Những Lời Huấn Ðức của ÐTC Bênêđitô XVI

cho các Thành Viên Các Phong Trào Giáo Hội

và Các Cộng Ðoàn Mới

dịp Áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Lời Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho các Thành Viên Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Ðoàn Mới dịp Áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

(Radio Veritas Asia 4/06/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Gần 400,000 thành viên của khoảng 100 Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Ðoàn Mới, đã tựu về Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma, hôm chiều thứ Bảy, mùng 3 tháng 6 năm 2006, áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để cùng cầu nguyện với Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong giờ Kinh Chiều, chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Quảng Trường Thánh Phêrô không còn chỗ trống, và các thành viên Phong Trào phải đứng đầy cả Ðại Lộ Hoà Giải, tiếp liền với quảng trường, chạy dài ra đến bờ sông Tê-vê-rê.

Từ khoảng 3 giờ chiều --- thứ Bảy mùng 3 tháng 6 năm 2006 --- các thành viên các phong trào giáo hội và các cộng đoàn mới, đã bắt đầu cuộc họp mặt, qua việc chia sẻ các chứng từ và trình diễn thánh ca. Lúc 5 giờ 30 phút chiều, ÐTC đến quảng trường. Ngài đứng trên xe Jeep Mui Trần chạy một vòng chào các tín hữu hiện diện. Ðặc biệt Xe Jeep Mui Trần đã đưa ÐTC ra tận cuối Ðại Lộ Hoà Giải, để chào các tín hữu đứng đầy Ðại Lộ, vì không còn chỗ trong Quảng Trường.

Cuộc gặp gỡ với ÐTC được diễn ra trong hình thức cử hành Giờ Kinh Chiều Áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhưng trước khi bắt đầu Giờ Kinh, Ðức Hồng Y Stanislaus Rylko, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Giáo Dân, đã nói vài lời chào mừng ÐTC; rồi Chị Chiara Lubich, vị sáng lập Phong Trào Focolare, -- tức phong trào Tổ Ấm, -- đọc một sứ điệp ngắn gởi cộng đoàn. Sau đó khi cử hành Giờ Kinh Chiều, tiếp sau mỗi thánh vịnh và ca vịnh, có thêm phần suy niệm của những nhân vật quan trọng của các Phong Trào và Cộng Ðoàn, theo thứ tự như sau:

- Sau thánh vịnh thứ nhất, là bài suy niệm của Giáo Sư Andrea Riccardi, vị sáng lập Cộng Ðoàn Thánh Egidiô;

- sau thánh vịnh thứ hai, là bài suy niệm của ông Kiko Arguello, vị sáng lập Phong Trào Tân Dự Tòng;

- và sau ca vịnh, là bài suy niệm của Ðức Ông Julian Carron, chủ tịch của Cộng Ðoàn Hiệp Thông và Giải Phóng.

