Bài thuyết trình của ÐTGM Nikola Eterovic

giới thiệu tài liệu Văn Kiện Ðại Cương

của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài thuyết trình của Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nói về những điểm chính liên quan đến tài liệu "Văn Kiện Ðại Cương" chuẩn bị cho Khoá Họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Phi Châu.

(Radio Veritas Asia 30/06/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba, ngày 27 tháng 6 năm 2006, để giới thiệu "Văn Kiện Ðại Cương" chuẩn bị cho Khoá Họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, có hai bài thuyết trình chính, một của Ðức Hồng Y Francis Arinze, nói về hiện trạng Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu và về những thách thức mà Giáo Hội phải đương đầu trong xã hội tại Phi Châu; và một của Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nói về những điểm chính liên quan đến tài liệu "Văn Kiện Ðại Cương".

Mục thời sự lần trước đã gởi đến quý vị và các bạn bài thuyết trình của Ðức Hồng Y Francis Arinze. Hôm nay, chúng ta hãy nghe bài thuyết trình của Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nói về Văn Kiện Ðại Cương chuẩn bị cho khoá họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Nội dung chính của Văn Kiện Ðại Cương được diễn tả trong công thức giới thiệu tựa đề của Văn Kiện, vừa đồng thời cũng là chủ đề của khoá họp, như sau: "Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu phục vụ cho công cuộc hoà giải, cho công bằng và hoà bình." Tiếp liền với công thức chủ đề trên, là câu Phúc âm trích lại lời của Chúa Giêsu như sau: "Chúng con là Muối Ðất... chúng con là ánh sáng thế gian" (Mt 5,13.14). Bắt đầu bài thuyết trình, Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic đã nói như sau:

 

Việc giới thiệu "Văn Kiện Ðại Cương" là giai đọan quan trọng trong tiến trình chuẩn bị Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Thật vậy, với việc công bố tập "Văn Kiện Ðại Cương", chúng ta bắt đầu xây dựng chủ đề cho Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhắm cổ võ sự thảo luận trên mọi bình diện, để chuẩn bị một cách rộng rãi hết sức có thể, cho biến cố quan trọng của giáo hội. Tài Liệu này không phải chỉ khơi dậy sự quan tâm của những ai sẽ trực tiếp tham dự vào công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục mà thôi; không phải chỉ là những nghị phụ đại diện cho những Thượng Hội Ðồng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, những nghị phụ đại diện cho các Hội Ðồng Giám Mục, những nghị phụ đại diện cho các Bộ của giáo triều Roma và những nghị phụ đại diện cho Liên Hiệp các Bề Trên Cả, và những chuyên viên về các vấn đề được thảo luận trong Khoá Họp, những dự thính viên nam nữ, những phái đoàn của các giáo hội anh em, những đại diện của các giáo hội hay cộng đoàn giáo hội, chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng qua suy tư về Văn Kiện Ðại Cương, tất cả các tín hữu được mời gọi góp phần vào việc chuẩn bị Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðón nhận những góp ý của hàng Giám Mục tại Phi Châu, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chấp thuận chủ đề cho Khoá Họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu như sau: Giáo Hội tại Phi Châu phục vụ cho công cuộc hoà giải, cho công bằng và hoà bình. "Chúng con là muối đất... chúng con là ánh sáng thế gian" (Mt 5, 13.14).

Trong việc chọn ra chủ đề, và sau đó, trong việc sọan thảo Văn Kiện Ðại Cương này, Ủy Ban Ðặc Biệt về Phi Châu của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã đóng vai trò không thể thay thế được. Những thành viên của Ủy Ban Ðặc Biệt này đã được chọn ra, do bởi các nghị phụ của Khoá Họp đặc biệt lần thứ I của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, là khoá họp bàn về chủ đề: "Giáo Hội tại Phi Châu và sứ mạng Rao Giảng Phúc Âm tiến về năm 2000. "Chúng con là những chứng nhân của Thầy" (CVTD 1,8). Khoá Họp lần thứ I đã diễn ra từ ngày 10 tháng 4 cho đến ngày 8 tháng 5 năm 1994. Trong tổng số 12 thành viên của Ủy Ban Ðặc biệt nói trên, thì có 9 thành viên do các nghị phụ tuyển chọn, và 3 thành viên do Ðức Thánh Cha chỉ định. Và trong thời gian 12 năm qua, -- tức từ năm 1994 đến năm 2006 --- chỉ có 2 thành viên được thay thế, vì lý do đã đến hạn tuổi 80, và không còn có thể tham dự phiên họp của Ủy Ban đặc biệt được nữa.

