Bài Giảng của ÐTC Bênêđitô XVI

trong Thánh Lễ Bế Mạc

cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ Bế Mạc cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình tại Valencia, Tây Ban Nha, hôm Chúa Nhật, ngày mùng 9 tháng 7 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 10/07/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong chuyến viếng thăm hai ngày, thứ Bảy mùng 8 và Chúa Nhật mùng 9 tháng 7 năm 2006, tại Valencia, Tây Ban Nha, để tham dự và bế mạc Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình lần thứ V, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói lên những suy nghĩ của ngài trong 7 bài diễn văn. Và trong số 7 bài diễn văn này, chúng ta có thể lưu ý đến 3 bài quan trọng sau đây:

1. Bài diễn văn quan trọng thứ 1, được gọi là "Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha cho Các Giám Mục Tây Ban Nha". Khi gặp chung tất cả các giám mục Tây Ban Nha nơi "Nhà Nguyện Chén Thánh", bên trong Nhà Thờ Chính Toà Valencia, vào Trưa Thứ Bảy mùng 8 tháng 7 năm 2006, ÐTC đã không đọc bài diễn văn, nhưng đã trao trực tiếp cho tất cả các giám mục Tây Ban Nha một sứ điệp, trong đó ÐTC nhận định về hiện trạng Giáo Hội Công Giáo tại Tây Ban Nha, và khích lệ các giám mục trong nhiệm vụ mục vụ đối với các gia đình.

2. Bài diễn văn quan trọng thứ 2, là diễn văn ÐTC đọc vào lúc 9 giờ tối thứ Bảy mùng 8 tháng 7 năm 2006, khi tham dự cuộc Gặp Gỡ các Gia Ðình, tại địa điểm có tên gọi là "Thành Phố của Nghệ Thuật và Khoa Học". Cuộc Gặp Gỡ đã diễn ra trong hình thức "Suy Tôn Lời Chúa". Sau bài phúc âm, trích từ Phúc âm theo Thánh Luca, chương 2, câu 41-52, và sau những chứng từ của các Gia Ðình, ÐTC đọc bài diễn văn mà nội dung chính nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội về gia đình. ÐTC đã nói như sau: "Gia đình mà môi trường ưu tiên trong đó mỗi người học trao ban và lãnh nhận tình yêu."

3. Và bài diễn văn quan trọng thứ 3, là bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ Bế Mạc Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế Các Gia Ðình, vào sáng Chúa Nhật, mùng 9 tháng 7 năm 2006, cũng tại địa điểm được gọi là "Thành Phố của Nghệ Thuật và Khoa Học", với khoảng hơn một triệu người tham dự.

Ðó là ba bài diễn văn quan trọng của chuyến viếng thăm dài hai ngày của Ðức Thánh Cha, tại Valencia, Tây Ban Nha, mà mục thời sự trong tuần này chọn gởi đến quý vị và các bạn. Và hôm nay, mục thời sự xin bắt đầu với bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật, mùng 9 tháng 7 năm 2006. ÐTC đã giảng khuyên như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Trong Thánh Lễ mà tôi vui mừng chủ sự đây, cùng với nhiều chư huynh trong hàng giám mục, và với đông anh em linh mục, tôi cảm tạ Chúa, thay cho tất cả mọi gia đình đáng mến đang quy tụ nơi đây kết thành cộng đoàn đầy hân hoan, và cho biết bao gia đình khác tại những nơi xa xôi cùng theo dõi buổi cử hành này, qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình. Tôi xin chào tất cả mọi người và nói lên lòng mộ mến của tôi qua cái hôn bình an.

Những chứng tá của Ester và của Phaolô mà chúng ta đã nghe qua trước hết nơi các bài đọc thánh lễ, cho thấy như thế nào gia đình được mời gọi cộng tác trong việc thông truyền đức tin. Ester tuyên xưng như sau: "Lạy Chúa, thân phụ tôi đã kể cho tôi biết rằng Ngài đã tuyển chọn dân Israel từ muôn dân nước" (sách Ester 4,5). Thánh Phaolô theo truyền thống của cha ông ngài là người do thái mà lắng nghe Thiên Chúa, với một lương tâm trong sạch. Thánh nhân khen ngợi đức tin chân thành của Timotêô và nhắc lại cho Timotêô nhớ rằng "đức tin trước hết nơi bà ngoại Loide, rồi nơi người mẹ Eunice, và giờ đây, nơi chính bản thân Timotêô; cha tin chắc con có đức tin này." (2 Tim 1,5). Trong những chứng từ kinh thánh vừa trích trên, gia đình không phải chỉ gồm có cha mẹ và con cái, nhưng còn gồm có ông bà và tổ tiên. Gia đình như thế cho thấy như là một cộng đoàn những thế hệ và là một bảo đảm cho phần gia tài những truyền thống.

