Bài giảng của Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh

trong Thánh Lễ giỗ mãn tang 3 năm

của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho

tại nhà thờ Chính Tòa Nha Trang

 

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

1. Bài giảng của Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh giám mục phó giáo phận Nha Trang trong Thánh Lễ giỗ mãn tang 3 năm của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho (lúc 17h ngày 23/05/2006 tại nhà thờ Chính Tòa Nha Trang) - Thánh Lễ cùng với Giáo Phận:

Kính thưa các cha và anh chị em rất thân mến.

Trong ngày lễ giỗ người thân yêu giáo phận chúng ta, là người cha, người thầy, người bạn, người anh em. Chúng ta với tất cả tâm tình yêu mến hướng về chúa Giêsu Ðức Hiền Lành và khiêm nhường, để xin chúa đón tiếp người mục tử kính yêu Phêrô Nguyễn Văn Nho, suốt đời sống hiền lành và khiêm nhường noi theo gương của thầy Chí Thánh là chúa Giêsu Kitô mục tử hiền lành và khiêm nhường.


Thánh Lễ giỗ mãn tang 3 năm của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho tại nhà thờ Chính Tòa Nha Trang.


Trong những ngày này một cách đặc biệt nhiều nơi, nhiều giáo phận và cách riêng giáo phận Nha Trang chúng ta, từ Ðại Chủng Viện Sao Biển đến các dòng tu, giáo xứ Bình Cang, giáo xứ Chính Tòa và nhiều nơi khác nữa, chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Cha Phêrô yêu quí của chúng ta, chiều hôm nay chúng ta họp nhau trong ngôi nhà thờ Chính Tòa để tưởng nhớ Ðức Cha Phêrô và cầu nguyện cho Ðức Cha Phêrô.

Ngài hiền lành và khiêm nhường trong suốt cả cuộc đời của mình. Và cách riêng từ khi được chọn làm Giám Mục Phó giáo phận Nha Trang, Ngài nhận thấy rằng, sự Hiền Lành và Khiêm Nhường là nét đẹp trong cuộc đời của vị Mục Tử, bởi vì đó chính là đời sống của chúa Giesu Kitô.

Vì thế chiều hôm nay chúng ta nhìn lại một vài nét trong đời sống của Ðức Cha Phêrô, không những để tưởng nhớ đến Ngài mà còn để cảm tạ ơn Chúa đã ban Ngài cho giáo phận chúng ta và đồng thời để chúng ta học với Người sống hiền lành và khiêm nhường trong chính giáo phận, trong các cộng đồng tu sĩ, trong Ðại Chủng Viện, nơi mà Ngài rất mực yêu thương và chăm sóc trong suốt thời gian thi hành sứ mạng mục tử của Ngài.

Thật vậy anh chị em rất thân mến, cha ông chúng ta vẫn thường nói: " Nhà nghèo mới biết con thảo, nước loạn mới biết tôi trung".

Chúng ta có thể nhìn lại đầu năm 1975 với biết bao nhiêu biến động lịch sử, trong thời điểm đó, cha Phêrô Nguyễn Văn Nho vì lòng yêu mến Hội Thánh, vì lòng yêu mến Giáo Phận đã không ngần ngại rời cái môi trường mà Ngài rất mực thành công: Trong công việc học vấn sau khi đã đậu tiến sĩ Thần Học tại Ðại học danh tiếng (Gregoriana ) ở Roma.

Chúng ta nghĩ coi, nếu như Ngài tiếp tục thì có những công việc chờ đón Ngài. Vậy mà Ngài đã không ngần ngại rời bỏ tất cả để trở về Giáo Phận thân yêu cùng với Ðức Cha Phanxico Xavie, cùng với biết bao nhiêu linh mục ở trong Giáo Phận để chia vui xẻ buồn với nhau, mà một trong những điều mà càng nghĩ lại thì chúng ta không thể nào không nói lên lòng biết ơn sâu xa của chúng ta đối với Ðức Cha Pherô.

Ðó là sự chăm sóc mà Ngài luôn luôn dành để cho ơn linh mục tu sĩ trong giáo phận chúng ta, có thể nói một phần rất lớn hàng linh mục của giáo phận chúng ta ngày hôm nay là những môn sinh của Ngài, mà chúng ta biết thời gian khó khăn, nhà nghèo mới biết con thảo, những bối cảnh hết sức là khó khăn, đầy tràn thử thách, Ngài đã đồng hành với biết bao nhiêu ơn gọi linh mục...

Ngài đi nơi này nơi kia Ngài đã qui tụ lại, đã nâng đỡ, đã an ủi và đã có một tâm hồn hiền lành và khiêm nhường, một tâm hồn mục tử yêu thương, tâm tình của người cha, của người thầy, của người bạn, của người anh em, mới có thể giữ được các ơn gọi lúc bấy giờ, điều này nhìn các giáo phận trong các biến cố sau năm 1975 thì điều thấy rỏ như thế.

