Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2006
của ÐTC Bênêđitô XVI
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2006 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.
(Radio Veritas Asia 17/04/2006) Quý vị và các bạn thân mến. Ngày 16 tháng 4 năm 2006, Chúa Nhật Phục Sinh, là ngày mừng Sinh Nhật thứ 79 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI. Lúc 10 giờ 30 phút sáng, ÐTC đã cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của khoảng 100 ngàn tín hữu. Ðó là chưa kể đến hàng trăm triệu tín hữu khác trên thế giới theo dõi biến cố qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, và internet. Sau thánh lễ và vào lúc 12 giờ Trưa, ÐTC đã xuất hiện nơi Bao Lơn Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô, để đọc Sứ Ðiệp Phục Sinh gởi toàn thế giới, và ban phép lành trọng thể (Urbi et Orbi) cho thành Roma và cho toàn thế giới, cùng với ơn toàn xá, với điều kiện thông thường để lãnh nhận ơn toàn xá là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của Ðức Thánh Cha. Trong sứ điệp, sau khi công bố Tin Vui Mừng Chúa đã Phục Sinh, ÐTC cầu chúc sức mạnh của Chúa Phục Sinh mang hoà bình và hoà giải đến cho nhiều dân tộc nhiều vùng trên thế giới, tại Phi Châu, Trung Ðông, tại Thánh Ðịa và Châu Mỹ Latinh. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Christus Resurrexit! Chúa Kitô đã sống lại!
Lễ nghi Canh Thức long trọng của đêm qua đã làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, mầu nhiệm trung tâm của đức tin kitô. Vô số những cây nến phục sinh đã được đốt lên trong các nhà thờ để biểu trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang soi sáng cho nhân loại, ánh sáng luôn chiến thắng những bóng tối của tội lỗi và sự dữ. Và hôm nay vang lên lại những lời quyền năng đã gây kinh ngạc cho những người nữ, vào sáng sớm của ngày thứ nhất sau ngày nghỉ Sabbat, đến Mộ Chúa, nơi thân xác Chúa Kitô được đặt vào, sau khi đã được vội vã đem xuống khỏi thập giá. Ưu buồn và thất vọng vì đã mất Thầy, các người nữ đã thấy tảng đá lớn nơi cửa Mộ được lăn qua một bên, và khi tiến vào bên trong họ thấy thân xác Chúa không còn đó nữa. Trong khi các người nữ còn đứng đó vô định và ngỡ ngàng, thì có hai người mặc áo chói sáng lên tiếng làm các bà giật mình: "Tại sao các người đi tìm Ðấng hằng sống nơi những kẻ chết? Chúa không còn ở đây. Người đã sống lại rồi" (Lc 24, 5-6)". Non est hic, sed resurrexit" (Lc 24,6). Từ buổi sáng hôm đó, những lời nầy không ngừng vang lên trong vũ trụ như lời loan báo vui mừng, không bao giờ đổi thay qua các thế kỷ và đồng thời mang theo những ý nghĩa vô cùng tận và luôn mới mẻ.
"Chúa không còn ở đây... Người đã sống lại". Những sứ giả từ trời cao thông truyền trước hết rằng Chúa Giêsu "không có ở đây": Con Thiên Chúa không còn ở trong Mộ, bởi vì Ngài không thể nào là người tù của sự chết (x. TÐCV 2,24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại "Ðấng hằng sống" (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống. Như ông Giona nằm trong bụng con cá, thì cũng thế Chúa Kitô chịu đóng đinh đã phải chịu chôn trong lòng đất (x. Mt 12,40) trong khoảng thời gian bằng ngày nghỉ Sabbat. Ngày nghỉ Sabbat này quả thật là "ngày quan trọng", như thánh sử Gioan đã viết nơi phúc âm của ngài (19,31): đây là ngày long trọng nhất của lịch sử, bởi vì trong ngày này "Ðấng là chủ của ngày Sabbat" (Mt 12,8) đã làm cho công cuộc tạo dựng đạt đến mức trọn vẹn (x. Stk 2,1-4a), bằng cách nâng cao con người và toàn thể vũ trụ để hưởng sự tự do của vinh quang các con cái Thiên Chúa (x. Roma 8,21). Sau khi công cuộc kỳ diệu nói trên được hoàn tất, thân xác đã chết đã được làn hơi sống của Thiên Chúa chuyển vào và đã sống lại hiển vinh, sau khi bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các thiên sứ đã tuyên bố: "Người không còn ở đây", Người không còn có thể ở lại trong Mộ nữa. Người đã hành trình trên đất sống của con người, đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như tất cả mọi người, nhưng đã chiến thắng sự chết và, một cách hoàn toàn mới mẻ, do bởi một hành động của tình yêu tinh tuyền, Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời.
Nhờ bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Người, sự Phục Sinh của Chúa trở thành sự phục sinh của chúng ta. Tiên Tri Ezechiel đã loan báo trước điều này như sau: "Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel" (Ezechiel 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Phục Sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng tạo hoá; ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đã thay đổi lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ và sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.
