Bài Giảng của ÐTC Bênêđitô XVI

trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh

tối thứ Bảy Tuần Thánh, 15/04/2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, tối thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 15 tháng 4 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 16/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài giảng thánh lễ Vọng Phục Sinh, tối thứ Bảy tuần thánh, ngày 15 tháng 4 năm 2006, ÐTC Beneđitô XVI không những đã xác nhận tính cách khách quan của biến cố Chúa Sống Lại, nhưng ngài còn giải thích về ảnh hưởng của biến cố Chúa Phục Sinh trên thế giới, trên lịch sử nhân lọai, và nhất là trên mỗi môn đệ Chúa, là chúng ta đây. ÐTC đã quả quyết rằng biến cố Chúa Phục Sinh là như một sự "Bùng Nổ", là như "Bước Nhảy Vọt" về phẩm chất trong lịch sử, là biến cố có liên quan đến và biến đổi cuộc sống con người. Mọi đồ đệ của Chúa Phục Sinh đều được Chết và Sống Lại. Qua Bí Tích Rửa Tội đã lãnh nhận, mọi môn đệ của Chúa, mọi người kitô, được tháp nhập vào trong sự Sống Thật của Chúa. Kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài giảng của ÐTC như sau:

 

Anh chị em thân mến,

"Các người đến tìm Ðức Giêsu Nazareth, Ðấng chịu đóng đinh. Ngài đã Phục Sinh. Ngài không còn ở đây nữa!" (Mc 16,6).

Vị sứ giả của Thiên Chúa, mặc áo chiếu sáng, đã nói như thế với những người nữ đến tìm xác Chúa nơi ngôi mộ. Và trong đêm canh thức này, tác giả phúc âm cũng nói với chúng ta như thế: Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ. Ngài vẫn sống; và như là Ðấng Hằng Sống, ngài bước đi trước chúng ta; ngài mời gọi chúng ta theo Ngài, Ðấng hằng sống, và mời gọi chúng ta hãy tìm gặp con đường sự sống.

"Ngài đã phục sinh... Ngài không còn ở đây!" Khi Chúa Giêsu nói lần đầu tiên với các môn đệ về Thập Giá và Phục Sinh, thì các ngài, -- lúc đó đang đi xuống núi sau biến cố Chúa Biến Hình, -- (thì các ngài) đã thắc mắc với nhau không biết Chúa muốn nói gì khi nói về việc "sống lại từ kẻ chết" (Mc 9,10). Ðến lễ Phục Sinh, chúng ta vui mừng lên, bởi vì Chúa Kitô không còn ở lại trong mồ; thân xác Chúa không bị hư nát; Chúa thuộc về thế giới của những kẻ sống, chớ không thuộc về thế giới của những kẻ chết; chúng ta vui mừng bởi vì Ngài --- như chúng ta vừa công bố trong nghi thức Nến Phục Sinh - là Alfa và Omêga; Ngài hiện hữu không phải chỉ hôm qua, nhưng còn hiện hữu hôm nay và mãi mãi muôn đời (x. Thư do thái 13,8). Tuy nhiên, một cách nào đó, sự phục sinh của Chúa nằm ở ngoài chân trời thế giới chúng ta đang sống, nằm bên ngoài tất cả những kinh nghiệm của chúng ta, đến độ, khi trở về lại với chính mình, chúng ta tiếp tục cuộc tranh luận của các môn đệ: thử hỏi "sống lại" có nghĩa là gì? Sống lại có ý nghĩa gì cho chúng ta hôm nay hay không? Sống lại có nghĩa gì cho thế giới và cho toàn thể lịch sử hay không? Một nhà thần học người Ðức có lần đã nói cách châm biếm rằng phép lạ của một thân xác được hồi sinh --- nếu điều nầy thực sự đã xảy ra, và nhà thần học này đã không tin là đã thật sự xảy ra như thế!!! -- cuối cùng cũng không có gì quan trọng cả, bởi vì không có liên hệ gì với chúng ta. Thật ra, nếu chỉ một con người nào đó được hồi sinh, rồi thôi không còn ai khác nữa, thì sự việc này có gì liên quan đến chúng ta? Nhưng sự phục sinh của Chúa Kitô, quả thật, là một cái gì trổi vượt hơn, là một điều khác xa. Sự Phục Sinh của Chúa, -- nếu chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ của lý thuyết về sự biến hoá - là một sự "biến đổi" to lớn nhất, là một cái "nhảy vọt" một cách tuyệt đối đến chiều kích hết sức mới mẻ, đến độ trong suốt lịch sử của sự sống và lịch sử của những phát triển của nó, đã không bao giờ xảy ra: một cái "nhảy vọt" trong trật tự hoàn toàn mới mẻ, có liên quan đến chúng ta và liên quan đến toàn thể lịch sử.