Hai vị đó là Ðức Hồng Y Hyacinthe Thiandoum, Tổng Giám Mục Dakar, Sênêgal, và Ðức Hồng Y Armand Razafindratandra, Tổng Giám Mục Antananarive, Madagascar...

Ủy Ban Ðặc biệt về Phi Châu của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã chu toàn nhiều vai trò. Trong giai đọan đầu, Ủy Ban đã tham dự vào công việc phân tích những góp ý trong khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục và đào sâu những góp ý phong phú của Phiên Họp năm 1994. Những đóng góp nầy đã được xếp gọn lại và trao cho Người Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II, để từ đó ngài soạn ra Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục có tên gọi là "Giáo Hội tại Phi Châu". Sau đó, các thành viên của Ủy Ban Ðặc biệt này đã theo dõi việc áp dụng Tông Huấn của Ðức Thánh Cha tại những vùng khác nhau của đại lục Phi Châu, mà cách nào đó các ngài là những đại diện cho. Các ngài đã tỏ ra hết sức nhạy cảm trước những đòi hỏi mục vụ của các giáo hội địa phương tại Phi Châu, trong những hoàn cảnh đổi thay hiện nay, trên bình diện xã hội và văn hoá. Ðức Thánh Cha đã được thông báo về hoàn cảnh đổi thay nói trên, hoặc cách trực tiếp do bởi những thành viên của Ủy Ban Ðặc Biệt trong những lần tiếp kiến mà ÐTC dành cho Ủy Ban, hoặc qua vị Tổng Thư Ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Vì thế, Ðức Thánh Cha đã biết rõ ý định càng ngày càng chín mùi hơn, về việc triệu tập Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, để đào sâu vài vấn đề có tầm quan trọng lớn trong giáo hội, với tinh thần tập đoàn và trong bầu khí hiệp thông phẩm trật. Nhu cầu triệu tập Khoá Họp như thế là do sức thúc đẩy mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu, một đại lục đã bắt đầu công cuộc phát triển xã hội đầy hứa hẹn, cùng với vài vấn đề cũ và mới, là những vấn đề cần được đem ra phân tích và cần có một lập trường rõ ràng, từ quan điểm kitô và giáo hội.

Loan báo Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu.

Quả thật, không lạ gì vào thời điểm 10 năm, sau khoá họp lần thứ I của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, --- tức vào năm 2004, --- Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, --- khi tiếp các thành viên của Ủy Ban Ðặc Biệt về Phi Châu của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, vào ngày 15 tháng 6 năm 2004, --- đã tự vấn công khai về tính cách hợp thời hay không để triệu tập một khoá họp mới của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Ðức Gioan Phaolô II lúc đó đã nói như sau: "Như nhiều vị Mục Tử từ Phi Châu yêu cầu, phải chăng đã đến lúc để đào sâu kinh nghiệm về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu? Sự tăng trưởng ngoại thường của giáo hội công giáo tại Phi Châu, việc thay thế mau lẹ những vị chủ chăn, những thách thức mới mà đại lục Phi Châu phải đương đầu, tất cả những điều vừa nói trên cần có câu trả lời, mà chỉ có việc cố gắng thực hiện tông huấn "Giáo Hội tại Phi Châu" mới có thể cung cấp, vừa đồng thời mang lại cho đại lục Phi Châu đang gặp khó khăn sức hăng say mới và niềm hy vọng đã được củng cố."

Với thời gian, ý tưởng về Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, được chấp nhận với nhiều thiện cảm, bởi càng ngày càng nhiều hơn các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Những chờ đợi của các vị này ăn khớp với trực giác có tính cách tiên tri của Ðức Gioan Phaolô II. Ngày 13 tháng 11 năm 2004, khi tiếp các tham dự viên Hội Nghị Các Giám Mục Phi Châu và Âu Châu, Ðức Gioan Phaolô II loan báo ý định triệu tập Khoá Họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, với những lời như sau: "Tiếp nhận những ước mong của Ủy Ban Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, thể hiện những mong muốn của những vị Chủ Chăn Phi Châu, Tôi xin dùng dịp này để loan báo ý định của tôi muốn triệp tập Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Tôi trao phó dự định này cho lời cầu nguyện của anh chị em, vừa đồng thời mời gọi tất cả hãy khẩn xin Chúa ban xuống cho mảnh đất Phi Châu yêu dấu hồng ân quý giá của sự hiệp thông và hòa bình".