Không ai có thể tự ban cho mình sự hiện hữu, cũng không tự mình có được những hiểu biết căn bản về sự sống. Tất cả chúng ta đều đã lãnh nhận từ kẻ khác sự sống và những sự thật căn bản về sự sống, và chúng ta được gọi đạt đến sự trọn lành trong tương quan và trong hiệp thông tình thương với kẻ khác. Ðược xây dựng trong hôn nhân không thể tách rời giữa người nam và người nữ, gia đình nói lên chiều kích tương giao, con thảo và cộng đoàn; gia đình là môi trường nơi con người có thể sinh ra đúng với phẩm vị mình, rồi lớn lên và phát triển một cách toàn diện.

Khi một em bé sinh ra, thì qua tương quan với cha mẹ, em bé này là thành phần của truyền thống gia đình có gốc rễ xa xưa hơn. Với hồng ân sự sống, em bé lãnh nhận trọn cả phần gia tài những kinh nghiệm sống. Quy chiếu về điều này, những bậc làm cha mẹ có quyền và bổn phận không thể mất đi được để lưu truyền phần gia tài đó cho con cái: đó là công việc huấn luyện con cái để giúp con cái khám phá căn cước riêng của mình; đó là dẫn đưa con cái vào trong đời sống xã hội; đó là huấn luyện con cái biết thực thi một cách có trách nhiệm sự tự do tinh thần và thực thi khả năng yêu thương, nhờ qua kinh nghiệm được yêu thương, nhất là trong gặp gỡ với Thiên Chúa. Con cái lớn lên và trưởng thành trên bình diện nhân bản, trong mức độ con cái tin tưởng lãnh nhận phần gia tài và nền giáo dục mà con cái từ từ lãnh nhận. Bằng cách này, con cái có thể tạo ra một tổng hợp riêng cho mình từ những gì đã lãnh nhận được và những gì học được; và đây là tổng hợp mà mỗi người và mỗi thế hệ được mời gọi thực hiện.

Nơi nguồn gốc của mỗi người, và do đó, nơi mọi tình phụ tử và tình mẫu tử, có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hoá. Vì thế, đôi bạn phải đón nhận em bé vừa được sinh ra không những như là con của cha mẹ, nhưng còn như là người con của Thiên Chúa, Ðấng yêu thương em bé vừa được sinh ra đó như chính em là, và kêu gọi em sống làm con cái Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi hành động truyền sinh, mọi tình phụ tử và mẫu tử, mọi gia đình có nguyên lý của mình nơi Thiên Chúa, Ðấng là Cha, Con và Thánh Thần.

Qua việc nhớ lại tổ tiên và dân tộc của mình, thân phụ của Ester đã thông truyền lại cho Ester một ký ức về một Vì Thiên Chúa, mà từ Ngài tất cả mọi người đều phát xuất và được mời gọi đáp lời mời gọi của Ngài. Ðây là ký ức về một Vị Thiên Chúa là Cha, là Ðấng đã tuyển chọn cho mình một Dân riêng, và là Ðấng tác động trong lịch sử để cứu rỗi chúng ta. Việc nhớ đến Vị Thiên Chúa là Cha như thế soi sáng cho căn cước sâu xa nhất của con người: chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai và phẩm giá chúng ta là cao cả như thế nào. Chắc rằng chúng ta đến trong thế gian từ cha mẹ, và chúng ta là con cái của các ngài; nhưng chúng ta cũng đến từ Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài và đã kêu gọi chúng ta trở thành những con cái Ngài. Vì thế, nơi nguồn gốc của mỗi một người, không phải là sự ngẫu nhiên hay định mệnh, nhưng là một dự án của tình thương Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa thật và là con người trọn vẹn, chính Người đã mạc khải điều này cho chúng ta. Chúa Giêsu Kitô biết rõ Người từ đâu đến và biết rõ tất cả chúng ta đây từ đâu đến: đó là đến từ tình thương của Thiên Chúa, là Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta.

Quả thật, Ðức Tin không phải chỉ thuần tuý là gia tài văn hoá, nhưng là một tác động liên tục của ân sủng Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi, và cũng là hành động của tự do con người chấp nhận gắn bó hoặc không gắn bó với ơn gọi đó. Cho dù không ai có thể đáp lời thay cho kẻ khác, nhưng những bậc làm cha mẹ kitô được mời gọi làm chứng một cách đáng tin cho đức tin và cho niềm hy vọng kitô của họ. Những bậc làm cha mẹ phải hành động làm sao cho lời mời gọi của Thiên Chúa và Tin Mừng của Chúa Kitô có thể đến được với con cái, một cách rõ ràng nhất và đích thật.