Ước gì Thánh Thần của Ðấng Phục Sinh một cách đặc biệt mang niềm an ủi và an ninh đến Phi Châu cho các dân tộc tại Darfur, đang lâm vào cảnh sống bi thảm, mà trên bình diện nhân đạo không còn có thể chịu đựng được nữa; Ước gì Thánh Thần của Ðấng Phục Sinh mang niềm an ủi và an ninh cho những dân tộc Phi Châu tại vùng Ðại Hồ, nơi nhiều vết thương chưa được chữa lành; mang an ủi và an ninh cho nhiều dân tộc tại Phi Châu đang khao khát sự hoà giải, sự công bằng và sự phát triển. Tại Iraq, ước gì cuối cùng hoà bình được thắng thế trên bạo lực bi thảm, một bạo lực vẫn còn tiếp tục gây thêm những nạn nhân mà không chút thương tâm. Tôi hết sức cầu chúc hoà bình cho những ai có liên hệ vào cuộc xung đột tại Thánh Ðịa, vừa mời gọi tất cả hãy kiên trì đối thọai để cất đi những trở ngại cũ và mới, vừa tránh đi những cám dỗ muốn đàn áp trả đũa, vừa giáo dục những thế hệ mới biết tôn trọng lẫn nhau. Ước gì cộng đồng quốc tế, một cộng đồng tái xác nhận quyền chính đáng của dân tộc Israel được hiện hữu trong hoà bình, hãy trợ giúp dân tộc Palestine vượt qua được những hoàn cảnh sống tạm bợ và giúp họ xây dựng tương lai, bằng cách tiến tới việc thiết lập một Quốc Gia đích thật và riêng biệt cho họ. Nguyện xin Thánh Thần của Ðấng Phục Sinh khơi dậy sức năng động mới trong dấn thân của các quốc gia tại Châu mỹ la tinh, ngõ hầu được trở nên tốt hơn những cảnh sống của hàng triệu người dân, và được củng cố những thể chế dân chủ, trong tinh thần hoà hợp và liên đới hữu hiệu. Còn đối với những gì liên hệ đến cuộc khủng hoảng quốc tế về nguyên tử, ước chi người ta đạt đến một giải pháp danh dự cho tất cả mọi thành phần, nhờ qua những thương thuyết nghiêm chỉnh và chân thành; và ước gì được củng cố, nơi những Vị có trách nhiệm các Quốc Gia và Các Tổ Chức Quốc tế, ý chí thực hiện một cuộc chung sống hoà bình giữa các sắc dân, các nền văn hoá và các tôn giáo, một cuộc chung sống có thể đẩy xa đi sự hăm dọa của nạn khủng bố.
Nguyện Xin Chúa Phục Sinh làm cho mọi người khắp nơi cảm nghiệm được sức mạnh của Ngài, sức mạnh của sự sống, hoà bình và tự do. Ước gì ngày hôm nay được ngỏ với tất cả mọi người những lời mà vào sáng ngày Phục Sinh sứ thần đã nói để trấn an những tâm hồn đang còn lo sợ của những người nữ: "Các người đừng sợ!... Chúa không còn ở đây. Chúa đã sống lại rồi" (Mt 28,5-6). Chúa Giêsu đã sống lại và ban cho chúng ta bình an. Chính Người là sự Bình An. Vì thế, một cách mạnh mẽ, giáo hội lặp lại: "Chúa Kitô đã sống lại! Christos anesti". Ước gì nhân loại của ngàn năm thứ ba không sợ mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa. Ước gì Tin Mừng của Chúa thỏa mãn hoàn toàn niềm khao khát hoà bình và hạnh phút hiện diện nơi con tim mọi người. Chúa Kitô vẫn sống và đồng hành với chúng ta. Ðây là mầu nhiệm vô cùng của tình yêu! Chúa Kitô đã sống lại, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu! Alleluia! Christus resurrexit, quia Deus caritas est! Alleluia.
Quý vị và các bạn thân mến. Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha đã chào chúc Phục Sinh bằng 62 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt Nam như sau (Mừng Lễ Phục Sinh). Cuối cùng đến phần ban Phép Lành Trọng Thể, gọi là Phép Lành Urbi et Orbi, cho thành Roma và cho toàn thế giới, là phép lành được ban với ơn Toàn Xá, theo những điều kiện thông thường để lãnh nhận ơn toàn xá, là xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý của Ðức Thánh Cha.
Ðức Hồng Y giúp bên cạnh Ðức Thánh Cha bắt đầu loan báo cho mọi người biết ÐTC ban phép lành toàn xá cho mọi người hiện diện cũng như cho tất cả những ai theo dõi Sứ Ðiệp Phục Sinh qua truyền thanh và truyền hình. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha được sức khoẻ, cho Giáo Hội được sống trong hoàn cảnh an bình... Sau đó Ðức Thánh Cha đọc lời "xin vì công nghiệp của các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, của Ðức Mẹ và các Thánh, xin Thiên Chúa thương tha thứ mọi tội lỗi..." Rồi Ðức Thánh Cha đọc lời ban ơn Xá Giải... Và công thức ban phép lành.
(Ðặng Thế Dũng)