Những Ðề Nghị Về Cách Viết

Tên Riêng Tiếng Nước Ngoài

Và Ký Hiệu Các Sách Thánh Kinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Ðề Nghị Về Cách Viết Tên Riêng Tiếng Nước Ngoài Và Ký Hiệu Các Sách Thánh Kinh.

(Saigon, Việt Nam 26/07/2006) - Từ nhiều năm nay, khi thực hiện các thể loại về sách, lịch Công giáo, nhiều người chúng ta có lẽ đã băn khoăn không ít về vấn đề tên riêng tiếng nước ngoài và ký hiệu các sách Kinh Thánh. Lần này, khi Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (VPTK-HÐGMVN) nhận trách nhiệm biên soạn Lịch Block Công giáo cho cộng đồng tín hữu Việt Nam, chúng tôi lại phải đối mặt với những vấn đề nan giải này. Vì đây là lần đầu tiên biên soạn những tờ lịch xé hằng ngày có tác động nhiều đến quần chúng nên chúng tôi hết sức cẩn trọng.

Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ rất lâu về vấn đề tế nhị đã gây nhiều tranh cãi thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học cả trong Giáo hội Việt Nam lẫn ngoài xã hội, chúng tôi mong muốn được chia sẻ những băn khoăn cũng như đề nghị về các vấn đề xoay quanh việc viết tên riêng tiếng nước ngoài và ký hiệu các sách Thánh Kinh. Hy vọng để bạn đọc và các tổ chức quan tâm sẽ đóng góp ý kiến, bảo đảm được tính nhất thống trong cách viết theo những chỉ dẫn của Giáo Hội và phù hợp với những khám phá mới của ngôn ngữ học trên thế giới.

Chúng tôi xin được trình bày vấn đề theo mấy đề mục sau đây:

- Những bước tiến gần đây về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài.

- Một vài khó khăn còn tồn tại và nguyên nhân gây ra khó khăn này.

- Ðường hướng được đề nghị để giải quyết những khó khăn đó.

 

1. Những bước tiến gần đây về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài

Trong khoảng 10 năm gần đây (từ 1995 đến nay), việc viết tên riêng tiếng nước ngoài đã có nhiều tiến bộ rõ rệt nhờ vào các lý do sau đây:

1.1. Các lý do tạo nên tiến bộ

- Những khám phá mới của ngôn ngữ học để hoàn chỉnh bộ chữ cái tiếng Việt gồm 33 chữ trong bảng chữ cái Latinh, nhất là việc bổ sung 4 chữ cái thông dụng: F, J, W, Z và những quyết định về việc viết các âm i, y, cũng như việc đánh dấu giọng trên một số nguyên âm như oa, oe, uê, uơ, uy.

- Trình độ văn hoá của người dân được nâng cao qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, truyền thanh, truyền hình, internet... Người dân quen với những tên riêng tiếng nước ngoài qua mặt chữ và cách đọc. Vì thế, trên các phương tiện truyền thông hiện nay người ta viết và đọc trực tiếp theo nguyên ngữ tên riêng các nhân vật cũng như tên các địa phương (Bush, Clinton, Israel, Jerusalem...). Chúng ta hiện có hơn 24 triệu học sinh và sinh viên mỗi năm học ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, ngay từ lớp một, lúc 5,6 tuổi. Do đó, học sinh đã quen với việc phát âm các tên riêng tiếng nước ngoài.

- Việc hội nhập vào nền văn hoá và văn minh thế giới đã thúc đẩy người Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm hội nhập của các dân tộc về những vấn đề liên quan, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn cả những vần đề thuộc lĩnh vực ngôn ngữ. Nhiều dân tộc cũng đã từng phiên âm các tên riêng tiếng nước ngoài theo ngôn ngữ của mình, nhưng kinh nghiệm dạy cho các dân tộc ấy phải tôn trọng nền văn minh và văn hoá chung của nhân loại. Thí dụ cụ thể nhất là hàng ngàn, hàng vạn từ khoa học trong các lĩnh vực y dược học, sinh lý học, vật lý học# vẫn viết bằng tiếng Latinh mà các sinh viên trên toàn thế giới dù muốn dù không cũng phải học.

- Những quy định cụ thể của các tổ chức hữu quan như Quy định 240 QÐ, ngày 5.3.1984 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục về chính tả tiếng Việt, Quy định số 09/1998QÐ-VPCP, ngày 25.11.1998 của Văn phòng Chính phủ về cách viết hoa các tên riêng, các bộ Từ điển tiếng Việt mới nhất của Viện Ngôn ngữ học, nhất là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam gồm 4 tập do Hội đồng Quốc gia biên soạn từ 1995-2005 cũng nói rõ về cách viết phiên âm các tên riêng tiếng nước ngoài (x. Hội đồng Quốc gia..., Tự điển Bách khoa Việt Nam, Mục Chính tả, Phiên chuyển tiếng nước ngoài, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, tr. 8-9) đã phản ánh phần nào những tiến bộ về lĩnh vực này.

