Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Beneditô XVI

gởi cho các tham dự viên

Ðại Hội Quốc Tế Các Phong Trào Giáo Hội

và các Cộng Ðoàn Mới

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Beneditô XVI gởi cho các tham dự viên Ðại Hội Quốc Tế Các Phong Trào Giáo Hội và các Cộng Ðoàn Mới.

(Radio Veritas Asia 2/06/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Từ thứ Tư, ngày 31 tháng 5 năm 2006, cho đến thứ Sáu, mùng 2 tháng 6 năm 2006, Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Ðoàn Mới, gặp nhau tại Rocca di Papa, trong Một Ðại Hội Quốc Tế về chủ đề: "Nét Ðẹp được làm người kitô và niềm vui vì được thông truyền chứng tá kitô". Trong nghi lễ khai mạc Ðại Hội, Ðức Hồng Y Stanislas Rylko, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách giáo dân, đã đọc Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha gởi Ðại Hội. Kính mời quý vị và các bạn theo dõi sứ điệp này. Trước hết, ÐTC nhắc đến cuộc gặp gỡ được dự trù vào chiều thứ Bảy, mùng 3 tháng 6 năm 2006, tại quảng trường thánh Phêrô, của tất cả những đại diện của hơn 100 Phong Trào Giáo Hội và Cộng Ðoàn Mới, để chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau đó, ÐTC nhắc lại vài nguyên tắc thực hành cho các Phong Trào và Cộng Ðoàn, để được trung thành với sự thật của Chúa. ÐTC đã viết như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ đã được định trước vào thứ Bảy, mùng 3 tháng 6 (năm 2006), tại quảng trường Thánh Phêrô, với những thành viên của hơn 100 Phong Trào Giáo Hội và Cộng Ðoàn Mới, Tôi vui mừng gởi đến anh chị em, những đại diện cho tất cả những tổ chức giáo hội, đang quy tụ tại Rocca di Papa để họp Ðại Hội Quốc Tế, lời chào nồng nhiệt qua những lời của Thánh Tông Ðồ Phaolô như sau: "Uớc gì Thiên Chúa của niềm Hy vọng làm cho anh chị em được tràn đầy niềm vui và sự bình an trong đức tin, ngõ hầu anh chị em được tràn đầy hy vọng, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần." (Roma 15,13). Trong trí nhớ và trong tim Tôi, còn sống động hình ảnh của Ðại Hội Quốc Tế các phong trào giáo hội, đã diễn ra tại Roma, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 5 năm 1998; lúc đó, với tư cách là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, tôi đã được mời đến thuyết trình về đề tài "Suy Tư Thần Học về Chỗ Ðứng của Các Phong Trào Giáo Hội". Ðại Hội Quốc Tế năm 1998 đã kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với Ðức Gioan Phaolô II yêu quý, vào ngày 30 tháng 5 (năm 1998), tại quảng trường thánh Phêrô; trong buổi gặp gỡ đó, vị Tiền Nhiệm của Tôi đã nói lên lời đánh giá cao đối với những Phong Trào Giáo Hội và những Cộng Ðoàn Mới, mà ngài đã định nghĩa như là "những dấu chỉ của niềm hy vọng", để làm ích cho giáo hội và con người.

