ÐTC Beneđitô XVI viếng thăm

Trại Tập Trung Auschwitz-Birkenau

 

Một vòm cầu vồng xuất hiện trên bầu trời ngay khi

ÐTC viếng thăm Trại Tập Trung Auschwitz-Birkenau

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

ÐTC Beneđitô XVI viếng thăm Trại Tập Trung Auschwitz-Birkenau.

Tin Ba Lan (Vat 28/05/2006) - Ðịa điểm viếng thăm cuối cùng của ÐTC Beneđitô XVI tại Ba Lan là Trại Tập Trung của Ðức Quốc Xã tại Auschwitz-Birkenau. ÐTC đã đến đây để tưởng niệm và cầu nguyện cho hơn một triệu nạn nhân, hầu hết là người Do Thái, đã bị giết hại tại trại tập trung này.


(Hình trên) Ngày 28/05/2006, ÐTC Beneđitô XVI đặt một ngọn nến bên Bức Tường Trại Tập Trung Auschwitz để tưởng niệm và cầu nguyện cho các nạn nhân bị giết hại tại đây.

(Hình dưới) Ngày 7/06/1979, Ðức Gioan Phaolô II đặt một bó hoa bên Bức Tường Trại Tập Trung Auschwitz để tưởng niệm và cầu nguyện cho các nạn nhân bị giết hại tại đây.


Ðức Gioan Phaolô II cũng đã từng đến viếng thăm nơi này trong chuyến viếng thăm Ba Lan vào ngày 7 tháng 6 năm 1979. Tại tập trung này là một vết tích của việc giết người cách tàn khốc và đầy đau thương nhất trong lịch sử nhân loại. Cũng có thể nói được đây là nơi đã xảy ra những cuộc tàn sát, khủng bố kinh khủng nhất, một sự đồi bại nhất đối với nền văn hóa của âu châu thời đó.

Quân Phát Xít Ðức đã tiến chiếm Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. 17 ngày sau, quân đội Liên Xô cũng tiến vào Ba Lan, chia Ba Lan thành hai miền riêng biệt, một do Ðức chiếm đóng và một do Liên Xô chiếm đóng. Sau khi tiến chiếm Ba Lan, quân Phát Xít Ðức lập tức thiết lập nên những Trại Tập Trung trong những vùng do họ đóng chiếm. Trại Tập Trung Auschwitz bắt đầu được sử dụng vào ngày 14 tháng 6 năm 1940 và mãi cho đến ngày 27 tháng 1 năm 1945 mới kết thúc. Trại Tập Trung Auschwitz-Birkenau của Ðức Quốc Xã gồm có Trung tâm Auschwitz số 1, Trung Tâm Birkenau, hay còn gọi là trung Tâm Auschwitz số 2. Tại Trại Tập Trrung này, quân Phát Xít Ðức đã tàn sát hơn 1 triệu người Do thái, 150 ngàn người Ba Lan, 15 ngàn tù binh Liên Sô và hàng chục ngàn người khác thuộc nhiều quốc gia khác. Trong số đó có rất nhiều nhân tài đều đã bị giết chết, kể cả những tu sĩ người Ba Lan gốc Do Thái, thánh linh mục Maximilien Kolbe, và thánh nữ tu Edith Stein cũng đã bị giết chết trong Trại Tập Trung này.

Sau khi Ba Lan dành lại được tự do thoát khỏi quân Phát Xít, quốc hội Ba Lan quyết định giữ lại Trại Tập Trung này và xây tại đây một Tòa Nhà Tưởng Niệm bảo quản tất cả các di tích của Trại Tập Trung này. Năm 1979, theo yêu cầu của Ba Lan, Trại Tập Trung này đã được xếp vào trong danh sách Những Di Sản Khoa Học Văn Hóa Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Từ ngày xây Tòa Nhà Tưởng Niệm này cho đến nay, đã có hơn 30 triệu người đến thăm viếng nơi đây.

Sau khi viếng thăm Trại Tập Trung Auschwitz-Birkenau, ÐTC đến Phi trường Balice để chuẩn bị đáp Máy Bay rời Ba Lan trở về lại Roma. Tại Phi trường Balice, trong diễn văn từ giã Ba Lan và cám ơn Tổng Thống Ba Lan, ÐTC đã kết thúc bài diễn văn với câu kết luận: "Tôi muốn kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ của tôi bằng câu nói của Thánh Phaolô Tông Ðồ, đó là câu châm ngôn chủ đề đã đi theo tôi suốt cả chuyến viếng thăm này: "Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy can đảm, hãy kiên cường. Hãy để cho tất cả những gì mà bạn muốn thực hiện được hoàn thành trong tình yêu" (1Cor  16,13-14).

 

(Joseph Trương)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page