1.2. Những tiến bộ cụ thể về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài

Chúng ta có thể tóm tắt những kết quả đạt được trong lĩnh vực ngôn ngữ học về vấn đề này như sau:

- Các tên riêng tiếng nước ngoài được viết theo mẫu tự Latinh, viết liền các âm tiết và không đánh dấu giọng. Ví dụ: Aurelius, Washington, Israel, Jerusalem... Ðối với ngôn ngữ không dùng bảng chữ cái Latinh (như tiếng Arập, Nhật Bản, Ấn Ðộ...) nếu chưa phiên âm được bằng cách đọc trực tiếp thì viết qua dạng Latinh hoá. Ví dụ: Araphat, Judo, Nehru. Ðối với tiếng Nga, bỏ qua trọng âm và có chú thích chuyển tự qua dạng Latinh. Ví dụ: Lômônôxôp M.V. (M.V. Lomonosov). Ðối với tiếng Hán, phiên theo âm Hán Việt, có chú thích chuyển tự dạng Latinh. Ví dụ: Bắc Kinh (Beijing) (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

- Các tên gốc Latinh được để ở danh cách theo số (ít hay nhiều) và giống (đực, cái, trung). Hàng ngàn từ khoa học trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam viết như thế. Ví dụ: Tê Giác Một Sừng (Rhinoceros sondaicus): thuộc họ tê giác (Rhinocerotidae); Thạch Xương Bồ (Acorus gramineus): cây thảo lâu năm, họ Ráy (Araceae); Trùng Sốt Rét (Plasmodium): thuộc bộ Trùng bào tử máu (Haemosporidia)... (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

- Các tên riêng viết theo nguyên ngữ của mỗi dân tộc, các từ với chữ F, J, W, Z được giữ nguyên. Các nguyên ngữ này được đặt trong ngoặc đơn đi sau tên riêng viết theo cách phiên âm tiếng Việt. Ví dụ: Fo (Ford); Flôbe (Flaubert); Foiebăc (Feuerbach); Focnơ (Faulkner); Fo-Ðơ-Frăng-Xơ (Fort de France); Jêricô (Jericho); Website; Zimbabuê (Zimbabwe)... (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

- Các tên riêng viết theo cách phiên âm tiếng Việt dựa vào cách đọc của nguyên ngữ có thể biết được và đã được chuyển đổi để dễ phát âm. Ví dụ chữ D được viết thành Ð: Ðêcac R. (Descartes), Ðêmôxten (Demosthènès); chữ S được viết thành Z: Zuyxơ E. (Suess) người Áo, Zêghec A. (Seghers) người Ðức; chữ S ở cuối từ được chuyển thành T: Frôbêniut L. (Frobenius), chữ C được chuyển thành X: Xêda (Caesar)... (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

Tất cả những kết quả này đã được phản ánh trong bộ Tự điển Bách khoa Việt Nam do Hội đồng Quốc gia biên soạn và phát hành, trong đó tập 4 vừa được in năm 2005 và tập 1 in năm 1995 vừa được tái bản với nhiều sửa chữa trong năm 2005.

Những kết quả trên đã tạo nên một số thuận lợi cơ bản giúp cho người Việt dễ tiếp cận với nền văn minh kỹ thuật và văn học của các nước phát triển. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy tồn tại một số những khó khăn mà chúng ta có thể tạm liệt kê sau đây.

 

2. Một vài khó khăn còn tồn tại và nguyên nhân gây ra khó khăn này

Khó khăn lớn nhất là việc viết các tên riêng tiếng nước ngoài theo những cách phiên âm khác nhau, phiên âm không đúng hay không trọn vẹn đã gây nên những xáo trộn về mặt ngôn ngữ khiến cho những người sử dụng ngôn ngữ qua các phương tiện truyền thông xã hội bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể liệt kê một số những khó khăn và xáo trộn đang có trong xã hội và Giáo hội Việt Nam.

2.1. Những khó khăn trong xã hội

- Khi viết tên riêng tiếng nước ngoài theo cách phiên âm của người Việt, nhiều tên gốc bị biến đổi và người ta không còn nhận ra được nguyên dạng của chúng. Ví dụ: Xêda (tên gốc là Caesar); Zuyxơ (tên gốc là Suess) (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

- Việc phiên âm còn tuỳ thuộc vào khả năng của người biết ngoại ngữ, cùng một tên riêng mà có thể phiên âm nhiều cách khác nhau, nên nếu chỉ căn cứ vào tên phiên âm người ta khó viết ra được tên gốc. Ví dụ: Từ tên gốc Clinton có thể viết theo phiên âm thành Cơlintơn hoặc Klintân.

- Việc phiên âm có thể làm thay đổi tên gốc do cách đọc của người Việt. Ví dụ: từ LU-I (Louis) của tiếng Pháp. Ðể tránh đọc sai tên này, người ta đã phải thêm gạch nối giữa hai âm tiết trong khi hầu hết các tên riêng khác đều viết không có gạch nối (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

-Ðể phát âm được dễ dàng, người ta đã chuyển đổi một số âm. Ví dụ: /s/ sang /t/ như Frôbêniut (tên gốc: Frobenius), âm /s/ sang âm /x/ và /l/ sang /n/ như Ixraen (tên gốc: Israel)... Tuy nhiên, làm như thế là làm biến dạng từ gốc (x. Tự điển Bách khoa Việt Nam).