Ngày hôm nay, ý thức về bước tiến đã vượt qua từ đó đến nay, trên con đường đã được vạch ra do bởi sự chăm sóc mục vụ, bởi tình thương và giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II, tôi vui mừng cùng với Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách Giáo Dân, qua Ðức Hồng Y Stanislas Rylko, chủ tịch Hội Ðồng, qua Ðức Cha Joseph Clemens, Tổng Thư ký, và qua những cộng tác viên của các ngài, (vui mừng) vì sáng kiến quan trọng và có giá trị tổ chức Ðại Hội Quốc Tế này, với chủ đề: "Nét Ðẹp được làm người kitô và niềm vui vì được thông truyền chứng tá kitô". Và chủ đề này gợi hứng từ quả quyết của tôi trong bài giảng thánh lễ khởi đầu thừa tác vụ Phêrô của Tôi. Ðây là chủ đề mời ta suy nghĩ về đặc điểm thiết yếu của biến cố kitô: thật vậy, trong biến cố này, Vị đến gặp chúng ta, là Ðấng, một cách hữu hình, bằng xương bằng thịt, trong lịch sử, đã mang ánh vinh quang của Thiên Chúa xuống trên trần gian này, Ðấng mà chúng ta có thể áp dụng lời thánh vịnh 44 cho Ngài, như sau: "Ngài là kẻ đẹp nhất trong số những con cái loài người". Và, một cách nghịch lý thay, cũng được áp dụng cho ngài những lời tiên tri Isaia như sau: "Ngài không còn dung nhan, không còn vẻ đẹp nào để thu hút cái nhìn của chúng tôi nữa; Ngài không còn chiếu sáng vinh quang để có thể làm cho chúng tôi thích nữa" (Is 53,2). Trong Chúa Kitô, được gặp nhau nét đẹp của sự Thật và nét đẹp của tình thương; và như người ta biết, tình thương cũng kéo theo sự sẵn sàng chịu đau khổ, một sự sẵn sàng có thể dẫn đưa đến việc hiến dâng mạng sống cho người mình thương (x. Gn 15,13)! Như thánh Bonaventura thường nói, Chúa Kitô là "cái đẹp của mọi sự đẹp"; Ngài đến hiện diện trong tâm hồn con người và lôi kéo con người đến với ơn gọi của mình là sống yêu thương. Và nhờ vào sức thu hút phi thường này mà lý trí con người được giải thoát khỏi sức mạnh mù quáng riêng của nó và được mở ra đón nhận Mầu Nhiệm. Như thế, được mạc khải nét đẹp cuối cùng của tình thương nhân từ của Thiên Chúa, và đồng thời được mạc khải nét đẹp của con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, được tái sinh bởi ân sủng, và được hướng đến hưởng vinh quang muôn đời.

Qua các thế kỷ, kitô giáo đã được thông truyền và được phổ biến nhờ vào tính cách mới mẻ trong đời sống của những người và những cộng đồng có khả năng làm chứng mọät cách quyết định cho tình yêu thương, cho sự hiệp nhất và niềm vui. Chính sức mạnh này đã thôi thúc biết bao người "lên đường" qua bao thế hệ. Thử hỏi, đây không phải là nét đẹp mà Ðức Tin đã làm phát sinh trên dung mạo của các vị thánh, và thúc đẩy biết bao người nam nữ sống theo mẫu gương của các ngài, hay sao?

Xét cho cùng, đây cũng là điều còn có giá trị áp dụng cho anh chị em; đó là: qua những vị sáng lập và những vị bắt đầu những Phong Trào và Những Cộng Ðoàn của anh chị em, anh chị em đã nhìn thấy dung mạo của Chúa Kitô chiếu sáng đặc biệt và anh chị em đã "lên đường". Cả ngày hôm nay, Chúa Kitô tiếp tục làm vang dội lên trong tâm hồn của biết bao người lời kêu gọi xưa "hãy đến và theo Ta"; đây là lời có thể quyết định cho vận mạng của họ. Ðiều này thường xảy ra, nhờ qua chứng tá của kẻ đã được đích thân cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Trên dung mạo và trong lời nói của những con người đã trở thành "tạo vật mới" này, ánh sáng của Chúa được nhìn thấy và lời mời gọi của Ngài có thể được nghe.