Cuộc tranh luận đã xảy ra giữa các môn đệ, có lẽ bao gồm những câu hỏi sau đây: Ðiều gì đã xảy ra ở ngôi mộ? Ðiều này có ý nghĩa gì cho chúng ta, cho toàn thế giới, và cho chính cá nhân tôi? Trước hết: thử hỏi điều gì đã xảy ra? Chúa Giêsu không còn ở trong ngôi mộ nữa. Ngài có một sự sống hoàn toàn mới mẻ. Nhưng thử hỏi: điều này đã có thể xảy ra như thế nào? Thử hỏi có những sức mạnh nào tác động trong đó? Chắc chắn rằng con người Giêsu này không cô độc một mình, không phải là một cái "Tôi" đóng kín trong chính mình. Chúa Giêsu là Một-với-Thiên-Chúa Cha hằng sống, được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha đến độ kết thành Một với Ngài. Có thể nói, Chúa Giêsu được bao gồm trong Ðấng là chính sự sống, được bao bọc không phải chỉ trong tình cảm, nhưng được bao gồm và ăn sâu vào trong hữu thể của Chúa. Sự sống của Chúa không còn chỉ là riêng của Chúa, nhưng là sự hiệp thông thiết yếu với Thiên Chúa Cha, được hoà nhập vào trong Thiên Chúa, và do đó không thể nào thực sự tách ra khỏi sự sống Thiên Chúa. Vì tình yêu, Chúa Giêsu có thể để cho người ta giết hại mình; và chính vì thế mà Chúa bẻ gãy được tính cách vĩnh viễn của cái chết, bởi vì nơi Chúa có hiện diện tính cách vĩnh viễn của sự sống. Chúa là Một với sự sống không thể nào hủy diệt được, đến độ qua cái chết, sự sống được khai mở lại. Chúng ta diễn tả cùng một điều như vậy một lần nữa, nhưng từ khía cạnh khác. Cái chết của Chúa Giêsu là một hành động của tình yêu. Trong bữa tiệc ly, Chúa "thực hiện trước" cái chết của Chúa và biến cái chết thành việc cho đi chính mình. Sự hiệp thông thiết yếu với Thiên Chúa một cách cụ thể là sự hiệp thông thiết yếu với tình yêu Thiên Chúa; và tình yêu thương này là sức mạnh thật sự chống lại cái chết, là mạnh hơn sự chết. Sự sống lại là như một sự "bùng nổ ánh sáng", một sự "bùng nổ của tình yêu" phá tan đi sự liên kết -- mà từ trước đến nay vẫn không thể tách rời ra được, --- giữa "chết và biến đổi". Sự sống lại của Chúa đưa vào một chiều kích mới cho hữu thể, một chiều kích mới cho sự sống, trong đó thể chất cũng được biến đổi, và qua thể chất được biến đổi này, một thế giới mới được khai mở.