2.2. Những khó khăn trong Giáo hội Việt Nam

Giáo hội Việt Nam từ mấy chục năm nay đã gặp rất nhiều khó khăn về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài mà chúng tôi đã nhắc đến khi viết bài Vấn đề Cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong sách báo Công giáo (x. HÐGMVN, Bản tin Hiệp Thông, số 9, năm 2000, tr. 261-309). Chúng tôi nhận thấy rằng những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực ngôn ngữ học về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài mới chỉ được ứng dụng trong một số rất ít các sách báo Công giáo Việt Nam hiện nay.

Nhiều sách báo Công giáo vẫn còn đánh sai dấu giọng trên các nguyên âm oa, oe, ue, uơ, uy, vẫn viết tên riêng theo cách phiên âm tiếng Việt rời từng âm tiết và đánh dấu thanh điệu. Ví dụ: Ao-rê-li-út, Bốt-cô, Mác-cô, Cơ-la-ra... bất chấp những quy định chính thức của Nhà Nước.

Riêng về tên các vị thánh trong niên lịch phụng vụ, chúng ta vẫn chưa thấy có một quy định chính thức nào, dẫn đến sự hỗn độn trong cách viết các tên riêng. Ví dụ: Tên thánh Dominicus theo lịch Ordo chính thức của Toà Thánh được các sách báo Công giáo Việt Nam viết thành Ðôminicô, Ðô-mi-ni-cô, Ðôminicut, Ða Minh, Ðaminh.

Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGMVN) qua thư đề ngày 12.7.1997 của đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận và thư đề ngày 24.2.2000 của đức cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, làm Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự (UBPT) vào thời điểm đó, gửi cha Tổng Thư ký của UBPT chỉ xác định một nguyên tắc chung: "... viết theo tiếng Latinh tất cả các tên riêng Thánh Kinh căn cứ vào bản Nova Vulgata, và sẽ sửa lại các tên trong các sách phụng vụ khác khi in lại". Tuy nhiên cho đến nay UBPT cũng chưa công bố cách viết các tên riêng Thánh Kinh như thế nào.

Chúng tôi có nhận được tập Phiên dịch các Tên Riêng dùng trong Phụng vụ do linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ biên soạn, dày 155 trang, khổ A5, có nêu khoảng 3,000 tên riêng theo tiếng Latinh, Pháp, Anh, Việt. Ðây là một cố gắng lớn của các anh em trong nhóm dịch thuật các bài đọc Kinh Thánh dùng trong thánh lễ của UBPT nhằm góp phần thống nhất cách viết tên riêng. Nhóm đã đưa ra một vài nguyên tắc sau đây:

- Thêm dấu mũ (^) vào các âm e hay o của từ Latinh cho dễ đọc. Ví dụ: Từ gốc: Adonia (Việt: Ađônia); từ gốc: Aenea (Việt: Ênêa)... Thay thế J bằng Gi (Justinus (Giustinô); Z bằng D (Nazareth (Nadarét); âm H câm không viết khi phiên âm tiếng Việt để tránh việc đọc lẫn lộn âm TH và H (Marthae (Marta); âm CH hay C đọc là K thì phiên âm Việt ngữ là K. Ví dụ: Achim (Akim), Achis  (Akis); âm US cuối từ chuyển thành Ô: Antiochus (Antiôcô), Marcus (Marcô); âm B cuối từ đổi thành P: Jacob (Giacóp), Achab (Akáp); âm D cuối từ đổi thành T: David ( Ðavít). Chúng ta nên lưu ý việc thay đổi có thể làm sai lạc ý nghĩa trong cấu trúc của tên riêng. Ví dụ: Khi ta phiên âm từ Abraham thành Áp-ra-ham là chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của từ Abba (Cha) và Ami (Các dân tộc).

- Giữ nguyên cách viết một số tên riêng theo thói quen. Ví dụ: Anrê, Antilibăng (thay vì Antilibanô), Giacôbê (thay vì Giacôbô), Giêsu, Giuđa, Giuse, Phaolô, Phêrô, Philipphê (thay vì Philippô), Síp (thay vì Cyprô),...

- Ðối với các tên riêng Latinh bắt đầu bằng vần I có nguyên âm ngay sau, tập Phiên dịch này chuyển thành vần Gi trong khi các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp... chuyển thành vần J hay Y. Ví dụ: Iabes (Giabes); Iacob (Giacóp); Iacobus (Giacôbê), trong khi vẫn giữ âm I ở các từ có phụ âm đứng ngay sau I như Iconium (Icôniô); Isaia (Isaia); Isod (Isốt);...

- Trong cuốn Từ điển Ðức tin Công giáo Pháp - Việt, do Uỷ ban Từ điển của Ðại chủng viện Sao Biển, Nha Trang, xuất bản năm 1999, người ta cũng không lý giải được tại sao khi viết các tên riêng ở vần J thì những tên quen thuộc phải phiên âm thành Gi trong khi các tên khác lại giữ nguyên vần J. Cùng là gốc J nhưng có 63 tên viết J và 32 tên viết Gi. Ví dụ: Jacques viết thành Giacôbê trong khi Jacques de Tella, Jacques de Saroug vẫn giữ nguyên gốc. Hoặc Jean viết thành Gioan như Gioan Tẩy Giả, Gioan Avila, Gioan Bosco trong khi lại viết là Jean de Césarée, Jean de Climaque.

