ÐTC Beneđitô XVI nhận định về

chuyến viếng thăm quê hương của ngài

tại miền nam nước Ðức

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Beneđitô XVI nhận định về chuyến viếng thăm quê hương của ngài, tại miền nam nước Ðức.

(Radio Veritas Asia 25/09/2006) - Chúa Nhật 17 tháng 9 năm 2006: ÐTC Beneđitô XVI nhận định về chuyến viếng thăm quê hương của ngài, tại miền nam nước Ðức.

Xin nhắc lại vài biến cố: Ngày 12 tháng 9 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đọc bài "tham luận" trình bài những suy tư của ngài về đề tài: Ðức Tin, Lý Trí và Môi Trường Ðại Học, trước cử toạ thuộc giới trí thức, văn hoá, và đại học. Trong bài thuyết trình, ÐTC đã trích lại một đọan từ cuộc đối thọai giữa Hoàng Ðế Byzantin (Kitô giáo chính thống đông phương) và một học giả Ba Tư (Hồi giáo). Ðọan trích này nhắc đến lời nhận xét --- mà ÐTC cho là "cứng cỏi" đối với tâm thức chúng ta ngày nay --- của Hoàng Ðế Byzantin thách thức học giả Hồi Giáo đưa ra điều gì tốt nơi giáo huấn của Vị Tiên Tri Mahomết, vừa đồng thời nhận định là Tiên Tri Mahômết đã dùng "bạo lực" để phổ biến Ðức Tin. Lời trích nầy như là lời trích có tính cách "minh họa", để dẫn vào đề tài mà Ðức Thánh Cha muốn nói về tương quan giữa đức tin và lý trí, chớ không chút gì nói lên lập trường của ÐTC.

Nhưng rồi những phản ứng mạnh mẽ tố cáo Ðức Thánh Cha đã xảy ra tại vài quốc gia hồi giáo, như quý vị và các bạn đã biết. Ðức Tổng Giám Mục Tomasi, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã lưu ý chi tiết này là những phản ứng chống đối đã xảy ra, cả trước khi bài thuyến trình của ÐTC được chuyển dịch sang tiếng địa phương của những người biểu tình! Những lời đề tựa có tính cách giật gân và những tóm ý bóp méo ý nghĩa của bài diễn văn của ÐTC --- mà giới truyền thông phổ biến --- có phần trách nhiệm khơi lên những phản ứng quá khích này!

Tiếp liền ngày 12 tháng 9 năm 2006, Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã ra thông cáo giải thích.

Thứ Bảy 23 tháng 9 năm 2006, Ðức Hồng Y Bertone, Tân quốc vụ khanh Toà Thánh, công bố lời giải thích rộng rãi hơn.

Trưa Chúa Nhật 24 tháng 9 năm 2006, ÐTC dành phần I của bài huấn đức trước khi xướng kinh truyền tin, để đích thân nói lên "sự hối tiếc" (buồn tiếc) trước những phản ứng do hiểu lầm đoạn trích dẫn lời của Hoàng đế Byzantin trong bài diễn văn của ÐTC. Sự cố đã làm cho nhiều người giờ đây chú ý tìm đọc bài diễn văn của ÐTC. Chúng tôi sẽ phổ biến bản dịch Việt ngữ bài diễn văn (thuyết trình) này của ÐTC trong những ngày tới đây. Hiện đã nhiều bản dịch được phổ biến rồi.

Giờ đây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài huấn đức của ÐTC trước khi xướng kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 9 năm 2006, ba ngày sau khi kết thúc chuyến viếng thăm tại quê hương miền Nam Nước Ðức. Ðức Thánh Cha nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Chuyến tông du tại bang Baviera, mà tôi đã hoàn thành trong những ngày vừa qua, đã là một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa, trong đó những kỷ niệm riêng của cá nhân tại những địa điểm hết sức quen thuộc đối với tôi, được liên kết với những viễn tượng mục vụ để rao giảng Phúc âm một cách hữu hiệu trong thời đại chúng ta. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì những an ủi nội tâm Ngài đã ban cho tôi và đồng thời tôi biết ơn tất cả những ai đã tích cực hoạt động cho sự thành công của chuyến viếng thăm mục vụ này. Theo thông lệ, tôi sẽ nói nhiều hơn về chuyến viếng thăm này trong buổi tiếp kiến vào thứ Tư tới. Trong giây phút này, tôi chỉ muốn thêm rằng tôi hết sức buồn tiếc vì những phản ứng được khơi dậy do bởi một đoạn ngắn trong bài diễn văn của tôi tại Ðại Học Regensburg; đoạn văn ngắn này bị xem như là có tính cách xúc phạm đến cảm tính của những tín hữu hồi giáo; nhưng thật ra, đây chỉ là một trích dẫn từ một bản văn thời trung cổ, và không chút gì nói lên ý nghĩ của chính tôi. Hôm qua (16/09/2006), Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã công bố, về vấn đề này, một tuyên ngôn trong đó Ðức Hồng Y đã giải thích ý nghĩa đích thật của những lời tôi đã nói. Tôi hy vọng rằng việc làm trên của Ðức Hồng Y có thể góp phần làm dịu xuống các tâm trí và làm sáng tỏ ý nghĩa thật của bài diễn văn của tôi; nhìn cách toàn diện, bài diễn văn này đã và còn đang là lời mời gọi đối thoại thẳng thắn và thành thật, đi liền với sự tôn trọng lẫn nhau. Ðó là ý nghĩa của bài diễn văn.