Cuối cùng, sau khi đọc đoạn Kinh Thánh của giờ Kinh Chiều, ÐTC Bênêđitô XVI, đã ngỏ lời với mọi người hiện diện. ÐTC đã đặc biệt giải thích về ý nghĩa của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và về bốn hồng ân của Chúa Thánh Thần: sự sống, sự tự do, sự hiệp nhất, và sự bao gồm toàn thể, để áp dụng cho các Phong Trào Giáo Hội và các Cộng Ðoàn mới. Mở đầu bài huấn đức dài và đầy ý nghĩa, ÐTC có những lời chào chúc như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Anh chị em đến thật đông vào chiều hôm nay tại Quảng Trường Thánh Phêrô này, để tham dự giờ cầu nguyện Áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Anh chị em thuộc về những dân tộc và những nền văn hoá khác nhau, và đại diện cho tất cả những thành viên của các Phong Trào Giáo Hội và các Cộng Ðoàn Mới, đang hướng tâm trí về vây quanh người kế vị thánh Phêrô, để nói lên niềm vui vì Tin vào Chúa Giêsu Kitô, và canh tân quyết tâm sống đời môn đệ trung thành của Chúa trong thời đại chúng ta hiện nay. Tôi cám ơn anh chị em vì đã đến tham dự và tôi xin gởi lời chào thân tình đến từng anh chị em. Những tâm tình thân thương của tôi cũng hướng về Quý Ðức Hồng Y, quý chư huynh đáng kính trong hàng giám mục, và quý anh em trong hàng linh mục, và các tu sĩ nam nữ. Tôi xin chào những anh chị em có trách nhiệm trong các phong trào giáo hội và các cộng đoàn mới; những thực thể này cho thấy sức mạnh sống động của tác động Chúa Thánh Thần trong Dân Chúa. Tôi xin chào tất cả những ai đã chuẩn bị cho biến cố đặc biệt này, và cách đặc biệt tất cả những ai làm việc trong Hội Ðồng Toà Thánh về Giáo Dân, cùng với Ðức Cha Tổng Thư Ký Josef Clemens, và Ðức Hồng Y Chủ Tịch Stanilaus Rylko. Tôi cám ơn Ðức Hồng Y Stanislaus Rylko vì những lời thân tình ngài vừa nói lên đối với tôi vào khởi đầu giờ Kinh Chiều này. Chúng ta cảm động nhớ lại cuộc Gặp Gỡ tương tự như cuộc gặp gỡ chiều nay, đã diễn ra cũng tại quảng truờng này, vào ngày 30 tháng 5 năm 1998, với Ðức Gioan Phaolô II đáng mến. Ngài là nhà rao giảng phúc âm vĩ đại của thời đại chúng ta. Ngài đã đồng hành với anh chị em và đã hướng dẫn anh chị em trong suốt triều giáo hoàng của ngài. Nhiều lần ngài đã xác định như là "điều Chúa quan phòng muốn" những hiệp hội và những cộng đoàn của anh chị em, nhất là bởi vì Chúa Thánh Thần, Ðấng Thánh Hoá, đã dùng những hiệp hội và cộng đoàn này, để thức tỉnh Ðức Tin nơi tâm hồn của biết bao người kitô và làm cho họ khám phá lại ơn gọi đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội, vừa giúp họ trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng, và được tràn đầy ngọn lửa yêu thương, hồng ân của chính Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời thứ nhất được chúng ta tìm thấy trong ca vịnh long trọng của ngày lễ Ngũ Tuần của Giáo Hội; đây là ca vịnh mà chúng ta đã dùng, để bắt đầu giờ kinh Chiều, như sau: "Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo..." Ca vịnh nhắc đến những câu đầu tiên của Kinh Thánh, những câu mô tả bằng hình ảnh công cuộc tạo dựng vũ trụ. Nơi những câu Kinh Thánh đầu tiên, điều được trước hết nói lên rằng Thánh Thần Chúa bay lượn trên cảnh hỗn độn, trên mặt nước. Thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của giáo hội, và do đó, một cách đặc biệt, là lễ của giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì thế mà thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này, --- trong tính cách rộng rãi bao la và trong tính cách toàn bộ của những định luật của nó --- hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó của Thánh Thần Sáng Tạo của Thiên Chúa. Sư khôn ngoan này mời gọi chúng ta hãy có thái độ run sợ, tôn kính. Chính những ai --- như nguời kitô --- tin vào Thánh Thần, Ðấng sáng tạo, thì ý thức rằng mình không thể sử dụng và lạm dụng thế giới và vật chất , xét như là nguyên liệu do hành động và ý muốn của chúng ta; rằng chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa, và như thế cũng là ngôi vườn của con người. Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất mà chúng ta nhìn thấy hiện nay, chúng ta nghe được như thể tiếng kêu than của tạo vật, tiếng kêu than được thánh Phaolô nói đến nơi thư Roma (8,22); chúng ta bắt đầu hiểu được những lời của thánh tông đồ Phaolô, rằng tạo vật đang nôn nóng chờ đợi mạc khải của những con cái Thiên Chúa, để được trở nên tự do và đạt đến nét vinh sáng của nó. Các bạn thân mến, chúng ta muốn được là những "con cái như thế" của Thiên Chúa, những "con cái" mà tạo vật đang đợi chờ; và chúng ta có thể trở nên như vậy, bởi vì trong bí tích Rửa Tội, Chúa đã làm cho chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Phải, tạo vật và lịch sử đang chờ đợi chúng ta, đang mong chờ những con người nam nữ được thật sự là những con cái của Thiên Chúa, và do đó hành xử như những con cái của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy như thế nào, quanh các đan viện, tạo vật đã có thể trở nên tươi tốt, thấy như thế nào, với việc Thánh Thần của Thiên Chúa được biểu lộ trong tâm hồn con người, thì vinh quang của Thánh Thần, Ðấng sáng tạo, được trở lại trên mặt đất, một nét vinh sáng đã bị làm lu mờ, và nhiều khi gần như bị tắt mất, do bởi những bạo tợn của việc con người say mê quyền lực. Và lại xảy ra cùng một điều như vậy quanh Thánh Phanxicô Assisi; Ðiều như vậy xảy ra bắt cứ nơi nào Thánh Thần của Thiên Chúa đến trong các tâm hồn, Thánh Thần mà bài ca vịnh gọi là ánh sáng, là tình yêu và là sức mạnh. Như thế chúng ta đã gặp được câu trả lời thứ nhắt cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Tuy nhiên, tạo vật tốt lành của Thiên Chúa, suốt trong dòng lịch sử của con người, đã bị phủ lấy bởi một vết nhơ, làm cho ta khó -- nếu không muốn nói là "không thể" -- nhận ra phản ánh của Ðấng Tạo Hoá trong tạo vật tốt lành đó, cả khi ta ngắm nhìn cảnh hoàng hôn, nơi mặt biển hay trong một cuộc du ngoạn trên núi; hoặc khi ta ngắm nhìn một đoá hoa đang nở tươi, thì luôn được thức tỉnh trong chúng ta, dường như một cách tự nhiên, niềm ý thức về sự hiện hữu của Ðấng Tạo Hoá.

Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Trong Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa nhập thể làm người và đã cho phép chúng ta --- nếu có thể nói như thế --- được nhìn vào trong cõi nội tâm của chính Thiên Chúa. Và nơi đó, chúng ta nhìn thấy một điều hoàn toàn không ngờ trước: đó là trong Thiên Chúa có một đối thoại, đối thọai giữa "Tôi" và "Kẻ Khác". Thiên Chúa nhiệm mầu và xa cách, không phải là một sự đơn độc vô cùng tận, nhưng Ngài là "hiện hữu Tình Thương".

Nếu từ cái nhìn về tạo vật, chúng ta nghĩ mình có thể thấy được Thánh Thần, Ðấng sáng tạo, thấy được chính Thiên Chúa, như thể là một quyền năng đặt ra những định luật cho thế giới, đặt ra trật tự của tạo vật, và sau đó, như là cái Ðẹp, thì giờ đây chúng ta được biết rằng: Thánh Thần, Ðấng sáng tạo, có một con tim. Ngài là Tình Yêu. Chúa Con luôn luôn đối thoại với Chúa Cha. Và cả hai trở nên Một trong Thánh Thần, Ðấng có thể được mô tả như là bầu khí để trao ban và sống Tình Yêu, làm cho các Ngôi Vị trở thành một Thiên Chúa Duy Nhất. Sự hiệp nhất yêu thương, là chính Thiên Chúa, là một sự hiệp nhất cuối cùng của điều có thể được gọi như là sự hiệp nhất của phân tử không thể phân chia. Quả thật, Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Duy Nhất.