Tất cả những cách viết theo phiên âm này đã dẫn đến những cách viết tên thánh trong phụng vụ cũng như các tên Thánh Kinh khác nhau. Ví dụ: Tên thánh Ioannes được phiên thành Gioan, Yoan, Joan. Từ đó người ta cũng thấy sự bất đồng về ký hiệu các sách Kinh Thánh giữa các nhóm phiên dịch như Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) (dùng ký hiệu G, Ga, Gc, Gđ, Gđt, Ge), Uỷ Ban Phụng Vụ 1971 (dùng ký hiệu Job, Joan, Jac, Jud, Judith, Joel), linh mục Nguyễn Thế Thuấn (dùng Yb, Yn, Yc, Yđ, Yđt, Yô), Giáo hoàng Học viện Ðà Lạt (dùng Gb, Gio, Giac, Gđa, Gđt, Gl)...

2.3. Nguyên nhân gây ra những khó khăn này

2.3.1. Chúng ta có thể dễ dàng thấy nguyên nhân lớn nhất gây nên những khó khăn này là người ta không phân biệt được giữa cách viết tên riêng theo gốc chữ Latinh hoặc nguyên ngữ của các tiếng khác và việc viết các tên riêng theo phiên âm tiếng Việt.

Nếu tìm về nguồn của các ngôn ngữ Tây Phương như tiếng Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nga... ta phải đi ngược dòng lịch sử để trở về với tiếng Latinh của người Roma khi họ đánh thắng người Hy Lạp và lập nên đế quốc hùng mạnh từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên (B.C.). Bắt chước người Hy Lạp, họ cũng bắt các dân tộc lệ thuộc phải học chữ Latinh và chữ này trở thành ngôn ngữ chính thức để phổ biến nền văn hoá và văn minh Roma. Mãi cho đến đầu thế kỷ XIX, các đại học trên thế giới vẫn lấy tiếng Latinh là ngôn ngữ bác học chính thức. Do đó tên người, tên miền, tên vật, tên thú, tên cây... trong các khoa học tự nhiên và siêu nhiên như trong các môn thần học tôn giáo đều viết bằng tiếng Latinh, rồi nhờ đó cả thế giới đều hiểu như nhau.

Thật ra, nếu muốn tìm về nguồn ngôn ngữ có lẽ người ta phải trở về với tiếng Hy Lạp có trước tiếng Latinh (vào năm 403), nhất là đối với một số tên trong Thánh Kinh Tân Ước. Còn nếu muốn tìm xa hơn nữa, ta phải trở về nguồn gốc tiếng Phênixi là hệ thống ký hiệu ngôn ngữ theo âm vị đầu tiên của thế giới, xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV B.C. rồi dần hình thành nên ngôn ngữ Kinh Thánh với 23 ký hiệu (phụ âm, như aleph, beth...) mà người Hy Lạp đã chọn và đưa thêm 5 nguyên âm, hình thành nên bảng chữ cái (alphabet) để vượt qua những kiểu chữ tượng hình, tượng thanh của Ai Cập, Trung Quốc (x. Người đưa tin UNESCO, Nguồn gốc chữ viết, số 4, 1995).

Ta chọn tiếng Latinh không phải vì chúng là nguồn xa nhất, nhưng vì là thứ tiếng phổ thông của gia đình nhân loại đã dùng trong một thời gian rất dài để dễ dàng hiểu được nhau. Ví dụ: Sách tiên tri Aggaeus (với ký hiệu Ag) thay vì viết Haggai hay Khác-gai (gốc chữ Phênixi). Các anh chị em trong Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ đã rất đúng khi tìm về nguồn xa hơn để phiên âm các tên riêng trong Thánh Kinh. Tuy nhiên cố gắng này có lẽ cần được nhìn lại trong hoàn cảnh hiện nay để đáp ứng với những tiến bộ của tiếng Việt và yêu cầu hội nhập với thế giới của dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý đến sự phát triển của bảng chữ cái Latinh trong dòng lịch sử để tìm ra sự hỗn độn trong cách viết phiên âm tiếng Việt. Khởi đầu bảng này chỉ có 23 chữ cái. Vào khoảng năm 1000 sau Công nguyên (A.D.), chữ U và chữ V được tách ra và thêm chữ W cho một số ngôn ngữ khác. Vào khoảng năm 1500 A.D., chữ J mới được tách ra khỏi chữ I và hình thành nên bộ chữ cái của nhiều nước (x. Người đưa tin UNESCO, Nguồn gốc chữ viết, số 4, 1995). Vì thế, khi viết các từ bắt đầu bằng chữ I, người ta đã phân biệt âm I hay J trong các ngôn ngữ Âu Mỹ. Ví dụ: Iesus, Iacob, Israel, Isaac được viết thành Jesus, Jacob, Israel, Isaac. Khi viết các từ bắt đầu bằng V, người ta đã phân biệt âm V hay âm W. Ví dụ: Tiếng Latinh: Vincentius được viết thành Vincent (Pháp), Vincent (Anh), nhưng Venceslaus (Latinh) lại viết thành Venceslas (Pháp), Wenceslaus (Anh). Còn tiếng Việt sẽ viết như thế nào?