Nghĩ rằng dự định trên của Ðức Gioan Phaolô II vẫn còn sống động và hợp thời, nên vị kế nhiệm ngài, Ðức Bênêđitô XVI đã tái xác nhận tiếp tục dự án; vào ngày 22 tháng 6 năm 2005, trước sự hiện diện của Ủy Ban Ðặc Biệt về Phi Châu của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Ðức Bênêđitô XVI đã thông báo ngài quyết định triệu tập tại Roma Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, với những lời như sau: "Một cách đặc biệt, tôi xin chào mọi thành phần của Ủy Ban Ðặc Biệt về Phi Châu của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đang họp nhau trong những ngày này, tại Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Xác nhận tất cả những gì mà vị tiền nhiệm tôi đã quyết định vào ngày 13 tháng 11 năm 2004 vừa qua, nay tôi muốn công bố ý định triệu tập Khoá Họp Ðặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Tôi hết lòng tin tưởng rằng biến cố này diễn tả sức thúc đẩy thêm nữa trong công cuộc rao giảng Phúc âm, trong việc củng cố và làm tăng trưởng Giáo Hội, và trong việc cổ võ hoà giải và hoà bình, tại đại lục phi châu." Những lời soi sáng trên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã củng cố các giám mục trong công cuộc chuẩn bị Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong việc chọn chủ đề cho khoá họp, và trong việc chuẩn bị tài liệu "Văn Kiện Ðại Cương". Dĩ nhiên, mọi diễn tiến đều được thông báo cho Ðức Thánh Cha; ngài biết rõ sức phát triển đầy hứa hẹn của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu, cũng như biết rõ những thách thức to lớn mà giáo hội tại Phi Châu gặp phải, nhờ qua những tiếp xúc với các giám mục của từng quốc gia, nhất là trong dịp các giám mục về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô ( ad limina).

Vài con số thống kê về Giáo Hội tại Phi Châu.

Trước khi nói vắn tắt về nội dung của Văn Kiện Ðại Cương của Khoá Họp đặc biệt thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, tôi nghĩ cần đưa ra vài con số thống kê về Giáo Hội Công Giáo tại đại lục Phi châu, dựa theo cuốn Niên Giám của Giáo Hội.

Các dữ kiện liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại đại lục phi châu từ năm 1994 cho đến năm 2004, đều mang tích cách khá tích cực. Trong thập niên nói trên, con số các tín hữu đã gia tăng từ 102,878,000 lên đến 148,817,000, tức gia tăng 36.86%. Trong khi vào năm 1994, con số người công giáo chiếm 14.6% tổng dân số phi châu, vào năm 2004, số người công giáo chiếm 17% tổng dân số phi châu.

Các giám mục cũng gia tăng từ 513 vị lên đến 630 vị, tức tăng 18.57%.

Tổng số linh mục triều gia tăng 58.61%, tức từ tổng số 12,937 vị tăng lên đến 31,259 vị. Tỉ lệ gia tăng 58.61% này chỉ liên quan đến hàng giáo sĩ triều. Hàng tu sĩ dòng chỉ gia tăng 5.27%, tức từ tổng số 10,326 tu sĩ dòng, tăng lên đến 10,901 tu sĩ mà thôi.

Các phó tế vĩnh viễn tăng từ 326 thầy lên đến 368 thầy, tức tăng 11.29%.

Các nam tu sĩ có lời khấn nhưng không có chức linh mục gia tăng từ 6,448 thầy, lên đến 7,791 thầy, tức tăng 17.23%.

Các nữ tu đã khấn cũng tăng 18.8%, tức từ tổng số 46,664 tăng lên đến 57,475 nữ tu.

Các ứng sinh lên chức linh mục gia tăng 24.86%, tức từ tổng số 17,125 ứng sinh, tăng lên đến 22,791 ứng sinh.

