Chỉ còn lại 3 Sư Huynh Dòng La San ở Huế

nhưng vẫn có một Lễ Bổn Mạng trọng thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chỉ còn lại 3 Sư Huynh Dòng La San ở Huế nhưng vẫn có một Lễ Bổn Mạng trọng thể.

Tin Huế, Việt Nam (15/05/2006) - Lần đầu tiên sau năm 1975, dòng Lasan tại Huế mới có một Thánh lễ trọng thể, với sự tham dự đông đủ của các hội dòng trong Tổng giáo phận Huế và các cựu học sinh trường Bình-linh nổi tiếng một thời.


Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho Dòng và tưởng niệm Ðức cha Allys Lý, người có công mời dòng Lasan đến phục vụ tại Huế khi ngài còn đang làm cha sở Giáo xứ Phủ Cam và sau đó làm Giám mục Giáo phận Huế.


Buổi lễ diễn ra vào chiều tối hôm 15/5/2006 với khoảng 2,000 người tham dự tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam, Linh mục Stanislaô Nguyễn Ðức Vệ, cha sở Giáo xứ Chính toà Phủ Cam chủ tế Thánh lễ, cùng với 7 Linh mục đồng tế, trong đó có Cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế Huế Gioankim Hồ Quang Tâm, Cha Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm Simon Trương Quỳnh. Ðặc biệt có sự tham dự đông đảo của các Tu sĩ nam nữ dòng Phaolô, dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng, dòng Mến Thánh Giá, dòng Tiểu Muội, dòng Thánh Tâm, dòng Chúa Cứu Thế và Tu hội đời.

Trước Thánh lễ có nghi thức tưởng niệm Ðức cha Allys Lý, người có công mời dòng Lasan đến phục vụ tại Huế khi ngài còn đang làm cha sở Giáo xứ Phủ Cam và sau đó làm Giám mục Giáo phận Huế. Nghi thức trang nghiêm trước Di Ảnh Ðức Cha được đặt trên cung thánh, Các Linh mục và các Vị Bề Trên Dòng dâng hoa, tiến hương và tiết mục múa của dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm đã đưa cộng đoàn hồi tưởng lại và kính nhớ công lao cao dầy của vị Cha Chung khả kính.

Sư huynh Victor Trần Văn Bửu, đại diện cho Hội Dòng Lasan ở Huế, nói với cộng đoàn: "Con xin thay mặt các Sư Huynh trong Tỉnh Dòng và tất cả cựu học sinh hiện diện nơi đây để nói lên lời cám ơn chân thành của chúng con đối với Cha Quản xứ Chính toà Phủ Cam, Quý Cha Bề trên Dòng, các Cha, Quý Chị Bề Trên và Tu sĩ nam nữ, Quý Hội đồng Giáo xứ, Quý khách và Cộng đoàn, đã vui lòng đến dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho Dòng chúng con, cho tất cả những ai làm công việc giáo dục trong Giáo Hội và trong Giáo phận".

Sư huynh nói với các Tu sĩ: "Sự hiện diện của các vị Bề trên Dòng và các Tu sĩ nam nữ nói lên một sự liên đới thiêng liêng mãnh liệt trong lòng Giáo Hội và cũng là một sự khích lệ lớn lao cho chúng tôi".

Thầy cho biết thêm rằng: đây là lần đầu tiên có sự tham dự của hơn 150 cựu học sinh trường Bình Linh, chưa bao giờ có một sự họp mặt đông như vậy kể từ hơn 30 năm nay và lại họp mặt trong nhà thờ chính toà Phủ Cam nhân ngày giỗ 70 năm của Ðức Cha Allys Lý.


Lần đầu tiên có sự tham dự của hơn 150 cựu học sinh trường Bình Linh, chưa bao giờ có một sự họp mặt đông như vậy kể từ hơn 30 năm nay và lại họp mặt trong nhà thờ chính toà Phủ Cam nhân ngày giỗ 70 năm của Ðức Cha Allys Lý.


Sư huynh Bửu tuổi đã cao và tóc đã bạc, hiện vẫn đang miệt mài với công việc dạy học miễn phí cho giới trẻ, sinh viên và học sinh cả Lương và Giáo. Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục thanh thiếu niên và nói rằng: "Hiện nay có 6 tỷ 300 triệu người trên trái đất nhưng vẫn còn gần 1 tỷ người mù chữ. Cứ mỗi giờ có khoảng 15,000 trẻ em ra đời hay cứ 24 giờ là sẽ có 360,000 đứa bé chào đời. Các em phải lớn lên và được hưởng một nền giáo dục toàn cầu để có thể nhờ vào tri thức và kinh nghiệm bản thân, những sự khéo léo, nghệ thuật và vui thú với cuộc sống hạnh phúc tràn đầy".

Năm 1903, Ðức giám mục Gaspar phái Linh mục Allys Lý vào mời các Sư huynh Lasan vào Sài Gòn đến thành lập một trường tư thục tại Huế lấy tên là Pellerin (tên Việt gọi là trường Bình Linh) để dạy cho các học sinh cả Lương và Giáo. Ngôi trường tọa lạc tại một một khu đất giữa sông Hương và sông Phủ Cam, gần nhà ga xe lửa, vị trí thuận lợi cho việc học hành. Từ đó, trường Bình Linh đã đào tạo bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam cả về đức dục và trí dục. Nhiều cựu học sinh đã thành công trên đường đời, trở nên những người lãnh đạo và có nhiều ơn trở lại đặc biệt.

Hiện nay, nhà trường Bình Linh đang bị nhà nước trưng dụng, 3 Sư Huynh và 20 thỉnh sinh vẫn theo đuổi sứ mạng giúp giới trẻ trong vấn đề học vấn, mở các lớp tình thương, đào tạo dạy nghề. Ngoài Huế ra, dòng Lasan còn có 15 cộng đoàn ở các giáo phận khác của Việt Nam.

 

Ðàm Xuyên

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page