Tổng Tu Nghị

của hội dòng Mến Thánh Giá Huế

(21/4/2006 - 15/5/2006)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một Hội Dòng Hy Vọng Tổng Tu Nghị Sẽ Ðem Lại Sự Ổn Ðịnh Trong Cộng Ðoàn Và Có Những Ðường Hướng Mới.

Huế, Việt Nam 14/05/2006 -- Một hội dòng Mến Thánh Giá ở miền trung Việt Nam hy vọng Tổng Tu Nghị sẽ đem lại sự ổn định trong cộng đoàn và có những quyết định thay đổi và điều chỉnh cho thích hợp với thời đại ngày nay.


Tân Bề trên Tổng Phụ Trách dòng MTG Huế, nữ tu Anna Trần Thị Hồng Tuý.


Tổng Tu Nghị của hội dòng Mến Thánh Giá Huế diễn ra từ ngày 21/4/2006 - 15/5/2006 tại trụ sở nhà mẹ An Lăng ở thành phố Huế, cách Hà Nội 658 kilômét về hướng nam. Nội dung Tổng Tu Nghị bàn về đời sống cộng đoàn, việc truyền giáo, chương trình huấn luyện, chỉnh sửa nội quy, và những hoạt động của hội dòng.

Chương trình bế mạc Tổng Tu Nghị diễn ra buổi tối ngày 15-5-2006 có sự tham dự của Ðức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể của Huế, Ðức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Ðệ của Bùi Chu, Cha Bề trên Tổng quyền Simon Trương Quỳnh của dòng Thánh Tâm Huế, Cha Bề trên Gioankim Hồ Quang Tâm của dòng Chúa Cứu Thế Huế, Cha thư ký Toà Tổng giám mục Huế, và tất cả các nữ tu, tập sinh, thỉnh sinh và đệ tử trong hội dòng.

Chương trình bế mạc kéo dài hơn 2 tiếng, với các nội dung chào mừng, báo cáo kết quả sau Tổng Tu Nghị, ban điều hành mới ra mắt, và các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng sự thành công của Tổng Tu Nghị.

Ðức cha Ðệ với tư cách là Thư ký của Ủy ban Tu Sĩ Việt Nam đã đồng hành với Tổng Tu Nghị để hướng dẫn từ đầu cho đến kết thúc. Ngài dùng kỹ thuật máy chiếu để báo cáo tổng quát về nghị quyết và đường hướng của hội dòng sau Tổng Tu Nghị cho các tham dự viên theo dõi.

Sau khi bế mạc Tổng Tu Nghị, Nữ tu Anna Trần Thị Hồng Túy, Tân Bề trên Tổng Phụ Trách, cho biết: "với nhiệm kỳ 4 năm, tôi sẽ ưu tiên đến việc củng cố nội bộ hội dòng và lấy câu 'Khởi sự lại từ Ðức Kitô' làm châm ngôn điều hành và châm ngôn sống cho cả hội dòng mình".

Chị Bề trên 56 tuổi, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo luật tại trường Ðại học quốc gia Strasbourg của Pháp, nói tiếp rằng: "Chúng tôi chủ trương mỗi cá nhân phải thường xuyên xét duyệt lại tư cách, thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của mình để thực sự trở thành một món quà trao ban cho nhau".

Tổng Tu Nghị cũng biểu quyết việc thuyên chuyển và thay đổi các nữ tu phục vụ lâu năm trong các cộng đoàn, chị Hồng Tuý cho rằng việc các nữ tu phục vụ lâu năm tại một cộng đoàn hay một giáo xứ nào đó "đôi lúc làm chị em nhàm chán, sáng kiến mòn dần, sinh ra khó tính, ù lì và thiếu cởi mở". Chị nói: "Nếu được thuyên chuyển sẽ giúp đời sống tu trì của chị em đổi mới và phát triển những tiềm năng của mình".

Chị Hồng Tuý nói tiếp: "Chúng tôi đăīc biệt chú trọng đến bầu khí huynh đệ và việc cầu nguyện trong cộng đoàn, vấn đề truyền giáo cho lương dân theo sứ mạng của Dòng, và đào tạo huấn luyện nhân sự đạt tiêu chuẩn người nữ tu Mến Thánh Giá trong thời đại hôm nay".

Theo chị Bề trên mới, "đào tạo nữ tu ngày nay phải huấn luyện toàn diện về các mặt như nhân bản, thiêng liêng, tín lý, mục vụ và chuyên môn theo bốn tương quan: với mình, với tha nhân, với Chúa và với thiên nhiên".

Chị Hồng Tuý nói thêm rằng: lớp trẻ ngày nay bị áp lực nhiều bởi một xã hội của công nghệ thông tin, duy vật chất và hưởng thụ, bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục chủ yếu dựa trên văn bằng, thành tích mà không có thành tâm, giả dối nhiều hơn là sự thật. "Vì vậy các em cần được huấn luyện nhiều về nhân bản, nhân cách tu sĩ, sự thành thật và nhất là tinh thần khổ chế".