Ðiều rõ ràng là biến cố Chúa Sống Lại không phải là một phép lạ thường tình nào đó trong quá khứ, mà trước nó, chúng ta có thể sống dửng dưng. Biến Cố Chúa Phục Sinh là "bước nhảy vọt" về phẩm chất trong lịch sử "tiến hoá", là bước nhảy vọt của sự sống nói chung, tiến đến sự sống mới trong tương lai, tiến đến một thế giới mới; thế giới mới này, khởi sự từ Chúa Kitô, đã bắt đầu thấm nhập liên lỉ vào trong thế giới chúng ta đang sống, biến đổi thế giới này và lôi kéo thế giới này đến với thế giới mới. Nhưng thử hỏi làm sao điều này có thể xảy ra? Làm sao điều này thật sự xảy ra cho tôi và lôi kéo đời sống tôi đến với biến cố (Chúa Phục Sinh) và lôi kéo đời sống tôi lên cao? Câu trả lời thoạt tiên xem ra mới lạ làm ta ngạc nhiên, nhưng lại là câu trả lời đúng thật; đó là: biến cố Chúa Phục Sinh đến với tôi nhờ qua đức tin và bí tích Rửa Tội. Vì thế, bí tích Rửa Tội là thành phần của nghi thức Vọng Phục Sinh, như được nhấn mạnh trong buổi cử hành Vọng Phục Sinh này, qua việc trao ban những bí tích khai tâm kitô, cho vài anh chị em đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Bí Tích Rửa Tội nói lên điều này; và đây không phải là một biến cố của quá khứ, nhưng là một "bước nhảy vọt" về phẩm chất của lịch sử phổ quát, biến cố xảy ra cho tôi, chạm đến tôi và lôi cuốn tôi. Bí Tích Rửa Tội là điều hết sức khác biệt với hành vi "để làm quen với nhau" trong giáo hội, là điều khác biệt với một nghi thức hơi lỗi thời và phức tạp để tiếp nhận ai đó vào trong giáo hội. Bí Tích Rửa Tội là một cái gì hơn là việc Tẩy Rửa, là một cái gì hơn là việc thanh luyện và làm đẹp cho linh hồn. Bí Tích Rửa Tội là thật sự Chết và Sống Lại, là sinh ra lại, là biến đổi thành sự sống mới.

Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu được điều này? Tôi nghĩ rằng điều xảy ra trong bí tích Rửa Tội có thể được giải thích cách dễ dàng hơn cho chúng ta, nếu chúng ta đọc phần cuối cùng của lời tự thuật ngắn về dung mạo tinh thần của ngài mà thánh Phaolô để lại cho chúng ta trong thư Galata. Những lời kết thúc có tích chứa nội dung chính của tự thuật đời ngài như sau: Không còn là Tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi" (thư Galata 2, 20). Tôi sống, nhưng không còn là tôi nữa. Cái "Tôi", cái "căn cước thiết yếu" của con người - và ở đây là của con người thánh Phaolô - đã được thay đổi. Ngài còn hiện hữu, nhưng đồng thời ngài không còn hiện hữu nữa. Ngài đã "đi qua" cái "không", và giờ đây ngài gặp lại chính mình tiếp tục hiện hữu trong cái "không" này: "Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống". Với những lời này, thánh Phaolô không nói về kinh nghiệm thần bí mà ngài có thể đã được Thiên Chúa ban cho, và kinh nghiệm có thể có ý nghĩa cho chúng ta từ quan điểm tìm hiểu về cuộc đời ngài. Không, câu nói của thánh Phaolô, như vừa trích lại trên đây, nói lên điều đã xảy ra trong bí tích Rửa Tội. Cái "Tôi" bị cất lấy đi khỏi con người tôi và được nhập vào trong một chủ thể mới và cao trọng hơn. Ðiều này có nghĩa là cái "Tôi" được ban lại cho tôi, nhưng đây là cái "Tôi" đã được biến đổi rồi, được bẻ ra, được mở ra, nhờ qua việc được tháp nhập vào trong chủ thể khác, trong đó "Tôi" có được sự hiện hữu mới. Thánh Phaolô giải thích lại một lần nữa cùng một điều như thế cho chúng ta, nhưng từ một khía cạnh khác, nơi chương 3 của thư Galata, khi ngài nói về lời hứa; thánh nhân nói rằng lời hứa đã đuợc ban cho cá nhân - cho một con người --- cho Chúa Kitô. Chỉ mình Chúa Kitô mang trong mình trọn cả lời hứa. Nhưng thử hỏi điều gì xảy ra cho chúng ta? Thánh Phaolô trả lời như sau: Anh em đã trở nên một trong Chúa Kitô (x. Gal 3,28). Không phải chỉ trở nên một "cái gì" đó, nhưng trở nên Một Chủ Thể mới duy nhất. Sự giải thoát cái "Tôi" của chúng ta ra khỏi sự tách biệt cô đơn, việc gặp lại chính mình trong một chủ thể mới, có nghĩa là gặp lại chính mình trong cái "bao la vô cùng" của Thiên Chúa và được lôi cuốn vào trong sự sống, một sự sống đã được đưa ra khỏi vòng "chết đi và biến đổi". Sự bùng nổ của biến cố Phục Sinh đã chiếm lấy chúng ta trong bí tích Rửa Tội, để có thể lôi kéo chúng ta tiến tới. Như thế, chúng ta được liên kết với chiều kích mới của sự sống, chiều kích mà cách nào đó chúng ta đã được đưa vào trước rồi, giữa những thăng trầm của ngày sống chúng ta. Sống cuộc sống của chính mình như là một cuộc liên lỉ bước vào trong khoảng rộng thần linh bao la: đó là ý nghĩa của việc được Rửa Tội, của việc sống đời kitô. Ðây là niềm vui của lễ Vọng Phục Sinh. Biến Cố Chúa Phục Sinh không phải là một sự cố đã qua rồi trong quá khứ. Biến cố Chúa Phục Sinh đã chạm đến chúng ta ngày hôm nay, và đã chiếm lấy chúng ta. Chúng ta nắm lấy biến cố, chúng ta nắm lấy Chúa Phục Sinh, và chúng ta biết rằng Chúa nắm lấy chúng ta cách vững chắc, cả khi đôi tay của chúng ta trở thành yếu đi. Chúng ta nắm lấy tay Chúa, và như thế chúng ta cũng nắm lấy tay nhau, và chúng ta trở thành một chủ thể duy nhất, chớ không phải trở thành một "cái gì đó". "Tôi sống, nhưng không phải là Tôi sống": đây là công thức của đời kitô được ăn rễ sâu trong Bí Tích Rửa Tội; đây là công thức của sự Sống Lại trong thời gian. Tôi sống, nhưng không phải là Tôi sống. Nếu chúng ta sống trong cách thức này, chúng ta biến đổi thế giới. Ðây là công thức sống nghịch lại tất cả mọi ý thức hệ của bạo lực; đây là chương trình chống lại sự hư nát và chống lại ao ước có quyền hành và chiếm hữu của cải.

