Sứ Ðiệp của ÐTC Beneđitô XVI
nhân dịp kỷ niệm 20 Năm
tổ chức cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn
cầu nguyện cho hoà bình thế giới
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hoà Bình tại Assisi ( 1986 - 2006).
(Radio Veritas Asia - 5/09/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Vào Ngày 27 tháng 10 năm 1986, cách đây 20 năm, theo sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II, 150 vị đại diện cho 12 tôn giáo lớn trên thế giới, đã tựu về gặp nhau tại thành phố của thánh Phanxicô, -- thành phố Assisi, miền Trung Italia, -- để trải qua một ngày cầu nguyện cho Hoà Bình, mỗi tôn giáo cầu nguyện tại một địa điểm riêng và theo thể thức riêng của tôn giáo mình.
Ðể kỷ niệm 20 năm sáng kiến này của Ðức Gioan Phaolô II, Cộng Ðoàn Thánh Egidio, tổ chức trong hai ngày 4 và 5 tháng 9 năm 2006, tại Assisi, một Ðại Hội Quốc Tế, với chủ đề: "Ðể xây dựng một thế giới hoà bình, tôn giáo và văn hoá trong tư thế đối thoại với nhau."
Phần Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, để ghi dấu biến cố kỷ niệm này, ngài đã gởi đến Ðức Giám Mục sở tại một sứ điệp. Trong sứ điệp, ÐTC giải thích ý nghĩa của cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn để cầu nguyện cho Hoà Bình. Ðây không phải là việc tương đối hoá Niềm Tin Tôn Giáo, cũng không phải là "pha trộn" các tôn giáo. Mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt toàn văn Sứ Ðiệp như sau:
Kính gởi chư huynh đáng kính Domenico Sorrentino,
Giám Mục Assisi Nocera Umbra -- Gualdo Tadino,
Năm nay có lễ kỷ niệm 20 năm cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế để cầu nguyện cho Hoà Bình, mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã muốn tổ chức vào ngày 27 tháng 10 năm 1986, tại thành Assisi. Như đã biết, Ðức Gioan Phaolô II đã mời đến gặp gỡ không chỉ những anh chị em kitô thuộc các giáo hội khác nhau, nhưng còn mời cả những nhân vật nổi tiếng của nhiều tôn giáo khác nhau. Sáng kiến đã có tiếng vang rộng rãi trong công luận: biến cố đã nói lên một sứ điệp vang động cho hoà bình và đã ghi dấu lịch sử thời đại chúng ta. Người ta hiểu được rằng việc nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra lúc đó, tiếp tục khơi dậy những sáng kiến trên hai bình diện suy tư và dấn thân hành động. Vài sáng kiến đã được dự trù tổ chức tại chính thành phố Assisi, nhân dịp kỷ niệm 20 năm biến cố này. Tôi nghĩ đến cử hành được tổ chức, với sự đồng thuận của giáo phận sở tại, do bởi cộng đoàn thánh Egidiô, theo đường lối của những cuộc gặp gỡ tương tự đã được cộng đoàn tổ chức hằng năm. Kế đến, Viện Thần Học Assisi cũng sẽ tổ chức một Hội Nghị vào đúng những ngày mừng lễ; và những giáo hội địa phương của vùng sẽ quy tựu lại tham dự Thánh Lễ Ðồng Tế do các Giám Mục vùng Umbria cử hành trong Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phanxicô. Cuối cùng, Hội Ðồng Toà Thánh về Ðối Thọai Liên Tôn sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ, để đối thọai, cầu nguyện và huấn luyện về Hoà Bình, dành cho giới trẻ công giáo và các bạn trẻ đến từ các tôn giáo khác.