Những cha giám đốc nào hiền lành và khiêm nhường, những cha giám đốc nào đầy tinh thần mục tử, lắng nghe chia xẻ đồng hành nâng đở cảm thông với anh em trẻ, với các chủng sinh, với những ơn gọi, thì các Ngài cũng không phải chỉ là người thầy mà thôi mà là những chứng nhân gương mẫu hết sức là sống động cho những người tiến tới chức linh mục đi vào đời sống thánh hiến, với niềm xác tín chọn chúa làm gia nghiệp của mình, yêu mến hội thánh, yêu mến giáo phận, yêu mến thánh chức linh mục, yêu mến công việc mục vụ, tôn trọng và yêu thương mọi người tín hữu, đặc biệt những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người đầy tràn thử thách và nước mắt trong cuộc sống.

Ðức Cha Phêrô chúng ta đã để lại dấu ấn thật là quan trọng và hết sức là cao cả trong giáo phận chúng ta, khi Ngài chăm sóc và đồng hành với các ơn gọi linh mục, tu sĩ trong suốt cả một khoảng thời gian hết sức lâu dài trên dưới 30 năm.

Có thể nói là chia vui xẻ buồn. Dầu là người thầy, Ngài vẫn ở giữa anh em của mình là những học trò như là người bạn, như là người anh, dầu là sau này được đặt để làm Giám Mục phó với quyền kế vị, Ngài vẫn ở như là một người anh em, một người bạn rất là cần cù. Bởi vì bản chất của Ngài là hiền lành và khiêm nhường.

Anh chị em rất thân mến, chúng ta yêu mến biết ơn, trân trọng Ðức Cha Phêrô chúng ta và chúng ta cảm tạ ơn chúa đã ban cho giáo phận chúng ta một người cha, một người thầy, một người bạn, một người anh em thật là tuyệt vời như thế.

Nhân ngày lễ giỗ của Ngài hôm nay, chúng ta dâng lên Ngài nén hương trầm để bày tỏ lòng chúng ta yêu mến và biết ơn Ngài. Và chúng ta chút nữa đây dâng lên Chúa của lễ hi sinh của chúng ta, chắn chắc anh em linh mục chia vui xẻ buồn với Ngài, biết bao nhiêu kỷ niệm với Ngài sẽ hiệp với Ngài trong hy lễ thánh thể dâng lên thiên chúa cha Mình và Máu thánh chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa Cha lao công vất vả con người , dâng lên Thiên Chúa Cha biết bao nhiêu nước mắt và lao nhọc mà để vươn tới xây dựng được giáo phận như ngày hôm nay, có công khó Rất Nhiều, Rất Nhiều của Ðức Cố Phêrô yêu dấu của chúng ta.

Và từ đó chúng ta tin rằng chúa là đấng mãi mãi trung thành. Ngài nhận ra khuôn mặt của vị mục tử hiền lành và khiêm nhường vì biết bắt chước Ðức Giêsu Kitô đấng cứu thế, chúa chúng ta, và Ngài muốn tất cả chúng ta một cách đặc biệt ghi nhớ công ơn đời sống gương mẫu của Ðức Cha Phêrô.

Chúng ta hãy học với Người để sống Hiền Lành và Khiêm Nhường, yêu thương, từ trong Ðại Chủng Viện đến các Dòng tu, đến các Giáo Xứ, đến trong Giáo Phận và Chính Tòa, nơi từ các gia đình tín hữu của chúng ta, sự Hiền Lành và Khiêm Nhường mà Ðức Cố Phêrô đã sống và để lại như là gương mẫu cho chúng ta, sẽ đảm bảo cho sự bình an, hiệp nhất cho chính Giáo Phận chúng ta. Amen.

(ghi lại từ băng Video)

Nguyễn Anh Toàn

 

2. Bài giảng của Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh giám mục phó giáo phận Nha Trang trong thánh lễ giỗ mãn tang 3 năm Ðệ Tam Huý Nhật của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho (lúc 9:00AM ngày 20/05/2006 tại nhà thờ Chính Tòa Nha Trang) - Thánh Lễ cùng với Gia Ðình:

Kính thưa các cha và anh chị em rất thân mến!

Trong bầu khí gia đình tưởng nhớ người thân yêu, chúng ta có nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm để chia xẻ cho nhau. Thú thật không biết có ai trong năm qua, nhớ đến Ðức Cha Nho nhiều cho bằng tôi. Không! Nói thế có nghĩa là, khi tôi nghe tin có lẽ mình sẽ về làm việc tại Nha Trang. Trong những ngày đợi bổ nhiệm đó tôi nhớ đến Ðức Cha Nho, cầu nguyện cho Ðức Cha Nho và nói với Ðức Cha Nho rằng: "Ngài sao không sống thêm nữa cho mình đỡ gánh nặng".