Tuy nhiên, Tôi xin nói với anh chị em, thưa những người bạn thân mến của các Phong Trào, như sau: xin anh chị em hãy làm sao để những Phong Trào được luôn là những trường học của sự hiệp thông, là những cộng đoàn cùng đồng hành, trong đó người ta học sống trong sự thật và trong tình yêu thương mà Chúa Kitô đã mạc khải cho chúng ta và đã thông truyền nhờ qua chứng tá của các Tông Ðồ, giữa lòng đại gia đình những môn đệ của Chúa. Uớc gì được luôn vang lên trong tâm hồn anh chị em lời khuyến khích của Chúa Giêsu như sau: "Như thế được chiếu toả ánh sáng của anh chị em truớc mặt người đời, ngõ hầu họ nhìn thấy những việc tốt chúng con làm và tôn vinh Cha chúng con ở trên trời" (Mt 5,16). Anh chị em hãy mang ánh sáng của Chúa Kitô đến trong tất cả mọi môi truờng xã hội và văn hoá, trong đó anh chị em sinh sống. Sức hăng say truyền giáo là bằng chứng cho tính cách tận căn của kinh nghiệm sống trung thành với ơn đoàn sũng riêng; đây là sự trung thành luôn luôn được canh tân và vượt qua được bất cứ sự đóng kín nào nơi chính mình vì mệt mõi và ích kỷ. Anh chị em hãy chiếu soi vào sự tối tăm của một thế giới đang bị choá mắt vì những sứ điệp mâu thuẩn nhau của các ý thức hệ. Không có nét đẹp nào đáng giá, nếu không có sự thật được nhìn nhận và được sống theo; không có nét đẹp nào đáng giá, nếu tình thương trở thành như thứ tình cảm chống qua, nếu hạnh phúc trở thành như một ảo tưởng không bao giờ đạt được, nếu tự do trở thành như phản ứng bản năng máy móc. Sự ham muốn quyền lực, sự ham mê của cải và thú vui, có sức tạo ra điều tai hại biết là chừng nào trong đời sống của con người và trong sinh họat của các quốc gia! Anh chị em hãy mang vào trong thế giới bị giao động này chứng tá của sự tự do mà Chúa Kitô mang đến cho chúng ta (x. Gal 5,1). Sự hoà hợp kỳ diệu giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, làm cho đời sống nên tươi đẹp và làm cho sa mạc được trổ hoa, sa mạc mà trong đó chúng ta thuờng phải sống. Ở đâu tình thương bác ái được thể hiện như là sự say mê đối với cuộc sống và vận mệnh của kẻ khác, --- một tình thương được chiếu toả trong những tương quan thân tình và trong công việc làm vừa trở thành sức mạnh để xây dựng một trật tự xã hội công bằng hơn, --- thì ở đó được xây dựng một nền văn minh có khả năng đương đầu với sự phát triển của bạo tàn. Anh chị em hãy trở thành những người xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, theo "trật tự của tình thương", trong đó được thể hiện nét đẹp của sự sống con người.

Ngày nay, những phong trào giáo hội và những cộng đồng mới là dấu chỉ sáng chói cho nét đẹp của Chúa Kitô và của giáo hội, hiền thê của Chúa. Anh chị em thuộc về cơ cấu sống động của giáo hội. Giáo Hội cám ơn anh chị em vì sự dấn thân của anh chị em trong công cuộc truyền giáo, vì công tác huấn luyện mà anh chị em khai triển càng ngày càng nhiều hơn cho những gia đình kitô, vì sự dấn thân cổ võ cho ơn gọi linh mục thừa tác và ơn gọi sống đời tận hiến mà anh chị em khai triển trong phong trào hay cộng đoàn của anh chị em. Giáo Hội cám ơn anh chị em vì sự sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn thực hành không những của người kế vị thánh Phêrô, mà còn của những vị giám mục của các giáo hội địa phương; trong sự hiệp nhất với Ðức Giáo Hoàng, các giám mục là những kẻ gìn giữ sự thật và tình thương bác ái trong sự khiêm tốn. Tôi tin tưởng vào sự vâng phục mau lẹ của anh chị em. Vượt qua việc xác định về quyền hiện hữu riêng, thì luôn luôn phải có cao thế hơn, với một ưu tiên chắc chắn, việc xây dựng Nhiệm Thể của Chúa Kitô giữa con người. Các Phong Trào cần đối diện với mọi vấn đề, với những tâm tình hiệp thông sâu xa, trong tinh thần gắn bó với những vị chủ chăn hợp pháp. Ước gì việc tham dự vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, mà phụng vụ là hình thức thể hiện cao nhất của nét đẹp của vinh quang Thiên Chúa, (ước gì việc tham dự đó) nâng đỡ anh chị em, và một cách nào đó tạo thành Cảnh Trời trên trần gian này.

Tôi trao phó anh chị em cho sự cầu bàu của Ðấng mà chúng ta gọi là "Ðấng Tuyệt Ðẹp" (Tota Pulchra), là lý tưởng đẹp, mà các nghệ sĩ đã luôn cố gắng diễn tả trong các tác phẩm của họ, Ðấng là Người Nữ mặc áo mặt trời" (KH 12,1), và trong Mẹ nét đẹp của con người gặp gỡ với cái đẹp của Thiên Chúa.

Với những tâm tình này , tôi gởi đến tất cả anh chị em phép lành toà thánh đặc biệt, như dấu chỉ cho tình thương mến của tôi mãi mãi với anh chị em.

 

Từ Ðiện Vatican, ngày 22 tháng 5 , năm 2006.

(Ấn ký)

Bênêđitô XVI, giáo hoàng.

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt ngữ)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page