Nhờ qua trung gian của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói được rằng chúng ta được nhìn vào trong sự sống thâm sâu của Thiên Chúa. Trong Phúc âm của ngài, Thánh Gioan đã nói lên điều này như sau: "Thiên Chúa, không ai đã thấy Ngài bao giờ; nhưng chính Con Một Ngài, Ðấng sống nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Con Một này đã mạc khải Ngài cho chúng ta." (Gn 1,18). Nhưng Chúa Giêsu không chỉ để cho chúng ta nhìn vào sự sống thâm sâu của Thiên Chúa; với Chúa Giêsu, Thiên Chúa như đi ra khỏi sự sống thâm sâu của Ngài, để đến gặp chúng ta. Ðiều này đã xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian, trong cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; đó là điều đã xảy ra trong Lời Chúa ngỏ với chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với việc đến gặp chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu muốn thực hiện nhiều hơn nữa. Chúa Giêsu muốn thực hiện sự hiệp nhất. Và đây là điều được nói lên bằng những hình ảnh của bữa tiệc mừng và của tiệc cưới. Chúng ta không nên chỉ biết điều gì đó từ Chúa Giêsu; nhưng qua trung gian của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải được thu hút vào trong Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu phải chịu chết và sống lại. Bởi vì giờ đây, Chúa Giêsu không còn hiện diện tại một nơi nhất định, nhưng từ nay về sau, Thánh Thần của Người, tức Chúa Thánh Thần, đến từ Chúa và đi vào trong tâm hồn chúng ta, vừa kết hiệp chúng ta với Chúa Giêsu và với Chúa Cha, nghĩa là với Thiên Chúa Duy Nhất nhưng có Ba Ngôi.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là như thế này: Chúa Giêsu, và nhờ qua Người, chính Thiên Chúa ngự đến trong chúng ta và thu hút chúng ta từ trong nội tâm. "Thiên Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống", Thánh Kinh diễn tả như thế. Nhưng thử hỏi hậu quả của việc ngự đến này là như thế nào? Tôi muốn nói đến trước hết hai khía cạnh: Chúa Thánh Thần, --- mà qua Ngài Thiên Chúa ngự đến trong chúng ta, --- mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Chúng ta hãy nhìn vào cả hai điều này một cách gần hơn nữa. Chúa Giêsu nói trong Phúc âm theo thánh Gioan như sau: "Ta đến ngõ  hầu họ được sống và sống dồi dào." (Gn 10,10). Sự sống và sự tự do là những gì tất cả chúng ta khao khát hướng về. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Ở đâu và bằng cách nào, chúng ta gặp được "sự sống"? Tôi nghĩ rằng, một cách tự nhiên, đại đa số con người có cùng quan niệm giống nhau về cuộc đời của đứa con đi hoang, như được kể trong phúc âm. Nguời con đó đã tiêu tán hết phần gia tài, và lúc đó cảm thấy mình được tự do. Nguời con đi hoang đó đã muốn sống cuộc đời mình mà không còn chút gánh nặng nào của những bổn phận phải thi hành tại nhà; người con đó chỉ muốn sống và sống, thế thôi. Người con đó muốn hưởng từ cuộc sống tất cả những gì cuộc sống có thể cung cấp cho. Người con đi hoang đó muốn hưởng thụ hoàn toàn, muốn sống và chỉ muốn sống, muốn say hưởng sự giàu sang của cuộc đời và không muốn bị thiệt thòi những gì quý giá mà cuộc sống có thể cung cấp cho. Cuối cùng, người con hoang đó phải đi chăn heo, và cho đến mức độ như "ganh tị" với những con heo đó - vì chúng được ăn mà mình thì phải đói và không được ăn những gì heo ăn --- như thế cuộc sống của người con đi hoang đó đã trở nên trống vắng, đã trở nên vô ích, biết là chừng nào! Và sự tự do của người con đi hoang cũng trở nên vô ích nữa! Thử hỏi, ngày hôm nay, không xảy ra tình trạng như vậy hay sao? Khi con người chỉ muốn làm "ông chủ" trên cuộc đời mình, thì cuộc đời càng ngày càng trở nên trống rỗng hơn và nghèo nàn hơn. Lúc đó, con người dễ dàng chạy trốn trong thuốc phiện, vào trong những ảo tưởng to lớn. Và con người phát sinh nghi ngờ không biết sự sống, xét cho cùng, có phải là điều tốt hay không?