Những sáng kiến vừa nói trên, --- mỗi sáng kiến có tầm vóc riêng, --- làm nổi bật giá trị của trực giác mà Ðức Gioan Phaolô II đã có, vừa đồng thời nói lên tính cách thời sự của trực giác này, theo viễn tượng của những biến cố đã xảy ra trong hai mươi năm qua, và của hoàn cảnh trong đó nhân loại ngày nay đang sống. Biến cố có ý nghĩa nhất trong khoảng thời gian 20 năm qua, chắc chắn là cuộc sụp đổ, tại Ðông Âu, của những chế độ cai trị theo chủ nghĩa cộng sản. Cùng với cuộc sụp đổ này, cũng bị tan luôn cuộc "chiến tranh lạnh" đã từng phân chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng đối nghịch nhau, vừa khơi dậy việc tàng trử những kho vũ khí khủng khiếp và việc duy trì những đạo quân sẵn sàng cho cuộc chiến toàn diện. Lúc đó đã là giây phút mang đến niềm hy vọng chung về hoà bình, làm cho nhiều người mơ về một thế giới khác, trong đó những tương quan giữa các dân tộc có thể được phát triển, để bù lại cho những thiệt hại của chiến tranh, và hiện tượng toàn cầu hoá được diễn ra dưới huy hiệu của cuộc gặp gỡ hoà bình giữa các dân tộc và giữa các nền văn hoá, trong khung cảnh của một công pháp quốc tế được mọi người nhìn nhận, được gợi hứng theo sự tôn trọng những đòi buộc của sự thật, sự công bằng và tình liên đới.
Nhưng buồn thay, giấc mơ hoà bình này đã không được thực hiện. Trái lại, ngàn năm thứ ba đã bắt đầu với những cảnh khủng bố và bạo lực không biết lúc nào mới chấm dứt được. Sự kiện rằng những xung đột vũ trang diễn ra nhất là trong khung cảnh những căng thẳng địa lý - chính trị tại nhiều vùng trên thế giới, -- (sự kiện này) -- có thể gia tăng cảm tưởng cho rằng, không chỉ những khác biệt về văn hoá, mà còn chính những khác biệt về tôn giáo nữa, đều tạo ra những lý do gây bất ổn hoặc đầy hăm dọa đối với những viễn tượng về hoà bình.
Chính trong viễn ảnh này mà sáng kiến, --- do Ðức Gioan Phaolô II cổ võ cách đây 20 năm, --- có được tính cách của một lời tiên tri đến đúng lúc. Lời mời gọi của Ðức Gioan Phaolô II xin các vị lãnh đạo các tôn giáo thế giới hãy cùng nhau làm chứng cho hoà bình, (lời mời gọi này) làm sáng tỏ một cách rõ ràng rằng tôn giáo không thể là gì khác hơn là tác nhân mang đến hoà bình. Như Công Ðồng Vaticanô II đã trình bày trong Tuyên Ngôn "Nostra Aetate" -- (có nghĩa là "Thời Ðại Chúng Ta") --- nói về những liên lạc của Giáo Hội với những tôn giáo không kitô, "chúng ta không thể nào gọi Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, nếu chúng ta không có thái độ làm người anh chị em, đối với một số nguời nào đó cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa" như chúng ta (số 5). Mặc cho những khác biệt giữa những con đường tôn giáo khác nhau, việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa --- mà con người có thể nhìn nhận chỉ nhờ qua kinh nghiệm về tạo vật (x. thư Roma 1,20) --- (việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa) không thể nào không giúp cho những kẻ tin Chúa có thái độ nhìn nhận những kẻ khác như là anh chị em. Vì thế, không ai được phép nại đến lý do về sự khác biệt tôn giáo, như là căn bản hoặc như là cớ, để có thái độ gây chiến với những kẻ khác.