Những con số thống kê trên cho thấy sức sinh động của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu, luôn tích cực trong mọi bình diện. Dĩ nhiên các Chủ Chăn có bổn phận chăm sóc sao cho sự gia tăng về số lượng, được đi kèm với sự trưởng thành càng ngày càng hơn trên bình diện nhân bản, văn hoá và thiêng liêng của phần nhân sự dấn thân trong cộng việc mục vụ. Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp đến sẽ là một phương thế để kiểm chứng và khuyến khích thực hiện yêu cầu vừa nói, và là con đường cần thiết của Giáo Hội tại đại lục phi châu. Ðối với nhiều vị Chủ Chăn, thì đây là lần đầu tiên các ngài tham dự vào Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, bởi vì 70% các vị giám mục hiện nay đã không tham dự vào Khoá Họp lần thứ I của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu.

Nội Dung của Văn Kiện Ðại Cương.

Như Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI mong ước, Khoá Họp đặc biệt sắp đến của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu sẽ bàn đến những đề tài quan trọng về hoà giải, công bằng và hoà bình trong khung cảnh toàn diện của công cuộc rao giảng tin mừng tại phi châu.

Chủ đề của Khoá Họp lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu nói lên rõ ràng rằng dòng suy tư của khoá họp được đặt trong đường hướng của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Giáo Hội tại Phi Châu", một văn kiện có tầm quan trọng căn bản cho Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu; được công bố ngày 14 tháng 9 năm 1995 tại Yaaoundé, nước Camerun. Tông Huấn đúc kết những kết quả của Khoá Họp đặc biệt lần thứ I của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Chọn lựa nói trên đã được quyết định một cách ý thức để nhắm đến hai mục tiêu. Trong việc chuẩn bị cho Khoá Họp đặc biệt lần thứ hai của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, người ta cần phải kiểm điểm xem đâu là những khía cạnh tích cực trong giáo hội và trong xã hội đã được thực hiện, tiếp theo sau Tông Huấn hậu thượng Hội Ðồng Giám Mục. Các thành phần Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của những vị Chủ Chăn, cũng sẽ được mời gọi đề ra những chủ đề khác mà hiện còn đang chờ được thực hiện. Cuối cùng, tất cả mọi người đều có thể suy tư về vài câu hỏi đã xuất hiện trong Khoá Họp đặc biệt lần thứ I, nhưng giờ đây, với ánh sáng của sự phát triển mới trong giáo hội và trong xã hội, lại cần được đào sâu thêm trong Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Văn Kiện Ðại Cương gồm có lời tựa, phần nhập đề và 5 chương.

Chương thứ I có tựa đề như sau: Phi Châu vào lúc bình minh của thế kỷ XXI. Chương này mô tả vắn tắt hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo của đại lục Phi Châu, kể từ sau khi công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Giáo Hội tại Phi Châu", vừa xác định những khía cạnh tích cực cũng như những khía cạnh tiêu cực, trong thời gian 10 năm qua. Trong khung cảnh này, người ta cũng khảo sát vai trò của các tôn giáo và, một cách đặc biệt, tương quan giữa kitô giáo và hồi giáo, một chủ đề khá thời sự và vượt ra ngoài những ranh giới của Phi Châu. Thêm nữa còn có những vấn đề liên quan đến cuộc đối thọai đại kết với các giáo hội và các cộng đoàn giáo hội chưa hiệp thông hoàn toàn với giáo hội công giáo. Tuy nhiên, nền văn hoá căn bản của người dân Phi Châu, được hình thành từ tôn giáo truyền thống phi châu, là môi truờng thuận lợi cho công cuộc đối thọai đại kết và liên tôn.

Chương thứ II của Văn Kiện Ðại Cương có tựa đề như sau: Chúa Giêsu Kitô, là Lời và là Bánh Hằng Sống, là Sự Hoà Giải, là Công Bằng và Hoà Bình của chúng ta. Chương này có tầm quan trọng nền tảng. Thật vậy, cả trong hoàn cảnh hiện nay, -- một hoàn cảnh có nhiều hứa hẹn nhưng đồng thời không thiếu những quan tâm trầm trọng, --- Chúa Giêsu Kitô xuất hiện như là Ðấng Cứu Rỗi của người dân Phi Châu, như là nguồn mạch Tin Mừng soi sáng cho thực tại đầy phức tại tại Phi Châu, vừa đồng thời hướng dẫn Giáo Hội trên con đường Hoà Giải, Hoà Bình và Công Bằng.

