Những tâm tình của ÐTC Beneđitô XVI
trong ngày kỷ niệm Một Năm thi hành
thừa tác vụ Phêrô trên ngai toà Roma
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những tâm tình của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong ngày kỷ niệm Một Năm thi hành thừa tác vụ Phêrô trên ngai toà Roma.
(Radio Veritas Asia 20/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Buổi tiếp kiến chung lần thứ 47, vào sáng thứ Tư, ngày 19 tháng 4 năm 2006, là buổi tiếp kiến chung thật đặc biệt, vì hai lý do sau đây:
- Thứ nhất, vì đây là buổi tiếp kiến chung đúng vào ngày thứ Tư trong tuần Bát Nhật Phục Sinh.
- Và lý do thứ hai là vì Buổi Tiếp Kiến xảy ra đúng ngày kỷ niệm giáp Một Năm Ðức Bênêđitô XVI được chọn lên kế vị thánh Phêrô, tại ngai toà Roma.
Hai lý do đặc biệt này đã được ÐTC nhắc đến trong bài huấn đức dành cho các tín hữu, tham dự thật đông, tại quảng trường thánh Phêrô. Buổi tiếp kiến đã bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút sáng. Và Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã dùng trực thăng, để di chuyển từ nhà Nghỉ Mát ở Castel Gandolfo, về lại Vatican, để có buổi tiếp kiến này. Sau buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha trở lại Castel Gandolfo, để nghỉ thêm vài ngày nữa.
Giờ đây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài huấn đức của Ðức Thánh Cha, để cảm thông với những tâm tình của ngài trong ngày kỷ niệm Một Năm thi hành thừa tác vụ Phêrô trên ngai toà Roma. ÐTC đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Vào khởi đầu của buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay, diễn ra trong bầu khí vui tươi của Lễ Phục Sinh, tôi muốn cùng với anh chị em dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, Ðấng đã gọi tôi, cách đây đúng Một Năm, để phục vụ Giáo Hội, như người kế vị thánh Tông Ðồ Phêrô, và sau đó Ngài không ngừng trợ giúp tôi với sự hỗ trợ cần thiết. Xin cám ơn anh chị em vì đã bày tỏ niềm vui để mừng biến cố này; xin cám ơn anh chị em vì đã hoan hô ủng hộ tôi! Thời gian qua đi thật là mau! Một năm đã qua rồi, kể từ khi, --- một cách tuyệt đối không ngờ trước được và làm tôi kinh ngạc, --- (kể từ khi) quý vị hồng y họp nhau trong Mật Viện, đã quyết định chọn tôi, để kế nhiệm Ðức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng vĩ đại, và người Tôi Tớ đáng mến của Chúa. Tôi cảm động nhớ lại phản ứng đầu tiên của mình, khi đứng trên Bao Lơn Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô, liền sau khi được chọn, để tiếp xúc với các tín hữu tụ họp tại quảng trường. Tôi khắc ghi rõ trong tâm trí cuộc gặp gỡ đầu tiên này và những gặp gỡ tiếp theo đó; đây là những gặp gỡ đã làm cho tôi cảm nghiệm thật sự như thế nào điều mà tôi đã nói lên trong trong buổi lễ long trọng khai mạc thừa tác vụ Phêrô. Tôi đã nói như sau: "Tôi ý thức mạnh mẽ rằng tôi không một mình vác lấy điều mà trong thực tế tôi không bao giờ có thể vác lấy một mình!" Và càng ngày tôi càng cảm nghiệm sâu xa hơn rằng: tự một mình, tôi không thể vác lấy trách vụ này, không thể vác lấy sứ mạng này. Tôi cảm thấy anh chị em cùng vác với tôi: như thế tôi sống trong sự hiệp thông to lớn và cùng nhau chúng ta có thể chu toàn sứ mạng của Chúa. Sự trợ giúp của Thiên Chúa và của các thánh từ trời cao là một sự nâng đỡ không thể nào thay thế được; và thưa anh chị em, những người bạn thân mến của tôi, sự hiện diện của anh chị em bên cạnh, là điều làm cho tôi được an ủi và thêm sức mạnh. Tôi hết lòng cám ơn tất cả những ai, bằng nhiều cách khác nhau, hiện diện bên cạnh tôi, hoặc từ xa trong tinh thần đồng hành với tôi qua lời cầu nguyện và tâm tình mộ mến dành cho tôi. Tôi xin mỗi người hãy tiếp tục nâng đỡ tôi, bằng lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban cho tôi ơn được làm vị chủ chăn hiền lành và kiên vững của Giáo Hội Chúa.