Chữ quốc ngữ ta đang dùng vốn là cách ký âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh nhờ các linh mục dòng Tên gốc Bồ Ðào Nha như João Ruiz, Gaspar Luis, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ), Gaspar d'Amaral và một số người Việt như Igesico Văn Tín, Bento Thiện sáng tạo ra trong những năm 1620-1659. Các nhà sáng tạo đầu tiên này đã dùng mẫu tự Latinh dựa vào một phần tiếng Ý và tiếng Bồ Ðào Nha để phiên âm ngôn ngữ người Việt thời đó (x. Ðỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn-1972). Với 24 chữ cái (thêm chữ Ð vào 23 chữ cái gốc của mẫu tự Latinh), người ta đã phiên âm hầu hết các tiếng nước ngoài cho đến giữa thế kỷ XX. Khi gặp các âm khó như F, J, W, Z người ta viết thành Ph, Gi, Oa, D. Ví dụ: Franciscus (Phanxicô), Jesus (Giêsu), Washington (Oasinhtơn), Zacaria (Dacaria). Chữ D của tiếng Latinh viết thành Ð của tiếng Việt. Ví dụ: Daniel (Ðanien), Debora (Ðêbora), Damas (Ðamát).

Khi các nhà ngôn ngữ quyết định đưa thêm 4 chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt để viết được các tiếng nước ngoài theo đúng nguyên ngữ của chúng, thì chúng ta thấy có sự trùng lặp một số âm và tạo nên sự hỗn độn trong cách viết tên riêng tiếng nước ngoài. Ví dụ: chữ F bây giờ có thể viết thành F hay Ph, chữ J có thể viết thành I, Y, J hay Gi (thí dụ như Iesus, Yesus, Jesus hay Giêsu), chữ W có thể viết thành V hay W, và chữ Z có thể viết thành Z hay D.

Tất cả những sự hỗn độn này có thể giải quyết nếu chúng ta can đảm tìm về nguồn của các ngôn ngữ để viết đúng từ gốc của chúng với một số những phân biệt để tôn trọng nét đặc trưng của mỗi loại ngôn ngữ.

2.3.2. Nguyên nhân thứ hai gây nên những hỗn độn là người ta không hiểu được giá trị quyết định của tên riêng. Mỗi người đều có quyền có tên riêng theo sự lựa chọn của chính mình và một khi đã được chính thức công nhận thì không ai có quyền thay đổi, nếu không có lý do chính đáng.

Chúng ta nên lưu ý rằng hầu hết các thánh nhân từ thế kỷ XIX trở về trước đều mang tên thánh Latinh nên ta dùng tên thánh đó là lẽ tự nhiên và hợp với các ngài. Ví dụ thánh Dominicus (Tk XIII). Sau này vì ý thức dân tộc, người Pháp đổi thành Dominique, người Anh, Mỹ đổi thành Dominic, người Việt đổi thành Ðôminicô, Ða Minh... Nhưng nếu ta tôn trọng tên riêng của một người đã mang tên đó thật sự trong suốt đời mình có lẽ ta phải dùng đúng tên Dominicus. Tên các Thánh Tử đạo Việt Nam có lẽ cũng phải ghi đúng như vậy. Những tên danh nhân như Paulus Huỳnh Tịnh Của, Petrus Trương Vĩnh Ký không phải là những trường hợp cá biệt nhưng là dấu chỉ cho thấy những người cùng thời với họ đã mang những tên này và muốn được gọi như vậy. Chúng ta không thể nhân danh tính hợp thời, thậm chí tính dân tộc, để đổi tên của tổ tiên ông bà vì làm như vậy là xúc phạm đến chính những người mang tên đó. Vì thế, những cách viết chuyển từ US sang Ô, từ S sang T,... có thể lại trở thành sự xúc phạm đến những người đã sống trong lịch sử.

Ðiểm yếu kém trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam về vấn đề này có thể là người ta không nhận ra giá trị ưu việt của tên riêng so với tên phiên âm theo tiếng Việt. Người ta đã nêu lý do tên phiên âm là ngôn ngữ dân tộc để đưa nó lên trước tên gốc theo nguyên ngữ. Ví dụ: Tên phiên âm của nhà bác học người Pháp là Giun lại đặt trước tên gốc Joules, hay tên phiên âm của vị hoàng đế Roma là Xêda lại đặt trước tên gốc Caesar... Theo sự nhận định của chúng tôi, cách sắp đặt này không hợp lý, không tôn trọng tên riêng và làm biến dạng chữ gốc khiến người đọc khó tra cứu. Nếu người ta sắp ngược lại để tên gốc lên trước tên phiên âm, những bất lợi trên không còn nữa và giá trị bộ từ điển mới thật sự được nâng lên theo đúng ngôn ngữ học thế giới.

