Bài Giảng của ÐTC Beneđitô XVI
trong Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
vào Chúa Nhật mùng 4/06/2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của ÐTC Beneđitô XVI trong Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào Chúa Nhật mùng 4 tháng 6 năm 2006, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma.
(Radio Veritas Asia 5/06/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 6 năm 2006, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ÐTC Bênêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ trọng thể tại Quảng Trường Thánh Phêrô, cùng với các Vị Hồng Y có mặt tại Roma đồng tế, và với sự tham dự của hơn 100,000 tín hữu Roma và khách hành hương. Sau phúc âm, ÐTC đã giảng khuyên như sau:
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ Ngủ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống cách uy phong trên các Tông Ðồ; sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới đã bắt đầu như thế. Chính Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho 11 Tông Ðồ thi hành sứ mạng, bằng cách hiện ra cho các ngài nhiều lần sau khi sống lại (x. CV 1,3). Trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các ngài "đừng rời Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi cho đến khi lời hứa của Thiên Chúa Cha được thực hiện (x. CV 1,4-5); nghĩa là Chúa đã yêu cầu các ngài hãy ở lại chung với nhau để chuẩn bị lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Và các ngài họp nhau trong kinh nguyện cùng với Mẹ Maria trong Phòng Tiệc Ly, để chờ biến cố Chúa đã hứa (x. CV 1,14).
"Ở lại chung với nhau" là điều kiện do Chúa Giêsu đặt ra, để đón nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Sự cầu nguyện lâu dài là điều cần thiết cho sự đồng tâm của các tông đồ. Như thế, chúng ta nhận ra được một bài học quý giá cho mọi cộng đoàn kitô. Con người thường cho rằng hiệu quả của việc truyền giáo tùy thuộc chính yếu vào việc nghiêm chỉnh hoạch định chương trình và tiếp đó tuỳ thuộc vào việc thi hành chương trình cách khôn ngoan, qua một dấn thân cụ thể. Nhưng điều chắc chắn là Chúa yêu cầu chúng ta cộng tác; trước bắt cứ sự đáp trả nào của chúng ta, điều cần thiết là chính sáng kiến của Chúa; chính Thánh Thần của Chúa là vị tác động chính của Giáo Hội. Những gốc rễ của thực tại chúng ta và gốc rễ của hành động chúng ta nằm trong sự thinh lặng đầy khôn ngoan và tiên liệu của Thiên Chúa.
Những yếu tố mà Thánh Sử Luca dùng để chỉ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống --- tức gió và lửa --- nhắc lại Núi Sinai, nơi Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho dân Israel và đã ký giao ước với họ (x. Ez 19,3tt). Lễ Hội Sinai, mà dân Israel cử hành lúc 50 ngày sau lễ Vượt Qua, --- tức lễ Ngủ Tuần --- là lễ của Giao Uớc. Khi nói đến những hình lưỡi lửa (x. CV 2,3), thánh sử Luca muốn diễn tả "Lễ Ngủ Tuần" như là một biến cố "Sinai mới", như lễ của Giao Ước mới, trong đó Giao Ước với dân Israel xưa, nay được mở ra cho tất cả mọi dân tộc trên mặt đất. Giáo Hội là công giáo và là truyền giáo ngay từ giây phút đầu tiên giáo hội được khai sinh. Tính cách phổ quát của ơn cứu rỗi được làm nổi bật một cách đầy đủ ý nghĩa, bằng việc kể ra nhiều sắc dân khác nhau của tất cả những ai đến lắng nghe lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ trong ngày hôm đó, ngày lễ Ngủ Tuần. Như được kể nơi sách Tông Ðồ Công Vụ, chương 2, câu 9 đến câu 11 (CV 2,9-11).
Dân Thiên Chúa, mà hình ảnh đầu tiên đã được nhìn thấy nơi biến cố Sinai xưa, giờ đây được mở rộng cho đến mức độ không còn biết đến những biên giới chủng tộc và văn hoá nữa, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Khác với những gì đã xảy ra với biến cố Tháp Babel (x. STK 11,1-9), khi con người, với ý định rõ ràng muốn tự tay mình xây lên con đường về Trời, đã đi đến kết quả là huỷ diệt chính khả năng của họ để hiểu nhau, (khác với biến cố Tháp Babel), thì trong lễ Ngủ Tuần, Chúa Thánh Thần, với "hồng ân về ngôn ngữ", cho thấy rằng sự hiện diện của Ngài có sức hiệp nhất và biến đổi sự lộn xộn thành hiệp thông. Sự kiêu ngạo và ích kỷ của con người luôn tạo ra những chia rẽ, xây lên những bức tường lãnh đạm, thù hận và bạo lực. Ngược lại, Chúa Thánh Thần làm cho các con tim có khả năng hiểu được những ngôn ngữ của tất cả mọi người, bởi vì ngài thiết lập lại sự hiệp thông đích thực giữa Ðất và Trời. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu.
Nhưng thử hỏi làm sao bước vào trong mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, làm sao hiểu được bí mật của Tình Yêu? Trang Phúc Âm ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, hướng dẫn chúng ta vào Phòng Tiệc Ly, nơi đó, vào lúc kết thúc bữa tối, một cảm thức bơ vơ làm cho các Tông Ðồ trở nên buồn bã. Lý do là vì những lời Chúa Giêsu vừa nói, khơi dậy những thắc mắc đầy lo âu nơi các Tông Ðồ: Chúa Giêsu nói về sự thù ghét của thế gian đối với Người và đối với những ai thuộc về Người; Chúa nói về một cuộc ra đi đầy bí ẩn, và còn nhiều điều khác nữa cần được nói ra, mà trong lúc đó các tông đồ không đủ sức chịu đựng (x. Gn 16,12). Ðể an ủi các tông đồ, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của việc Ngài ra đi: nếu Ngài ra đi, đó là ra đi để rồi trở lại; trong thời gian giữa ra đi và trở lại này, Chúa không bỏ rơi họ, không để họ bị mồ côi. Chúa sẽ sai Ðấng Yên Ủi đến; đó là Thánh Thần đến từ Cha, và là Thánh Thần làm cho con người biết rằng công việc của Chúa Kitô là công việc của tình thương: tình thương của chính Chúa Kitô được trao ban, và là tình thương của Chúa Cha, Ðấng đã trao ban.
Ðây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên "sự biểu lộ và phương thế" của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Deus Caritas Est, số 33). Ðược quy tụ lại với Mẹ Maria lúc giáo hội mới được khai sinh, giờ đây Giáo Hội cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!" Amen.
Quý vị và các bạn thân mến. Vừa rồi là bài giảng của ÐTC Beneđitô XVI trong Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào Chúa Nhật mùng 4 tháng 6 năm 2006, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma. Kính chào quý vị và xin hẹn gặp lại quý vị.
(Ðặng Thế Dũng)