Diễn Văn của ÐTC Bênêđitô XVI
cho Ðại Hội Các Gia Ðình
vào Tối Thứ Bảy mùng 8/07/2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Buổi Tối Cầu Nguyện và Lắng Nghe Chứng Từ của Các Gia Ðình vào Tối Thứ Bảy mùng 8 tháng 7 năm 2006.
(Radio Veritas Asia 13/07/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúng ta đã theo dõi trọn bài Giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ Bế Mạc Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế Các Gia Ðình vào sáng Chúa Nhật mùng 9 tháng 7 năm 2006, tại Valencia, Tây Ban Nha. Hôm nay, ngược dòng thời gian, chúng ta hãy theo dõi bài Diễn Văn của Ðức Thánh Cha cho Các Gia Ðình, trong buổi cầu nguyện và lắng nghe chứng từ, vào tối thứ Bảy mùng 8 tháng 7 năm 2006, tại địa điểm được gọi là "Thành Phố của Nghệ Thuật và Khoa Học", Valencia, Tây Ban Nha. ÐTC nhân dịp này trình bày giáo huấn của giáo hội công giáo về gia đình. Ðức Thánh Cha đã quả quyết một cách xác tín rằng: Con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa để yêu thương, và rằng con người được thể hiện chính mình hoàn toàn, chỉ khi nào con người chân thành cho đi chính mình cho kẻ khác. Gia đình là môi trường ưu tiên trong đó mỗi thành phần học sống cho đi và lãnh nhận tình thương. Giờ đây chúng ta hãy bắt đầu theo dõi bài diễn văn của Ðức Thánh Cha, như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi cảm nghiệm niền vui to lớn vì được tham dự vào buổi cầu nguyện tối nay, trong đó chúng ta muốn cử hành hồng ân thần thiêng là gia đình. Với lời cầu nguyện, Tôi muốn hiện diện thật gần bên tất cả những ai mới đây bị đánh động bởi cảnh tang chế đau buồn xảy ra tại thành phố Valencia này; tôi hiện diện cùng với niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh, Ðấng ban ơn can đảm và ánh sáng trong những giây phút đau khổ nhất của con người.
Hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta quy tụ nơi đây, từ nhiều nơi trên thế giới, như một cộng đoàn dâng lời cảm tạ và nói lên chứng từ vui tươi rằng con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa để yêu thương, và rằng con người được thể hiện chính mình hoàn toàn, chỉ khi nào con người chân thành cho đi chính mình cho kẻ khác. Gia đình là môi trường ưu tiên trong đó mỗi thành phần học sống cho đi và lãnh nhận tình thương. Chính vì vậy mà Giáo Hội không ngừng biểu lộ sự chăm sóc mục vụ trong lãnh vực căn bản này của con người. Giáo Hội giảng dạy trong giáo huấn mình như sau: "Thiên Chúa, Ðấng là tình thương và đã tạo dựng con người vì tình thương, Ngài đã kêu gọi con người sống yêu thương. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã mời gọi con người trong hôn nhân hãy sống hiệp thông sâu xa trong tình yêu thương nhau, cho đến độ không còn là hai, mà chỉ là một thân thể" (sách giáo lý công giáo, số 337).
Ðó là sự thật mà Giáo Hội không mệt mỏi rao giảng trong thế giới. Vị tiền nhiệm thân yêu của tôi, Ðức Giaon Phaolô II, đã nói như sau: Con người được trở thành hình ảnh giống Thiên Chúa, không những chỉ qua chính nhân tính mình, mà còn nhờ qua sự hiệp thông giữa con người, một sự hiệp thông được người nam và người nữ kết thành ngay từ đầu... Con người trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, không những trong giây phút sống thinh lặng mà còn cả trong giây phút hiệp thông" (sách Giáo Lý, 14 tháng 11 năm 1979). Chính vì vậy mà Tôi đã xác nhận việc triệu tập Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế Các Gia Ðình lần thứ V tại Tây Ban Nha, và đặc biệt là tại Valencia, nơi rất phong phú về những truyền thống của mình và là nơi hãnh diện về đức tin kitô được sống thật và được vun trồng trong biết bao gia đình.
