Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc
trong Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục
Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho
ngày 18 tháng 5 năm 2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho ngày 18 tháng 5 năm 2006.
( Ds 11, 11b-12.14-17.24-25a ; 1 Phêrô 5, 1-4 ; Mt 20, 25b-28 )
Anh chị em rất thân mến,
Anh chị em mong ước có những con người linh mục như thế nào? Có lẽ anh chị em cũng giống như tôi, chúng ta mong ước giống như Thánh Phêrô qua những lời khuyên rất thực tế, sâu sắc và cảm động của ngài: "Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó...: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Ðừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên". (1 Pr 5:2-3)
Thánh Phêrô khuyên các linh mục với tư cách là một kỳ lão, hơn nữa ngài còn tư cách của một chứng nhân đã thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Vì yếu đuối ngài đã chối Chúa, nhưng sau đó ngài đã không ngừng theo dõi những đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, cái chết bi thảm của Chúa. Cuộc đời của Chúa là một cuộc sống phục vụ, hy sinh mạng sống mình để phục vụ đúng như lời Người nói trong bài Tin mừng: "...Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20:28-28)
Giống như 70 bô lão trong Israen đã được chọn để cộng tác với ông Môsê, linh muc là những kỳ lão, những người đứng đầu ở trong Hội Thánh, thông phần tư cách làm đầu của Chúa Kitô là Môsê mới . Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người. Chúa là thủ lãnh, nhưng tư cách thủ lãnh của Chúa không giống kiểu trần gian, là lấy quyền mà thống trị dân. Trái lại Chúa dạy một cách rõ ràng: muốn làm lớn thì phải làm người phục vu, muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ. ( Mt 20, 27 ).
Các con thân mến,
Tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối đang sống giữa trần gian, nên dễ bị lây nhiễm tinh thần thế tục, thích làm lớn để được phục vụ. Coi chừng thay vì là môn đệ bước theo Thầy Giêsu, chúng ta đi ngược đường với Thầy Giêsu; chúng ta muốn làm lớn để được phục vụ, chứ không phải để phục vụ và hy sinh mạng sống vì con chiên. Chúng ta không thích làm đầy tớ; hay nếu là đầy tớ thì theo kiểu sáo ngữ như là đầy tớ của nhân dân. Chúng ta chỉ muốn làm ông chủ, ông quan.
Vậy cha khuyên chúng con: sau khi đã lãnh nhận chức linh mục, phải không ngừng đấu tranh với chính mình để duy trì và phát triển lý tưởng hy sinh và phục vụ. Nhiều người trách các cha trẻ hôm nay hầu như quên hẵn các từ ngữ hy sinh hãm mình nên dễ xuống dốc và biến chất. Chúng con phải không ngừng vươn lên, ngay từ giây phút này, rồi ngày mai ngày mốt tiếp tục vươn lên mới giữ vững và làm sáng tỏ lý tưởng linh mục. Mỗi lần vươn lên là một lần cố gắng; mỗi lần vươn lên là một lần hy sinh, thông phần cuộc khổ nạn của Chúa.
Làm sao cho cuộc đời chúng con có sự thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, thì chúng con mới tế lễ một cách sốt sắng được. Còn nếu cuộc đời chỉ là hưởng thụ, nếu các con sống đời linh mục như một chức sắc lè phè, thì thật là một điều đáng tiếc! Ðáng tiếc cho Giáo Hội, đáng tiếc cho bản thân! Chúng con được gọi để trở nên cộng sự viên của giám mục, chia sẻ trách nhiệm kế vị các tông đồ của giám mục, hãy phấn khởi trong công việc mục vụ, hãy hăng say trong công việc truyền giáo.
Muốn trở nên những tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu, phải gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện. Có người cho rằng các cha trẻ ít cầu nguyện, nên cuộc đời linh mục thường hiếu động, nhưng thiếu chiều sâu. Các con hãy nhớ linh mục là thầy dạy cầu nguyện, mà chính mình không cầu nguyện thì làm sao có thể thi hành sứ mạng! Các con là tư tế, hãy đọc sách nguyện cho thật kỷ lưỡng, thật sốt sắng, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình, để cầu nguyện cho Dân Chúa và cho toàn thể nhân loại.
Các con là những sứ giả rao giảng Tin mừng Tình Yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô. Các con phải biết về Tình Yêu đó, phải có kinh nghiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa, nhờ gặp gỡ và tiếp xúc với Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng con. Ðừng để cho những lời rao giảng của chúng con trở thành rỗng tuếch, không có nội dung, vì sự thiếu hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa. Ðể làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa, chúng con hãy noi gương Chúa Giêsu, trở nên hiền lành và khiêm nhường . Kinh nghiệm cho thấy rằng người kiêu ngạo, luôn đặt bản thân mình lên trên kẻ khác, nên khó thực hiện giới răn yêu thương, cốt lõi của đời sống kitô giáo.
Mỹ Tho, ngày 18 tháng 5 năm 2006
+ Phaolô Bùi Văn Ðọc
Giám Mục Mỹ Tho