Tường Thuật chuyến viếng thăm Ba Lan

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

Ngày thứ Sáu, 26 tháng 5 năm 2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI trước giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng Trưa Chúa Nhật ngày 21 tháng 5 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 22/05/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúa Nhật, ngày 21 tháng 5 năm 2006, Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh, trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với dân chúng tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma, ÐTC Bênêđitô XVI đã nhắc đến ý nghĩa của lễ Chúa Thăng Thiên, với những lời như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Sách Tông đồ công vụ nhắc lại rằng Chúa Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra cho các môn đệ trong vòng 40 ngày, rồi "được đưa lên trời trước mắt các ông" (CV 1,9). Ðó là lễ Thăng Thiên, lễ mà chúng ta sẽ cử hành vào thứ Năm, ngày 25 tháng 5 (năm 2006), mặc dù tại vài quốc gia, lễ này được dời lại Chúa Nhật tới (tức Chúa Nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2006). Hành động cuối cùng này của Chúa Giêsu có hai ý nghĩa. Trước hết, khi lên trời, Chúa mạc khải cách rõ ràng thần tính của Ngài: sau khi đã chu toàn sứ mạng của mình trên trần gian, Chúa trở về nơi mà từ đó ngài đã đến trong thế gian, --- nơi đó là trong Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa Kitô lên Trời cùng với nhân tính mà Chúa đã lãnh nhận và đã làm cho sống lại từ cỏi chết. Nhân tính đó là nhân tính của chúng ta, được thanh luyện, thần thiêng hoá, và được trở nên đời đời. Lễ Thăng Thiên mạc khải "ơn gọi cao cả nhất" của mỗi người: con người được gọi đến hưởng sự sống đời đời trong Nước Chúa, nước của tình thương, của ánh sáng và hòa bình.

Trong ngày lễ Chúa Thăng thiên, Giáo Hội cử hành ngày quốc tế truyền thông xã hội, ngày do công đồng Vaticanô II mong muốn; Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm nay là lần thứ 40. Chủ đề của ngày Truyền Thông năm nay (2006) là: các phương tiện truyền thông, mạng lưới thông tin, hiệp thông và cộng tác. Giáo Hội chú ý đến các phương tiện truyền thông, bởi vì chúng là chiếc xe quan trọng để phổ biến Tin Mừng và cổ võ tình liên đới giữa các dân tộc, vừa lôi kéo sự chú ý đến những vấn đề to lớn còn đang ghi dấu các dân tộc một cách sâu xa. Chẳng hạn như hôm nay, với sáng kiến "Thế giới xuống đường chống nạn đói" (Walk the World), một sáng kiến của Chương Trình Thực phẩm thế giới của Liên Hiệp Quốc, nhắm gây ý thức nơi các chính phủ và dư luận công chúng về việc cần thiết phải có hành động cụ thể và liền ngay, đẻ bảo đảm cho tất cả, nhất là các trẻ em, được thoát ra khỏi cảnh đói khổ". Bằng lời cầu nguyện, tôi hiện diện gần bên cuộc biểu dương này, được diễn ra tại Roma và tại những thành phố khác nữa của khoảng 100 quốc gia. Tôi hết sức cầu chúc rằng, nhờ sự đóng góp của tất cả mọi người, mà người ta có thể vượt qua được nạn đói đang hành hạ nhân loại, vừa làm cho niềm hy vọng của hàng triệu người bị nguy hiểm nghiêm trọng. Trước hết tôi nghĩ đến tình hình khẩn trương và bi thảm tại Darfur, bên nước Sudan, nơi vẫn còn những khó khăn to lớn, trong việc đáp lại cách thỏa đáng, cả những nhu cầu sơ đẳng về lương thực của dân chúng.

Với lời kinh truyền thống: "Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng", hôm nay chúng ta hãy phó thác cho Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria một cách đặc biệt những anh chị em chúng ta đang bị nạn đói hành hạ, cũng như phó thác cho Mẹ tất cả những ai đến trợ gíup họ, và phó thác tất cả những ai, qua phương tiện truyền thông xã hội, góp phần vào việc tái củng cố giữa các dân nước tình liên đới và hòa bình. Ngoài ra chúng ta hãy xin Mẹ làm cho trổ sinh những hoa trái tốt chuyến viếng thăm tông đồ của tôi bên BaLan, mà nếu Chúa muốn, tôi sẽ thực hiện từ thứ Năm (25/05/2006) cho đến Chúa Nhật (28/05/2006), để tưởng nhớ Ðức Gioan Phaolô II.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép cho dân chúng. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện với ÐTC, qua lời Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng.

Sau khi ban phép lành Tòa Thánh, ÐTC còn ở lại bên cửa sổ, để chào chúc bằng những thứ tiếng khác nhau.