Với thời gian, hồng ân đức tin này của Thiên Chúa mà những bậc làm cha mẹ đã góp phần soi sáng cho con cái lúc còn thơ bé, sẽ được vun trồng một cách khôn ngoan và dịu dàng, vừa làm lớn lên trong con cái còn thơ trẻ một khả năng phân biệt. Như thế, với chứng tá liên lỉ về tình yêu hôn nhân của cha mẹ, một tình yêu được sống và được thấm nhuần trong đức tin, và với sự nâng đỡ đầy thân tình của cộng đoàn kitô, thì sẽ khơi dậy nơi con cái thái độ đích thân đến với hồng ân đức tin, để rồi qua thái độ này con cái khám phá được ý nghĩa sâu xa của chính cuộc sống mình và như thế con cái cảm thấy mình trào dâng tâm tình biết ơn.

Gia đình kitô thông truyền đức tin khi những bậc làm cha mẹ dạy cho con cái biết cầu nguyện và chính cha mẹ cầu nguyện cho con cái (x, Tông huấn về Gia Ðình, soó 60); gia đình thông truyền đức tin khi cha mẹ đến với các bí tích và hướng dẫn con cái vào trong sinh họat của Giáo Hội; gia đình thông truyền đức tin khi tất cả mọi thành phần gia đình quy tựu lại để đọc Kinh Thánh, vừa chiếu sáng đời sống gia đình bằng ánh sáng đức tin vừa chúc tụng Thiên Chúa là Cha.

Trong nền văn hoá hiện nay, người ta thường đề cao sự tự do cá nhân, một sự tự do được hiểu như là sự độc lập chủ quan, dường như thể chính đương sự tự quyết và tự đủ cho chính mình, không màng chi đến mối tương quan của mình với kẻ khác cũng như không kể gì đến trách nhiệm của mình đối với kẻ khác. Người ta cố gắng tổ chức cuộc sống xã hội chỉ từ những ước muốn chủ quan và hay thay đổi mà thôi, không một chút quy chiếu nào về sự thật khách quan hiển nhiên, như sự thật về phẩm giá của mọi người và về những bổn phận và quyền lợi không thể phai nhoà mà mọi nhóm xã hội cần phải dấn thân phục vụ cho.

Giáo Hội không ngừng nhắc lại rằng sự tự do thật của con người đến từ việc con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, sự giáo dục kitô là sự giáo dục để đạt đến sự tự do và vì tự do. "Chúng ta thi hành điều tốt không phải như những người nô lệ không có tự do để làm khác đi, nhưng chúng ta làm điều tốt bởi vì chúng ta đích thân mang lấy trách nhiệm về thế giới; bởi vì chúng ta yêu mến sự thật và điều thiện, bởi vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa và do đó cũng yêu thương những tạo vật của Ngài. Sự thật vừa nói trên là sự thật đích thực, mà Chúa Thánh Thần muốn hướng dẫn chúng ta đạt đến." (Bài giảng lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, báo quan sát viên Roma, ấn bản bằng tiếng Tây Ban Nha, số phát hàng ngày 9 tháng 6 năm 2006, trg 6).

Chúa Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là mẫu gương cho sự tự do đầy tình con thảo; Chúa dạy chúng ta biết thông truyền cho kẻ khác chính tình yêu của Người: "Như Cha Thầy đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến chúng con như thế, chúng con hãy ở trong tình yêu Thầy." (Gn 15,9) Về điểm này, Công Ðồng Vaticanô II dạy rằng "những đôi bạn và cha mẹ kitô, theo con đường sống của mình và cho đến suốt đời, cần phải nâng đỡ nhau trong ân sủng nhờ qua một tình yêu trung thành và cần phải giáo huấn trong giáo lý kitô và trong các nhân đức phúc âm những con cái, được lãnh nhận với tình yêu đến từ Thiên Chúa. Như thế những bậc làm cha mẹ cống hiến cho tất cả mẫu gương tình yêu không mệt mỏi và quảng đại; họ xây dựng một sự hiệp thông trong tình bác ái; họ là những người làm chứng cho và công tác với sự phong phú của Mẹ Giáo Hội như là dấu chỉ và là sự tham dự vào tình yêu thương, tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương vị Hôn Thê của mình và đã trao ban chính mình cho vị Hôn Thê này" (Lumen gentium, 41).