Ðối với các tên riêng, Toà Thánh Vatican trước đây đã từng có khuynh hướng Latinh hoá các ngôn ngữ khác giống như khuynh hướng Việt hoá các tiếng nước ngoài. Ví dụ: Vietnammensis thay vì Việt Nam, Saigonnensis thay vì Sai Gon. Tuy nhiên trong một vài chục năm gần đây Toà Thánh đã áp dụng những tiến bộ của khoa ngôn ngữ học để viết các tên riêng theo đúng ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Trong cuốn Annuario Pontificio 2006, niên giám chính thức của Toà Thánh, do Nhà Xuất Bản Vatican phát hành năm 2006, chúng ta thấy ghi các tên riêng theo nguyên ngữ. Ví dụ: Nguyên Minh Nhât, Turmenistan, Việt-Nam, Washington, Warszawa, Xuân Lôc... Trong cuốn lịch phụng vụ chính thức Ordo 2006-2007 bằng tiếng Latinh, chúng ta cũng thấy viết tên các vị thánh theo nguyên ngữ vừa tôn trọng tên gốc Latinh, vừa tôn trọng tính dân tộc của mỗi vị. Ví dụ: Raimuldus Penyafort, Sarbelius Makhlũf, Louis Maria Guignion de Montfort, Carolus Lwanga... Vì thế khi HÐGMVN quyết định viết các tên riêng theo gốc Latinh, chúng tôi thiết nghĩ viết tên riêng theo cách thức của Toà Thánh trên đây là thích hợp và đúng đắn hơn cả, vì vẫn giữ được tính hội nhập với thế giới, vừa bảo tồn được bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia.

2.3.3. Nguyên nhân thứ ba tạo nên sự hỗn độn là người ta hiểu lầm tính chính xác của tên gốc với sự dễ dãi phát âm tiếng Việt khi nghĩ rằng người Việt không thể đọc được những âm kép như Bl, Cl,#... hoặc những âm khó ở cuối âm tiết như s, l,... để rồi phải tách âm hay đổi âm cho dễ đọc. Ví dụ: tên Clara được phiên thành Cơ-la-ra hay Israel được phiên thành Ít-ra-en. Thật sự người Việt từ xưa vẫn có thể đọc những âm kép như cha Ðắc Lộ đã ghi nhận trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày qua chữ "Chúa Blời"... Ngày nay các học sinh đã làm quen với ngoại ngữ ngay từ nhỏ nên không thể nại lý do tạo sự dễ dãi trong phát âm để biến đổi tên gốc của người khác. Cách phiên âm này như muốn nói đến sự non kém, quê mùa và sai lầm trong cách phát âm của người Việt mà một ít dân địa phương còn đang giữ cho đến ngày nay. Trở về với nguyên ngữ của tên riêng để đọc theo đúng mỗi ngôn ngữ là chúng ta chứng tỏ khả năng phát âm của người Việt cũng như khả năng hội nhập của tiếng Việt vào nền văn hoá của thế giới.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải ghi nhận rằng, trong mấy chục năm qua nhiều người Công giáo đã quen với cách phát âm và cách viết phiên âm này, nhất là đối với các linh mục, tu sĩ và một ít giáo dân khi họ sử dụng bản dịch Kinh Thánh và sách Phụng vụ các Giờ kinh của Nhóm Phiên dịch CGKPV cũng như Sách Lễ Roma năm 1992 của Uỷ ban Phụng tự. Một khi thói quen đã hình thành, người ta sẽ khó chấp nhận cách viết và cách đọc đúng các tên riêng theo nguyên ngữ. Rất nhiều lý do đã được đưa ra để bảo vệ tính hợp lý của thói quen này như nó nói lên sự hội nhập vào nền văn hoá dân tộc, tạo sự phát âm dễ dàng cho người bình dân, giúp cho việc sáng tác các bản thánh ca dễ dàng hơn với các âm mở tận cùng bằng a, ô, ê thay vì âm đóng như us, is, el,... Có người còn viện dẫn quyết định của Công đồng các Giám mục Ðông Dương, năm 1924 về việc sửa các kinh đọc hằng ngày để bảo vệ cách phiên âm này. Tuy nhiên người Công giáo Việt Nam chúng ta không thể chối bỏ những tiến bộ của khoa ngôn ngữ học gần đây cũng như 6 triệu người tín hữu Việt Nam không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc để tạo một cách viết tên riêng khác lạ và bắt người khác phải theo mình. Chúng ta càng không quên tính cách khai phá và mở đường của người Công giáo Việt Nam trong việc phát minh chữ quốc ngữ để có những hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của khoa ngôn ngữ học trên thế giới.

Chúng tôi còn nhớ những phiên họp căng thẳng của UBPT trong hai ngày 22 và 23 tháng 8 năm 1996, bàn về vấn đề này, khi Ðức cha Em. Lê Phong Thuận làm chủ tịch uỷ ban. Khi đó chúng tôi đề nghị cách viết tên riêng theo các tiến bộ của ngôn ngữ học nhưng hầu hết các thành viên đều bỏ phiếu cho cách viết cũ theo phiên âm tiếng Việt, tách rời từng âm với dấu nối và dấu giọng. Trong buổi họp, tiến sĩ Cao Xuân Hạo và tiến sĩ Phạm Hữu Lai, dòng Tên, là các nhà ngôn ngữ học được mời trình bày quan điểm của mình. Tiến sĩ Hạo cũng đề nghị người Công giáo nên suy nghĩ về việc viết các tên Latinh ở danh cách. Chính các nhà khoa học này đã giúp HÐGMVN quyết định về cách viết tên riêng theo đúng bản Nova Vulgata vào tháng 9.1996 và tháng 10.1997 trong các hội nghị thường niên. Những gì mà nhiều thành viên uỷ ban từ chối thì mười năm sau (2006), Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã thể hiện cụ thể trong bộ từ điển này. Nhắc lại chuyện cũ không phải để phiền trách ai, nhưng chúng tôi chỉ muốn gợi ý rằng tiến bộ khoa học và sự hội nhập với dân tộc như đang mời gọi chúng ta mở rộng tâm trí để đón nhận những điều mới mẻ và dám thay đổi cho kịp với thời đại, rồi còn dám đi bước trước trong vai trò người phát minh và xây dựng chữ Quốc ngữ như tổ tiên anh dũng của chúng ta.