Thánh sử Gioan kể lại rằng Chúa Giêsu, liền sau khi phục sinh, đã ra lệnh cho Phêrô hãy chăm sóc đoàn chiên Chúa (x. Gn 21,15 và 23). Thử hỏi ai có thể tưởng tượng được sự phát triển, trong dòng các thế kỷ, đã ghi dấu nhóm nhỏ các môn đệ của Chúa? Thánh Phêrô, cùng với các tông đồ, và những kẻ kế vị các ngài, trước hết tại Giêrusalem và sau đó cho đến tận cùng trái đất, đã can đảm phổ biến sứ điệp phúc âm, mà điểm cốt yếu căn bản và không thể nào bỏ qua được, là điểm do Mầu Nhiệm Vượt Qua quyết định: đó là cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm này vào lễ Phục Sinh, vừa kéo dài thêm dư âm vui tươi trong những ngày kế tiếp; Giáo Hội hát lên bài ca Alleluia, vì Chúa Kitô đã chiến thắng sự dữ và cái chết. Ðức Giáo Hoàng Lêô Cả ghi nhận như sau: Việc cử hành lễ Phục Sinh, theo một ngày lịch nhất định, nhắc chúng ta nhớ đến Ngày Lễ Vĩnh Cửu, vượt qua mọi thời gian của con người". Ðức Lêô Cả còn nói thêm như sau: "Lễ Phục Sinh hiện tại là hình bóng cho Lễ Vượt Qua tương lai. Chính vì thế mà chúng ta cử hành lễ Phục Sinh, để đi từ lễ mừng hằng năm đến lễ mừng vĩnh cửu". Niềm vui của những ngày này kéo dài bao trùm toàn thể năm Phụng Vụ và được cử hành cách đặc biệt vào ngày Chúa Nhật, ngày được dành riêng để ghi nhớ sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày đó, giống như ngày "Lễ Phục Sinh nhỏ" cho mỗi tuần lễ, cộng đoàn phụng vụ họp nhau cử hành Thánh Lễ và tuyên xưng trong kinh Tin Kính rằng Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba, và thêm rằng "chúng tôi mong đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau". Như thế, người ta muốn nói lên rằng: biến cố chết và sống lại của Chúa Giêsu là biến cố trung tâm của Ðức Tin chúng ta; và chính dựa trên lời rao giảng này mà Giáo Hội được thành lập và phát triển. Thánh Augustinô đã nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng: "anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy chiêm ngắm sự phục sinh của Chúa Kitô; cũng như cuộc Thương Khó của Chúa có ý nghĩa đối với cuộc sống cũ của chúng ta, thì cũng thế sự Phục Sinh của Chúa là bí tích của sự sống mới... Con đã tin như thế, và con đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Ðời sống cũ đã chết rồi, đã bị giết chết trên Thập Giá, và được chôn trong bí tích Rửa Tội. Sự sống cũ của con đã được mai táng trong Mộ: sự sống mới được bắt đầu. Con hãy sống tốt: hãy sống như con đáng được sống, ngõ hầu khi con chết, con lại không phải chết" (trích Bài Giảng, 9,3).