Chương thứ III bàn về đề tài: Giáo Hội, Bí Tích của sự Hoà Giải, của Công Bằng và Hoà Bình tại Phi Châu. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, đại gia đình của Thiên Chúa, ngõ hầu giáo hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa trong thế gian, suốt trong lịch sử nhân loại. Trong công tác rao giảng Phúc Âm của mình, Giáo Hội trở thành dấu chỉ và phương tiện của sự hoà giải, công bằng, và hoà bình. Khi thực hiện công tác này, thì điều có tầm quan trọng lớn lao là Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội cần được áp dụng vào hoàn cảnh Phi Châu. Trong một đại lục bị thương tích vì nhiều cuộc chiến, và với nhiều cảnh sống có thể được định nghĩa một cách nửa chừng, -- không hẳn chiến tranh và cũng không hẳn hoà bình, -- Giáo Hội Công Giáo được mời gọi chu toàn vai trò tiên tri cổ võ cho sự hoà giải, theo gương "Thầy Chí Thánh của mình", Ðấng đã "làm cho hai dân tộc khác nhau được nên một, bằng cách hạ xuống bức tường phân rẻ, là sự thù hận" ( Eph 2,14). Tại nhiều quốc gia Phi Châu, chỉ có Giáo Hội công giáo mới có uy tín tinh thần, để thực hiện công cuộc nói trên, để làm ích cho toàn thể xã hội.

Chuơng thứ IV có tựa đề như sau: Chứng tá của Giáo Hội chiếu toả ánh sáng của Chúa Kitô trên thế gian. Rao giảng sự cứu rỗi có sức giải phóng con nguời trong mọi chiều kích của nó: thiêng liêng, luân lý, văn hoá, xã hội, kinh tế, là bổn phận của mọi thành phần giáo hội, đại gia đình của Thiên Chúa: giám mục, linh mục, những người tận hiến, các giáo dân; đây còn là công tác của các cơ chế trong giáo hội, nhất là của các Hội Ðồng Giám Mục, và những Ủy Ban Giám Mục về Công Lý và Hoà Bình. Ðể thay đổi những hoàn cảnh xã hội và kinh tế tại nhiều quốc gia Phi Châu, thì điều càng ngày càng khẩn thiết hiện nay là công cuộc huấn luyện dành cho hàng giáo dân công giáo. Ðây sẽ là những giáo dân công giáo trưởng thành, để cho mình được hướng dẫn bởi những nguyên tắc kitô về phục vụ, trong những sinh hoạt công khai của họ, vừa quan tâm cổ võ công ích, trong đó có chỗ quan trọng dành cho nền văn hoá của sự sống, cho cuộc tranh đấu chống nạn tham nhũng, cho công cuộc phát triển toàn diện, thiêng liêng và vật chất, cho tất cả mọi người dân phi châu, vân vân... Trong số những khía cạnh cần được chú ý đặc biệt, tưởng cũng nên nhắc đến khía cạnh mối liên hệ giữa sự hoà giải và sự tha thứ, hai điều kiện của nền hoà bình xã hội; và nền hoà bình xã hội này, đến phiên mình, tạo ra được những điều kiện thuận lợi cho sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau giữa mọi nguời dân, kể cả những người dân thuộc thiểu số. Như thế, được tạo ra những điều kiện để thiết lập công bằng nhiều hơn giữa tất cả mọi công dân của bất cứ quốc gia nào. Trong Văn Kiện Ðại Cương, giáo hội lặp lại lời kết án việc buôn bán các vũ khí, cách chung do các quốc gia giàu có bán ra, để rồi được xử dụng trong những cuộc chiến huynh đệ tương tàn tại các quốc gia nghèo ở phi châu; các quốc gia nghèo này tiêu xài một cách vô trách nhiệm phần tài nguyên ít ỏi, mà đáng lý ra cần phải được xử dụng, để phát triển sự sung túc của các công dân trong đất nước.

Chương thứ V bàn về chủ đề: Những nguồn sức mạnh tinh thần để cổ võ sự Hoà Giải, Công Bằng và Hoà Bình tại Phi Châu. Ðể có thể chu toàn sứ mạng quan trọng nói trên, mọi thành phần Giáo Hội: giám mục, linh mục, những người sống đời tận hiến và giáo dân, tất cả đều được mời gọi trở nên Muối Ðất và Ánh Sáng thế gian (x. Mt 5,13.14), vừa dấn thân trong công tác khẩn cấp của công cuộc tái rao giảng Phúc âm. Mọi thành phần Giáo Hội cần phải rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và bằng đời sống nêu gương của chính mình. Nguồn mạch của tinh thần tu đức này, được gặp thấy trong sinh họat Phụng Vụ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ, trong việc tôn thờ Thánh Thể, và trong những hình thức cầu nguyện khác nữa của Giáo Hội.