Chúng tôi đã đọc các bản dịch Thánh Kinh chuẩn bị cho sách bài đọc mới của UBPT và mong ước những tên riêng được sửa đổi theo hướng giải pháp trọn vẹn mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây. Tuy nhiên, phải nhận rằng bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Phiên dịch CGKPV cho đến nay vẫn là bản tốt hơn cả. Hơn nữa, Nhóm cũng đã thực hiện thành sách bài đọc dùng trong thánh lễ. Nếu quyết tâm thực hiện sách bài đọc, ta chỉ cần xem lại một số điểm cho hợp với bản Nova Vulgata và có thể hoàn thành sớm một công trình mà từ mấy chục năm qua chúng ta đã bỏ biết bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt mà vẫn chưa đạt được kết quả như lòng người mong ước. Tận thâm tâm, chúng tôi tha thiết cầu nguyện cho sự hợp tác của UBPT và Nhóm Phiên dịch CGKPV. Nếu các tên riêng trong bản dịch Thánh Kinh của các anh em trong nhóm được đổi mới theo đường hướng mà chúng tôi mạo muội đề nghị và để anh em quyết định chọn lựa, chúng tôi tin tưởng rằng Giáo hội Việt Nam sẽ có những bản văn Thánh Kinh tốt nhất dùng trong thánh lễ cũng như trong đời thường. Và chúng tôi đêm ngày cầu nguyện cho sự hợp tác này.

 

3. Ðề nghị vài Ðường hướng để giải quyết những khó khăn

Trước khi chọn lựa giải pháp hành động, có lẽ chúng ta nên xác định một số đường hướng để giải quyết vấn đề. Chúng ta có thể chọn lựa giải pháp dễ dãi, hỗn hợp hay trọn vẹn tuỳ theo các đường hướng sau đây:

3.1. Giải pháp dễ dãi

Ðường hướng: An thân, "dĩ hoà vi quý", chấp nhận những thực tế đang có với những khác biệt và hỗn độn trong những cách viết theo phiên âm, bất chấp những tiến bộ khoa học, những quy định chính thức của Nhà Nước, coi thường trình độ dân trí và không cần hội nhập với dân tộc cũng như thế giới.

Giải pháp: Giữ nguyên như cũ những cách viết tên riêng hiện nay.

3.2. Giải pháp hỗn hợp

Ðường hướng:

- Chấp nhận một số tiến bộ trong khoa ngôn ngữ học để đổi mới cách viết tên riêng.

- Tôn trọng một số quy định của Nhà Nước và các tổ chức hữu quan.

- Muốn hội nhập vào ngôn ngữ chung của các nước trên thế giới.

- Tin tưởng vào trình độ văn hoá và khả năng phát âm của người Việt.

- Tuy nhiên, để tránh xáo trộn và thay đổi nhiều, những người chọn giải pháp này đề nghị giữ lại một số tên riêng đã quá quen thuộc hoặc đổi một số chữ theo cách phiên âm của người Việt.

Giải pháp:

+ Các tên riêng tiếng nước ngoài gốc Latinh được viết theo bản Nova Vulgata, viết liền các âm tiết, không đánh dấu giọng và để ở danh cách.

+ Các tên riêng được viết đúng theo ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Các từ với chữ F, J, W, Z được giữ nguyên, trừ một số tên ở vần J được chuyển thành Gi như Giêsu, Gioan,...

+ Giữ lại cách viết quá quen đối với tên Chúa Giêsu, các thánh tông đồ, các thánh sử, một số nhân vật gần gũi, và một ít địa danh trong Thánh Kinh (Giêsu, Phêrô, Phaolô, Anrê, Gioan, Giacôbê, Giuđa, Bartôlômêô, Philipphê, Tôma, Barnabê, Matthia, Matthêu, Marcô, Luca, Giuse, Gioan Phaolô II, Phongxiô Philatô, Giuđê, Giođan, Giêrusalem,...

+ Giữ lại các tên đã được Việt hoá thông dụng như Pháp, Ðức, Ý, Mỹ... các tên thánh như Ðaminh, Phan Sinh, Biển Ðức,...

+ Các vần us được chuyển thành ô hay ê. Ví dụ: Benedictus (Bênêđictô), Philippus (Philipphê),...

+ Các vần d trong tiếng Latinh và nhiều tiếng khác được viết thành đ, âm ch được viết thành k theo cách phiên âm tiếng Việt. Ví dụ: Achim (Akim).

3.3. Giải pháp toàn diện

Ðường hướng:

- Tôn trọng lịch sử và tôn trọng con người để viết đúng tên riêng theo ngôn ngữ đã từng có trong lịch sử.