Bằng tiếng Ý, ÐTC nói thêm như sau: "Dù phải lo chuẩn bị cho chuyến tông du của tôi tại BaLan, tôi cũng quan tâm --- trong tâm trí và trong lời cầu nguyện --- (quan tâm đến) cuộc gặp gỡ quan trọng vào chiều thứ Bảy, mùng 3 tháng 6 (năm 2006) tới đây, ngày áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lúc đó tôi sẽ vui mừng gặp gỡ tại quảng trường Thánh Phêrô những thành viên của hơn 100 phong trào giáo hội và cộng đoàn mới, đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi biết rõ những phong trào và cộng đoàn mới này có tầm mức quan trọng như thế nào cho Giáo Hội, xét vì sự phong phú của các phong trào và cộng đoàn mới này, trên bình diện huấn luyện, giáo dục và truyền giáo, một sự phong phú rất được đánh giá cao, được nâng đỡ và được khuyến khích, bởi đức Gioan Phaolô II đáng mến. Cùng chung với nhau, chúng ta sẽ cử hành Phụng Vụ Kinh Chiều áp lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vừa tin tưởng khẩn xin Chúa Thánh Thần đến tràn đầy trong tâm hồn các tín hữu, và xin cho sứ điệp tình yêu của Chúa Kitô, Ðấng cứu thế, được rao giảng cho tất cả mọi người."

Biến cố thứ hai được ÐTC Bênêđitô XVI nhắc đến, là Chúa Nhật ngày 28 tháng 5 năm 2006, là "Ngày Trợ Giúp" được cử hành tại Italia, dành cho những anh chị em bị bệnh nan trị, trong giai đoạn chót. ÐTC nói ngài dâng lời cầu nguyện cho các bệnh nhân nan trị này và cho tất cả những ai đến giúp cho những anh chị em bệnh nhân này được sống sự đau khổ của họ, một cách xứng đáng với phẩm vị con người.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC cầu chúc cho các tín hữu được sống gần gủi với Chúa Kitô, để đáp lại lời Chúa mời gọi và sống trung thành với mệnh lệnh yêu thương. Chỉ như thế, thì niềm vui của Chúa Kitô mới hiện diện trong tâm hồn các tín hữu.

Bằng tiếng Anh, ÐTC nhắc đến ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, sẽ được cử hành vào thứ Năm, ngày 25 tháng 5 năm 2006, hoặc Chúa Nhật, ngày 28 tháng 5 năm 2006, và nói rằng: "Chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng ta, đã ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, bởi vì Người đi đâu, chúng ta cũng sẽ đến đó. Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cũng cử hành ngày Quốc Tế Truyền Thông, và chúng ta cố gắng xử dụng tốt đẹp nhất có thể những tài nguyên mà các phương tiện truyền thông đặt vào tay chúng ta, nhắm cổ võ sự thông tin, sự hiệp thông và sự cộng tác giữa các dân nước, bất luận nơi đâu.

Và bằng tiếng BaLan, ÐTC nhắc đến chuyến tông du của ngài với những lời như sau:

"Tôi thân ái chào những anh chị em Balan. Chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại BaLan. Tôi phó thác cho Mẹ Maria rất thánh chuyến tông du này; và nhờ lời khẩn cầu của Mẹ, tôi xin Chúa hãy làm sống lại và cũng cố Ðức Tin của chúng ta."

Quý vị và các bạn thân mến,

Trước khi kết thúc mục "Trưa Chúa Nhật với Ðức Thánh Cha", kính mời quý vị và các bạn theo dõi đoạn trích sau đây, từ sứ điệp của ÐTC cho ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi. ÐTC đã giải thích như sau về ơn gọi của mỗi người:

 

Ðể đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và đặt mình trên đường theo Ngài, chúng ta không phải trở nên trọn hảo trước. Chúng ta biết rõ rằng ý thức về tội lỗi của bản thân đã làm cho người con hoang đàng nhìn thấy con đường trở về và như thế cảm nghiệm được niềm vui của sự giải hoà với Cha mình. Sự mỏng dòn và những giới hạn của con người không phải là chướng ngại, với điều kiện là sự mỏng dòn và những giới hạn đó góp phần làm cho chúng ta ý thức rằng mình cần đến ân sủng cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðó là kinh nghiệm của Thánh Phaolô tông đồ. Ngài đã tâm sự nơi thơ II Côrintô như sau: "Tôi sẵn sàng khoe cho mọi người biết những sự yếu đuối của tôi, ngõ hầu quyền năng của Chúa Kitô được hiện diện trong tôi" (2Co 12,9). Trong mầu nhiệm Giáo Hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô, quyền năng thần thiêng của tình yêu có sức biến đổi con tim con người, vừa làm cho nó có khả năng thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho anh chị em. Trong dòng các thế kỷ, biết bao người nam nữ, sau khi đã được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, đã tận hiến đời mình để phục vụ cho Nước Chúa. Xưa bên bờ biển hồ Galilê, nhiều người đã để cho Chúa Giêsu chinh phục: những con người đó đang đi tìm sự chữa lành cho thể xác hoặc sự chữa lành cho linh hồn, và đã được quyền năng của ân sủng Chúa chạm đến. Có những con người đuợc chính Chúa tuyển chọn và đã trở thành những tông đồ của Người. Chúng ta cũng gặp thấy những con người như Maria Madalêna và những người nữ khác nữa, đã tự nguyện theo Chúa, chỉ vì tình thương; và như môn đệ Gioan, họ cũng có được một chỗ đặc biệt trong tim Chúa. Những con người nam nữ nầy, --- những kẻ đã biết được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha, nhờ qua Chúa Kitô, --- đại diện cho biết bao ơn gọi có mặt trong giáo hội từ muôn thuở. Mẫu gương cho những ai được gọi làm chứng một cách đặc biệt cho tình yêu Thiên Chúa, là chính Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu; Mẹ được trực tiếp liên kết với mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc, trong cuộc hành trình đức tin của mình.