Giáo Hội, đại gia đình của Thiên Chúa, là bí tích cứu rỗi, được Chúa Thánh Thần linh động, có những nguồn sức mạnh, để có thể thay đổi bộ mặt trái đất, tại Một Phi Châu đã được hoà giải, trong đó các dân tộc sống trong hoà bình, cùng tiến bước đến tình trạng tiến bộ quân bình và đạt được sự công bằng xã hội nhiều hơn.

Vào cuối Văn Kiện Ðại Cương, có bản 32 câu hỏi, được phân chia theo từng chương của Văn Kiện. Bản Câu Hỏi giúp cho việc suy tư và thảo luận tại các cộng đoàn khác nhau, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, các Hội Ðồng Giám Mục, để thu thập những thông tin cập nhật, sát thực tế, và những đề nghị cụ thể, để rồi được đào sâu thêm trong Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðể thực hiện điều này, chúng tôi đón nhận ước mong của các Giám Mục muốn có đủ thời gian, trong khoảng chừng 2 năm, để phổ biến Văn Kiện Ðại Cương này trong các thứ tiếng địa phương, và để thảo luận về nội dung của nó. Những trả lời cho bản Câu Hỏi của hai Thượng Hội Ðồng của các Giáo Hội Ðông Phương Công Giáo (...) và của 32 Hội Ðồng Giám Mục tại Phi Châu, cần được gởi về Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, hạn chót là tháng 11 năm 2008. Như những lần khác, Ban Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, với sự giúp đỡ của Ủy Ban Ðặc Biệt về Phi Châu, sẽ cố gắng soạn ra một văn bản, được gọi là " Tài Liệu Làm Việc", là Văn Kiện làm nền cho công việc thảo luận trong Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu.

Phần Ðức Thánh Cha, vào lúc do ngài quyết định, Ðức Thánh Cha sẽ công bố chính thức thời gian cử hành Khoá Họp, sau khi nhận thấy công việc chuẩn bị đã được thực hiện tương xứng.

Như mọi Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục khác, Khoá Họp đặc biệt lần thứ II Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, chắc chắn sẽ phong phú hoá Giáo Hội Công Giáo, được đại diện bởi vị Giám Mục Roma và những cộng sự viên của ngài tại Giáo Triều Roma, và bởi những giáo hội địa phương tại Phi Châu, trong sự trao đổi những hồng ân thiêng liêng đã được ban cho giáo hội. Ðây là công việc của Thiên Chúa, qua trung gian những vị đại diện cho hàng giám mục tại Phi châu, họp nhau quanh Ðức Thánh Cha, Chủ Chăn của Giáo Hội phổ quát, để chăm chú lắng nghe điều mà Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo Hội tại Phi Châu (x. KH 2,7), vào lúc bắt đầu ngàn năm thứ ba của kitô giáo. Chắc chắn rằng những suy tư được khơi dậy, sẽ rất quan trọng cho hiện tại và tương lai của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu và cho họat động mục vụ của giáo hội, trong vai trò làm men cho một xã hội đã được hoà giải hơn, công bằng hơn và an bình hơn.

 

Giờ đây, trong phần cuối cùng của bài thuyết trình, Ðức Tổng Giám Mục Nikola Etêrovic nói thêm 4 điểm liên quan đến tình trạng của Phi Châu cũng như liên quan đến sinh họat của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu. Ðức Tổng Giám Mục nói như sau:

 

4 điểm liên quan đến tình trạng của Phi Châu cũng như liên quan đến sinh họat của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu.

Ðể đặt mình một cách tốt hơn trong thực tại Phi Châu ngày nay, thiết tưởng nên nhắc lại nơi đây vài biến cố đã được nhắc đến trong Văn Kiện Ðại Cương, và là những biến cố đã ghi dấu phi châu từ năm 1994 cho đến năm 2006, một cách tích cực lẫn tiêu cực. Những biến cố này đã có ảnh hưởng trên họat động mục vụ của Giáo Hội.