Trong Phúc âm theo thánh Gioan, nơi chương 14 câu 19, có ghi lại lời nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ, là chúng ta, như sau: "Thầy sống và chúng con cũng được sống". Chúng ta sẽ sống nhờ qua sự hiệp thông hiện hữu với Chúa, nhờ được thấm nhập vào Chúa, Ðấng là chính sự sống. Chúng ta có được sự Sống đời đời, có được hạnh phúc trường sinh, nhưng không phải do chính chúng ta hoặc trong chính chúng ta, mà nhờ qua một tương quan, nhờ qua sự hiệp thông hiện hữu với Ðấng là sự Thật và là Tình Yêu và do đó, là Ðời đời: Ðấng đó là chính Thiên Chúa. Chỉ một đặc tính đơn thuần không thể huỷ diệt được của linh hồn nơi tự chính nó, (chỉ đặc tínhnày không mà thôi) không thể mang đến ý nghĩa cho sự sống đời đời; Chỉ đặc tính không thể hủy diệt được của linh hồn, không thể mang đến cho linh hồn sự sống đích thực. Sự sống đến với chúng ta từ việc chúng ta được yêu thương bởi Ðấng là Sự Sống; Sự sống đến với chúng ta nhờ sống với Chúa và yêu thương với Chúa. Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống nữa. Ðây là con đường của Thập Giá, con đường "vượt qua" một cuộc sống bị đóng kín trong cái "Tôi", và như thế mở ra con đường tiến đến niềm vui đích thật và bền vững.

Như thế chúng ta có thể hát lên với lòng tràn đầy niềm vui, cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Ex-sul-tet , Hãy Vui Lên, như sau: "Hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên... hỡi trái đất, hãy nhảy mừng". Sự Phục Sinh của Chúa là biến cố bao trùm toàn thể vũ trụ, bao trùm trời và đất, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca "Hãy Vui Lên", chúng ta có thể cao rao "Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân lọai, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời". Amen!

 

Quý vị và các bạn thân mến. Như thế, qua bài giảng trên đây, chúng ta đã nghe Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI giải thích về sự biến đổi nơi mỗi người chúng ta nhờ qua bí tích Rửa Tội, nhờ việc chúng ta được tháp nhập vào Chúa Phục Sinh: "Tôi sống, nhưng không phải là tôi nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi!"

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page