Người ta có thể đặt vấn nạn rằng lịch sử biết đến hiện tượng buồn đau của những cuộc chiến tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta biết rõ rằng những thể hiện như thế về bạo lực không thể nào được quy gán cho tôn giáo xét như là tôn giáo; nhưng đó là do những giới hạn văn hoá mà, với những giới hạn này, tôn giáo được thực hành và được phát triển trong dòng thời gian. Khi ý thức tôn giáo đạt đến mức trưởng thành, thì ý thức đó làm phát sinh nơi tín hữu nhận thức rằng đức tin vào Thiên Chúa, --- Ðấng tạo hoá của vũ trụ và là Người Cha của tất cả mọi người, --- không thể nào không cổ võ những liên lạc của tình huynh đệ đại đồng giữa con người với nhau. Thật vậy, những chứng tá về mối giây liên lạc sâu xa hiện có giữa tương quan với Thiên Chúa và nền luân lý của tình thương, (những chứng tá đó) đều có mặt trong tất cả những truyền thống tôn giáo lớn. Chúng ta, những người kitô, chúng ta cảm thấy mình được xác tín trong điều vừa nói, và hơn nữa được soi sáng bởi Lời Chúa. Thánh Kinh Cựu Ước đã mạc khải tình thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi dân tộc, mà Ngài, trong giao ước ký kết với Ông Môisen, quy tụ lại trong một "vòng tay" duy nhất, được biểu trưng bởi " cầu vòng trên các đám mây" (STK 9, 13.14.16); và tiếp đó, một cách vĩnh viễn, qua lời của các ngôn sứ, ngài muốn quy tụ các dân tộc lại trong một đại gia đình phổ quát (x. Is 2,2tt; 42,6; 66, 18-21; Gier 4,2; TV 47). Kế đến, trong Tân Uớc, mạc khải về ý định tình thương phổ quát đạt đến chóp đỉnh trong mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó, bằng một hành động đáng khâm phục để thể hiện tình liên đới cứu rỗi, Con Thiên Chúa Nhập Thể hiến dâng chính mình làm hy tế trên thập giá cho toàn thể nhân lọai. Như thế, Thiên Chúa chứng mình rằng bản thể ngài là tình yêu thuơng. Ðó là tất cả những gì tôi có ý nhấn mạnh trong thông điệp đầu tiên được bắt đầu với những lời: Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus caritas est) (1 Gn 4,7). Lời quả quyết này của Kinh Thánh không những soi sáng cho Mầu Nhiệm Thiên Chúa, mà còn dọi sáng cho những tương quan giữa người với người, vì tất cả mọi người đều được gọi hãy sống theo mệnh lệnh của Tình Thương.
Cuộc gặp gỡ đã được cổ võ tại Assisi do bởi vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II, nhấn mạnh một cách thích hợp đến giá trị của lời cầu nguyện, trong công cuộc xây dựng hoà bình. Thật vậy, chúng ta ý thức con đường tiến đến điều thiện hảo căn bản này là khó khăn biết chừng nào, và đôi khi có tính cách tuyệt vọng rồi, theo cái nhìn phàm trần của con người. Hoà bình là một giá trị mà trong đó có biết bao yếu tố hướng về đó. Ðể xây dựng hoà bình, chắc chắn rằng những con đường có tính cách văn hoá, chính trị, kinh tế, là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước hết, hoà bình cần được xây dựng nơi các tâm hồn. Thật vậy, chính trong các tâm hồn mà được phát triển những tâm tình có thể nuôi sống hoà bình, hoặc ngược lại, có thể đe dọa hoà bình, làm cho hoà bình bị yếu đi, và bị chết nghẹt. Hơn nữa tâm hồn con người còn là nơi của những can thiệp của Thiên Chúa. Vì thế, bên cạnh chiều kích "theo tầm ngang" của những tương quan với kẻ khác, được biểu lộ một chiều kích có tầm quan trọng căn bản, là chiều kích "theo dọc đứng" của tương quan của mỗi cá nhân với Thiên Chúa, Ðấng là nền tảng của tất cả mọi sự. Ðó chính là điều mà Ðức Gioan Phaolô II, với sáng kiến của năm 1986, đã muốn nhắc lại một cách mạnh mẽ cho toàn thế giới. Ngài đã yêu cầu hãy cầu nguyện một cách đích thật, một lời cầu nguyện lôi cuốn toàn bộ cuộc sống. Vì thế, Ngài đã muốn sao cho lời cầu nguyện được đi kèm với việc chay tịnh và được thể hiện trong cuộc hành hương, biểu tượng cho cuộc hành trình tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ðức Gioan Phaolô II đã giải thích như sau: "Từ phía chúng ta, lời cầu nguyện đòi hỏi sự hoán cải nơi tâm hồn" (trích Giáo Huấn của Ðức Gioan Phaolô II, 1986, vol. II, trg 1253).