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trong phần cuối cùng của Bài Giảng, ÐTC nhắc đến tình thương trong hôn nhân và gia đình. Ðây chính là tình thương thần thiêng của Thiên Chúa được trao ban cho đôi bạn qua bí tích hôn phối. Ðến phiên mình, đôi bạn đó trở thành cha mẹ thông truyền tình yêu thương này cho con cái. Tình Yêu bao bộc mọi thành phần trong gia đình, là là nền tảng để giúp con các cái tiến đến sự trưởng thành nhân bản. ÐTC nói tiếp như sau:

 

Tâm Tình mến thương của cha mẹ đã đón nhận chúng ta và đồng hành với chúng ta trong những buớc đầu tiên vào đời; tình mến thương đó là như dấu chỉ và là sự "kéo dài bí tích" của tình yêu Thiên Chúa, mà từ đó chúng ta đến trong thế gian. Cảm nghiệm mình được chấp nhận và được yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha me, (cảm nghiệm này) là nền tảng vững chắc luôn cổ võ cho sự tăng trưởng và phát triển đích thực của con người và là nền tảng giúp chúng ta trưởng thành trong khi tiến đến sự thật và tình thương, cũng như giúp ta bước ra khỏi chính mình để bước vào trong sự hiệp thông với kẻ khác và với Thiên Chúa.

Ðể tiến tới trên con đường trưởng thành nhân bản, Giáo Hội dạy chúng ta hãy tôn trọng và cổ võ cho thực tại kỳ diệu của hôn nhân không thể phân rẽ giữa một nguời nam và một người nữ; và hôn nhân này là nguồn gốc của gia đình. Vì thế, việc nhìn nhận và trợ giúp cho cơ chế gia đình là một trong những việc phục vụ quan trọng nhất mà con người ngày nay có thể làm, để phục vụ cho công ích và cho sự phát triển đích thật của con người và xã hội, và như thế là bảo đảm tốt nhất cho phẩm giá, cho sự bằng nhau giữa mọi người và cho sự tự do thật của con người.

Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò tích cực của những hiệp hội gia đình trong giáo hội, để phục vụ cho hôn nhân và gia đình. Tôi "muốn mời gọi tất cả mọi người kitô hãy cộng tác, cách thân tình và can đảm, với tất cả mọi người thiện chí, đang thực thi trách nhiệm của họ nhắm phục vụ gia đình" (familiaris consortio, số 86), ngõ hầu nhờ việc liên kết các sức mạnh và với những sáng kiến đa dạng hợp pháp, tất cả mọi người đều góp phần vào việc cổ võ cho điều thiện hảo đích thật của gia đình trong xã hội hiện nay.

Chúng ta hãy trở lại với bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay, được trích từ sách Ester. Giáo hội được quy tụ trong việc cầu nguyện, đã nhìn thấy nơi vị hoàng hậu khiêm tốn này đang khẩn cầu với hết sức mình cho dân tộc bà đang phải đau khổ, (nhìn hoàng hậu khiêm tốn này) như là hình ảnh loan báo trước về Mẹ Maria, mà Con Mẹ đã trao cho tất cả chúng ta như là Mẹ của chúng ta; và như là hình ảnh loan báo trước của người Mẹ hết lòng yêu thương bảo vệ đại gia đình của Thiên Chúa đang hành hương trên trần gian này. Mẹ Maria là hình ảnh nêu gương cho tất cả mọi bà mẹ, cho sứ mạng cao cả của người mẹ như là kẻ gìn giữ sự sống, cho sứ mạng giảng dạy nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu thương.

Như thế, gia đình kitô - cha mẹ và con cái - được mời gọi thực hiện những mục tiêu đã nói trên, không phải như điều gì bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng như là một hồng ân của ân sủng bí tích hôn nhân, được đổ tràn xuống trong tâm hồn đôi bạn. Nếu đôi bạn sống cởi mở đón nhận Chúa Thánh Thần và khẩn xin Ngài trợ giúp, thì Chúa Thánh Thần không ngừng thông truyền cho họ tình yêu Thiên Chúa Cha, một tình yêu được biểu lộ và nhập thể trong Chúa Kitô. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho đôi bạn không bị lạc mất nguồn mạch và chiều kích của tình yêu và của việc họ trao hiến cho nhau; sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho đôi bạn biết cộng tác với Ngài để phục hưng và nhập thể tình yêu đó trong tất cả mọi chiều kích của sự sống. Chúa Thánh Thần đồng thời sẽ khơi dậy trong đôi bạn lòng khao khát gặp gỡ vĩnh viễn với Chúa Kitô, trong nhà Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta. Ðây là sứ điệp hy vọng mà từ Valencia tôi muốn gởi đến tất cả mọi gia đình trên thế giới. Amen.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page