Nghi thức tưởng niệm và rảy nước phép tại phần mộ của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho.


Hình như ngày nào tôi cũng nhớ Ðức Cha Nho, cái hình ảnh, cái khuôn mặt, cái nụ cười, cái cách đối xử, lòng nhân hậu của Ðức Cha Nho gần như nhập tâm với tôi. Và tối ngày 8/11/2005 khi được Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thông báo cho tôi: "Ðức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã bổ nhiệm cha làm giám mục, Giám Mục Phó Giáo Phận Nha Trang". Trong tâm trí tôi lúc đó vẫn hiện ra hình ảnh của Ðức Cha Nho, tự nhiên tôi nói với Ngài: "Năm qua nhớ đến anh nhiều, hôm nay mình phải tiếp nối công việc của anh đây" mình xin làm người em của anh như trước kia anh vẫn thường gọi mình: "Chú Minh, cậu là chú em của tớ".

Và thưa anh chị em

Hình ảnh đó tôi muốn gợi ra trong bầu khí gia đình của ngày lễ giỗ của Người thân yêu của chúng ta. Và có một điều cũng kể là lạ: Cách đây mấy năm, khi có dịp về phục vụ ở Ðại Chủng Viện Sao Biển, Ðức Cha Nho vẫn thường lấy xe chiếc xe MêKông đó chở tôi đi thăm nhiều nơi trong địa phận Nha Trang, và một trong những nơi mà tôi muốn đến, muốn biết là cái nguyên quán của Ðức Cha Nho. Mình nghe nói từ rất lâu là cái giáo xứ Bình Cang, mình quay qua nói với Ðức Cha Nho:

- Nè, Bình Cang mình nghe nói lâu lắm rồi, vùng đất tử đạo năm xưa, quê của anh, anh chở mình vào với.

Ðức Cha Nho trả lời :

- Cậu sẽ có dịp vào nhưng bây giờ chưa!

Mà xe chạy ngang nhiều lần lắm. Tôi nói: Bình Cang chỗ nào?

Ngài nói:

- Ðó!

- Quay xe vào mình xem chút xíu xứ Bình Cang của anh

- Rồi cậu sẽ vào, bây giờ chưa.

Cứ như thế cho đến lúc mà Ngài nằm xuống tôi vẫn chưa có dịp bước vào Bình Cang. Rồi khi đến Nha Trang trong tư cách là người tiếp tục công việc của Ðức Cha Phó Phêrô, một trong những nơi tôi ước ao đến, không phải đến để thăm, mà đến như tư cách là hành hương. Nơi đã phát sinh ra Người tiền nhiệm của mình Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho thì không phải chỉ đến một lần, mà trong lúc này đến nhiều lần quá sức. Nói vậy, Cha sở cha quản Hạt tha cho tôi. Có những lần tôi đến mà Cha không biết.

Chúng ta chia xẻ lại với nhau, và trong niềm tin, trong mầu nhiệm các Thánh thông công, tự nhiên chúng ta thấy rằng có một cái gì đó như là tiền định để nối kết chúng ta với nhau, và nhiều khi trong cuộc sống đời thường mình chỉ thấy đó là những cái biến cố nho nhỏ nhưng mà với ánh mắt đức tin và trong niềm phó thác cho Chúa, chúng ta lại thấy rằng: Chúa chuẩn bị lúc này lúc kia để nối kết lại thành ra những chặng đướng trong đời sống của chúng ta. Không hiểu tại sao cái thời gian trước kia khi ở chung với nhau tại Roma, thì tôi là một linh mục trẻ, Ðức Cha Nho lớn hơn tôi, cũng có một số anh em linh mục trẻ nữa. Cha Nho có nói rằng:

- Tớ thương cậu lắm, cậu còn trẻ quá. Xin nói luôn: Cậu ở Châu Âu quá lâu coi chừng hư! Cho nên tớ phải giúp cậu, phải giữ gìn cậu.

Lúc đó chưa có chữ quản lý đâu! mà cái ý là: Tôi muốn quản lý cậu để cho cậu khỏi hư. Vì lúc bấy giờ tôi mới 26, 27 tuổi thôi. Tôi cười tôi nói:

- Mình là người có đạo mà! cũng giữ đạo đàng hoàng mà!

Ðức Cha Nho nói:

- Ơ, nhưng mà cậu còn trẻ quá, phải giữ cậu, nhưng mà cậu có cái gì đó cậu để trong phòng mình hết không được giữ cái gì hết trừ sách vở.

