Sứ Ðiệp của ÐTC Bênêđitô XVI
gởi cho các Tham Dự Viên
Phiên Họp Khoáng Ðại lần thứ XII
của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng
về Các Khoa Xã Hội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi cho các Tham Dự Viên Phiên Họp Khoáng Ðại lần thứ XII của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Xã Hội.
(Radio Veritas Asia 29/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Xã Hội đang mở Phiên Họp Khoáng Ðại lần thứ XII, tại Vatican, từ ngày 28 tháng 4 cho đến mùng 2 tháng 5 năm 2006, về chủ đề: Phải chăng giới trẻ đang biến mất? Tình Liên Ðới với các Trẻ Nhỏ và Những Nguời Trẻ trong Thời Ðại Nhiều Xáo Trộn". Vào ngày thứ Ba, mùng 2 tháng 5 năm 2006, ngày kết thúc Phiên Họp, sẽ có cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Toà Thánh, dưới sự hướng dẫn của Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon, Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các Khoa Xã Hội. Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon cũng hiện là giáo sư Môn Dân Quyền, tại Ðại Học Harward, Hoa Kỳ.
Nhân dịp Phiên Họp Khoáng Ðại này, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã gởi đến Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon, một sứ điệp cho tất cả các Tham Dự Viên. Mục Thời Sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn Sứ Ðiệp như sau:
Kính Gởi Giáo Sư Mary Ann Glendon,
Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Xã Hội,
Trong khi Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các Khoa Xã Hội mở Khoá Họp Khoáng Ðại lần thứ XII, Tôi chân thành gởi lời chào đến giáo sư và tất cả mọi thành viên; Tôi cầu chúc cho công cuộc nghiên cứu và thảo luận trong phiên họp hằng năm này, không những góp phần phát triển sự hiểu biết trong lãnh vực chuyên môn của quý thành viên, mà còn giúp cho giáo hội trong sứ mạng mang đến một chứng tá cho đường lối nhân triển đích thật, một khoa nhân triển được xây dựng trên sự thật và được hướng dẫn bởi ánh sáng Phúc Âm.
Phiên Họp Khoáng Ðại năm nay được dành cho một chủ đề hết sức hợp thời. Ðó là: Phải Chăng Giới Trẻ đang biến mất? Tình Liên Ðới với Trẻ Nhỏ và những Nguời Trẻ trong thời đại nhiều xáo trộn. Vài dấu hiệu trên bình diện dân số, đã chỉ rõ cho ta thấy nhu cầu khẩn thiết phải thực hiện một suy tư phân tích trong lãnh vực này. Tuy những con số thống kê và sự tăng truởng dân số đang được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có một đồng ý chung rằng chúng ta đang chứng kiến, trên bình diện toàn cầu, --- và các riêng tại những quốc gia đang phát triển, -- hai yếu tố có ý nghĩa và liên hệ với nhau: một đàng có sự gia tăng mức sống, và đàng khác có hiện tượng giãm sút mức sinh sản. Khi các xã hội trở thành già nua hơn, thì nhiều quốc gia, hay nhiều nhóm quốc gia bị thiếu số người trẻ để trẻ trung hoá dân số.
Hoàn cảnh nầy là hậu quả của nhiều nguyên nhân phức tạp --- và thường là do nguyên nhân kinh tế, xã hội và văn hoá --- mà quý vị đã đề nghị nghiên cứu. Nhưng những gốc rễ cuối cùng có thể được thấy trên bình diện luân lý và thiêng liêng; những gốc rễ này có liên hệ đến sự thiếu vắng đáng lo ngại về Ðức Tin, Ðức Cậy và dĩ nhiên Ðức Mến. Việc đưa những trẻ nhỏ vào đời, đòi buộc "tình yêu Eros" hướng về cái tôi, phải được kiện toàn trong tình yêu Agapê đầy sức sáng tạo, được ăn rễ trong sự quảng đại và được ghi dấu bởi lòng tin tưởng và hy vọng vào tương lai. Tự bản chất của nó, tình yêu hướng đến sự đời đời (x. TÐ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 6). Sự thiếu vắng của một tình yêu đầy sức sáng tạo và hưống về phía trước, có thể là lý do tại sao nhiều đôi bạn ngày nay chọn sống chung mà không kết hôn, là lý do tại sao nhiều hôn nhân bị đổ vỡ, và là lý do tại sao con số sinh đã bị giảm sút một cách đáng kể. Chính những trẻ nhỏ và những người trẻ thường là những kẻ đầu tiên phải cảm nghiệm những hậu quả của việc thiếu vắng tình yêu và hy vọng. Thường khi, thay vì cảm thấy được yêu thương và quý mến, những trẻ nhỏ và người trẻ cảm thấy dường như thể họ chỉ được tạm dung để sống mà thôi. Trong thời đại của nhiều xáo trộn, những trẻ nhỏ và người trẻ này bị thiếu sự hướng dẫn tương xứng trên bình diện luân lý, từ thế giới người lớn; và sự thiếu sót này gây hại nghiêm trọng cho sự phát triển trí thức và thiêng liêng của họ. Nhiều trẻ nhỏ giờ đây lớn lên bước vào trong một xã hội đã quên mất Thiên Chúa và quên mất phẩm vị bẩm sinh của con người, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong một thế giới đang chịu ảnh hưởng của những diễn biến mau lẹ của việc toàn cầu hoá, những trẻ nhỏ và người trẻ thường chỉ được giới thiệu với những quan niệm duy vật về vũ trụ, về sự sống và về sự thành toàn của con người.