Trong Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, Nhiệm thể của Chúa, tất cả mọi người kitô kết thành "dòng giống được tuyển chọn, chức tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, dân được Thiên Chúa chuộc lại, để cao rao những việc kỳ diệu của Ngài" (I Phêrô 2,9). Giáo Hội là thánh thiện, cả khi những thành phần của giáo hội cần được thanh luyện, ngõ hầu sự thánh thiện, hồng ân của Chúa, có thể được chiếu tỏa nơi họ, cho đến lúc được bừng sáng trọn vẹn. Công Ðồng Vaticanô II làm nổi bật ơn kêu gọi tất cả mọi người sống thánh thiện, vừa quả quyết rằng "những môn đệ của Chúa Kitô là những kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi, không phải vì công việc họ làm, nhưng do theo ý định của ân sủng Ngài và được công chính hoá trong Chúa Giêsu, nhờ qua Phép Rửa của Ðức Tin; và rằng họ thật sự được trở nên con cái của Thiên Chúa và cùng tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và do đó họ thật sự là những con người thánh thiện" (Lumen Gentium, số 40). Trong khung cảnh của lời mời gọi phổ quát này, Chúa Kitô, --- vị Linh Mục Thượng Phẩm, --- chăm sóc giáo hội Chúa và kêu gọi, trong mỗi thế hệ, những con người khác nữa đến chăm sóc cho Dân Chúa; một cách đặc biệt, Chúa Kitô kêu gọi những con người đến lãnh nhận thừa tác vụ tư tế, kêu gọi những con người cụ thể để họ thi hành vai trò người cha, mà nguồn mạch là tình phụ tử của Thiên Chúa (x. Ephesô 3,15). Sứ mạng của linh mục trong giáo hội là điều không thể nào thay thế được. Tuy nhiên, cho dù tại vài vùng, hàng giáo sĩ bị vắng ít đi, nhưng người ta không bao giờ nên bỏ mất niềm xác tín rằng Chúa Kitô tiếp tục khơi dậy những con người, như các tông đồ xưa, một khi đã từ bỏ mọi nghề nghiệp, biết dấn thân hoàn toàn cho việc cử hành những mầu nhiệm thánh, cho việc rao giảng Phúc âm và cho thừa tác vụ mục vụ. Trong tông huấn về việc "huấn luyện linh mục" (Pastores dabo vobis), vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã viết về đề tài này như sau: "Tương quan của linh mục với Chúa Giêsu Kitô, và, trong Chúa tương quan với Giáo Hội, được đặt nằm trong chính bản chất của linh mục, do bởi việc xức dầu thánh hiến; tương quan này được thể hiện trong hành động, nghĩa là trong sứ mạng hoặc thừa tác vụ của linh mục. Một cách đặc biệt "Linh mục thừa tác viên là người tôi tớ của Chúa Kitô hiện diện trong giáo hội xét như là mầu nhiệm, như là hiệp thông và như là sứ mạng. Do bởi sự kiện tham dự vào "sự xức dầu" và vào "sứ mạng" của Chúa Kitô, linh mục có thể kéo dài trong giáo hội lời cầu nguyện của mình, lời nói của mình, hy tế của mình, và hành động cứu rỗi của mình. Như thế linh mục là nguời tôi tớ của giáo hội - xét như là mầu nhiệm, bởi vì giáo hội thực hiện những dấu chỉ giáo hội và những dấu chỉ bí tích cho sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh." (16)

 

Quý vị và các bạn thân mến, trên đây là những lời huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI trước giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng Trưa Chúa Nhật ngày 21 tháng 5 năm 2006, và một đoạn trích từ sứ điệp của ÐTC cho ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi. Kính chào quý vị và xin hẹn gặp lại quý vị.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page