Không, chúng ta không sống như thế được. Lời Chúa Giêsu nói về sự sống tràn đầy nằm trong những lời dạy của Ngài về vị Chủ Chăn nhân từ. Lời Chúa Giêsu nói về sự sống sung mãn, được đặt vào trong hai khung cảnh. Về vị chủ chăn, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng vị chủ chăn nhân từ đó hy sinh chính mạng sống mình. "Không ai lấy đi mạng sống Ta, nhưng chính Ta tự nguyện trao ban mà thôi" (Gn 10,18). Chúng ta gặp được sự sống, chỉ bằng cách cho đi sự sống mà thôi. Con người không gặp được sự sống, bằng cách muốn làm "ông chủ" trên sự sống theo ý riêng mình. Chúng ta cần học nơi Chúa Kitô điều vừa nói. Và Chúa Thánh Thần, Ðấng là Hồng Ân Tinh Tuyền, Ðấng là Vị Thiên Chúa Cho Ði Chính Mình, (chính Chúa Thánh Thần) dạy chúng ta bài học này. Một người càng hy sinh dâng hiến mạng sống mình cho kẻ khác, cho sự thiện, thì dòng sông sự sống lại càng tuôn chảy từ người đó. Sang điểm thứ hai --- trong ẩn dụ về Ðấng chăn chiên nhân lành --- Chúa nói với chúng ta rằng sự sống bắt đầu với việc cùng đi chung với vị Chủ Chăn, đấng biết rõ đồng cỏ, biết rõ những nơi nào có những nguồn mạch sự sống. Chúng ta gặp được sự sống trong sự hiệp thông với Ðấng là chính sự sống, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống, một sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta vào. Ca Vịnh của giờ Kinh Chiều gọi ngài là "nguồn mạch hằng sống" - "fons vivus". Cánh đồng cỏ, nơi phát sinh những nguồn mạch của sự sống, là Lời Chúa như chúng ta gặp được trong Kinh Thánh, trong đức tin của Giáo Hội. Ðồng cỏ nuôi sống đoàn chiên là chính Thiên Chúa, mà chúng ta học biết , nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, trong sự hiệp thông Ðức Tin.

Các bạn thân mến, những Phong Trào trong giáo hội đã được khai sinh do bởi niềm khao khát sự sống đích thật. Ðây là những Phong Trào phục vụ cho sự sống, dưới mọi khía cạnh. Nơi nào không còn tuôn chảy ra nguồn mạch đích thật của sự sống, nơi nào chúng ta chỉ lo chiếm giữ sự sống thay vì hy sinh trao ban sự sống, thì ở đó sự sống của những kẻ khác cũng sẽ bị nguy hiểm; nơi đó, con người sẵn sàng loại bỏ sự sống chưa được sinh ra, bởi vì cho rằng sự sống mới này sẽ chiếm thêm chỗ trong cuộc sống của con người.

Vậy nếu chúng ta muốn bảo vệ sự sống, thì trước hết chúng ta phải gặp lại nguồn mạch sự sống; và lúc đó sự sống cần xuất hiện trong tất cả vẻ đẹp và sự cao cả của nó; lúc đó chúng ta cần để cho mình được sống nhờ Chúa Thánh Thần, nguồn mạch sáng tạo của sự sống.

 

Ðến đây, Ðức Thánh Cha giải thích về hồng ân thứ hai, như đã được nhắc đến trước đây: đó là hồng ân sự tự do. ÐTC giải thích như sau:

 

Chủ đề về sự tự do vừa được nhắc sơ qua. Khi người con hoang đàng ra đi khỏi nhà cha, hai chủ đề sự sống và sự tự do được liên kết chung với nhau. Người con hoang đàng muốn sống, và do đó muốn được tự do hoàn toàn. Tự do, trong cái nhìn của người con hoang đàng, có nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì mình muốn; không phải chấp nhận bất cứ tiêu chuẩn nào nằm bên ngoài và bên trên tôi. Chỉ cần tuân theo ước muốn của tôi và theo quyết định của ý chí tôi. Ai sống như thế, thì sẽ mau đi đến xung đột với kẻ khác, muốn sống cùng một kiểu cách như vậy. Hậu quả tất nhiên của quan niệm ích kỷ về tự do là bạo lực, là sự phá hoại sự tự do và sự sống của nhau. Ngược lại, Kinh Thánh liên kết quan niệm về tự do với quan niệm về việc làm con thảo. Nơi thư Roma, chương 8 câu 15, thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết như sau: "Anh em đã không lãnh nhận một tinh thần của kẻ làm nô lệ, để phải rơi vào sự lo sợ, nhưng anh em đã lãnh nhận tinh thần nghĩa tử ---- mà nhờ đó chúng ta kêu lên: "Abba, thưa Cha!" (Roma 8,15). Thử hỏi điều này có nghĩa gì? Thánh Phaolô giả thiết khung cảnh xã hội thời cổ, trong đó có những người nô lệ, những kẻ không có gì cả và do đó không thể nào được hưởng cách đúng mọi sự. Ðối lại có những người con có quyền thừa tự và do đó phải lo gìn giữ và quản lý tốt những của cải sở hữu hoặc phải lo gìn giữ Nhà Nước. Xét vì những người con này là những con người tự do, nên họ cũng có trách nhiệm. Nhìn theo khung cảnh xã hội của thời đó, nguyên tắc sau đây luôn có giá trị: đó là tự do và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Sự tự do đích thật được thể hiện trong trách nhiệm, để khi người đó hành động, thì có đồng trách nhiệm về thế giới, về chính mình và về kẻ khác. Sống tự do ở đây là người con có vật sở hữu thuộc về mình, và do đó không cho phép vật sở hữu đó bị phá hủy đi.