Gia đình là cơ chế trung gian giữa cá nhân và xã hội, và không gì có thể thay thế hoàn toàn cho gia đình. Gia đình được xây dựng nhất là trên tương quan liên vị sâu xa giữa người chồng và người vợ, một tương quan được nâng đỡ bởi tình yêu thương và sự thông cảm lẫn nhau. Vì thế gia đình lãnh nhận sự trợ giúp dồi dào từ Thiên Chúa, trong bí tích hôn phối; bí tích này là lời mời gọi tiến đến sự thánh thiện. Ước gì con cái có thể cảm nghiệm những giây phút hoà hợp và đầy tình thương của cha mẹ, nhiều hơn là những giây phút bất hoà hay lãnh đạm, bởi vì tình yêu giữa cha mẹ cống hiến cho con cái một sự an toàn to lớn và dạy cho con cái biết nét đẹp của tình yêu trung thành và bền lâu.
Gia đình là điều thiện hảo cần thiết cho các dân tộc, là nền tảng không thể thiếu cho xã hội, và là kho tàng to lớn cho đôi bạn trong suốt đời sống họ. Gia đình là điều thiện hảo không thể thay thế được cho con cái, hoa trái của tình yêu thương, của việc cha mẹ trao hiến cho nhau hoàn toàn và quảng đại. Rao giảng sự thật toàn diện này về gia đình, được xây trên hôn nhân như là "giáo Hội tại gia" và như là "cung thánh của sự sống", đó là trách nhiệm cao cả của tất cả mọi người chúng ta.
Sau khi nhắc lại bản chất của gia đình theo giáo huấn của giáo hội, ÐTC Bênêđitô XVI nói về vao trò của gia đình thông truyền Ðức Tin và Tình Thương của Thiên Chúa cho con cái, với những lời như sau:
Cha và Mẹ đã hứa với nhau trước nhan Thiên Chúa là hoàn toàn chấp nhận nhau; và điều này kết thành nền tảng của bí tích kết hợp hai người lại với nhau; đồng thời, để mối tương quan bên trong gia đình được nên trọn, thì điều cần thiết là cha mẹ cũng nói lời "chấp nhận" con cái mà chính họ sinh ra, hoặc nhận nuôi; những con cái này có nhân cách riêng và tánh tình riêng. Như thế, con cái tiếp tục lớn lên trong bầu khí chấp nhận và yêu thương; và điều đáng mong ước là, một khi đạt đến mức trưởng thành đủ, con cái đến phiên mình đáp lại bằng thái độ "chấp nhận" đối với những ai đã trao ban cho mình sự sống.
Những thách thức của xã hội hiện nay, một xã hội bị ghi dấu bởi sự phân rẽ phổ biến trong môi trường thành thị, đòi hỏi sự bảo đảm sao cho các gia đình không bị cô đơn. Một gia đình nhỏ có thể gặp những trở ngại to lớn phải vượt qua, nếu bị tách rời ra khỏi những bà con thân thuộc và những người bạn. Vì thế, cộng đoàn giáo hội có trách nhiệm cung cấp sự nâng đỡ, sự khích lệ và của ăn tinh thần giúp củng cố sự gắn chặt các thành phần gia đình, nhất là trong những thử thách hay trong những lúc nguy khốn. Trong viễn tượng này, điều hết sức quan trọng là vai trò của các giáo xứ cũng như của những hiệp hội khác nhau trong giáo hội, tất cả đều được mời gọi cộng tác như những mạng lưới cung cấp sự nâng đỡ và như bàn tay trợ giúp của Giáo Hội để làm cho gia đình được lớn lên trong đức tin.
Chúa Kitô đã mạc khải cho biết như thế nào là nguồn mạch thường xuyên và tột cùng của sự sống cho tất cả mọi người, và do đó, cả cho gia đình nữa, khi Người quả quyết như sau: "Ðây là giới răn của Thầy: là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương chúng con. Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hiến mạnh sống mình cho bạn hữu." (Gn 15,12-13). Tình Yêu của Thiên Chúa đã được đổ xuống trên chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Vì thế, các gia đình được mời gọi sống tình yêu có phẩm chất thần thiêng như thế, bởi vì Chúa là Ðấng bảo đảm rằng điều này có thể thực hiện được qua tình yêu con người, một tình yêu kèm với cảm tính, đầy lòng mộ mến và nhân từ như tình yêu của Chúa Kitô.