 

(Ðoạn trên đây đã được chuyển dịch liền sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Bài huấn đức tiếp tục như sau:)

 

Giờ đây, trước khi xướng kinh Truyền Tin, tôi muốn dừng lại nơi hai ngày lễ phụng vụ quan trọng mới đây: đó là Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành vào ngày 14 tháng 9, và lễ kính nhớ Ðức Mẹ Sầu Bi tiếp liền ngày hôm sau (15 tháng 9). Hai lễ phụng vụ này có thể diễn tả lại một cách hữu hình trong hình ảnh truyền thống mô tả việc Chúa chịu đóng đinh, cho thấy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria đứng dưới chân Thập Giá, theo bài tường thuật của thánh sử Gioan, người tông đồ duy nhất ở lại bên cạnh Chúa Giêsu đang hấp hối. Thử hỏi việc suy tôn Thập Giá Chúa có ý nghĩa gì? Tôn thờ một "đoạn đầu đài" đầy khổ nhục như thế, không phải là một điều xấu làm ta khó chịu hay sao? Thánh Phaolô đã nói như sau: "Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, gương mù đối với người Do thái, và là sự điên rồ đối với dân ngọai" (I Co 1,23). Tuy nhiên, những người kitô không suy tôn bất cứ thập giá nào, nhưng suy tôn chính Thập Giá mà Chúa Giêsu đã thánh hoá bằng chính hy tế của mình, là hoa trái và là chứng từ cho một tình yêu bao la. Chúa Kitô trên Thập Giá, đã đổ hết cả Máu mình ra, để giải thoát nhân lọai khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Vì thế, từ một dấu chỉ của điều chúc dữ, Thập Giá đã được biến đổi thành dấu chỉ của phúc lành, từ biểu tượng của sự chết thành biểu tượng tuyệt vời của Tình Thương chiến thắng trên hận thù và bạo lực, một Tình Thương phát sinh sự sống đời đời. "Hỡi Thập Giá, xin kính chào niềm hy vọng duy nhất! Phụng vụ đã hát lên như thế.

Thánh Sử Gioan kể tiếp như sau: Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá (x. Gn 19,25-27). Ðau khổ của Mẹ kết thành một với đau khổ của Con Mẹ. Ðây là một đau khổ tràn đầy đức Tin và tình yêu thương. Ðức Nữ Ðồng Trinh trên đồi Calvariô tham dự vào sức mạnh cứu rỗi của đau khổ của Chúa Kitô, vừa để cho lời thưa "Xin Vâng" của Mẹ được hoà nhập với lời thưa Vâng của Con Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, kết hiệp một cách thiêng liêng với Mẹ Sầu Bi, chúng ta cũng hãy lặp lại lời thưa Vâng của chúng ta đối với Thiên Chúa, Ðấng đã chọn con đường Thập Giá để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm cao cả còn đang diễn ra, cho đến tận cùng thế giới, và là mầu nhiệm đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta vác lấy Thập giá mình hằng ngày và trung thành theo Chúa Giêsu, trên con đường vâng phục, hy sinh và yêu thương.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người hiện diện. Sau đó, ÐTC còn ở lại trên bao lơn, để chào chúc các nhóm. Bằng tiếng Pháp, ÐTC đã nhắc đến bài phúc âm của thánh lễ Chúa Nhật, với những lời như sau: "Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ như sau: "Ðối với chúng con, Thầy là ai? Xin anh chị em hãy đích thân trả lời câu hỏi này, và hãy làm cho con người thời đại hôm nay, nhất là cho các bạn trẻ, biết rõ chính Chúa Kitô, mà lời nói và cuộc sống Ngài làm cho mọi cuộc đời có ý nghĩa."

Bằng tiếng Anh, ÐTC đã nói như sau: "Tôi cám ơn anh chị em đã cầu nguyện cho tôi, trong thời gian tôi viếng thăm mục vụ tại bang Baviera (Bavaria). Uớc gì thời gian anh chị em lưu lại tại Castel Gandolfo này và tại Roma, trở thành thời gian làm phong phú đời sống thiêng liêng, được ghi dấu bởi sự sẵn sàng vác lấy thập giá và theo Chúa Giêsu. Xin Chúa Kitô ban xuống cho anh chị em và cho tất cả mọi kẻ thân yêu của anh chị em, ân sủng và sự bình an.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page