Tuy nhiên tất cả những trách nhiệm trần thế, mà chúng ta vừa nói đến trước đây, là những trách nhiệm hữu hạn, đối với một môi trường nhất định, một Nuớc Nhà nhất định, vân vân... Ngược lại, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên những con cái của Thiên Chúa. Ngài liên hệ chúng ta vào trong chính trách nhiệm của Thiên Chúa đối với thế giới, đối với toàn thể nhân lọai. Ngài dạy chúng ta nhìn thế giới, kẻ khác và chính bản thân mình, với đôi mắt của Thiên Chúa. Chúng ta thực hiện điều tốt, không phải như những kẻ nô lệ không có tự do để làm khác đi; nhưng chúng ta thực hiện điều tốt, bởi vì đích thân chúng ta có mang lấy trách nhiệm đối với toàn thể; bởi vì chúng ta yêu mến sự thật và điều thiện; bởi vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa và do đó yêu mến cả những tạo vật của Ngài. Và đây là sự tự do thật, mà Chúa Thánh Thần muốn hướng dẫn chúng ta đến. Các Phong Trào giáo hội muốn được là và cần phải là những trường học huấn luyện con người biết sống tự do, một sự tự do đích thực. Nơi những phong trào đó, chúng ta muốn học sống sự tự do đích thật này, không phải sự tự do của kẻ nô lệ, một sự tự do nhắm đến việc cắt ra để dành lại cho chính bản thân mình một phần từ cái bánh chung cho tất cả, cả khi phần mà mình lấy đi đó làm cho kẻ khác bị thiếu. Chúng ta ao ước có sự tự do đích thật và to lớn, sự tự do của những người con thừa tự, sự tự do của những con cái của Thiên Chúa. Trong thế giới này, một thế giới có đầy những tự do giả tạo và gây ra sự tàn phá môi sinh và con người, chúng ta muốn, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng nhau học hỏi để có sự tự do đích thật; chúng ta muốn cùng nhau xây lên những trường học dạy con người sống tự do đích thật; chúng ta muốn cùng nhau chứng minh bằng chính đời sống mình cho kẻ khác biết rằng chúng ta là những kẻ tự do, và chứng minh cho kẻ khác biết điều đẹp đẽ biết bao, khi chúng ta thật sự tự do, trong sự tự do thật của những con cái của Thiên Chúa.

 

Tiếp đây, ÐTC nói đến hồng ân Hiệp Nhất, với những lời như sau:

 