Cái hình ảnh đó nhìn lại thương làm sao. Nếu không quan tâm, nếu không có cái kinh nghiệm trong đời sống linh mục, trong đời sống của Người anh và nếu không có một ít có thể nói cái sự tín niệm rất nhiều và như thế đã sống với tôi như thế và vẫn luôn luôn gọi: cậu là chú em của mình.

Tôi nói:

- Anh lớn hơn và anh là anh chứ sao!

Và không ngờ , thật sự bây giờ mình tiếp tục công việc Người anh mình.

Ðó là những điều tôi muốn chia xẻ trong bầu khí gia đình. Hướng về Chúa, nhớ đến và cầu nguyện cho người thân chúng ta, đã chết cho Chúa, theo gương Chúa, trao ban cả sự sống của mình, cả sự nghiệp của mình trong tư cách là người cha. Ðã sống những tính cách đó một cách rất là đặc biệt, và như đoạn kết của bài sách Khải Huyền: tất cả những sự nghiệp đó tiếp tục theo Người về cuộc sống đời sau, và để lại cho chúng ta như những kỷ niệm không phai nhoà.

Như là người cha:

Chúng ta thấy Ngài ở trên chiếc xe đi khắp nẻo đường trong Giáo Phận này và nhiều nơi khác nữa để chu toàn công việc của đấng kế vị các thánh Tông Ðồ. Ðã là Giám Mục Ðức Cha Phêrô chúng ta đã miệt mài trên những nẻo đường như thế, và những nơi nào càng xa, những nơi nào càng khó, những nơi nào càng khổ, những nơi nào càng bị bỏ rơi thì người Cha với trái tim người Mẹ, luôn luôn nghĩ đến và quan tâm, những gì Ngài có Ngài chia xẻ cho những người con xa xôi, nghèo khổ và thiếu thốn.

Như là người thầy:

Chúng ta không dám nói tới bao nhiêu công lao Ngài đã thực hiện để vượt qua biết bao nhiêu truân chuyên và khó nhọc, thử thách để bảo tồn và phát triển ơn gọi linh mục, tu sĩ, chủng sinh trong Giáo Phận thân yêu của chúng ta. Ngài làm việc tông đồ ơn gọi, vâng, đúng như thế.

Ðức ông Chery. Ngài ghé qua Nha Trang muốn gặp cha Nho vì trong tâm trí của Ngài biết rõ Toà Thánh đã chọn cha Nho làm Giám Mục phó Nha Trang. Ngài muốn gặp để coi mặt như thế nào, thì hôm đó Ngài gặp một người. Xin lỗi, mặc áo thun lũng, quần sọt đang lao động Ngài ngỡ ngàng:

- Tôi muốn gặp cha Nho.

- Dạ con là cha Nho.

(Ðộ tuần xây dựng lại Ðại Chủng Viện),

Những công việc của Ðại Chủng Viện những cái hình ảnh đó đã để lại một ấn tượng rất lớn, mà không chỉ ở bên ngoài mà thôi, còn biết bao nhiêu thế hệ linh mục, thọ ơn, biết ơn Ðức Cha Phêrô. Là người Thầy không phải chỉ bằng những lời giảng dạy, mà bằng gương sống bằng sự mẫu mực của mình.

Tự nhiên của mình có thiếu cái gì sâu xa, thiếu cái gì vui, thiếu cái tình huynh đệ, thiếu cái nụ cười thì Ðức Cha Phêrô luôn luôn đem đến cho mỗi anh em. Là người bạn hết sức chân tình, trung tín.

Là người anh - vâng - phải chia xẻ với đàn em, Ngài để lại cho đàn em nhiều kinh nghiệm thật là thấm thía sự hài hoà, sự hiệp nhất quay trở lại.

Vâng - tất cả những điều đó như đoạn kết của sách Khải Huyền: "Những điều đó sẽ theo Người, chết và chết trong Chúa."

Ðồng thời, chúng ta những người thân yêu của Ðức Cha Phêrô. Nhất là dựa trên ánh sáng của lời Chúa trong bầu khí đạo đức, bầu khí thánh thiện của thánh lễ làm chúng ta càng thấm thía hơn. Ngài nằm xuống để chúng ta yêu thương nhau nhiều hơn. Ngài nằm xuống khác gì như hạt lúa mì để trổ sinh những bông hạt tốt đẹp cho gia đình, cho dòng tộc, cho Giáo Xứ. cho thân bằng quyến thuộc và ngay cả cho Giáo Phận, cho Hội thánh của chúng ta. Amen.

(Nghe và viết lại từ băng Video)

Nguyễn Anh Toàn và Lê Quý Ðôn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page