1) Trong số những khía cạnh tích cực, người ta có thể nhấn mạnh đến sức sống mạnh của Giáo Hội tại Phi Châu; sức sống mạnh này được thể hiện trên bình diện xã hội học, qua những con số thống kê đã được nhắc đến trước đây. Chiều kích hữu hình này, trong những cơ cấu tổ chức cụ thể, là dấu chỉ cho một sự trưởng thành từ từ bên trong nội bộ Giáo Hội, mặc cho những khó khăn khác nhau, không thể trách được trong bất cứ sự truởng thành nào. Một trong những khía cạnh đầy ý nghĩa của sức sống mạnh mẽ trong công cuộc rao giảng phúc âm, là khía cạnh truyền giáo. Từ các giáo hội địa phương, đã được sai đi càng ngày càng nhiều hơn những người con nam nữ có tài năng, để rao giảng Phúc âm tại những vùng khác nữa trong đại lục Phi Châu, và cả tại những giáo phận trên toàn thế giới đang cần đến họat động của những người con này.

Giáo Hội Công Giáo tiếp tục dành ưu tiên cho công cuộc rao giảng Phúc Âm, loan báo Tin Mừng cho kẻ gần người xa, với những cử hành Phụng Vụ, việc giảng dạy giáo lý cho tín hữu, việc dạy giáo lý cho người tân tòng, nhờ qua các phương tiện truyền thông xã hội, và nhất là bằng mẫu gương đời sống kitô. Việc loan báo Tin Mừng được đi kèm với những sáng kiến trong lãnh vực cổ võ phát triển xã hội. Giáo Hội trong toàn đại lục Phi Châu luôn sinh động và trở thành điểm quy chiếu không những trên bình diện tôn giáo, mà còn cả trên bình diện xã hội nữa. Giáo Hội dấn thân khá sâu vào trong việc cổ võ tôn trọng những quyền lợi của con người, trong việc cổ võ hoà bình, hoà giải, và công bằng, ở cấp địa phương, vùng và đại lục.

2) Tuy nhiên, vẫn còn vài vấn đề mà Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Phi Châu "Giáo Hội tại Phi Châu", đã chỉ ra với những lời như sau: "sự thiếu dinh dưỡng, sự xuống cấp về phẩm chất đời sống, sự thiếu thốn những phương tiện để huấn luyện giới trẻ, sự thiếu vắng những dịch vụ căn bản về y tế và xã hội; sự thiếu vắng này kéo theo hệ luận là sự tồn tại những căn bệnh dịch, sự phổ biến của tai ương khủng khiếp bệnh AIDS, nạn nợ nước ngoài đã trở thành nặng nề và không còn có thể chịu được nữa, sự khủng khiếp của những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được nuôi dưỡng bởi nạn buôn bán vũ khí không còn lương tâm nữa, cảnh sống đáng hổ thẹn và nghèo cùng của những anh chị em di dân.

Buồn thay, vài vấn đề trong số những vấn đề được nêu trên, không những không được giải quyết, mà còn trở nên trầm trọng hơn, trong thời gian gần đây. Trong một thế giới được ghi dấu bởi tiến trình toàn cầu hoá, thì xem ra như đại lục Phi Châu càng ngày càng bị loại ra bên lề. Hiện đang nẩy sinh một kiểu cách mới để lạm dụng những nguồn phong phú các tài nguyên của Phi Châu, trong khi mà đại đa số dân chúng sống dưới mức nghèo. Cũng giống như tại vài nơi khác trên thế giới, người ta chứng kiến sự áp đặt, ít ra cách gián tiếp, của một nền văn hoá xa lạ với những giá trị truyền thống Phi Châu.

Từ phương diện kinh tế, trong những năm gần đây, hoàn cảnh của những quốc gia nghèo tại Phi Châu, cách chung đã bị xuống dốc, mặc cho sự kiện các món nợ nước ngoài của vài quốc gia hoặc được giảm bớt hoặc được tha hoàn toàn.

Còn có những dấu chỉ đáng lo ngại khác nữa tại Phi Châu, xét theo bình diện dân chúng có được hưởng dùng những tài nguyên thiên nhiên để thoã mãn những nhu cầu căn bản của mình hay không. Chẳng hạn như, việc hưởng dùng nước sạch để uống, càng ngày càng trở nên khó khăn, và trong những tháng gần đây đã trở thành vấn đề trầm trọng do bởi nạn hạn hán kéo dài tại vài vùng Phi Châu. Tỉ lệ nạn trẻ nhỏ chết yểu đang gia tăng; cuộc chiến chống lại bệnh AIDS đang tiếp tục. Giáo Hội Công Giáo, với những cơ chế của mình, đang đi hàng đầu để đương đầu với những khó khăn này, qua việc giáo dục dân chúng và nhờ những cơ chế của mình như: nhà thương, viện khám bệnh và phát thuốc, trung tâm chăm sóc người phong cùi, nhà tiếp đón những anh chị em bị bệnh nan y trong giai đoạn chót, những nhà đón trẻ mồ côi, vân vân...

