giáo phận Bắc Ninh như chìm vào trong mùa thương khó. Tất cả đoàn chiên trở thành những đứa con mồ côi bơ vơ, mếu máo chít vòng khăn tang trắng đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Cha mình tại khắp các giáo xứ trong giáo phận.

Ðức cha Giu-se khả kính ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn và một nỗi trống vắng trong lòng bao người. Hình ảnh một vị mục tử nhân hiền, thân thiện còn đọng lại mãi trong mọi trái tim đoàn chiên của Ngài. Bao con cái Ngài như không muốn chấp nhận sự ra đi của Ðức cha và chỉ muốn khóc gào lên: Ðức cha ơi! Ới Ðức cha ơi! Hãy ở lại, hãy ở lại với chúng con!

 

Kết

Vâng, xác thân Ðức cha kính yêu đã vĩnh viễn ra đi rời xa con cái ngài, thế nhưng, những giáo huấn, những tình cảm thân thương, niềm tin yêu mãnh liệt và lòng hi sinh can đảm dấn thân phục vụ đoàn chiên của Ngài thì vẫn hằng ở với con cái luôn mãi.

Như hạt giống gieo vào lòng đất, phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái. Chính lúc Ðức cha ra đi lại là lúc những tâm nguyện của Ngài vọng về rõ nhất, đánh động mọi trái tim: Hãy yêu thương nhau, các con hãy yêu thương nhau. Hãy hiệp nhất nên một, các con hiệp nhất nên một trong yêu thương.

Xin mượn những vần thơ của chính Ðức cha như một lời kết để phác họa chân dung đầy yêu thương hi sinh của Ngài, và cũng như di chúc Ngài để lại cho mỗi chúng ta:

Xin nguyện làm viên gạch dưới tầng sâu,

Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa,

Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa,

Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page