Trong số những khía cạnh đặc biệt của cuộc Gặp Gỡ năm 1986, người ta cần phải nhấn mạnh rằng giá trị của lời cầu nguyện trong công cuộc xây dựng hoà bình đã được làm chứng bởi những nhân vật thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau, và điều này không xảy ra ở một nơi xa cách, nhưng trong khung cảnh của cuộc Gặp Gỡ. Như vậy, những con người cầu nguyện của những tôn giáo khác nhau, qua ngôn ngữ của chứng từ, có thể cho thấy như thế nào việc cầu nguyện không gây chia rẽ, nhưng hiệp nhất, và kết thành một yếu tố quyết định cho một khoa sư phạm hữu hiệu về hoà bình, dựa trên tình bạn, trên sự chấp nhận lẫn nhau, trên sự đối thoại giữa những người thuộc về các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Hơn bao giờ hết,chúng ta cần đến khoa sư phạm này, nhất là cho những thế hệ mới. Trong những vùng trên thế giới bị ghi dấu bởi những xung đột, hiện có biết bao người trẻ "bị giáo dục" với những tâm tình hận ghét và trả thù, trong khung cảnh của những ý thức hệ khác nhau, trong đó được gieo xuống những hạt giống của sự buồn phiền đã qua, và chuẩn bị các tâm hồn cho những bạo động trong tương lai. Câàn phải hạ xuống những bức tường ngăn cách và cổ võ cuộc gặp gỡ. Do đó tôi vui mừng vì những sáng kiến đã được dự trù năm nay tại Assisi theo hướng này, và tôi vui mừng cách đặc biệt vì Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách đối thoại liên tôn, đã nghĩ đến một sáng kiến đặc biệt dành riêng cho giới trẻ.
Ðể tránh hiểu lầm về ý nghĩa của những gì mà vào năm 1986 Ðức Gioan Phaolô II muốn thực hiện, và theo cách diễn tả của ngài, muốn đề ra như là "tinh thần của Assisi", thì điều quan trọng là không nên bỏ quên chú tâm đã được thể hiện lúc đó sao cho cuộc gặp gỡ liên tôn để cầu nguyện, không bị hiểu theo những giải thích có tính cách "pha trộn tôn giáo", một sự pha trộn dựa trên một quan niệm có tính cách tương đối hoá mọi sự. Chính vì thế mà ngay từ đầu, Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như sau: "Sự kiện chúng ta đến gặp nhau nơi đây, không kéo theo bất cứ ý định nào về việc đi tìm một sự "hoà hợp" tôn giáo giữa chúng ta, hoặc để "thương lượng" về những xác tín đức tin của chúng ta. Cũng không có nghĩa là các tôn giáo có thể "liên minh" lại , để dấn thân chung trong một dự án trần thế vượt quá phạm vi của các tôn giáo. Cũng không phải là một nhượng bộ cho chủ thuyết tương đối hoá trong những niềm tin tôn giáo..." (Insegnamenti, cit.,trg 1252). Tôi muốn xác nhận lại nguyên tắc trên; đây là nguyên tắc kết thành nền tảng của cuộc đối thọai giữa các tôn giáo, mà từ 40 năm qua Công Ðồng VaticanôII đã mong muốn trong Tuyên Ngôn về những liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo không kitô (x. Tuyên Ngôn Nostra Aetate, số 2). Tôi muốn nhân dịp này chào quý vị đại diện các tôn giáo tham dự vào sáng kiến này hay sáng kiến khác trong số những sáng kiến được tổ chức tại Assisi để kỷ niệm 20 năm Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn đầu tiên để cầu nguyện cho Hoà Bình. Cũng như chúng ta, những người kitô, những vị đại diện các tôn giáo cũng biết rõ rằng trong lời cầu nguyện, người ta có thể thực hiện kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa và rút ra từ đó những khích lệ cho việc dấn thân vào công cuộc xây dựng hoà bình. Tuy nhiên, trong lãnh vực này, chúng ta có bổn phận tránh đi những lẫn lộn không đúng lúc. Vì thế, cả khi chúng ta gặp gỡ nhau và cầu nguyện cho hoà bình, thì cần phải làm sao để việc cầu nguyện được diễn ra theo những con đường khác nhau, riêng biệt của mỗi tôn giáo. Ðây là quyết định của biến cố năm 1986, và quyết định đó vẫn còn có giá trị cho ngày hôm nay. Sự "đồng quy về một hướng" của những điều khác nhau, không nên tạo ra cảm tưởng về một sự chiều theo chủ thuyết tương đối hoá, một chủ thuyết chối bỏ ý nghĩa của sự thật và chối bỏ khả thể đạt đến sự thật.