Những bài tường thuật phúc âm về những lần Chúa Phục sinh hiện ra, thường kết thúc bằng lời mời gọi hãy vượt qua mọi nghi ngờ, hãy đối chiếu biến cố với Kinh Thánh, hãy rao giảng rằng Chúa Giêsu đã vượt qua sự chết, là Ðấng hằng sống, là nguồn mạch sự sống mới cho tất cả những ai tin Chúa. Ðó là điều xảy ra chẳng hạn như trong trường hợp của bà Maria Madalêna (x. Gn 20,11-18); Bà khám phá ngôi Mộ đã được mở ra và trống không, và lo sợ xác Chúa đã bị đem đi nơi khác. Nhưng Chúa đến gọi đích danh bà; và trong giây phút đó, đã có một thay đổi sâu xa nơi con người bà: sự thất vọng và mất định hướng được biến đổi thành niềm vui và sự hăng say. Bà mau mắn đến với các tông đồ và loan báo rằng: "Tôi đã thấy Chúa" (Gn 20,18). Ðây là bài học được rút ra: Ai gặp được Chúa Kitô phục sinh, thì người đó được biến đổi từ nội tâm; người ta không thể nào "thấy" Chúa Phục Sinh, mà không tin vào Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa gọi đích danh mỗi người chúng ta và như thế biến đổi chúng ta, mở rộng tâm trí chúng ta chấp nhận cái nhìn Ðức Tin. Ðức Tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ đích thân với Chúa Kitô Phục Sinh và trở thành sức mạnh phát sinh lòng can đảm và sự tự do, làm ta cao rao cho thế giới biết rằng: Chúa Giêsu đã phục sinh và Ngài luôn sống mãi. Và đó là sứ mạng của những môn đệ Chúa thuộc mọi thời đại và cả thời đại chúng ta. Thánh Phaolô đã khuyên như sau: Nếu anh em phục sinh cùng với Chúa Kitô, anh em hãy tìm những điều trên trời... anh em hãy nghĩ đến những điều trên trời, chớ đừng nghĩ đến những sự trên trần gian này" (Col 3,1-2). Ðiều này khoông có nghĩa là sống xa lạ với những thực tại trần thế; đúng hơn, nó có nghĩa là linh động mọi hoạt động của con người như hơi thở siêu nhiên thổi vào đó, có nghĩa là làm cho mình trở thành những kẻ vui tươi rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng hằng sống muôn đời (x. Gn 20,25; Lc 24, 33-34).
Anh chị em thân mến,
Trong sự Phục Sinh của Con Một Ngài, Thiên Chúa Cha mạc khải trọn vẹn chính mình Ngài, mạc khải sức mạnh của Ngài chiến thắng trên những quyền lực của sự chết, mạc khải sức mạnh của Tình Yêu Ba Ngôi. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng được kết hiệp mật thiết với cuộc thương khó, cái chết, và sự sống lại của Con Thiên Chúa, và là Ðấng, dưới chân thập giá, đã trở nên Mẹ của tất cả mọi kẻ tin, nguyện xin Mẹ giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm tình yêu này, mầu nhiệm có sức thay đổi mọi con tim và làm cho chúng ta nếm hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh, để rồi, đến phiên mình, chúng ta có thể thông truyền niềm vui đó cho những con nguời nam nữ của ngàn năm thứ ba.
Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là bài huấn đức của ÐTC Bênêđitô XVI, trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư, ngày 19 tháng 4 năm 2006, ngày kỷ niệm giáp một năm ngài làm giáo hoàng. ÐTC đã chia sẻ những tâm tình của ngài trong dịp kỷ niệm này, và chia sẻ những suy niệm về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Kết thúc buổi tiếp kiến, ÐTC đã lên tiếng kêu gọi hãy bắt đầu lại những bước dẫn đến cuộc sống hòa bình và an ninh, sau khi hay tin về cuộc nổ bôm tự sát tại thủ đô Tel Aviv của Israel:
"Tôi hết sức đau buồn khi hay tin về cuộc mưu sát khủng khiếp đã xảy ra tại Tel Aviv, Israel, hôm thứ Hai vừa qua (17/04/2006). Và tôi cảm thấy bổn phận nói lên lời kết án mạnh mẽ nhất đối với hành động khủng bố như thế. Người ta không thể bảo vệ những quyền lợi chính đáng của một dân tộc, bằng những hành động đáng ghê tởm như thế. Nguyện Xin Chúa Phục Sinh, Hoàng tử của Hoà Bình, hiện diện gần bên cạnh những anh chị em Do Thái và Palestine, ngõ hầu họ đừng đi đến những hành động trả thù bi thảm, nhưng bắt đầu đi lại những bước dẫn đến cuộc sống trong hoà bình và an ninh, bên cạnh nhau, như những người con của cùng một Cha trên trời."
Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)