Nữ tu Anna Trần Thị Hiện, một thành viên trong ban Tổng Cố Vấn của nhiệm kỳ mới này, cho biết: "Mục đích của chúng tôi là đào tạo nữ tu Mến Thánh Giá có chiều sâu nội tâm, có khả năng hoà nhập với những đối tượng phục vụ có hoàn cảnh sống như hiện nay, nhưng luôn ưu tiên cho những hoàn cảnh kém may mắn cả về thiêng liêng, tinh thần và vật chất".

Chị Hiện 45 tuổi, giải thích rằng: người nữ tu có chiều sâu nội tâm là người "luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi mối quan hệ và mọi công việc". Chị nói đối tượng phục vụ của các chị là những "người đau khổ, người phụ nữ, người nghèo, người ngoại giáo, người tri thức và người giáo dân trong các giáo xứ".

Nữ tu Anê Phan Thị Phú, một trong những nữ tu góp phần tích cực trong việc huấn luyện các đệ tử, chị cho biết: "Việc đào tạo các nữ tu trong xã hội hôm nay là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết để có thể đáp ứng phần nào trước những nhu cầu quá văn minh và tiến bộ của khoa học kỹ thuật".

Chị Phú 37 tuổi nói: "Chúng tôi không chỉ đào tạo cho các nữ tu về mặt kiến thức phần đời, nhưng trên hết và trước hết phải huấn luyện các nữ tu trưởng thành về mặt tâm linh để dung hoà giữa chiêm niệm và hoạt động theo đúng đường hướng của linh đạo và sứ mạng của hội dòng Mến Thánh Giá mà người nữ tu đã dấn thân".

Theo chị Phú, những người phụ trách điều hành cộng đoàn là "linh hồn của tập thể chị em và là đầu tầu của cả đoàn tầu đang vận hành, cộng đoàn tiến triển hay trì trệ và sinh động hay thụ động phần lớn nhờ vào tài lãnh đạo khéo léo của người điều hành".


Chương trình văn nghệ Bế mạc Tổng tu nghị dòng MTG Huế.


Ðối với chị Hiện thì cộng đoàn là "một gia đình đức tin" là "nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi", mỗi chị em đến từ mỗi địa phương, mỗi tuổi, mỗi hoàn cảnh gia đình, mỗi tâm lý và trình độ học vấn khác nhau "nhưng đều được Chúa mời gọi". Ðiều này làm "phong phú cho đời sống cộng đoàn", chính điều này mà "mỗi cá nhân cần ý thức mình thuộc về hội dòng, nên phải yêu mến hội dòng, để không ngại dấn thân trong mọi hoàn cảnh và diễn tả cách trung thực khuôn mặt của hội dòng trong cuộc sống", chị Hiện nói.

Theo chị Bề trên Hồng Tuý, Tổng Tu Nghị lần này là một cơ hội lớn để nhìn lại thực trạng truyền giáo của hội dòng. "Không phải để hãnh diện hay thất vọng, nhưng như là một khởi điểm để chúng tôi làm mới lại sứ mạng cao cả này. Hội dòng sẽ nhiệt thành hơn, hăng say hơn, thao thức hơn, nồng nàn hơn và tha thiết hơn cho phần rỗi các linh hồn".

Chị Hồng Tuý cho biết hội dòng của Chị sẽ dành một số cơ sở, cộng đoàn và nhân sự ưu tiên để toàn tâm toàn lực dấn thân lo việc truyền giáo chuyên biệt tại các vùng rất ít người Công Giáo như Ðông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh ở tỉnh Quảng Trị, Nguyệt Biều ở Huế và Nhượng Nghĩa ở Ðà Nẵng. "Toàn dòng quyết tâm đẩy mạnh việc truyền giáo bằng cách hy sinh, cầu nguyện, sống chứng tá, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự và ơn gọi truyền giáo", chị nói.

Theo Chị Tuý, dòng Mến Thánh Giá là dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam được Ðức Giám mục người Pháp Phêrô Lambert de la Motte sáng lập năm 1670. Là dòng mang bản sắc Á Ðông, vừa chiêm niệm và vừa hoạt động, có 3 lời khấn và hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Hiện nay ở Việt Nam có 23 hội dòng Mến Thánh Giá trực thuộc Ðức giám mục địa phương, chưa kể một số hội dòng ở Mỹ và các nước châu Á khác.

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế được thiết lập năm 1719 với số lượng nữ tu đông nhất so với các hội dòng Mến Thánh Giá khác, gồm 473 nữ tu, 53 tập sinh, 27 thỉnh sinh và 343 đệ tử đang phục vụ rải rác trong các Giáo phận miền trung, miền nam, Tây nguyên và các nước Ý và Pháp.

 

Ðàm Xuyên

 

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page