Ðể thực hiện sáng kiến đầy can đảm và có tính cách tiên tri của mình, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn chọn khung cảnh đầy ý nghĩa của thành phố Assisi, được mọi người biết đến, nhờ dung mạo của thánh Phanxicô. Thật vậy, vị Thánh Nghèo này đã thể hiện một cách nêu gương niềm Phúc thật được Chúa Giêsu công bố trong phúc âm như sau: "Phúc cho những ai họat động cho hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa" (Mt 5,9). Chứng tá mà thánh nhân đã thực hiện trong thời đại của ngài, trở thành điểm quy chiếu tự nhiên cho tất cả những ai ngày hôm nay đang vun trồng lý tưởng hoà bình, tôn trọng thiên nhiên, đối thoại giữa mọi người, giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hoá. Tuy nhiên điều quan trọng là hãy nhớ rằng, nếu không muốn phản bội lại sứ điệp của ngài, (rằng) chính sự chọn lựa tận căn của Chúa Kitô đã cung cấp cho thánh Phanxicô chìa khoá đêå hiểu về tình huynh đệ mà tất cả mọi nguời đều được mời gọi tiến đến, và cả những tạo vật vô hồn cũng được mời gọi tham dự cách nào đó vào tình huynh đệ này, như "anh mặt trời", như "chị mặt trăng". Tôi vui mừng nhắc lại rằng, trong sự trùng hợp với kỷ niệm 20 năm sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II để cầu nguyện cho hoà bình, thì đây cũng là dịp kỷ niệm 800 năm cuộc trở lại của thánh Phanxicô. Hai cử hành này soi sáng cho nhau. Trong những lời mà Ðấng Chịu đóng đinh vào Thập Giá nói với Phanxicô tại nhà thờ San Damiano: "Phanxicô, hãy đi và tu sửa lại nhà Ta...", trong sự chọn lựa sống khó nghèo tận căn, trong cái hôn dành cho người phong cùi, -- trong đó được thể hiện khả năng mới của ngài nhìn thấy và yêu mến Chúa Kitô nơi nhưng anh chị em đau khổ, --- thánh Phanxicô bắt đầu cuộc phiêu lưu trên bình diện nhân bản và kitô, một cuộc phiêu lưu còn tiếp tục thu hút biết bao người thời đại chúng ta và làm cho thành phố Assisi này trở thành đích điểm cho vô số cuộc hành hương.
Chư huynh đáng kính, Chủ Chăn của Giáo Hội tại giáo phận Assisi Nocera Umbra Gualdo Tadino, tôi trao phó cho chư huynh trách vụ thông chuyển những suy nghĩ trên của tôi cho những tham dự viên của những cử hành khác nhau, đã được dự định, để kỷ niệm 20 năm biến cố lịch sử, là Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế ngày 27 tháng 10 năm 1986. Xin Chư Huynh chuyển đến tất cả lời chào thân tình và Phép Lành của tôi, kèm theo câu chúc và lời cầu nguyện của vị Thánh Nghèo thành Assisi: "Xin Chúa ban ơn hoà bình cho anh chị em!"
Từ Castel Gandolfo, ngày 2 tháng 9 năm 2006
Bênêđitô XVI, giáo hoàng, ấn ký.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)