Nhưng, tự bản chất, những trẻ nhỏ và người trẻ là những con người có nhiều cảm nhận, quảng đại, có lý tuởng cao và cởi mở hướng về sự siêu việt. Họ cần truớc hết được giới thiệu với tình yêu thương và với sự phát triển trong môi sinh lành mạnh, nơi mà họ có thể hiểu rằng họ được đưa vào đời, không phải do ngẫu nhiên, nhưng do hồng ân nằm trong chương trình đầy yêu thương của Thiên Chúa. Cha Mẹ, những nhà giáo dục và những lãnh đạo của cộng đoàn, --- nều họ muốn trung thành với ơn gọi riêng của mình, --- thì không bao giờ có thể từ chối bổn phận phải đề ra cho trẻ nhỏ và người trẻ trách vụ chọn lấy một dự án sống hướng đến hạnh phúc đích thực, một dự án sống có sức phân biệt giữa sự thật và sự dối trá, giữa thiện và ác, giữa công bằng và bất công, giữa thế giới thực và thế giới "ảo".
Trong cách thức có khoa học của quý vị để tiếp cận với nhiều vấn đề được bàn đến trong Khoá Họp, Tôi muốn khuyến khích quý vị hãy quan tâm nghiên cứu đúng mức những vấn đề phổ biến này và đặc biệt là vấn nạn về sự tự do con người, với hệ luận bao quát của nó trên quan niệm đúng đắn về con người và trên việc thực hiện sự trưởng thành tình cảm trong một cộng đoàn rộng rải hơn. Thật vậy, sự tự do nội tâm là điều kiện cho một trưởng thành nhân bản đích thực. Ở đâu sự tự do nội tâm này bị thiếu hoặc bị nguy hiểm, thì ở đó những người trẻ cảm thấy bị mất mát và trở thành những kẻ không còn khả năng để quảng đại nhắm đến những lý tưởng có thể hướng dẫn cuộc đời họ trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện như là thành phần của xã hội. Hậu quả là những người trẻ này có thể trở thành thối chí và nỗi lọan, và khả năng nhân bản bao la của họ bị điều hướng sai lạc, không đối diện được với những thách thức đầy khích lệ của cuộc sống.
Những người kitô, những kẻ tin rằng Phúc Âm soi sáng cho mọi khiá cạnh của đời sống cá nhân cũng như xã hội, sẽ nhìn thấy rõ chiều kích triết học và thần học của những vấn đề vừa nói, và nhìn thấy nhu cầu phải lưu ý đến sự đối lập căn bản giữa tội lỗi và ân sủng, một sự đối lập bao gồm tất cả mọi xung đột khác đang làm cho con tim con người bị xao xuyến: xung đột giữa sai lầm và sự thật, giữa tật xấu và nhân đức, giữa nổi lọan và cộng tác, giữa chiến tranh và hoà bình. Họ cần xác tín rằng đức tin, --- khi được sống thực trong sự trọn hảo của đức bác ái và được thông truyền cho những thế hệ đến sau, --- (rằng đức tin) là yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng một tương lai tốt hơn và trong việc duy trì tình liên đới giữa các thế hệ, cho đến mức tình liên đới này có thể nâng đỡ mọi cố gắng của con người nhắm xây dựng một nền văn minh tình thương trên nền tảng sự mạc khải của Thiên Chúa Tạo Hoá, trên việc tạo dựng con người nam nữ theo hình ảnh của Thiên Cha và trên chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và sự chết.
Các bạn thân mến, trong khi bày tỏ lòng biết ơn và sự nâng đỡ của tôi cho công cuộc nghiên cứu quan trọng của quý vị, đúng theo những phương pháp riêng của khoa chuyên môn của quý vị, tôi khuyến khích quý vị đừng bao giờ quên niềm hứng khởi và sự trợ giúp mà những nghiên cứu của quý vị có thể giúp cho những nguời trẻ thời đại chúng ta, trong cố gắng của họ muốn sống cuộc đời phong phú hoa trái và được mãn nguyện. Tôi chân thành khẩn xin Thiên Chúa chúc lành và ban sự khôn ngoan, sức mạnh và bình an cho quý vị và gia đình của quý vị, cho tất cả những ai có liên hệ với công việc của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Xã Hội.
Từ Ðiện Vatican, ngày 27 tháng 4 năm 2006
Bênêđitô XVI giáo hoàng.Quý vị và các bạn thân mến. Trên dây là Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi đến Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon, Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các Khoa Xã Hội, và cho tất cả các Tham Dự Viên Khóa Họp Khoáng Ðại lần thứ XII của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Xã Hội. Kính chào quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)