- Chấp nhận sự xáo trộn trong một thời gian ngắn để đổi mới cách viết tên riêng theo đúng tiến bộ trong khoa ngôn ngữ học của Việt Nam và thế giới.

- Tôn trọng các quy định của Nhà Nước và các tổ chức hữu quan để hội nhập vào nền văn hoá dân tộc.

- Tích cực hội nhập vào ngôn ngữ chung của các nước trên thế giới.

- Tin tưởng vào trình độ văn hoá và khả năng phát âm của người Việt. Người Việt Nam đã quen với tiếng Latinh từ lâu và các linh mục, tu sĩ chỉ cần tốn chừng một vài phút để dạy cách phát âm cho giáo dân khi gặp từ lạ.

Giải pháp:

+ Các tên riêng tiếng nước ngoài gốc Latinh được viết theo bản Nova Vulgata, viết liền các âm tiết, không đánh dấu giọng và để ở danh cách. Riêng tên Giêsu được viết thành Jesu thay vì Jesus ở danh cách (nominatif) cho hợp với lời cầu xin (lạy Chúa Jesu) ở hô cách (vocatif), ở dữ cách (datif), ở dụng cách (ablatif) vì tiếng Việt không được chia thành 6 cách như tiếng Latinh. Một từ khác nằm trong luật trừ là từ Kitô (Christus), chúng tôi không biết nên chọn lựa thế nào cho hợp khi từ này đi chung với từ Jesu. Người ta có thể dùng từ Christô hay Kitô như đã quen thuộc.

+ Các tên riêng được viết đúng theo ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Các từ với chữ F, J, W, Z được giữ nguyên. Kể cả những tên quen thuộc như Giêsu, Gioan,#... cũng viết theo nguyên ngữ như Joannes, Joseph,...

+ Tôn trọng các tên đã được Việt hoá thông dụng như Pháp, Ðức, Ý, Mỹ... các tên thánh như Ðaminh, Phan Sinh, Biển Ðức,... tuỳ theo sự chọn lựa của mỗi cá nhân. Nhưng khi nhắc đến con người lịch sử, ta nên viết đúng tên gốc Dominicus, Franciscus, Benedictus,...

+ Tên gốc này là tên chính. Vì thế phải đặt trước tên viết theo phiên âm tiếng Việt, nếu có. Hiện nay người ta chỉ viết tên nguyên ngữ và hiểu ngầm người đọc phải biết cách phát âm. Nếu không biết thì phải hỏi người chuyên môn hay tra cứu trong các từ điển. Do đó, khi viết các từ gốc Latinh, không cần thêm dấu mũ (^) cho các âm o hay e để trợ giúp cách đọc. Ví dụ: viết Dominicus, Benedictus chứ không viết Ðôminicus, Bênêđictus,... UBPT có thể phối hợp với Uỷ ban Giáo lý Ðức tin hay các tổ chức văn hoá để xuất bản các loại từ điển có tên phiên âm theo tiếng Việt.

Kèm theo phần trình bày này, chúng tôi cũng gửi đến độc giả bảng tên các thánh kính trong năm, bảng Ký hiệu các Sách Kinh Thánh và bảng Phiên dịch các Tên Riêng dùng trong Phụng vụ được đề nghị để so sánh cách dùng khác nhau của các nhóm phiên dịch cũng như các ngôn ngữ khác. Do cách viết tên riêng dùng khác mẫu tự Latinh như trong bản Nova Vulgata nên một vài ký hiệu được đề nghị sửa đổi. Ví dụ: các sách bắt đầu bằng vần Gi chuyển thành vần J (Job, Joannes, Jacobus, Judas, Judith, Joel); vần D thành vần Z (Zacharias); vần X thành vần S (Sophonias); hay một số sách như Osea thay vì Hosea, Aggaeus thay vì Khác-gai hay Haggai,...

 

Kết Luận

Bài viết đã khá dài, dù chúng tôi chỉ muốn nói rất vắn gọn. Nhưng con đường hội nhập vào dân tộc và thế giới trong lĩnh vực này dường như còn dài và xa vời hơn, bởi vì chúng tôi đã lường trước những khó khăn, vất vả và cả những thách thức cho những người thiện chí. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tràn đầy hy vọng để viết lên những suy tư và mơ ước của mình về việc có được sự thống nhất trong cách viết tên riêng tiếng nước ngoài và ký hiệu các sách Thánh Kinh. Lúc này đây, nhiều nhà xuất bản lịch block và lịch treo tường đang thúc giục chúng tôi trao cho họ bản thảo để kịp in lịch cho năm tới. Nếu thống nhất được tên các thánh, các ký hiệu Thánh Kinh theo những tiêu chí mới, chúng ta sẽ có dịp giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của Giáo hội Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực ngôn ngữ học, cũng như tích cực hội nhập vào nền văn hoá dân tộc và văn minh thế giới.

Chúng tôi rất mong quý độc giả sớm góp ý cho chúng tôi về những giải pháp đề nghị. Mọi liên lạc xin gửi về:

Văn phòng Thư ký HÐGMVN

72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM

Ðt: (84) 8 8201829

Email: antnnson@hcm.vnn.vn

Xin chân thành cám ơn quý độc giả. Cầu chúc quý vị an lành và tràn đầy ơn Chúa.

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page