3) Việc triệu tập Khoá Họp đặc biệt thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu là do những lý do mục vụ, và được đặt trong khung cảnh của công cuộc tái rao giảng Phúc âm mà Giáo Hội đề nghị cho tất cả mọi người, và như thế, cho những ai sinh sống tại đại lục Phi Châu.

Công việc chuẩn bị và cử hành biến cố giáo hội quan trọng này cần giúp cho các Chủ Chăn của những giáo hội địa phương được biết rõ hơn thực tại phức tạp tại Phi Châu và trình bày thực tại này một cách tương xứng cho những giáo hội tại các đại lục khác, nhất là cho cộng đồng quốc tế. Tiếc thay, Phi Châu và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Phi Châu xuất diện rất ít trong những phuơng tiện truyền thông xã hội. Người ta hy vọng rằng Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ cổ võ cho một sự hiểu biết tốt hơn về thực tại Phi Châu, trên bình diện giáo hội phổ quát và, cách chung, trên bình diện cộng đồng quốc tế, nhắm đạt tới một sự cộng tác tích cực hơn trong việc cổ võ cho những dự án cụ thể, nhắm phục vụ con nguời và xã hội tại các quốc gia khác nhau.

4) Hy vọng rằng Khoá họp đặc biệt lần thứ II Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu sẽ là dịp quan phòng cho giáo hội công giáo đang hành trình tại Phi Châu, để kiện cường nhiều hơn nữa công cuộc rao giảng Phúc Âm của giáo hội tại Phi Châu. Có biết bao ân sủng mà các giáo hội địa phương tại Phi Châu cần đem ra chia sẻ, để củng cố lẫn nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Ðược linh động bởi Chúa Thánh Thần, Hồng ân của Chúa Giêsu Phục sinh, giáo hội công giáo sẽ có khả năng đóng góp phần quý giá, để thắng vượt những thách thức to lớn của giây phút hiện tại đối với xã hội phi châu, hay ít ra làm giãm bớt những khía cạnh tiêu cực.

Ðược quy tụ quanh vị giám mục Roma, các giám mục Phi Châu sẽ cống hiến cho toàn thể giáo hội niềm vui của một kitô giáo đầy sức sống và năng động, trong giai đọan đang phát triển, để có thể biến đổi những nền văn hoá khác nhau, và như thế, trở thành men (x. Lc 13,21), để làm phát sinh một xã hội mới biết tôn trọng tôn giáo và có tích chứa những giá trị nhân bản lớn. Về phần mình, ÐTC sẽ không bỏ sót cơ hội củng cố trong đức tin của các nghị phụ (x. Lc 22,32), đại diện cho hàng giám mục Phi Châu; và đến phiên mình, các giám mục sẽ thông truyền cho những anh chị em tại các giáo phận khác nhau, kinh nghiệm sống động về một đức tin kitô duy nhất, trong sự đa biệt ngôn ngữ được xử dụng. "Chỉ một Chúa, một Ðức Tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa duy nhất và là Cha." (Eph 4,5). Việc tham dự vào những công việc của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục từ phía Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng là chủ tịch của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, (việc tham dự này) là bảo đảm cho sự hiệp nhất trong tình bác ái của Giáo Hội phổ quát, một giáo hội vui lên vì nhận được từ những giáo hội địa phuơng và cống hiến lại cho những giáo hội địa phương này những hồng ân của đức tin, đức cậy và đức mến, trong nhiều hình thức khác nhau.

Vâng theo Văn Kiện Ðại Cương, chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Nữ Vuơng Hoà Bình và là Ðức Bà của Phi Châu, công việc chuẩn bị và cử hành Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, ngõ hầu Khoá họp mang lại nhiều hoa trái cho mọi thành phần Giáo Hội Công Giáo, cũng như cho các tín đồ của các tôn giáo khác, và cách chung, cho những nguời thiện chí, dấn thân vào công cuộc cỗ võ Hoà Giải, Công Bằng và Hoà Bình.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Như thế, chúng ta đã đọc xong bài thuyết trình của Ðức Tổng Giám Mục Nikola Etêrovic, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, để giới thiệu Văn Kiện Ðại Cương của Khoá Họp đặc biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page