Cùng với việc thông truyền đức tin và tình thương của Chúa, còn có một trong những trách vụ lớn nhất của gia đình là trách vụ huấn luyện những con người tự do và có trách nhiệm. Vì thế các bậc làm cha mẹ cần tiếp tục phục hồi "sự tự do" cho con cái; nói như thế là bởi vì trong một thời gian nào đó, cha mẹ là những kẻ bảo đảm cho sự tự do của con cái. Nếu con cái nhìn thấy rằng cha mẹ của mình - và cách chung những người lớn xunh quanh - sống cuộc đời cách vui tươi và hăng say, cảø khi gặp những khó khăn, thì con cái sẽ dễ dàng tăng triển niềm vui sống sâu xa; và niềm vui sống này sẽ giúp cho con cái thành công vượt qua được những trở ngại có thể và vượt qua được những nghịch cảnh của đời sống con người. Ngoài ra, khi gia đình không đóng kín nơi chính mình, thì con cái sẽ tiếp tục học được rằng mọi người đều đáng được yêu thương; và rằng có một tình huynh đệ căn bản và phổ quát giữa tất cả mọi người.
Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các gia đình lần thứ V này mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về một chủ đề có tầm quan trọng đặc biệt, vừa đồng thời kéo theo một trách nhiệm lớn cho mỗi người chúng ta. Ðó là chủ đề và trách nhiệm "Thông Truyền Ðức Tin trong Gia Ðình". Sách Giáo Lý của Giáo Hội đã nói lên điều này cách hay ho như sau: "Như người mẹ dạy cho con cái biết nói, và sau đó biết hiểu và biết thông truyền, thì Giáo Hội, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta biết ngôn ngữ của Ðức Tin, để dẫn đưa chúng ta vào trong sự hiểu biết đức tin và vào trong nếp sống đức tin" (số 171).
Như được tiêu biểu trong nghi thức phụng vụ ban bí tích Rửa Tội, bằng việc trao nến, những bậc làm cha mẹ được liên kết với mầu nhiệm của sự sống mới, sự sống của những con cái Thiên Chúa, qua nước rửa tội.
Thông truyền Ðức Tin cho con cái, với sự trợ giúp của những người khác cũng như của những cơ chế khác, như giáo xứ, trường học hay các hiệp hội công giáo, (việc thông truyền đức tin này) là một trách nhiệm mà cha mẹ không thể nào bỏ quên, tỏ ra lơ là, hoặc giao phó hoàn toàn cho người khác. "Gia đình kitô được gọi là Giáo Hội tại gia, bởi vì gia đình kitô này diễn tả và thực hiện bản chất hiệp thông và đặc tính gia đình của giáo hội như đại gia đình của Thiên Chúa. Mọi thành phần trong gia đình, tuỳ theo vai trò riêng, thực thi chức tư tế chung của bí tích rửa tội, vừa góp phần làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn của ân sủng và cầu nguyện, một trường huấn luyện những nhân đức nhân bản và kitô, một nơi rao giảng đầu tiên đức tin cho con cái." (Toát yếu sách giáo lý công giáo, số 350). Và hơn thế nữa, "những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa... Ðặc biệt, các ngài có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin kitô".
Ngôn ngữ của đức tin được học thuộc trong mái ấm gia đình nơi mà đức tin này được lớn lên và được củng cố nhờ qua lời cầu nguyện và việc thực hành đạo. Trong bài đọc trích từ sách Ðệ Nhị Luật, chúng ta đã nghe lời nguyện được lặp đi lặp lại cho dân được Thiên chúa tuyển chọn, Lời Kinh Shema của Israel; đây là lời Kinh Chúa Giêsu đã thường nghe lặp đi lặp trong căn nhàø Nazareth. Và chính Chúa đã nhắc lại lời kinh này trong cuộc đời công khai của Người, như Phúc âm theo thánh Marco gợi lên cho chúng ta nơi chương 12 câu 29. Ðây là đức tin của Giáo Hội, một giáo hội đến từ tình yêu của Thiên Chúa, nhờ qua trung gian các gia đình của anh chị em. Sống sự toàn vẹn đức tin này, với đặc tính mới mẻ của nó, là một hồng ân to lớn. Nhưng trong những giây phút mà trong đó dung mạo của Thiên Chúa dường như bị ẩn khuất đi, thì tin là điều khó và đòi hỏi một cố gắng to lớn.