Chúa Thánh Thần, khi trao ban sự sống và sự tự do, thì Ngài cũng trao ban sự hiệp nhất. Ðó là ba ân ban không thể nào tách rời ra được. Tôi đã nói dài quá rồi; tuy nhiên, anh chị em hãy cho phép tôi nói thêm vài lời về sự hiệp nhất. Ðể hiểu sự hiệp nhất, có một câu kinh thánh có thể giúp ta hiểu; thoạt tiên, câu này xem ra như đưa ta đi xa khỏi vấn đề về sự hiệp nhất. Ðó là câu Chúa Giêsu nói với Ông Nicôdêmô, khi ông này muốn tìm biết sự thật và đến với Chúa Giêsu ban đêm với một số câu hỏi. Chúa đã nói với Ông như sau: "Chúa Thánh Thần thổi đâu Ngài muốn" (Gn 3,8). Nhưng ý muốn của Chúa Thánh Thần không có tính cách tự quyết đoán. Ý muốn của Ngài là ý muốn sự thật và sự thiện. Do đó, Ngài không thổi bất luận nơi đâu, khi thì bên này khi thì bên kia; hơi thổi của Ngài không phân tán chúng ta, nhưng quy tụ chúng ta lại, bởi vì sự thật có sức kết hợp và tình yêu cũng có sức kết hợp. Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Thần kết hiệp Chúa Cha với Chúa Con trong Tình Yêu mà Thiên Chúa duy nhất trao ban và đón nhận. Chúa Thánh Thần hiệp nhất chúng ta, đến độ Thánh Phaolô nói như sau: "Anh em là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,28). Chúa Thánh Thần, cùng với hơi thổi của Ngài, thôi thúc chúng ta đến với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần tác động cách cụ thể; Ngài không tác động chỉ một cách "chủ quan", một cách thiêng liêng. Phản ứng trước thái độ các môn đệ cho rằng Ngài chỉ là một "tinh thần", không còn xác thể nữa, Chúa Kitô phục sinh đã nói với các ngài như sau: "Chính thực là Thầy đây! Hãy sờ vào Thầy và hãy xem; một tinh thần thuần tuý, -- một bóng ma -- thì không có xương thịt như anh em nhìn thấy Thầy có đầy đủ đây (x. Lc 24,39). Ðiều này có giá trị đối với Chúa Kitô phục sinh, trong mọi thời đại của lịch sử. Chúa Kitô không phải là một "bóng ma", không chỉ là một tinh thần, một tư duy, một ý tưởng. Ngài luôn là Ðấng nhập thể-là Ðấng đã nhận lấy xác thể con người chúng ta; Ngài luôn tiếp tục xây dựng Nhiệm Thể của Ngài, luôn làm cho chúng ta trở nên Nhiệm Thể của Ngài. Chúa Thánh Thần thổi đâu Ngài muốn, và ý muốn của Ngài là sự hiệp nhất nhập thể, là sự hiệp nhất đến gặp gỡ với thế giới và biến đổi thế giới.

Trong thư Ephêsô, Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết rằng Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, có nhiều phần (x. 4,16); và ngài kể ra những thành phần đó như sau: các tông đồ, các tiên tri, các nhà rao giảng phúc âm, các mục tử và các thầy dạy (x. 4,12). Chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần, trong những hồng ân Ngài ban, là Ðấng được thể hiện trong muôn vàn hình thức. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, nếu chúng ta nhìn vào cộng đoàn đang hợp nhau tại quảng trường Thánh Phêrô này, thì chúng ta khám phá rằng Chúa Thánh Thần luôn khơi dậy những hồng ân mới; chúng ta nhận thấy thật là khác biệt biết chừng nào, những tổ chức mà Chúa Thánh Thần tạo ra; chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần luôn họat động một cách cụ thể biết là chừng nào. Nhưng trong ngài, sự đa dạng và sự hiệp nhất luôn đi đôi với nhau. Ngài thổi đâu Ngài muốn. Ngài tác động một cách không ngờ trước được, tại những nơi không biết trước và trong những hình thức không thể tưởng tượng trước được. Chúa Thánh Thần đã hành động một cách đa dạng và cụ thể biết là chừng nào! Sự đa dạng và sự hiệp nhất không thể nào tách rời ra được trong hành động của Ngài. Ngài muốn sự đa dạng của anh chị em, và Ngài muốn anh chị em kết thành một thân thể, trong sự hiệp thông với những trật tự bền vững - những thành phần - của Giáo Hội, với những người kế vị các tông đồ và với đấng kế vị thánh Phêrô. Ngài không cất đi cố gắng cực nhọc chúng ta cần phải có, để học biết cách đối xử với nhau; ngài chứng minh cho chúng ta biết rằng ngài tác động trong viển tượng của một thân thể duy nhất. Và chỉ như thế sự hiệp nhất mới có được sức mạnh và vẻ đẹp của nó. Anh chị em hãy tham dự vào việc xây dựng một thân thể duy nhất! Các vị chủ chăn sẽ chú ý để không dập tắt Chúa Thánh Thần (I Ts 5,19) và anh chị em sẽ không ngừng mang những hồng ân mình đã lãnh nhận đến xây dựng cộng đoàn. Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa Thánh Thần thổi đâu Ngài muốn. Nhưng ý muốn của Ngài là sự hiệp nhất. Ngài hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô trong Nhiệm Thể của Chúa. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: "Nhờ Chúa Kitô, trọn cả nhiệm thể được quy tụ lại và được liên kết với nhau, với sự cộng tác của mọi thành phần và theo năng lực của mỗi người; trọn cả nhiệm thể này lãnh nhận sức mạnh từ Chúa Kitô để tăng trưởng ngõ  hầu xây dựng chính mình trong tình bác ái" (Eph 4,16).

