Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Giáo
Costantinopoli, Thổ Nhỉ Kỳ
hy vọng chuyến viếng thăm của ÐTC
sẽ được thực hiện như đã được dự trù
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thượng Phụ Ðại Kết Bartolomêô I, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Giáo Costantinopoli, Thổ Nhỉ Kỳ, bày tỏ hy vọng chuyến viếng thăm của ÐTC Bênêđitô XVI sẽ được thực hiện như đã được dự trù.
Tin Istanbul/Thổ Nhỉ Kỳ (Apic 29/09/2006) - Trả lời cho những câu hỏi của các Ký Giả tại Istanbul, thủ đô của Thổ Nhỉ Kỳ, hôm chiều thứ Năm 28 tháng 9 năm 2006, Ðức Thượng Phụ Ðại Kết, Thủ lãnh của Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, đã ước lượng rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, sẽ là dịp tốt để "vun trồng cuộc đối thọai" giữa người kitô và anh chị em hồi giáo, và để cất đi những hiểu lầm do bài diễn văn của ÐTC tại Ðại Học Regensburg, Ðức Quốc, gây ra.
Ðức Thượng Phụ Ðại Kết, Bartolomêô I, cũng mong sao sự tự do tôn giáo được từ từ trả lại cho các cộng đoàn tôn giáo thiểu số tại Thổ Nhỉ Kỳ, vào thời điểm Thổ Nhỉ Kỳ đang chuẩn bị để xích lại gần hơn với các quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu.
Ngoài ra, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, còn quả quyết thêm rằng chuyến viếng thăm sắp đến của Ðức Bênêđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ, có tầm quan trọng cho đất nước Thổ Nhỉ Kỳ, và cho mối tương quan giữa các tín hữu chính thống và người công giáo... Ðức Giáo Chủ Ðại Kết Bartolomêô đã nói như sau: "Chúng tôi đã theo dõi chuyến viếng thăm của Ðức Bênêđitô XVI tại quê hương Ðức Quốc và biết những phản ứng đối với những lời ngài đã nói tại Ðại Học Regensburg. Chúng tôi xác tín chắc chắn rằng Ðức Bênêđitô XVI không có ý định xúc phạm những anh chị em hồi giáo... Sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần sống tôn trọng lẫn nhau và cộng tác với nhau."
Cũng trong cuộc trao đổi với các ký giả hôm chiều thứ Năm 28 tháng 9 năm 2006, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đã than phiền là những tín hữu chính thống giáo tại Thổ Nhỉ Kỳ không hưởng được trọn vẹn những quyền lợi của công dân Thổ Nhỉ Kỳ. Ðức Thượng Phụ kể ra một lô những giới hạn sự tự do mà các tín hữu chính thống Thổ Nhỉ Kỳ đang phải chịu như sau: giới hạn trong việc giáo dục tôn giáo, việc mất những tài sản của giáo hội, việc giáo hội không được nhìn nhận có tư cách pháp nhân mặc dù giáo hội chính thống đã hiện diện tại Thổ Nhỉ Kỳ suốt từ 17 thế kỷ qua; giới hạn khác nữa là vị Thượng Phụ Costantinopoli phải được tuyển chọn từ trong số những vị là công dân Thổ Nhỉ Kỳ... Chúng tôi hy vọng rằng với việc Thổ Nhỉ Kỳ đang tiến đến gần các quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu, thì những giới hạn nêu trên sẽ được từ từ giải quyết."
Theo Ðức Thượng Phụ, những cộng đoàn tôn giáo thiểu số tại Thổ Nhỉ Kỳ, không phải là sự hăm dọa, nhưng là sự phong phú cho đất nước. Ngài chỉ muốn đòi được hưởng những quyền lợi đã bị cướp mất mà thôi. Ðức Thượng Phụ cho biết thêm như sau: "Vào thời điểm của năm 1923, cộng đoàn chúng tôi có 180,000 người hy lạp chính thống giáo, nhưng nay thì chỉ còn khoảng 4 hay 5 ngàn mà thôi... Thử hỏi tại sao lại như thế?".
Ðược biết, trước chuyến viếng thăm của Ðức Bênêđitô XVI tại Thổ Nhỉ Kỳ vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2006, thì vào đầu tháng 10 năm 2006, trong hai ngày 5 và 6 (tháng 10 năm 2006), bà thủ tướng Ðức Angela Merkel, sẽ đến thăm Thổ Nhỉ Kỳ. Và Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Ðại Kết Bartolomêô I hy vọng rằng cả hai chuyến viếng thăm sẽ mang lại sự tự do tôn giáo cho các cộng đoàn tôn giáo thiểu số. Ðức Thượng Phụ nêu bật sự kiện này rằng: Có nhiều người dân Thổ Nhỉ Kỳ sinh sống tại Cộng Hoà Liên Bang Ðức. Và họ có đầy đủ tự do để xây cất những Ðền Thờ Hồi Giáo, có tự do mở trường học cho con em họ, có tự do làm việc và được tự do nhập quốc tịch Ðức. Nước Ðức tôn trọng những nguyên tắc về tự do tôn giáo và những nhân quyền, như tất cả các quốc gia âu châu. Vì thế, những quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu yêu cầu chính quyền Thổ Nhỉ Kỳ tôn trọng những nguyên tắc vừa nói trên, để được gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Liên quan đến vấn đề an ninh cho Ðức Bênêđitô XVI khi đến thăm Thổ Nhỉ Kỳ, Ðức Thượng Phụ cho biết chính quyền Thổ Nhỉ Kỳ sẽ có những biện pháp giữ an ninh cho Ðức Bênêđitô XVI, bởi vì ngài là khách của chính phủ.
Cuối cùng, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô nhắc đến tầm quan trọng của phiên Họp Khoáng Ðại lần thứ 9 của Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế các giáo hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo, đã diễn ra tại Belgrade, từ ngày 18 đến 24 tháng 9 năm 2006, nhắm tiếp tục công cuộc đối thọai thần học giữa công giáo và chính thống giáo.
Ðức Hồng Y Kasper, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô, đã nhận định về Phiên Họp Khoáng Ðại này như là một "bước tiến mới" sau 6 năm bị gián đọan. Ðức Hồng Y cho biết: Tất cả các giáo hội chính thống đều có đại diện tham dự. Và những trao đổi đã diễn ra trong bầu khí thân thiện, tích cực và xây dựng. Chúng tôi đã để qua một bên vấn đề "những cộng đồng chính thống giáo trước đây đã theo về với giáo hội công giáo", là vấn đề đã bị "đứng khựng lại" cách đây 10 năm; và chúng tôi cùng nhau bàn đến chủ đề về Giáo Hội như là sự hiệp thông. Và chúng tôi đã gặp được nơi chủ đề này nhiều điểm đồng quy, mặc dù những khó khăn vẫn có đó." Ðược biết Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Chính Thống Giáo Công Giáo đã được thành lập từ năm 1979, do bởi Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Giáo Chủ Ðại kết của Chính Thống Giáo Costantinopoli, lúc đó là Ðức Dimitrios I. Từ năm 2000 đến nay (2006), các Phiên Họp Khoáng Ðại của Ủy Ban đã bị gián đọan, cho đến Phiên Họp vừa qua, Phiên Họp Thứ 9 được triệu tập lại từ ngày 18 đến 24 tháng 9 năm 2006, tại Belgrade. Phiên Họp sắp đến của Ủy Ban sẽ là vào tháng 10 năm 2007, và tại Italia, nhưng chưa có quyết định chính thức về địa điểm.
(Ðặng Thế Dũng)