Cuộc Gặp Gỡ này mang đến sức mạnh mới để tiếp tục rao giảng Tin Mừng của gia đình, để tái xác nhận sự vững mạnh và căn cuớc của gia đình, dựa trên hôn nhân, một hôn nhân mở rộng đón nhận hồng ân quảng đại sự sống; trong hôn nhân này con cái được đồng hành trên con đường trưởng thành thể lý và trưởng thành thiêng liêng. Bằng cách này, người ta chống lại tinh thần hưởng thụ khoái lạc rất phổ biến; tinh thần hưởng thụ này tầm thường hoá những tương quan nhân bản và làm cho những tương quan này trở nên trống vắng giá trị đích thật và vẻ đẹp của chúng. Cổ võ cho những giá trị của hôn nhân không ngăn trở gì cho niềm vui trọn vẹn mà người nam và người nữ gặp thấy trong tình yêu hỗ tương của họ. Ðức Tin và luân lý kitô không nhắm bóp nghẹt tình yêu, nhưng ngược lại làm cho tình yêu được lành mạnh hơn, được mạnh mẽ và thật sự tự do. Vì thế, tình yêu con người cần được thanh luyện và cần trưởng thành để được hoàn toàn nhân bản và là nguyên lý cho niềm vui đích thật và bền vững (x. Diễn văn cho các bạn trẻ tại Ðền Thờ Thánh Gioan Laterano ngày 5 tháng 6 năm 2006).
Vì vậy, tôi mời gọi các nhà cầm quyền và những nhà lập pháp hãy suy nghĩ về những lợi ích hiển nhiên mà các tổ ấm gia đình an bình và hoà hợp mang lại cho con người, cho gia đình, trung tâm trọng yếu của xã hội, như Toà Thánh nhắc đến trong Bức Thư trình bày những quyền lợi của Gia Ðình. Ðối tượng của luật pháp là điều thiện hảo toàn diện của con người, là sự đáp lại những nhu cầu và khát vọng của con người. Ðây là sự trợ giúp đáng kể cho xã hội, một sự trợ giúp mà xã hội không thể thiếu; và đối với các dân tộc, đây là một sự bảo vệ vừa là sự thanh luyện. Ngoài ra, gia đình là trường học huấn luyện công cuộc phát triển nhân bản, ngõ hầu con người được trưởng thành cho đến mức độ trở nên con người thật sự. Trong chiều hướng này, cảm nghiệm được cha mẹ yêu thương, làm cho con cái có được ý thức về phẩm giá làm con.
Người con được cưu mang cần được giáo dục trong đức tin, cần được yêu thương và bảo vệ. Cùng với quyền lợi căn bản được sinh ra và được giáo dục trong đức tin, con cái còn có quyền hưởng một mái ấm gia đình, mà mẫu lý tưởng là mái ấm gia đình Nazareth, và cần được bảo vệ khỏi mọi hận thù và mọi đe dọa.
Giờ đây, tôi muốn ngỏ lời với các Ông Bà nội ngoại, những thành phần thật quan trọng trong các gia đình. Ông Bà nội ngoại có thể là --- và rất thường là --- những kẻ bảo đảm cho tình thương và sự dịu dàng mà mọi người cần cho đi và lãnh nhận. Ông Bà nội ngoại cống hiến cho các cháu một viễn tượng về thời gian; các ngài là ký ức và là sự phong phú của gia đình. Ước gì không bao giờ và không vì bất cứ lý do gì, mà các ngài phải bị lọai ra khỏi môi trường gia đình. Các ngài là một kho tàng mà chúng ta không thể nào vứt bỏ khỏi những thế hệ mới, nhất là khi các ngài làm chứng sống đức tin vào lúc cái chết gần bên.
Giờ đây tôi muốn đọc lên một đoạn của lời nguyện mà anh chị em đã đọc, vừa khẩn xin Chúa ban cho cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình lần này được kết quả tốt.
Lạy Thiên Chúa, là Ðấng để lại Thánh Gia Ðình Nazareth cho chúng con làm gương mẫu trọn hảo về đời sống gia đình, được sống trong đức tin và trong sự vâng phục Thánh Ý Chúa.
Xin hãy giúp chúng con nêu gương đức tin và tình yêu, đúng theo những giới răn của Chúa.
Xin hãy trợ giúp chúng con trong sứ mạng thông truyền đức tin cho con cái.
Xin hãy mở rộng tâm hồn con cái chúng con, ngõ hầu được lớn lên trong họ, hạt giống đức tin mà họ đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội.
Xin hãy củng cố đức tin của những người trẻ, ngõ hầu họ được lớn lên trong sự hiểu biết Chúa Giêsu.
Xin hãy gia tăng tình thương và sự trung thành trong tất cả mọi hôn nhân, nhất là những hôn nhân đang trải qua những giây phút đau khổ hoặc khó khăn. (...)
Kết hiệp với Thánh Giuse và Mẹ Maria, chúng con khẩn xin Chúa, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, và là Chúa chúng con. Amen.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)