Chúa Thánh Thần muốn sự hiệp nhất, muốn sự bao gồm tất cả. Vì thế, sự hiện diện của Ngài được chứng minh nhất là trong sức hăng say dấn thân truyền giáo. Ai đã gặp được điều gì là thật, là đẹp, là tốt, trong đời sống mình - gặp được kho tàng thật và duy nhất, gặp được viên ngọc quý giá nhất ! -- thì hăng hái chạy đi loan truyền khắp nơi, trong gia đình và tại nơi làm việc, trong tất cả mọi môi trường của cuộc sống. Người đó làm như vậy mà không lo sợ chi cả, bởi vì biết rõ mình đã lãnh nhận ơn trở nên con cái của Thiên Chúa; người đó sẽ không tự phụ, bởi vì tất cả đều là hồng ân; người đó sẽ không ngã lòng, bởi vì Thánh Thần của Chúa đi trước người đó nơi "tâm hồn" con người và như là hạt giống trong những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Người đó thực hiện công việc loan truyền không biên giới, bởi vì đang mang trong mình Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi dân tộc.

Các bạn thân mến, một lần nữa, Tôi yêu cầu các bạn nhiều điều hơn nữa; Tôi yêu cầu các bạn hãy là những cộng tác viên trong thừa tác vụ tông đồ phổ quát của Ðức Giáo Hoàng, bằng cách mở ra những cánh cửa cho Chúa Kitô. Ðây là công việc phục vụ tốt nhất của Giáo Hội cho con người, nhất là cho những người nghèo khổ, ngõ hầu đời sống con người, ngõ hầu một trật tự công bằng hơn trong xã hội và sự chung sống hoà bình giữa các quốc gia, gặp được "viên đá góc" nơi Chúa Kitô, để nhờ dựa trên viên đá góc này mà xây dựng nền văn minh đích thực, nền văn minh của tình thương. Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu cái nhìn cao hơn về thế giới, về sự sống, về lịch sử và làm cho các tín hữu trở thành kẻ gìn giữ niềm hy vọng không bao giờ làm con người rơi vào ảo tưởng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu việc cử hành Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, được trở nên như ngọn lửa nóng sốt và như luồng gió mạnh cho đời sống kitô và cho sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Tôi xin đặt những ý chỉ cầu nguyện của các Phong Trào và Cộng Ðoàn của anh chị em trong con tim của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria rất thánh, Ðấng hiện diện trong Phòng Tiệc Ly cùng với các Tông Ðồ; Xin Mẹ khẩn cầu cùng Chúa ban cho những ý chỉ đó được thực hiện cụ thể. Tôi khẩn xin Ơn Chúa Thánh Thần đổ tràn xuồng trên tất cả mọi người, ngõ hầu kinh nghiệm về một Lễ Hiện Xuống Mới có thể được thực hiện cả trong thời đại chúng ta nữa!

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trên đây là bản dịch Việt ngữ trọn bài Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho các Thành Viên Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Ðoàn Mới vào chiều thứ Bảy, mùng 3 tháng 6 năm 2006, dịp Áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Kính chào quý vị và xin hẹn gặp lại.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page